Làn sóng chống toàn cầu hóa cản trợ các mục tiêu phát triển bền vững

Tân Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) phụ trách các vấn đề kinh tế - xã hội, Liu Zhenmin nhận định làn sóng chống toàn cầu hoá sẽ cản trở cộng đồng quốc tế đạt được các mục tiêu toàn cầu về xoá đói giảm nghèo, thúc đẩy bình đẳng xã hội và chống biến đổi khí hậu.
Ông Liu nói rằng toàn cầu hoá kinh tế là xu hướng không thể đảo ngược, bởi nó thiết lập nên một lực lượng lao động quốc tế và thúc đẩy khối lượng thương mại quốc tế. Đề cập đến xu hướng chống toàn cầu hóa bắt đầu trỗi dậy từ năm ngoái, ông Liu cho rằng điều này sẽ có tác động rất lớn đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững mà các quốc gia thành viên LHQ nhất trí theo đuổi.  

Tân Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề kinh tế - xã hội Liu Zhenmin 

Trong năm 2015, 193 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc đã thông qua Chương trình nghị sự về phát triển bền vững đến năm 2030, trong đó để ra 17 mục tiêu phát triển bền vững và 169 chỉ tiêu cụ thể. Chương trình nghị sự tuyên bố sẽ chấm dứt tình trạng nghèo đói dưới mọi hình thức ở mọi nơi, nhất là xóa bỏ tình trạng đói nghèo cùng cực – những người đang sống dưới mức 1,25 USD/ngày.  

Ông Liu, người bắt đầu đảm nhiệm chức vụ trên từ ngày 1/8, cho biết một trong những ưu tiên của ông trong nhiệm kỳ này là giúp các quốc gia thành viên LHQ thực hiện Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững năm 2030, nhất là những nước đang gặp nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy phát triển do thiếu kinh nghiệm và công nghệ.  

Bên cạnh đó, ông Liu cũng cảnh báo biến đổi khí hậu là một thách thức lớn đối với cộng đồng quốc tế và đang ảnh hưởng đến tình hình phát triển của toàn thế giới. Ông nhấn mạnh sự cần thiết của việc thay đổi lối sống, thay đổi cách tiêu thụ năng lượng và chuyển đổi sang mô hình phát triển phát thải ra ít khí có carbon để đạt được sự phát triển bền vững.

Theo Dương Thái/Tạp chí Thanh tra

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều