Israel: Biến bất lợi thành thế mạnh

Israel là nước xuất khẩu chính của các sản phẩm tươi sống và là nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới về công nghệ nông nghiệp bất chấp thực tế là nước này không được thiên nhiên ưu đãi về mặt địa lý để phát triển lĩnh vực này. Là quốc gia dẫn đầu thế giới về nghiên cứu và phát triển nông nghiệp, các loại cây trồng của Israel đã gia tăng đáng kể cả về số lượng và chất lượng.

Phép màu trên sa mạc

Kể từ khi giành độc lập vào năm 1948, Israel đã phải đối mặt với tình trạng khan hiếm đất và nước. Diện tích đất của nước này khá nhỏ trong đó hơn một nửa là hoang mạc và bán hoang mạc, phần nửa còn lại là rừng và đồi dốc. Trong đó, chỉ 20% diện tích đất đai là có thể trồng trọt. Thực tế trên đã dẫn đến sự phát triển của một nền nông nghiệp rất chuyên sâu, dựa vào công nghệ cao nhằm tạo ra sản lượng và chất lượng cao trong khi vẫn bảo đảm sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên khan hiếm. Vì vậy, chỉ với 2,5% dân số làm nông nghiệp nhưng mỗi năm Israel xuất khẩu chừng 3,5 tỷ USD nông sản, đưa nhà nước Do Thái vào hàng ngũ những nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới. Trong đó, nền nông nghiệp trên sa mạc là một trong những thành công vĩ đại nhất của Israel. Sa mạc Negev, bao phủ tới 60% diện tích đất nước, thực sự đã bị thu hẹp về diện tích trong thế kỷ qua nhờ các hoạt động nông nghiệp đã biến cát trở thành những cánh đồng xanh tươi. Sự kỳ diệu này đi ngược lại với xu hướng hoang mạc hóa mà thế giới đang phải đấu tranh để ngăn chặn.  

Vào những năm 1960, công ty Netafim của Israel đã phát minh ra công nghệ nhỏ giọt hiện đại. Với công nghệ trên, chỉ có một lượng giọt nước nhất định được đưa qua đường ống và dẫn vào gốc cây mỗi ngày, vừa bảo đảm sự sinh trưởng của cây, vừa tiết kiệm nước một cách tối đa. Điều đó cho phép nguồn nước khan hiếm và quý giá ở sa mạc được sử dụng hiệu quả để trồng cây.

Một trong những cây trồng nổi bật nhất được trồng tại sa mạc Israel là cà chua cherry. Chủng loại quả này, vốn được xuất hiện khắp các quầy rau quả trên toàn thế giới, được phát triển ở Negev. Những quả cà chua ở Negev có độ ngon ngọt gấp 2 - 3 lần so với nơi khác. Ngoài ra, sa mạc Negev còn có những trang trại nuôi cá, vườn ô liu, các loại trái cây, rau quả, cây trồng phù hợp với điều kiện sa mạc.

Trong khi đó, tại sa mạc Judean, gần biển Chết phía Bắc (vùng Megilot), nền nông nghiệp sa mạc thậm chí còn tạo ấn tượng hơn nữa. Ở đây, nông dân có thể tận dụng các khoáng chất từ biển Chết, trong đất và cát trên bề mặt để phát triển ra các loại cây trồng như hành và húng quế có chất lượng tốt nhất thế giới. Khu vực này cũng được cho là trung tâm phát triển của cây chà là. Nhiều sản phẩm chà là xuất hiện tại các cửa hàng trên thế giới có nguồn gốc từ đây.

 Trồng cây chà là trên sa mạc ở Israel

Giải mã thành công

Sự thành công của nông nghiệp Israel là nhờ quá trình hợp tác của nhiều bên liên quan, từ người nông dân, cộng đồng nông nghiệp, các tổ chức nông nghiệp cũng như các bộ thuộc Chính phủ và đặc biệt là nghiên cứu công nghệ (R&D chiếm khoảng 17% ngân sách mà Israel phân bổ cho nông nghiệp). Thực tế, ngành nông nghiệp nước này đã đề xuất một cách tiếp cận toàn diện dựa trên nghiên cứu, giáo dục, khuyến nông, giám sát và thực thi pháp luật để phát triển nông nghiệp thâm canh có chất lượng, sản lượng cao cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường.

Cụ thể là, Israel xây dựng và hoàn thiện cơ cấu Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thành cơ quan đầu tàu dẫn dắt, chỉ đạo, kiểm tra, khuyến khích mọi hoạt động của ngành nông nghiệp. Nhiệm vụ của Bộ là xây dựng và thực hiện các chính sách để tư vấn cho chính phủ Israel trong việc sản xuất, cung ứng các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, an toàn. Bên cạnh đó là nhiệm vụ phát triển cộng đồng nông thôn, phát triển hệ động thực vật gắn với việc bảo vệ môi trường. 

Nhà nước Do Thái cũng chú trọng phát triển các cơ quan nghiên cứu chuyên sâu, các cơ quan R&D phục vụ nông nghiệp. Trong đó, Tổ chức Nghiên cứu nông nghiệp (ARO) là đơn vị nghiên cứu nông nghiệp tiêu biểu, chịu trách nhiệm tới 75% các nghiên cứu nông nghiệp toàn quốc, đồng thời được đánh giá là đơn vị hậu thuẫn cho các thành công vang dội về nông nghiệp của Israel trên trường quốc tế. Ngoài ra, Israel còn mạnh tay đầu tư và thu hút đầu tư cho khoa học kỹ thuật phục vụ phát triển nông nghiệp, từ đầu tư kinh phí cho hoạt động R&D phục vụ nông nghiệp đến các dịch vụ công nghệ hiện đại phục vụ nông dân… Mỗi năm Israel chi khoảng 90 triệu USD cho nghiên cứu nông nghiệp, trong đó khu vực tư nhân chi khoảng 20 triệu USD.

Hệ thống chính sách của nhà nước cũng tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp nông nghiệp qua các chính sách hoàn, hỗ trợ thuế, khuyến khích đầu tư vào giáo dục… Hiện nay, trình độ của nông dân Israel rất cao, tất cả đều học xong trung học. Nhiều người sau khi học xong đại học đã quay lại đồng ruộng, sau đó lại mang kinh nghiệm đồng áng của mình tới trường đại học…

Theo Linh Anh/Báo Đại biểu Nhân dân

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều