Khoan dung - Chìa khóa cho sự gắn kết thế giới

(Mặt trận) - Khoan dung là một thứ tài sản kỳ diệu của nhân loại. Ngày nay, xây dựng một thế giới hòa bình và thịnh vượng, phát triển bền vững không chỉ đòi hỏi những nỗ lực chính trị và kinh tế to lớn từ mỗi quốc gia, mà cũng rất cần những thiện chí gắn kết được xây dựng từ lòng khoan dung giữa các cá nhân, các dân tộc và các quốc gia. Vì vậy, ngày Quốc tế Khoan dung (16/11) là cơ hội để củng cố cam kết của toàn nhân loại về đối thoại và đoàn kết trong gia đình, cộng đồng và trong quan hệ với các dân tộc khác.

Khoan dung có ý nghĩa sống còn để gắn kết và chống lại phân biệt đối xử. Ảnh: CAMP PEACE

Giá trị của sự khoan dung

Trong bối cảnh những thách thức toàn cầu hiện nay, thế giới cần tăng cường sự tôn trọng, đồng cảm và hiểu rõ giá trị giữa các cá nhân, gia đình và cộng đồng. Từ ý nghĩa và tầm quan trọng của sự khoan dung, ngày 16/11/1995, UNESCO đã thông qua ngày Quốc tế Khoan dung (International Day of Tolerance) với chữ ký đồng thuận của 185 nước thành viên tại Hội nghị toàn thể lần thứ 28. Cùng với đó, Bản tuyên bố các nguyên tắc về khoan dung cũng đã được đưa ra.

Tuyên bố khẳng định rằng, khoan dung không phải là niềm đam mê hay là sự thờ ơ. Đó là lòng tôn trọng và đánh giá cao sự đa dạng các nền văn hóa trên thế giới của chúng ta, các hình thức biểu hiện và cách thức của tình người. Khoan dung công nhận những quyền con người phổ quát và sự tự do cơ bản của con người. Con người vốn khác nhau và chỉ có khoan dung mới có thể đảm bảo sự sống còn của các cộng đồng ở khắp nơi trên thế giới.

Tuyên bố cũng nêu rõ, khoan dung không chỉ là trách nhiệm đạo đức, mà còn là một yêu cầu chính trị và pháp lý đối với các cá nhân, các tổ chức và các quốc gia. Tuyên bố đặt khoan dung trong mối quan hệ với các văn kiện nhân quyền quốc tế mà đã được thiết lập hàng chục năm qua và nhấn mạnh rằng các quốc gia nên dự thảo những luật mới khi cần thiết để đảm bảo đối xử bình đẳng và trao cơ hội bình đẳng cho tất cả các nhóm người và cá nhân trong xã hội.

Nguyên Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon đã khẳng định, khoan dung có ý nghĩa sống còn để gắn kết trong thế giới đa dạng và chống mọi hình thức, biểu hiện của phân biệt đối xử. Ông cũng nhấn mạnh: “Khuyến khích lắng nghe và khoan dung là một hành động cơ bản cho thế kỷ 21. Trong một thế giới ngày càng toàn cầu hóa, khi các xã hội, cộng đồng trở nên đa dạng hơn thì khoan dung chính là một yếu tố trung tâm để chung sống hòa bình”.

Thúc đẩy sự khoan dung

Xung đột sắc tộc, phân biệt đối xử và kỳ thị là những hình thức phổ biến của sự không khoan dung và cũng là nguồn cơn của biết bao bạo lực, khổ đau, thiệt thòi đang hàng ngày hàng giờ diễn ra trên thế giới. Vì vậy, giáo dục và tạo dựng lòng khoan dung nhằm mục đích chống lại những ảnh hưởng dẫn con người đến sự sợ hãi và có hành động loại trừ những người khác, giúp những người trẻ phát triển khả năng của chính mình, thực hiện quyết định độc lập trong suy nghĩ và có nhận thức đúng đắn về đạo đức. Sự đa dạng về tôn giáo, ngôn ngữ, văn hóa và dân tộc trên thế giới không phải là một cái cớ cho xung đột, mà đó chính là một kho báu làm phong phú thêm cho cuộc sống của tất cả chúng ta.

Theo bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc, khoan dung thể hiện ở cách sống và ngày càng trở nên có ý nghĩa trong một thế giới có nhiều bất ổn và các xã hội có nhiều chuyển biến sâu sắc như hiện nay, nó nhằm mang lại hòa bình và phát triển bền vững cho toàn nhân loại.

Trong việc giải quyết các thách thức cấp bách trên toàn cầu, thế giới cần xây dựng những nhịp cầu mới để kết nối sự tin tưởng và lòng khoan dung. Nhân loại cần phải tôn trọng lẫn nhau, trong toàn bộ sự đa dạng về niềm tin, văn hoá và ngôn ngữ. Không nên lo ngại hoặc đàn áp những sự khác biệt trong và giữa các xã hội.

Liên hợp quốc cũng đã khẳng định sẽ cam kết thúc đẩy các quyền con người và quyền tự do cơ bản thông qua hỗ trợ các hành động tăng cường sự khoan dung để làm giàu có hơn sự thống nhất và đa dạng, giúp xây dựng một thế giới hòa bình cho nhân loại.

Làm thế nào để phản đối lại sự không khoan dung?

1. Chiến đấu chống lại sự không khoan dung đòi hỏi phải có pháp luật

Mỗi Chính phủ phải có trách nhiệm thi hành pháp luật về quyền con người, để cấm và trừng phạt tội ác căm thù và phân biệt đối xử chống lại dân tộc thiểu số, cho dù những luật này được cam kết bởi các cơ quan nhà nước, các tổ chức tư nhân hoặc cá nhân. Nhà nước cũng phải đảm bảo sự bình đẳng để mỗi con người được tiếp cận với tòa án, ủy ban nhân quyền hoặc thanh tra, giúp cho họ không phải chịu sự bất công và không sử dụng bạo lực để giải quyết những tranh chấp.

2. Chiến đấu chống lại sự không khoan dung đòi hỏi phải có giáo dục

Pháp luật là cần thiết nhưng chưa đủ để chống lại sự không khoan dung trong thái độ của mỗi cá nhân. Không khoan dung thường bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết và sợ hãi: sợ cái không biết, sợ những cái khác biệt, văn hóa khác, dân tộc khác, tôn giáo khác. Không khoan dung cũng đi liền với sự phóng đại về giá trị bản thân và niềm tự hào, cho dù là về cá nhân, quốc gia hay tôn giáo. Do đó, càng cần thiết phải đưa khoan dung vào giáo dục nhiều hơn và phổ biến rộng rãi hơn. Càng phải nỗ lực hơn nữa để giáo dục trẻ em về lòng khoan dung và nhân quyền, về những cách sống khác nhau. Trẻ em nên được khuyến khích mở rộng lòng nhân ái và sự hiếu kì dù là ở nhà hay trường học.

Giáo dục là một trải nghiệm cuộc sống lâu dài và nó sẽ không bắt đầu hay kết thúc ở môi trường học tập. Những nỗ lực để tạo lập sự khoan dung thông qua giáo dục sẽ không thành công trừ khi chúng đến với tất cả các nhóm tuổi và diễn ra ở khắp mọi nơi: Ở nhà, trường học, nơi làm việc, trong thực thi và đào tạo pháp luật, và cả trong việc giải trí hay trên các xa lộ thông tin.

3. Chiến đấu chống lại sự không khoan dung đòi hỏi phải tiếp cận với thông tin

Không khoan dung nguy hiểm nhất là khi nó được khai thác để thực hiện những tham vọng chính trị và lãnh thổ của một cá nhân hoặc một nhóm người. Những người chỉ có lòng căm thù thường bắt đầu bằng việc xác định giới hạn của sự khoan dung trong cộng đồng. Sau đó, họ phát triển các lập luận nguỵ biện, dối trá với các con số thống kê và vận dụng quan điểm của công chúng để tạo ra những thông tin lệch lạc và thành kiến. Cách hiệu quả nhất để hạn chế ảnh hưởng của những người chỉ có lòng căm thù là đưa ra các chính sách lập luận, giúp công chúng phân biệt giữa sự thực và ý kiến cá nhân.

4. Chiến đấu chống lại sự không khoan dung đòi hỏi nhận thức của cá nhân

Không khoan dung trong một xã hội là tổng hợp sự không khoan dung của từng thành viên trong xã hội. Cố chấp, rập khuôn, kỳ thị, nhục mạ và bỡn cợt về chủng tộc là những ví dụ của biểu hiện cá nhân về sự không khoan dung mà một số người đang phải chịu đựng hàng ngày. Không khoan dung nuôi dưỡng sự không khoan dung. Nó kéo theo những nạn nhân trong việc theo đuổi sự trả thù. Để chống lại những người không có lòng khoan dung, cần phải tạo cho họ nhận thức về mối liên hệ giữa hành vi của mình và vòng luẩn quẩn của việc mất lòng tin và bạo lực trong xã hội. Mỗi người trong chúng ta nên bắt đầu bằng câu hỏi: Tôi có phải là một người khoan dung không? Tôi có phải là người rập khuôn theo người khác không? Tôi có chối bỏ những người khác với mình không? Tôi có đổ lỗi những vấn đề của mình lên họ không?

5. Chiến đấu chống lại sự không khoan dung đòi hỏi những giải pháp tại chỗ

Chúng ta đều biết rằng càng ngày sẽ càng có nhiều vấn đề cấp bách trên toàn cầu, nhưng ít người nhận ra rằng giải pháp cho các vấn đề toàn cầu đó chủ yếu là tại địa phương, thậm chí là thuộc về cá nhân. Khi phải đối mặt với sự leo thang về những hành vi không khoan dung xung quanh mình, chúng ta không nên chờ đợi chính phủ và các tổ chức hành động mà phải góp phần vào việc ngăn chặn điều đó. Chúng ta cũng không nên cảm thấy bất lực bởi thực tế mỗi con người đều sở hữu một quyền lực to lớn. Hành động chống lại bạo lực là một cách để sử dụng quyền và sức mạnh của mọi người. Những ý tưởng về đấu tranh không bạo lực như việc gắn kết con người với nhau để đối đầu với những vấn đề sai trái, tổ chức một mạng lưới cơ sở để chứng tỏ tình đoàn kết với các nạn nhân của sự không khoan dung, làm mất uy tín của việc tuyên truyền về sự căm thù, luôn thường trực trong tất cả những ai muốn đặt dấu chấm hết cho sự không khoan dung, bạo lực và sự thù hận.

Ngày 16/11/1995, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua ngày Quốc tế Khoan dung và lấy ngày 16/11 hằng năm để kỷ niệm ngày này. Đại diện của 185 quốc gia đã ký vào Bản tuyên bố đưa ra tại Hội nghị toàn thể lần thứ 28 của UNESCO, theo đó cam kết “Tôn trọng, chấp nhận và hiểu đúng sự đa dạng, phong phú các nền văn hóa của thế giới, những hình thức tự biều hiện và những khả năng thể hiện cá tính của con người”.

Tuy nhiên, trong suốt những năm vừa qua, ngày Quốc tế Khoan dung vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống khi rất nhiều nguời dân thậm chí còn chưa biết tới ngày kỷ niệm này, cũng như những ý tưởng cao đẹp của nó.

 

Hồng Nhung (Theo United Nations)

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều