Kiểm soát kê khai tài sản trong phòng, chống tham nhũng: Kê khai là chưa đủ

Minh bạch và kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn ngày nay đã trở thành một phần của tiêu chuẩn toàn cầu về chống tham nhũng, được đưa vào Công ước chống tham nhũng của Liên Hợp Quốc (UNCAC). Tuy nhiên, không phải lúc nào việc kê khai tài sản trong thực tiễn cũng hiệu quả. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là mặc dù tổ chức thực hiện kê khai, nhưng việc thiếu các biện pháp kiểm soát hiệu quả thường dễ dẫn tới việc kê khai một cách đối phó hoặc gian dối.

Một cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn chỉ thực sự hiệu quả khi pháp luật không dừng lại ở kiểm tra thực hiện trách nhiệm kê khai, công khai tài sản, thu nhập mà còn phải xác minh được tính trung thực của nội dung kê khai, thông qua việc giám sát sự hình thành và những biến động tăng hay giảm của tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Từ đó, có biện pháp xử lý kịp thời, thỏa đáng khi người có nghĩa vụ kê khai không thực hiện nghĩa vụ hoặc kê khai không trung thực.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, hiệu quả của cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập phụ thuộc rất nhiều yếu tố như quy định của các quốc gia về cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập; độ rộng, hẹp của đối tượng phải kê khai, công khai tài sản, thu nhập; nội dung và tần suất kê khai, công khai tài sản, thu nhập; phạm vi và cách thức xác minh thông tin, tính trung thực của việc kê khai và chế tài đối với các vi phạm trong tương quan với nguồn nhân lực và cơ sở vật chất của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, việc xác minh thông tin về tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn là cần thiết, bởi gian lận trong hoạt động này khá phổ biến. Hơn nữa, việc làm này truyền đi thông điệp: Nhà nước có khả năng kiểm soát sự trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Mặc dù vậy, tùy vào điều kiện, hoàn cảnh mà các quốc gia xác định tỷ lệ, số lượng, chủng loại bản khai cần phải xác minh và cách thức tiến hành nhằm bảo đảm tính khả thi.

Áp dụng nhiều phương pháp kiểm tra tính chính xác

Về mặt kỹ thuật, để kiểm tra tính chính xác của thông tin trong các tờ khai, thông thường phải áp dụng đồng thời nhiều phương pháp như kiểm tra tính nhất quán trong các nội dung kê khai, nhằm tìm ra các điểm mâu thuẫn hoặc bất hợp lý; đối chiếu thông tin trong các tờ khai, nhằm phát hiện những biến động bất thường về tài sản, thu nhập theo thời gian; kiểm tra chéo nội dung tờ khai với các nguồn, cơ sở dữ liệu bên ngoài như đăng ký đất đai, xe cộ, thông tin thuế, ngân hàng, xếp hạng tín dụng, số liệu về tài sản ở nước ngoài; tiến hành điều tra mức sống nhằm xác minh xem mức sống có phù hợp với tài sản, thu nhập được khai báo hay không…

Hiệu quả của việc xác minh còn phụ thuộc rất lớn vào năng lực của cơ quan quản lý kê khai tài sản, thu nhập; ngoài ra, còn phụ thuộc vào mức độ sẵn có của các nguồn dữ liệu cần được đối chiếu như thông tin ngân hàng, thuế, đăng ký đất đai, tài sản… và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Hướng dẫn kỹ thuật của Công ước về chống tham nhũng của Liên Hợp Quốc đưa ra những chỉ dẫn cụ thể về cơ quan giám sát hoạt động kê khai tài sản, thu nhập phải có đủ nhân lực, chuyên môn, năng lực kỹ thuật và pháp lý nhằm kiểm soát hiệu quả hoạt động kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Bên cạnh đó, bản hướng dẫn cũng yêu cầu có những hình phạt ngăn chặn thích hợp đối với những hành vi vi phạm các yêu cầu về minh bạch và kê khai tài sản, thu nhập.

Ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, việc xác minh tất cả các bản kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn là điều không thể. Vì vậy, cần lựa chọn một số bản kê khai để xác minh. Cách thức và phạm vi xác minh thông tin về tài sản, thu nhập có sự khác nhau giữa các quốc gia, song thông thường, các quốc gia đều kết hợp giữa kiểm tra ngẫu nhiên (bất kỳ một bản khai nào) và kiểm tra có trọng điểm, thể hiện ở việc ưu tiên kiểm tra bản khai của những công chức có nguy cơ tham nhũng cao, hay những bản khai có dấu hiệu không trung thực, bản khai của công chức có đơn thư tố cáo… Cho dù việc lựa chọn các bản kê khai để xác minh theo cách nào thì cũng cần cân đối với nguồn lực hiện có, nhằm bảo đảm tính hiệu quả.

Theo Ngọc Khánh/Báo Đại biểu Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều