Hội Người Việt Nam tại Pháp - Kết nối và đồng hành cùng dân tộc

(Mặt trận) - Trong nhiều năm qua, những tấm lòng hướng về đất nước của bà con kiều bào tại Pháp đã được cộng đồng đánh giá cao qua các hoạt động thiết thực và hiệu quả. Với hình thức hoạt động đa dạng và phong phú, những người con xa xứ đã thể hiện tấm lòng hướng về Tổ quốc cũng như kết nối cộng đồng với quê hương qua việc giữ gìn bản sắc văn hoá và truyền thống dân tộc, duy trì tiếng Việt trong cộng đồng, đóng góp vốn và tri thức góp phần dựng xây đất nước.

Đoàn công tác của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với bà con Việt kiều tại Pháp. ẢNH: PV 

Vào những ngày cuối Thu năm Đinh Dậu này, chúng tôi may mắn được tham gia Đoàn Cấp cao của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam do Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Bùi Thị Thanh làm Trưởng đoàn đã có chuyến thăm và làm việc tại thành phố Paris, Thủ đô nước Cộng hoà Pháp. Trong chuyến thăm, Đoàn đã có buổi gặp mặt thật đầm ấm, gần gũi, chân tình và cởi mở với Hội người Việt tại Pháp và một số bà con Việt kiều. Ông Dương Kim Hùng, Uỷ viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội người Việt tại Pháp, cùng các vị trong cộng đồng và đại diện lãnh đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hoà Pháp đã thân mật tiếp Đoàn.

Trụ sở của Hội Người Việt Nam tại Pháp nằm ở tầng 1, nhà số 15 đường Petit Musc, quận 5, thành phố Paris, cách sông Seine không xa... Bước vào căn phòng, tôi nhìn thấy đầu tiên là bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng chất liệu sơn mài truyền thống của Việt Nam được đặt ở vị trí trang trọng nhất như bàn thờ Tổ quốc thường thấy ở các gia đình Việt Nam. Xung quanh chiếc bàn dài tiếp khách có tủ kính trưng bày các kỷ vật lưu niệm của các nhà cách mạng, khách quý trong và ngoài nước, những ấn phẩm, sách báo tiêu biểu minh chứng cho hoạt động của Hội qua các thời kỳ. Trong phòng còn trưng bày có cả những chiếc đèn lồng, chiếc mũ cói, nón bài thơ bên gánh hàng hoa sen hoa cúc của các cô thôn nữ ngoại thành Hà Nội thuở nào... cảm giác thật thân quen, gần gũi, ấm cúng như đang ở Việt Nam. Trời Paris se lạnh, nhưng những cái bắt tay, những vòng tay ôm và những lời chào, thăm hỏi thật đầm ấm biết bao. Có các bác, các cụ đã ngoài 80 tuổi, tóc bạc, da mồi, có cụ chân đi không thật vững nhưng nghe nói có Đoàn của Mặt trận Tổ quốc ở trong nước sang thăm cũng yêu cầu con, cháu đưa đến để gặp gỡ với Đoàn. Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh xúc động bày tỏ niềm vui được gặp gỡ bà con kiều bào đang sinh sống, làm việc và học tập tại Pháp. Thay mặt Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đồng chí gửi tới bà con và qua bà con, gửi tới toàn thể kiều bào ta tại Pháp những tình cảm chân thành, nồng hậu nhất.

Hội Người Việt Nam tại Pháp là hội đoàn lớn, có truyền thống từ Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập từ năm 1919, có bề dày lịch sử gần 100 năm. Trong suốt tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam, Hội đã có nhiều đóng góp đáng ghi nhận trong sự nghiệp đấu tranh chống thực dân, đế quốc xâm lược, giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc trước đây cũng như trong công cuộc Đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Ngay từ tháng 5/1930, Tổng hội sinh viên Đông Dương đã kêu gọi biểu tình trước Điện Elyse’es (dinh Tổng thống) phản đối án tử hình và đòi trả tự do cho tất cả những người tham gia khởi nghĩa ở Yên Bái. Cuộc biểu tình bị đàn áp, 37 người bị bắt, 7 người bị trục xuất về Việt Nam, Tổng hội sinh viên Đông Dương bị đình chỉ hoạt động... Tháng 2/1945, tại trại Bergerac, lính thợ Việt Nam làm việc ở kho đạn biểu tình chống sự hà khắc của bọn quản đốc, bị đàn áp dã man làm 1 người chết và 17 người khác bị bắt bớ, giam cầm. Tháng 9/1945, báo chí ở Pháp và nhiều nước đưa tin: Tại Hà Nội, ngày 2/9, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu được thành lập, tuyên bố nước Việt Nam hoàn toàn độc lập. Anh em lính chiến và lính thợ Việt Nam đấu tranh thắng lợi và được treo cờ Việt Nam song song với cờ Pháp, thay vì trước đó chỉ treo cờ Pháp trong các trại công binh, chiến binh Việt Nam ở Pháp. Sau sự kiện 23/9/1945 quân Pháp núp sau quân Anh, Ấn gây hấn ở Nam Bộ, nhân dân Nam Bộ vùng lên kháng chiến, ngày 18/10/1945, bất chấp sự đàn áp của nhà cầm quyền, tất cả công chiến binh tại Pháp đình công phản đối thực dân Pháp gây chiến ở miền Nam Việt Nam. Ngày 19/10, Tổng Ủy ban đại diện người Đông Dương (Việt Nam) bị nhà cầm quyền Pháp đình chỉ hoạt động. Từ cuối năm 1949 đến đầu năm 1952, hầu hết các hội đoàn Việt Nam yêu nước ở Pháp đều đi vào hoạt động bí mật do bị chính quyền sở tại cấm hoạt động. Đầu năm 1953, một số cán bộ phong trào bị khám xét nhà, bị hỏi cung, 6 người bị trục xuất đưa về Sài Gòn. Văn hóa liên hiệp (tổ chức tập hợp trí thức) cũng bị cấm hoạt động. Tháng 12/1959, Liên hiệp Việt kiều bị cấm hoạt động. Đầu năm 1963, hàng loạt anh chị em hội viên tích cực của phong trào bị khám xét nhà, bị hỏi cung, 4 người bị khởi tố “âm mưu lập lại đoàn thể bị cấm”. Trong điều kiện hoàn cảnh đó, để duy trì hoạt động của hội, các hội viên tích cực trong phong trào người Việt Nam yêu nước ở Pháp luôn luôn đề cao cảnh giác, có ý thức đề phòng và thường xuyên suy nghĩ: Rất có thể một lúc nào đó, nhà mình sẽ bị cảnh sát khám xét và bản thân có thể bị hỏi cung, bị bắt giam, trục xuất… cho nên, rất ít người dám giữ lại trong nhà những tài liệu, hình ảnh hoạt động của các hội đoàn đang bị nhà cầm quyền sở tại cấm. Vì thế, việc sưu tầm, lưu giữ các tài liệu, kỷ vật đến nay hết sức khó khăn...

Cộng đồng người Việt tại Pháp đến nay có trên 30 vạn người, chủ yếu là người lao động, viên chức, buôn bán nhỏ, học sinh, sinh viên. Hiện nay có khoảng trên 4 vạn người có trình độ đại học và trên đại học thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau trong đó có nhiều chuyên gia, nhà khoa học có uy tín trên trường quốc tế. Bên cạnh đó là số học sinh, sinh viên đang theo học tại các trường đại học của Pháp. Nhiều người sau khi tốt nghiệp đang tiếp tục nghiên cứu, làm việc, đảm nhận nhiều trọng trách khác nhau trong bộ máy chính quyền và các cơ sở khoa học của Pháp. Người Việt sống ở Pháp làm việc và hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ngành, nghề khác nhau. Riêng trong đội ngũ các nhà khoa học, trí thức có không ít người là giáo sư đại học, giám đốc, chuyên gia, nhà nghiên cứu có tên tuổi trong xã hội, trong giới nghiên cứu và trong cả các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật tại Pháp và Châu Âu. Nhiều người đang đảm trách những chức vụ quan trọng tại các nhà máy, công ty sản xuất lớn. Số người được đào tạo từ cấp đại học trở lên trong các lĩnh vực kỹ thuật, y học, dược học, nha khoa, kinh tế khoa học tự nhiên và khoa học xã hội chiếm gần 80%, độ tuổi từ 22 đến 55. Tuyệt đại đa số người Việt ở Pháp, trong đó có những người sinh trưởng và lớn lên ở nước sở tại đều có tình cảm và gắn bó với quê hương, có tinh thần dân tộc. Quyết định số 135/2007/QĐ-TTg ngày 17/ 8/2007 của Thủ tướng ban hành về việc miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã được họ quan tâm và nồng nhiệt đón nhận, đưa mọi người ngày càng gắn bó nhiều hơn với quê cha, đất tổ. 

Trong mọi sinh hoạt, Hội người Việt Nam tại Pháp luôn tìm các hình thức thích hợp nhất với mọi thành phần, bảo vệ những lợi ích chính đáng và đoàn kết thật rộng rãi trong cộng đồng để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực tế, hoạt động yêu nước của đồng bào tại Pháp không chỉ tập trung ở vùng Paris và ngoại ô, mà trên toàn nước Pháp. Tỉnh thành nào có cộng đồng người Việt là nơi đó có chi hội. Tiếp nối truyền thống của những thế hệ đi trước, Hội Người Việt Nam tại Pháp hiện nay có nhiều các hoạt động hữu ích, như: giúp đỡ cho đồng bào mới sang hoà nhập cộng đồng; tổ chức hoạt động Nhịp cầu thân ái, quyên góp, hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào trong và ngoài nước gặp khó khăn; tổ chức các trại hè thiếu nhi, mở các lớp dạy múa, hát, văn nghệ, thể thao, học tiếng Việt, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam trong cộng đồng nhất là giới trẻ... 

Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đã phát biểu những tình cảm chân thành, đầm ấm với Đoàn công tác, một lòng tha thiết hướng về quê hương, đất nước. Nhiều ý kiến ôn lại truyền thống hào hùng một thời hết lòng, hết sức đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà của bà con Việt kiều yêu nước. Năm 1946, khi nước nhà mới giành độc lập, Bác Hồ trở lại Pháp với tư cách thượng khách của Chính phủ Pháp và Đoàn Ngoại giao của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tham dự Hội nghị Fontanebleau, cũng như những năm tháng phái đoàn ngoại giao của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hoà và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đấu tranh ngoại giao với Mỹ tại Hội nghị bàn tròn Pari cuối thập niên 60 đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, được bà con Việt Kiều hết sức quan tâm và tận tình giúp đỡ trên mọi phương diện. Đoàn công tác đã rất xúc động khi được xem lại kỷ niệm, tình cảm của bà con Việt kiều qua các ấn phẩm, Báo Đoàn kết, Nguyệt san Đoàn kết do Hội Việt kiều yêu nước xuất bản tại Pháp từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước, khi nước nhà còn bị chia cắt hai miền Nam - Bắc... Thật bất ngờ từ 60 năm trước giữa lòng Thủ đô Paris Cộng hoà Pháp đã có tờ báo của Hội Người Việt Nam tại Pháp mang tên "Đoàn kết" gần giống tên Báo Đại đoàn kết của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam...

Tác giả và đồng chí Dương Kim Hùng, Uỷ viên Trung ương  Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Người Việt Nam  tại Pháp. ẢNH: PV

Trong suốt 90 năm tồn tại và phát triển dưới nhiều tên gọi khác nhau, từ “Nhóm người An Nam yêu nước” đến “Hội Người Việt Nam tại Pháp”, với thời gian hoạt động khi chỉ vài ba tháng, lúc được vài ba năm thì bị nhà cầm quyền sở tại cấm, ngay trong những thời kỳ khó khăn nhất, dưới nhiều hình thức, danh nghĩa khác nhau, được sự ủng hộ, giúp đỡ của các đoàn thể của Pháp, như: Đảng Cộng sản Pháp, Tổng Công đoàn Pháp (CGT), Phong trào hòa bình Pháp (Mouvement de la Paix), Cứu tế Pháp (Secours populaire), Liên đoàn thể thao thể dục lao động (FSGT)… và nhân dân Pháp, mọi hoạt động hang năm của hội vẫn được duy trì đều đặn như: Tết cổ truyền dân tộc, ngày Quốc khánh, ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, trại Phục sinh, trại hè… Báo chí yêu nước, từ Le Paria (Người cùng khổ), Việt Nam hồn… đến Quyết thắng, Đất nước, Thăng Long… khi bị cấm xuất bản dưới tên này lại cho ra dưới tên khác, vẫn tiếp tục, thường xuyên đến tay bạn đọc theo hạn định. 90 năm qua, ngọn lửa yêu nước của kiều bào ở Pháp, do Bác Hồ kính yêu chỉ lối dẫn đường, không bao giờ ngừng cháy sáng. Các thế hệ các anh, các chị nòng cốt của phong trào không một ai mất tinh thần, chùn bước, vẫn tiếp tục con đường mình đang đi, đồng thời tiếp tục gặp gỡ, vận động, kết nạp thêm hội viên mới. Các buổi tập họp, sinh hoạt Hội dưới nhiều hình thức khác nhau vẫn được đông đảo kiều bào hưởng ứng, tham dự. Vượt qua mọi phong ba bão táp, tất cả hoạt động hướng về Tổ quốc Việt Nam thân yêu của các hội tiền thân và Hội người Việt Nam tại Pháp hiện nay chưa bao giờ bị gián đoạn.

Chúng tôi hết sức vui mừng được biết xu hướng chung của cộng đồng ngày càng hội nhập tốt hơn vào xã hội sở tại và gắn bó, quan tâm đối với quê hương, Tổ quốc. Đến nay trên 80% bà con đã có quốc tịch Pháp. Trong những năm gần đây, bên cạnh các hội đoàn truyền thống có tính chất cộng đồng, các hội đoàn mang tính xã hội, từ thiện do kiều bào thành lập ngày càng nhiều, bởi đây là cách đóng góp thiết thực, hiệu quả đến với người dân nhanh nhất, dễ tập hợp cộng đồng và bạn bè Pháp tham gia, ủng hộ. Đến nay, trên toàn nước Pháp có khoảng 100 hội đoàn dạng này. Tuy số hội viên chính thức không nhiều nhưng số "tình cảm viên" không giới hạn. Điển hình trong các hội đoàn này là Hội cứu trợ trẻ em Việt Nam, Hội Đồng hành, Hội Huynh đệ Việt Nam, Hội Hưu trí tự nguyện AREBCO, Hội Văn hoá Pháp - Việt... Với những thành tích đặc biệt đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Hội Người Việt Nam tại Pháp đã vinh dự được Chủ tịch Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng Huân Chương Độc lập hạng nhất năm 1996…

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh cũng thông báo với đại biểu kiều bào về một số tình hình phát triển nổi bật trong nước thời gian qua, về chính sách đối với kiều bào và mong muốn bà con phát huy truyền thống yêu nước, thương nòi, đoàn kết giúp đỡ nhau cùng phát triển, hoà nhập tốt, tuân thủ luật pháp nước sở tại nhưng vẫn giữ gìn tốt bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc Việt Nam... thấm nhuần bài học "đại đoàn kết toàn dân tộc" của Bác Hồ, đoàn kết với tất cả đồng bào ta ở Pháp, không phân biệt chính kiến, tôn giáo, không phân biệt nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, đúng theo tinh thần Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với Người Việt Nam ở nước ngoài. “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước”.

Khi câu chuyện đang say sưa thì đồng chí cán bộ Đại sứ quán vào thông báo đã hết thời gian... Vâng! Thật tiếc vì đã có lịch hẹn làm việc trước với các bạn Đảng Cộng sản Pháp, nên chúng tôi xin phép phải chia tay. Còn biết bao điều đang muốn nghe bà con nói, biết bao điều tâm sự, băn khoăn, mong muốn của bà con muốn được chia sẻ, trao đổi, thảo luận thêm cùng với Đoàn công tác của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ "bên nhà" sang. Chúng tôi bịn rịn chia tay và tha thiết mời bà con có dịp về thăm quê hương đến thăm Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam - Mái nhà chung của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam. Riêng tôi rất tin tưởng được đón bà con về thăm quê nhà trong một ngày không xa. Tôi bỗng nhớ mãi câu nói của một bác trí thức Việt Kiều tại buổi gặp mặt: Hội Người Việt Nam tại Pháp là nhịp cầu nối Việt Kiều với quê hương và mãi mãi đồng hành cùng dân tộc.

Nguyễn Tuấn Anh

Trưởng Ban Tuyên giáo (UBTƯ MTTQ Việt Nam)

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều