Hội nghị G7: Đánh dấu sự trở lại của các mối quan hệ đối tác truyền thống

Trong hai tháng liên tiếp, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã lần lượt tổ chức Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao (tháng 5-2021) và Hội nghị thượng đỉnh (tháng 6-2021) tại Thủ đô London (Anh). Các Hội nghị thảo luận một loạt chủ đề quan trọng trong quan hệ quốc tế, trọng tâm là quan hệ với Nga và Trung Quốc. Liệu các hội nghị này có đánh dấu sự trở lại của các mối quan hệ đối tác truyền thống hay là cơ hội để khẳng định lại sức ảnh hưởng của các nước phương Tây? Đây là những điều mà dư luận quốc tế quan tâm.
 Các đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Anh _ Ảnh: AFP/TTXVN
Các nước G7 “trở lại” vì mục tiêu chung

Hội nghị Ngoại trưởng G7 đánh dấu lần họp trực tiếp đầu tiên của nhóm trong hai năm qua, cũng là cuộc họp trù bị cho Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra tại Vịnh Carbis, thuộc hạt Cornwall, miền Tây Nam nước Anh, từ ngày 11 đến ngày 13-6-2021, theo hình thức trực tuyến.

Trước thềm Hội nghị Ngoại trưởng G7, các chuyên gia phân tích cho rằng tại Hội nghị lần này, Anh sẽ đưa ra các vấn đề quan trọng trong quan hệ quốc tế, như liên quan đến Trung Quốc, Nga, Myanmar, Libya, Syria, Ethiopia, Iran, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên và Somalia. Trước đó, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết, G7 sẽ xem xét đề xuất xây dựng một cơ chế phản ứng nhanh để chống lại thông tin được cho là sai lệch của Nga. Trong khi đó, giới truyền thông của Mỹ và Anh thì cho rằng, Anh đang muốn tận dụng “thái độ sẵn sàng” của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm tái tham gia vào các nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu và khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Iran. Ngoại trưởng Anh và Mỹ sẽ gặp nhau để thảo luận về những mục tiêu chung của hai nước. Ngày 3-5-2021, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi và Ngoại trưởng Mỹ A. Blinken đã có cuộc hội đàm tại Thủ đô London bàn nhiều vấn đề về Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên và Myanmar. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới, các ngoại trưởng G7 đã thống nhất chương trình nghị sự lần này tập trung vào các vấn đề, như phân phối vaccine phòng, chống đại dịch COVID-19, cách thức khôi phục kinh tế hậu đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và đề cập đến những thách thức chính trị cũng như một số điểm nóng quốc tế khác.

Kết thúc Hội nghị ngoại trưởng, các nước G7 đã ra Tuyên bố chung, đề cập một số nội dung sau:

Một là, cam kết đầu tư 10,9 tỷ Bảng Anh (tương đương 15 tỷ USD) trong hai năm tới nhằm giúp phụ nữ ở các nước đang phát triển có cơ hội tiếp cận việc làm, xây dựng các doanh nghiệp có sức bật và phục hồi sau đại dịch COVID-19. Đề ra mục tiêu đến năm 2026, các nước nghèo có thêm 40 triệu bé gái được đi học và thêm 20 triệu bé gái biết đọc năm 10 tuổi.

Hai là, cam kết mở rộng quá trình sản xuất vaccine phòng, chống đại dịch COVID-19 với mức giá hợp lý. Quá trình này sẽ bao gồm việc thúc đẩy quan hệ đối tác giữa các doanh nghiệp, khuyến khích trao đổi công nghệ và thông tin liên quan. Đồng thời, ngoại trưởng các nước G7 nhất trí mở rộng, tăng cường cơ chế phản ứng nhanh chống các mối đe dọa như tin tặc, tin giả.

Ba là, liên quan đến vấn đề chống biến đổi khí hậu, ngoại trưởng các nước G7 khẳng định việc giải quyết những thách thức toàn cầu, trong đó có biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học, phục hồi kinh tế do những ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 gây ra.

Bốn là, Tuyên bố chung kêu gọi Trung Quốc thực hiện các nghĩa vụ và trách nhiệm kinh tế tương xứng với vai trò kinh tế toàn cầu, đồng thời bày tỏ quan ngại về những hành động làm xói mòn các hệ thống kinh tế tự do và công bằng, trong đó có thương mại, đầu tư và tài chính phát triển. Tuyên bố chung cũng bày tỏ phản đối các hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Năm là, Tuyên bố chung kêu gọi Nga cần thực hiện những biện pháp nhằm giảm thiểu leo thang ở biên giới với Ukraine và Crimea, cũng như tuân thủ các nguyên tắc và cam kết của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).

Sáu là, về tình hình CHDCND Triều Tiên, ngoại trưởng các nước G7 yêu cầu CHDCND Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán để chấm dứt chương trình hạt nhân của nước này, cũng như tham gia tiến trình đối thoại liên Triều. Ngoại trưởng các nước G7 cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với những nỗ lực của Mỹ nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên bằng biện pháp ngoại giao.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G7, các nước đều đánh giá cao vai trò của nước chủ nhà Anh và nhận định đây là cơ hội để G7 thể hiện sự đoàn kết, thống nhất. Hội nghị thượng đỉnh năm 2019 xoanh quanh bởi những câu hỏi về sự thống nhất liên quan tới vấn đề môi trường và chính trị trong bối cảnh Anh rời EU và Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu. Và sau hai năm, với những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng và chủ nghĩa dân tộc đã khiến chủ nghĩa đa phương được thúc đẩy mạnh mẽ hơn và các nước sẵn sàng hợp tác về các vấn đề thương mại, biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Anh Boris Johnson hội đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel trước Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Cornwall (Anh) ngày 12-6-2021_Ảnh: AFP/TTXVN 
Tiếp cận “cứng rắn hơn” với Trung Quốc và Nga

Tại các hội nghị, vấn đề Trung Quốc và Nga được các nước tiếp cận với thái độ cứng rắn hơn.

Đối với Trung Quốc, ngoại trưởng các nước G7 cho rằng, Trung Quốc hiện nay đang có những hành động nhằm gia tăng ảnh hưởng quân sự và kinh tế. Theo Ngoại trưởng Mỹ A. Blinken, Mỹ xác định cạnh tranh với Trung Quốc là một trong những thách thức chính trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống J. Biden. Còn Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản T. Motegi bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” về các nỗ lực đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Ông T. Motegi còn cho rằng, Trung Quốc hiện đang là một trong những thách thức địa - chính trị đối với các nước G7; đồng thời, nhấn mạnh G7 cần phối hợp đẩy mạnh phục hồi kinh tế để “ngăn chặn chính sách kinh tế độc đoán của Trung Quốc”. Trong khi đó, Ấn Độ cho rằng, quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc là mối quan hệ vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Một mặt, Trung Quốc đang giúp đỡ, cung cấp vật tư y tế cho Ấn Độ nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19; mặt khác, quan hệ hai nước vẫn đang ở giai đoạn khó khăn liên quan đến tranh chấp biên giới, lãnh thổ và hai bên vẫn chưa đàm phán thành công để giảm thiểu căng thẳng ở khu vực biên giới. Trong tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh, lãnh đạo các nước G7 bày tỏ ý định thống nhất về cách tiếp cận đối với vấn đề “thực tế phi thị trường và chính sách” của Trung Quốc. Các nước G7 tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định dọc eo biển Đài Loan (Trung Quốc) và khuyến khích áp dụng các giải pháp hòa bình cho các vấn đề liên quan đến eo biển; quan ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông, phản đối mạnh mẽ các âm mưu đơn phương thay đổi nguyên trạng và làm tăng căng thẳng ở các vùng biển. Bên cạnh các động thái cứng rắn kể trên, Hội nghị thượng đỉnh lần này còn có dấu hiệu thúc đẩy hợp tác khi Thủ tướng Australia Scott Morrison bày tỏ mong muốn tái khởi động đối thoại với Trung Quốc sau một loạt căng thẳng liên quan đến vấn đề thương mại giữa hai nước.

Giới phân tích cho rằng, Tổng thống J. Biden rất quyết tâm thúc đẩy các cường quốc phương Tây phải hành động ngay để đối phó với một nước Trung Quốc đang trỗi dậy. Tuy nhiên, về phía Trung Quốc, theo nhận định của một số học giả nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại, chiến lược kiềm chế Trung Quốc và Nga của Mỹ không chỉ làm ảnh hưởng tới lợi ích của Trung Quốc và Nga, mà còn hy sinh lợi ích kinh tế và chính trị của châu Âu và các nước khác; chiến lược kiềm chế này không những không hiệu quả, mà còn làm cho Trung Quốc và Nga trở nên mạnh mẽ hơn. Ngược lại, khi EU chịu ảnh hưởng của Mỹ sẽ góp phần duy trì bá quyền của Mỹ tại phương Tây. Song, phần lớn các nhà nghiên cứu cho rằng, hiện tại cả Trung Quốc và Mỹ đều có những công việc nội bộ cần giải quyết, bản thân hai nước cũng có nhu cầu duy trì môi trường hòa bình, ổn định. Do vậy, sự  hợp tác và cạnh tranh trong phạm vi phù hợp là lựa chọn của cả hai bên hiện nay.

Đối với Nga, Ngoại trưởng các nước G7 nhận định, Nga cũng là một thách thức chính trị mà các nước G7 cần “chung tay” hợp tác đối phó. Trong vấn đề này, Mỹ đã truyền đi thông điệp rằng muốn có một mối quan hệ ổn định hơn với Nga, song điều này phần lớn sẽ phụ thuộc vào quyết định và sự lựa chọn của Nga. Mỹ không muốn căng thẳng leo thang, mong muốn có được một mối quan hệ ổn định và dễ đoán định hơn. Còn trong Hội nghị thượng đỉnh, các nước G7 đều bày tỏ mong muốn “Nga phải tôn trọng luật pháp quốc tế”. Tuy nhiên, chủ đề về Nga không chiếm nhiều thời gian của diễn đàn vì ngay sau đó đã có cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nga và cuộc họp thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Các đại biểu chụp ảnh chung tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Cornwall (Anh) ngày 11-6-2021_Ảnh: AFP/TTXVN 
Chung tay giải quyết các vấn đề quốc tế

Việc Anh mời thêm những khách mời đặc biệt tham dự Hội nghị Ngoại trưởng G7 như ngoại trưởng các nước Australia, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nam Phi và Brunei - Chủ tịch ASEAN 2021 và khách mời đặc biệt tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7, gồm Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Thủ tướng Australia, Tổng thống Hàn Quốc, Tổng thống Nam Phi, Thủ tướng Ấn Độ, cho thấy mối quan tâm của Anh cũng như nhóm G7 có xu hướng mở rộng, đa dạng hơn. Sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), Anh đang định hướng lại chính sách đối ngoại của mình hướng về khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trong bối cảnh thế giới đang “gồng mình” ứng phó với đại dịch COVID-19, việc tổ chức Hội nghị Ngoại trưởng G7 và Hội nghị thượng đỉnh theo hình thức trực tiếp đã khởi động lại cách thức tổ chức hội nghị “truyền thống” và đem đến nhiều ý nghĩa đặc biệt. Thứ nhất, các hội nghị đánh dấu sự trở lại của ngoại giao trực tiếp sau hai năm gián đoạn vì đại dịch COVID-19. Đây là cơ hội để các quốc gia “cởi mở” hơn, “cùng nhau chung tay” giải quyết các vấn đề quốc tế, cũng như khởi động lại hình thức tổ chức hội nghị “mặt đối mặt” truyền thống trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra; thứ hai, các hội nghị chứng kiến sự trở lại và cách tiếp cận năng động hơn của ngoại giao Mỹ dưới thời Tổng thống J. Biden. Các động thái của Mỹ dưới thời Tổng thống J. Biden, như bổ nhiệm đặc phái viên, thành lập bộ phận chuyên trách về chống biến đổi khí hậu, trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về chống biến đổi khí hậu đã tạo động lực mới cho các quốc gia khác trong giải quyết thách thức an ninh phi truyền thống này; thứ ba, các hội nghị lần này là cơ hội cho sự gắn kết và xu hướng hợp tác rõ nét của các nước G7 khi cùng nhau giải quyết các vấn đề quốc tế; thứ tư, các hội nghị góp phần hàn gắn các mối quan hệ đã từng là đối tác truyền thống của các nước G7; thứ năm, các hội nghị cho thấy tầm quan trọng của việc các quốc gia ngồi lại với nhau trong bối cảnh các nước đều đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng toàn cầu; thứ sáu, việc các hội nghị bố trí phương tiện xét nghiệm tại chỗ và sử dụng màn chắn Perspex ngăn giữa các đoàn tham dự nhằm bảo vệ, phòng, chống sự lây lan dịch bệnh COVID-19 là ví dụ điển hình về cách thức tiến hành công tác ngoại giao an toàn và thành công; thứ bảy, đối với Anh, việc tổ chức các hội nghị là cơ hội để Anh thể hiện vị thế “cường quốc có vai trò quan trọng trên thế giới”, khẳng định chiến lược “Nước Anh toàn cầu” là đúng đắn, nhất là trong thời điểm Anh đã rời khỏi EU. Cuối cùng, những “bước thay đổi” trên đều nhằm hướng tới sự đồng thuận giữa các thành viên G7 nói riêng với các nước phương Tây nói chung trong việc giải quyết các thách thức địa - chính trị và an ninh phi truyền thống đang nổi lên.

Với mục tiêu tạo nên sự thay đổi của G7, Hội nghị Ngoại trưởng và Hội nghị thượng đỉnh nỗ lực giải quyết các vấn đề: 1- Chứng minh rằng G7 không hoàn toàn là một “câu lạc bộ của các cường quốc phương Tây” khép kín, lạc lõng và không có liên hệ với các trung tâm quyền lực khác trên thế giới; 2- Chứng minh sự gắn kết, đồng thuận giữa Mỹ và các đồng minh phương Tây bước đầu đã được khôi phục. Dư luận đánh giá, các cuộc họp trực tiếp của nhóm G7 lần này đã đặt nền móng cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Mỹ J. Biden kể từ khi nhậm chức cũng như tái khôi phục các mối quan hệ hợp tác với đồng minh truyền thống sau nhiều năm “xa cách” dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Những cam kết tại các hội nghị cũng như việc mời những khách mời đặc biệt cho thấy, Anh và G7 muốn tạo dấu ấn trong nỗ lực tìm lại vai trò “đầu tàu” trên trường quốc tế, mong muốn duy trì vị thế của các nước phương Tây trước sự cạnh tranh của các cường quốc mới nổi khác.

Cam kết xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn

Điểm nhấn đặc sắc trong các Hội nghị G7 chính là sự trở lại của nước Mỹ cũng như nỗ lực đưa nước Mỹ trở lại của tân Tổng thống J. Biden. Bởi thứ nhất, thông điệp chủ đạo của Hội nghị thượng đỉnh G7 là “xây dựng lại một thế giới tốt đẹp hơn”, đây được cho là “bản sao” của chủ đề chiến dịch tranh cử của Tổng thống J. Biden. Thứ hai, Mỹ đóng vai trò tiên phong trong đề xuất và triển khai các sáng kiến tại các hội nghị của G7, như cam kết tài trợ vaccine phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Thứ ba, Mỹ khẳng định “quay trở lại để dẫn dắt thế giới” trong các vấn đề như chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy bình đẳng giới và quyền con người.

Ngoài ra, cũng cần đề cập thêm đến nhận thức và cách tiếp cận mới của Tổng thống J. Biden. Ông cho rằng, chủ nghĩa đa phương đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa tầm nhìn trong một thế giới ngày càng nhiều biến động như hiện nay. So với người tiền nhiệm, ông J. Biden đã chủ động xây dựng quan hệ với các đồng minh đối tác từ châu Á tới châu Âu, tận dụng mạng lưới quan hệ để triển khai chính sách.

Một số nhà phân tích cho rằng, nghị trình nội dung các cuộc họp của nhóm G7 vào tháng 5 và tháng 6-2021 đều là một phần trong chính sách của Tổng thống J. Biden, đó là tập hợp lực lượng dân chủ trên thế giới thông qua các thể chế đa phương nhằm chống lại các đối thủ thách thức trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu. Đây là một điểm khác biệt lớn so với chủ nghĩa đơn phương dưới thời kỳ của chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Tổng thống J. Biden khẳng định lập trường về mối “quan hệ ổn định, có thể dự đoán” giữa Mỹ - Nga, song cũng không vì thế mà từ bỏ cam kết an ninh với đồng minh châu Âu và nhận định Trung Quốc là “đối thủ” hay “thách thức mang tính hệ thống”.

Có thể nói, sự “trở lại” của các nước G7 nói chung và của Mỹ nói riêng trên trường quốc tế trong bối cảnh hiện nay và việc thể hiện quan điểm rõ ràng của các nước trong một số vấn đề “nóng” như quan hệ với Nga, Trung Quốc, tìm kiếm giải pháp cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu... đều là dấu hiệu đáng chú ý. Hội nghị Ngoại trưởng G7 hồi tháng 5-2021 đã phần nào nhen nhóm tinh thần đối thoại, hợp tác sau giai đoạn ảm đạm do đại dịch COVID-19 và các chính sách đơn phương. Bên cạnh đó, Hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 6-2021 cũng cho thấy sự đồng thuận về tinh thần ấy được chuyển hóa thành hành động; song tinh thần giữa các nước lớn này còn tiếp tục được triển khai tại các diễn đàn thượng đỉnh khác hay không còn phụ thuộc vào nhiều nhân tố khách quan, chủ quan và chủ thể các nước, còn chờ đợi những kết quả khả quan đến từ các diễn đàn khác trong thời gian tới. Hiện thực hóa tầm nhìn “xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” như thế nào sẽ là nhiệm vụ không hề đơn giản đối với các thành viên G7./.

Theo ĐÀO XUÂN KỲ/Tạp chí Cộng sản

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều