Kinh nghiệm của Liên bang Nga trong ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống vùng dân tộc thiểu số

Nước Nga là quốc gia rộng lớn nhất thế giới về lãnh thổ, thành phần dân tộc đa dạng, tài nguyên thiên nhiên giàu có, phong phú cùng với vị trí địa chiến lược quan trọng, luôn tiềm ẩn những vấn đề, thách thức và rủi ro về an ninh. Riêng trong việc xây dựng mối quan hệ hòa bình, hòa hợp giữa các dân tộc trong đại gia đình dân tộc Nga cũng đặt ra không ít những thách thức an ninh phi truyền thống, nếu không giải quyết kịp thời sẽ tác động tiêu cực đến sự ổn định xã hội và phát triển của Nga.
Tổng thống Nga V.Pu-tin trong một lần phát biểu tại Điện Kremli _ Ảnh: REUTERS/TTXVN 
Nga là một quốc gia đa sắc tộc với 185 dân tộc; dân số của các dân tộc khác nhau rất lớn, từ hàng triệu người (người Nga, người Tatar) đến dưới 10.000 (người Sami). Thành phần các dân tộc của Nga rất đa dạng. Người dân tộc Nga chiếm tỷ lệ 81,53% tổng dân số, Tatar 3,76%, Ukraina 2,97%, Chuvash 1,21%, Bashkir 0,92%, Belarus 0,82%, Moldova 0,73%, Chechnya 0,61%, Đức 0,57% và các dân tộc khác. Trong 85 chủ thể tạo thành Liên bang Nga, có 21 vùng dân tộc thiểu số, 5 khu tự trị và 1 vùng tự trị (chủ yếu là dân tộc thiểu số)(1).

Đến ngày 1-1-2018, dân số của Nga là 144.530.031 người. Nếu bao gồm cả Krym và Sevastopol, dân số là 146.526.636 người. Khoảng 77% dân số sống ở khu vực lãnh thổ châu Âu của Nga, trong khi 23% sống ở khu vực lãnh thổ châu Á.

Mật độ dân số là 8,58 người/km2 (năm 2018). Dân số phân bố rất không đồng đều, 68,36% dân số sống ở khu vực châu Âu của Nga (chiếm 20,82% lãnh thổ). Mật độ dân số của Nga ở khu vực châu Âu là 27 người/km² và ở khu vực châu Á: 3 người/km². Trên 80% dân số sống tại các khu vực đô thị.

Các thách thức an ninh phi truyền thống vùng dân tộc thiểu số

Hiện nay, các thách thức, mối đe dọa về quan hệ dân tộc, sắc tộc trở nên phức tạp hơn, đa diện hơn. Các hình thức cực đoan (bạo lực, khủng bố,…) trong giải quyết mâu thuẫn, xung đột sắc tộc tăng cường. Đồng thời, điều kiện kỹ thuật để các phần tử cực đoan đe dọa số đông trong xã hội cũng không ngừng phát triển, mở rộng. Từ góc độ vấn đề dân tộc, vùng dân tộc thiểu số của Nga xuất hiện các thách thức an ninh phi truyền thống trong các lĩnh vực, như:

- Vấn đề di dân

Sau khi Liên Xô tan rã và hình thành nên các quốc gia độc lập, xuất hiện tình trạng di dân quy mô lớn trên toàn bộ vùng lãnh thổ Liên Xô trước đây. Nước Nga chịu tác động mạnh mẽ nhất của quá trình di dân này. Các quá trình di dân cơ học mang đến những nguy cơ, thách thức từ mối quan hệ giữa các dân tộc đến sự quá tải của hạ tầng kinh tế - xã hội, thị trường lao động, các dịch vụ văn hóa - xã hội. Hơn thế nữa, các nguy cơ, thách thức này hình thành trong một khoảng thời gian tương đối ngắn (sau khi Liên Xô tan rã) nên tâm lý xã hội từ góc độ dân tộc rất khó để thích nghi. Sự xuất hiện của những sắc tộc mới, “không truyền thống” trên các địa bàn lãnh thổ tiềm ẩn nguy cơ xung đột, sự tẩy chay của các dân tộc tại chỗ hay sự biệt lập của các cộng đồng sắc tộc mới di cư đến.

Dòng di cư, vượt qua biên giới các quốc gia mới thành lập càng làm phức tạp thêm cơ cấu dân tộc của nhiều vùng lãnh thổ của nước Nga. Hệ quả của các quá trình này là xuất hiện tình trạng “sốc văn hóa” của không ít những người nhập cư hay chủ nghĩa sô-vanh của các dân tộc tại chỗ.

Những thay đổi nhanh chóng của xã hội Nga trong lĩnh vực dân tộc, chính trị - xã hội liên quan đến sự phân tầng xã hội, di dân hàng loạt, bất bình đẳng và chênh lệch phát triển giữa các vùng, miền trong điều kiện kinh tế thị trường tạo nên sự bất bình, lo lắng, bất an của người dân đối với tương lai. Việc Nga trở thành một nước tiếp nhận người nhập cư cũng tạo ra không ít vấn đề trong việc hòa hợp người nhập cư, thích nghi họ, hướng họ vào những giá trị chung toàn Nga để bảo đảm sự cố kết dân tộc.

- Trong phân bố dân cư và khai thác lãnh thổ quốc gia

Ở Nga, các dân tộc thiểu số kém phát triển hơn về kinh tế, xã hội; dân cư ít hơn nhưng lại cư trú ở những vùng đất rộng lớn, xa xôi, hẻo lánh. Ở những địa bàn này, kết cấu hạ tầng cho sản xuất và đời sống kém phát triển, làm phát sinh tình trạng “biệt lập” về văn hóa - xã hội, kể cả phát sinh tâm lý lảng tránh, xa cách trung tâm trong suy nghĩ, lối sống của người dân. Đây là mảnh đất màu mỡ phát sinh và nuôi dưỡng chủ nghĩa dân tộc cực đoan, một thách thức nghiêm trọng trong việc xây dựng một nền văn hóa, lối sống và dân tộc Nga đoàn kết, thống nhất nói chung.

Cũng chính vì có khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền so với trung tâm nên xuất hiện tình trạng chuyển dịch dân cư theo một hướng về thủ đô và khu vực châu Âu, nơi điều kiện kinh tế - xã hội phát triển hơn. Số người di cư theo hướng này chủ yếu là người Nga, số người còn ở lại các vùng xa xôi, hẻo lánh đa phần là các dân tộc thiểu số. Xu hướng chuyển dịch dân cư về thủ đô và khu vực châu Âu càng làm cho dân cư ở các vùng xa, vùng Siberia, Viễn Đông đã thưa thớt, lại càng thưa thớt hơn.

Xu hướng chuyển dịch dân cư trên gây nên sự phân cực trong phân bố dân cư, tiềm ẩn nguy cơ cả từ bên ngoài (từ phía các quốc gia lân cận) và bên trong (chủ nghĩa dân tộc biệt lập, cực đoan…), đe dọa sự tồn tại của một nước Nga thống nhất, một dân tộc Nga thống nhất, bao gồm không chỉ người dân ở các vùng trung tâm, khu vực châu Âu mà còn cả ở các vùng xa như Siberia, Viễn Đông,… Sự tập trung người Nga ở các vùng trung tâm, các đô thị lớn, còn người các dân tộc thiểu số khác ở các nước cộng hòa, các vùng xa xôi, hẻo lánh không chỉ thúc đẩy xu hướng biệt lập về văn hóa - xã hội giữa người Nga và các dân tộc thiểu số mà còn tiểm ẩn các nguy cơ ly khai mang màu sắc dân tộc.

- Trong lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng

Về tôn giáo, tín ngưỡng, theo khảo sát năm 2013, 68% người Nga theo Chính thống giáo, 7% Hồi giáo, khoảng 5% Phật giáo và các tôn giáo khác(2). Tôn giáo cực đoan, khủng bố quốc tế, buôn bán ma túy trong quá trình toàn cầu hóa là vấn đề nổi cộm ở vùng dân tộc thiểu số của Nga, đặc biệt là ở khu vực Trung Á. Chủ nghĩa tôn giáo cực đoan xuất hiện nhiều trong các sản phẩm tuyên truyền trên mạng xã hội. Tôn giáo cực đoan tiệm cận đến xu hướng bạo lực, khủng bố trong điều kiện thế giới hiện nay trở thành nguy cơ an ninh phi truyền thống và được các phần tử dân tộc cực đoan sử dụng như một công cụ giành ảnh hưởng, tác động đến các lực lượng chính trị khác trên các diễn đàn trong nước và quốc tế.

Tài trợ chủ yếu cho khủng bố và tôn giáo cực đoan là bộ máy buôn bán ma túy. Cỗ máy này không quan tâm đến sự ổn định, ngược lại, càng mất ổn định thì guồng quay ma túy càng thuận lợi. Vì vậy, các tập đoàn buôn bán ma túy tài trợ cho các nhóm vũ trang, các lực lượng khủng bố và tôn giáo cực đoan quốc tế nhằm châm ngòi các điểm xung đột, gây mất ổn định xã hội, buộc chính quyền phải tập trung ứng phó và khi ấy, chính quyền sẽ không có đủ nguồn lực để đấu tranh với buôn bán ma túy. 

- Vấn đề an ninh con người, an ninh kinh tế                                                 

Theo các nhà nghiên cứu Nga, an ninh con người bị đe dọa trước hết là do Nhà nước chưa bảo đảm được các điều kiện cần thiết và ngăn chặn được các mối đe dọa. Trong quá trình phát triển của nước Nga mới, có những giai đoạn, Nhà nước không ngăn chặn, kiểm soát được tình trạng tội phạm, để cho bạo lực tràn lan; ở một số nơi, chính quyền quản lý, điều hành kém hiệu lực, hiệu quả, đạo đức xã hội xuống cấp; tình trạng tham nhũng của đội ngũ quan chức; sự bành trướng quyền lợi, quyền lực của các nhóm tội phạm có tổ chức; hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng áp đặt lên xã hội các tư tưởng của chủ nghĩa cá nhân, những giá trị ngoại lai; tình trạng làm giàu bất chính của một nhóm nhỏ xã hội trên lưng sự nghèo khổ, bần cùng hóa của số đông, nhất là nhóm dân tộc thiểu số và nhóm người nhập cư.

Quá trình phát triển và hội nhập kinh tế mạnh mẽ cũng nảy sinh ra các mối nguy cơ khác nhau trong vùng dân tộc thiểu số. Đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa tác động làm mất đi một số ngành sản xuất truyền thống, xuất hiện những ngành mới,… Những quá trình này làm cho một bộ phận người dân tộc thiểu số bị tách rời khỏi ngành, nghề làm ăn lâu đời, cách sống truyền thống nhưng lại chưa thể thích nghi được với những ngành, nghề, cách sống mới. Trong những điều kiện đó, xuất hiện sự thay đổi trong phân công lao động, người dân các dân tộc thiểu số buộc phải làm trong các ngành hay các lĩnh vực sản xuất khác nhau, không phù hợp với họ. Kiểu phân công lao động như thế càng làm cho ranh giới, khoảng cách giữa các dân tộc thêm sâu sắc, tăng tính biệt lập, khép kín cũng như hình thành nên các định kiến trên nền vấn đề dân tộc.

Kinh nghiệm của Liên bang Nga trong ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống

Trước các thách thức an ninh phi truyền thống nghiêm trọng ở vùng dân tộc thiểu số, nước Nga đã thực hiện nhiều biện pháp ứng phó toàn diện và đạt được những kết quả quan trọng. Cụ thể:

Thứ nhất, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số

Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, lại liên tục chịu sự bao vây, cấm vận của nhiều nước phương Tây, nhưng Chính phủ Nga hằng năm vẫn dành một khoản kinh phí lớn để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các vùng dân tộc thiểu số, các nước cộng hòa và vùng tự trị của người dân tộc thiểu số. Kết quả thực hiện các chương trình, dự án trên đã góp phần thúc đẩy, tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, qua đó, cải thiện và nâng cao đời sống người dân ở những vùng này. Nga đặc biệt chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông vận tải, đường sắt, đường ô-tô với quan điểm giao thông giúp kết nối kinh tế, thúc đẩy giao lưu kinh tế - văn hóa - xã hội, làm lu mờ ranh giới, khoảng cách trong phát triển giữa các dân tộc.

Hằng năm, chính quyền Nga cũng thực hiện nhiều chương trình mục tiêu với lượng ngân sách đáng kể để phát triển các ngành, lĩnh vực và các khía cạnh kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số với mục tiêu cải thiện đời sống, công ăn việc làm cũng như an sinh xã hội vùng dân tộc thiểu số. Đó là các chương trình, dự án phát triển kinh tế như nông nghiệp, công nghiệp, ngành nghề truyền thống hay các lĩnh vực như y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục hoặc cải thiện điều kiện sống (hỗ trợ làm nhà ở, nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất…). Trong giáo dục và đào tạo, Chính phủ Nga ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể như chế độ cử tuyển, miễn giảm học phí, trợ cấp… hoặc đầu tư cải tạo, nâng cấp các cơ sở giáo dục, đào tạo. Bên cạnh việc đầu tư nâng cấp các cơ sở khám, chữa bệnh là nhiều chính sách hỗ trợ khác bằng tiền hoặc hiện vật cho việc khám, chữa bệnh của nhân dân.

Kết quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số trong thời gian qua tương đối khả quan. Điều kiện sống cũng như mức sống của đại đa số các vùng dân tộc thiểu số có cải thiện, tiệm cận tới mức trung bình toàn quốc. Một số nước cộng hòa tự trị không những bảo đảm được các khoản chi tiêu mà còn có đóng góp cho ngân sách trung ương.

Dạy tiếng Mari -  ngôn ngữ được nói bởi khoảng 400.000 người thiểu số chủ yếu ở  Cộng hòa Mari El,  thuộc Liên bang Nga_Ảnh: mariuver.files.wordpress.com 
Thứ hai, xây dựng hệ giá trị chung toàn Nga làm nền tảng đoàn kết dân tộc

Để biến cơ cấu dân số đa dân tộc, đa tôn giáo thành nguồn lực cho phát triển, Nhà nước Nga rất quan tâm đến việc xây dựng những hệ giá trị, chuẩn mực chung toàn Nga làm nền tảng cố kết dân tộc. Đây chính là quá trình xây dựng sự thống nhất trong đa dạng. Trong lĩnh vực này, nước Nga rất chú trọng sử dụng những kinh nghiệm quý từ thời Xô-viết. Trong thời kỳ đó, Liên Xô là một quốc gia với thành phần dân tộc, tôn giáo rất phức tạp nhưng Nhà nước đã xây dựng và phát huy được những giá trị chung để đoàn kết dân tộc như khơi gợi và thúc đẩy tinh thần đoàn kết, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau vì mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, qua đó, tạo dựng hình ảnh con người Xô-viết để người dân các dân tộc khác nhau cùng phát triển, hướng tới.

Hệ giá trị chung toàn Nga để làm nền tảng cố kết dân tộc vẫn còn đang trong quá trình hình thành, xây dựng và phát triển. Tuy nhiên, sự quan tâm của chính quyền đối với quá trình này là điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết mối quan hệ giữa các dân tộc theo hướng hài hòa, ổn định, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau. Theo hướng này, tiếng Nga là một công cụ quan trọng. Việc đẩy mạnh học tập và phổ biến tiếng Nga có ý nghĩa tăng cường liên kết, gắn bó các dân tộc, sự hiểu biết lẫn nhau. Qua phổ biến tiếng Nga, thúc đẩy quá trình phổ biến, lan tỏa văn hóa Nga với tư cách là một giá trị chung, phổ biến, là điểm cố kết các dân tộc sinh sống trên lãnh thổ rộng lớn của nước Nga.

Thứ ba, xử lý các vấn đề an ninh phi truyền thống bằng các công cụ luật pháp, chính sách

Luật pháp, chính sách là những công cụ chủ yếu để Nhà nước Nga quản lý các vấn đề an ninh phi truyền thống vùng dân tộc thiểu số. Nhìn chung, nước Nga luôn quan tâm đến điều chỉnh các lĩnh vực quan hệ dân tộc, tôn giáo bằng thể chế, luật pháp, chính sách. Năm 1997, Nga ban hành Luật Tự do về tín ngưỡng và tổ chức tôn giáo. Năm 2002, ban hành Luật Chống các hoạt động cực đoan. Đây là những khuôn khổ pháp lý cho quản lý các hoạt động tôn giáo; phòng, chống việc lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động bạo lực, tôn giáo cực đoan, khủng bố. Chính quyền Nga cũng luôn chú trọng hoàn thiện luật pháp liên quan đến lĩnh vực này. Năm 2016, Nga đã thông qua gói các sửa đổi luật nhằm tăng cường đấu tranh với chủ nghĩa khủng bố (thường được gọi là gói I-a-ro-va). Gói sửa đổi này mở rộng phạm vi áp dụng và hình phạt đối với các vi phạm Luật Tự do về tín ngưỡng và tổ chức tôn giáo. Theo đó, bất kỳ hoạt động tôn giáo nào không đăng ký và không được cho phép của chính quyền đều là bất hợp pháp.

Bên cạnh ban hành luật, cơ chế, chính sách, Nga còn đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện với sự vào cuộc của chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương, trong đó, đặc biệt coi trọng những biện pháp mang tính giáo dục, răn đe, phòng ngừa. Để làm được việc đó, bên cạnh công tác tuyên truyền sâu rộng, chính quyền các cấp còn thường xuyên tiến hành việc thanh tra, kiểm tra, giám sát, qua đó, có các biện pháp điều chỉnh, nhắc nhở, cảnh báo. Đồng thời, các lực lượng chức năng kịp thời có các biện pháp mạnh với các hành vi chống đối, nhất là các âm mưu, thủ đoạn tổ chức khủng bố, từ việc điều tra, truy tố, xét xử đến các biện pháp phòng ngừa như ngăn chặn các nguồn tài trợ, phá hủy các cơ sở huấn luyện, đào tạo khủng bố.

Thứ tư, tăng cường hợp tác quốc tế trong xử lý các vấn đề an ninh phi truyền thống

Nga rất chú trọng thúc đẩy hợp tác quốc tế trong xử lý các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống, như buôn lậu qua biên giới, buôn bán ma túy xuyên quốc gia, buôn bán phụ nữ và trẻ em có yếu tố nước ngoài, tội phạm xuyên quốc gia, vấn đề năng lượng, khai thác tài nguyên, phòng, chống biến đổi khí hậu… Hợp tác quốc tế trong phòng, chống khủng bố được chính quyền Nga đặc biệt coi trọng, bao gồm cả hợp tác trên các diễn đàn đa phương cũng như song phương. Các lĩnh vực hợp tác rất đa dạng, từ việc trao đổi kinh nghiệm, xử lý, trao đổi thông tin, nhất là thông tin tình báo đến hợp tác trong các chiến dịch chống khủng bố.

Nga đặc biệt coi trọng hợp tác với các nước trong khu vực, nhất là các nước trong không gian hậu Xô-viết về phòng, chống khủng bố. “Điểm nóng” trong phòng, chống khủng bố ở Liên bang Nga gắn với địa bàn sinh sống của các dân tộc thiểu số. Vì vậy, Nga xác định việc phòng, chống khủng bố không thể tách rời việc giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống đặt ra ở vùng dân tộc thiểu số trong mối quan hệ với khu vực và quan hệ quốc tế.

Những kinh nghiệm của Liên bang Nga trong ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống vùng dân tộc thiểu số có thể nghiên cứu, tham khảo trong giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống vùng dân tộc thiểu số ở các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam./.

------------------------------------

1. Этнический состав населения: Народы России https://geographyofrussia.com/etnicheskij-sostav-naseleniya-narody-rossii/

2. Этническое и религиозное многообразие России Под редакцией В.А. Тишкова и В.В. Степанова, Москва 2017 http://static.iea.ras.ru/news/Ethnicheskoe_i_religioznoe_mnogoobrazie_Rossii.pdf

 

Theo NGUYỄN ĐỨC KHA/Tạp chí Cộng sản

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều