Liên bang Nga đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng

(Mặt trận) - Liên bang Nga nằm trong nhóm những quốc gia có tỷ lệ tham nhũng cao nhất thế giới, tội phạm tham nhũng đã gây thiệt hại cho quốc gia này khoảng 2,5 tỷ USD trong giai đoạn 2014-2017. Trong những năm qua, hiệu quả từ các chiến dịch chống tham nhũng của Nga chưa thực sự được như kỳ vọng. Mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê duyệt kế hoạch chống tham nhũng quốc gia trong 2 năm, với hy vọng sẽ làm trong sạch nước Nga.

Những cuộc biểu tình yêu cầu Chính phủ đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, diễn ra trên khắp nước Nga vào tháng 3/2017 (Ảnh: TRT)

Cuối tháng 3/2017, đã có hàng ngàn người dân ở 99 thành phố của Nga xuống đường biểu tình đòi Chính phủ cải cách để xử lý tham nhũng. Những cuộc biểu tình trên quy mô lớn, nhỏ đã làm rung chuyển quốc gia này.

Kế hoạch 2 năm được Tổng thống Putin phê duyệt đã đặt ra cho nội các nước này thời hạn đến năm 2019 để đưa ra luật trừng phạt các quan chức tham nhũng. Các nhà lập pháp cũng được yêu cầu cần xác định rõ ràng những hành vi nào cấu thành hành vi phạm tội và cần mở rộng danh sách những tài sản bất hợp pháp phải bị tịch thu.

Trong những năm qua, tình trạng tham nhũng đã cản trở đáng kể hoạt động của các doanh nghiệp đang và có kế hoạch đầu tư vào nước Nga. Tham nhũng ở cấp cao, đặc biệt trong hệ thống tư pháp và đầu tư công, là phổ biến. Môi trường kinh doanh ở Nga đang bị áp đặt bởi những chính sách chưa phù hợp, cộng với đó là sự thiếu minh bạch cũng như thiếu trách nhiệm giải trình trong Chính phủ. Sự thiếu hiệu quả về mặt pháp lý đã làm tăng đáng kể chi phí kinh doanh và có tác động tiêu cực đến tính cạnh tranh trên thị trường Nga. Luật Chống tham nhũng của Nga yêu cầu các công ty tích cực tuân thủ các chương trình chống tham nhũng của Chính phủ. Tuy nhiên, việc tuân thủ các quy định này trên thực tế không có hiệu quả. Luật pháp Nga đã hình sự hóa các khoản hối lộ chủ động và bị động, các khoản thanh toán để tạo thuận lợi trong kinh doanh, quà tặng và các lợi ích khác. Mặc dù vậy, việc thực thi pháp luật chống tham nhũng bị cản trở bởi chính hệ thống tư pháp yếu kém.

Các công ty giao dịch trong hệ thống tư pháp của Nga phải đối mặt với rủi ro tham nhũng cao. Tham nhũng trong hệ thống tư pháp dưới nhiều hình thức bao gồm hối lộ và tạo bằng chứng giả. Các khoản hối lộ hay thanh toán bất thường được thực hiện để đổi lấy các quyết định thuận lợi của tòa án. Mặc dù theo luật pháp, Nga có hệ thống tư pháp độc lập nhưng các thẩm phán có thể chịu ảnh hưởng quá mức từ các chính trị gia, quân đội hay lực lượng an ninh khác, điều này đặc biệt đúng đối với các tòa án cấp thấp.

Các tranh chấp thương mại trước đây thuộc thẩm quyền của Tòa trọng tài, tuy nhiên sau khi Nga sửa đổi Hiến pháp, Tòa trọng tài đã sáp nhập với Tòa án tối cao, mở rộng quyền tài phán để xử lý các vụ án hình sự, dân sự và thương mại. Bên cạnh đó, Nga đã ký kết và phê chuẩn Công ước công nhận và thi hành quyết định trọng tài nước ngoài, đồng thời ký Công ước về giải quyết tranh chấp đầu tư giữa các quốc gia và các công dân quốc gia khác.

Ứng cử viên Tổng thống Nga năm 2018 Alexei Navalny đã rất nhiều lần bị bắt giữ vì biểu tình chống Chính phủ (Ảnh: CNN)

Trong một cuộc tái thẩm gần đây, một trong những trường hợp được coi là ví dụ minh họa điển hình cho ảnh hưởng chính trị đối với phán quyết của toà án, đó là ứng cử viên Tổng thống 2018 Alexei Navalny. Ông này đã bị tuyên án 5 năm tù treo vì tội danh biển thủ công quỹ của Nhà nước từ một công ty gỗ. Trong phiên tòa thứ nhất hồi năm 2013, ông Navalny bị kết tội liên quan đến cáo buộc tham ô 502.700 USD từ Công ty gỗ Kirovles khi đang làm cố vấn cho Thống đốc bang Kirov.

Đối với lĩnh vực đầu tư công, tình trạng tham nhũng xảy ra với tỷ lệ cao. Các khoản hối lộ, tiền hoàn lại và các khoản thanh toán không thường xuyên khác thường được trao đổi để nhận các hợp đồng trong các dự án đầu tư công. Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ Nga đã xây dựng tiêu chuẩn bắt buộc cho các hồ sơ dự thầu, cải thiện quy định và tính minh bạch của quy trình đầu tư công. Tuy nhiên, quy trình này vẫn còn phức tạp, kéo dài và vẫn có thể bị thao túng. Các doanh nghiệp có thể được phê duyệt trúng thầu tùy thuộc vào mối quan hệ của họ đối với các quan chức Chính phủ. Các cuộc đấu thầu được tổ chức trực tuyến công khai thông qua 5 nền tảng giao dịch điện tử. Mặc dù vậy các công ty đã từng dính líu đến tham nhũng, hối lộ trước đây không bị cấm đấu thầu ở Nga.

Đối với lĩnh vực khai thác tài nguyên thiên nhiên, mức độ ảnh hưởng của chính trị trong ngành sản xuất năng lượng vẫn ở mức cao. Nga là một trong những quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới, tuy nhiên do hệ thống tư pháp còn nhiều hạn chế, dẫn đến việc thiếu minh bạch về doanh thu trong lĩnh vực khai thác dầu. Lĩnh vực lọc hóa dầu còn bị chi phối bởi lợi ích của các thành viên Chính phủ.

Một vấn đề khác còn tồn tại trong xã hội Nga, đó là việc các phương tiện truyền thông bị hạn chế. Chính phủ kiểm duyệt và hạn chế nội dung truyền thông thông qua các luật và nghị định khác nhau. Các tổ chức xã hội dân sự của Nga còn non yếu nên chưa đủ sức mạnh để tác động đến cuộc chiến chống tham nhũng của quốc gia này. Trong khi đó, các tổ chức phi chính phủ hầu như không được khuyến khích tham gia.

Tổng thống Nga Putin kêu gọi đẩy mạnh chống tham nhũng trên toàn nước Nga (Ảnh: Sputnik)

Trước tình trạng tham nhũng khó kiểm soát, một sắc luật mới đã được Tổng thống Putin ký thông qua và được đăng tải công khai trên cổng thông tin các văn kiện chính thức của Nga vào cuối năm 2017, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.

Sắc luật này yêu cầu các cơ quan Nhà nước thiết lập và cập nhật danh sách các quan chức từng bị cáo buộc tham nhũng hoặc bị sa thải vì “đánh mất lòng tin” sau các vụ bê bối tham nhũng. Sắc luật này sẽ áp dụng đối với tất cả cán bộ, công chức Nga ở cấp Liên bang cũng như địa phương, các quân nhân, cơ quan hành pháp, tập đoàn Nhà nước và các tổ chức Nhà nước, ví dụ như Ngân hàng Trung ương.

Mục đích chính của việc lập và công khai danh sách các cán bộ tham nhũng nhằm gây khó khăn cho các đối tượng này trong việc tiếp cận thêm các công việc mới tại các cơ quan Nhà nước hoặc các tập đoàn thuộc sở hữu của Nhà nước. Theo đó, khi danh sách này được công bố, các cán bộ tham nhũng sẽ không thể giấu giếm lý do thực sự từng khiến họ bị sa thải nếu có ý định tìm kiếm việc làm trong tương lai.

Bên cạnh đó, trong năm 2017, Tổng thống Nga Putin đã không ít lần lên tiếng kêu gọi đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng trên toàn nước Nga và coi chống tham nhũng là yếu tố tối quan trọng để phát triển đất nước. Phát biểu trong một cuộc họp với các thành viên của Hội đồng lập pháp Liên bang, ông nhấn mạnh, Nhà nước Nga phải chứng tỏ khả năng chống tham nhũng hiệu quả, độc lập và thực sự làm được điều đó, đồng thời loại bỏ những kẻ cơ hội muốn coi chống tham nhũng là cơ hội để làm lợi cho bản thân và gây rối loạn đất nước. Tổng thống Vladimir Putin cho rằng, điều quan trọng nhất trong cuộc chiến chống tham nhũng là phải phân biệt được ai thực sự muốn làm trong sạch bộ máy Nhà nước với những ai đang mưu tính việc sử dụng cuộc chiến chống tham nhũng để mưu cầu công danh. 

Trong cuộc chiến với nạn tham nhũng, Chính phủ Nga đã xử lý kiên quyết nhiều quan chức lạm dụng chức quyền trong bộ máy Nhà nước, đặc biệt là các quan chức ở Trung ương, nhất là trong bộ máy hành pháp.

Có thể thấy, nỗ lực chống tham nhũng của chính quyền nước Nga đã góp phần đáng kể vào ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đất nước này trước những biến động dữ dội. Tình trạng tham nhũng ở Nga còn nặng nề, nhưng những nổ lực của Chính phủ Nga đang dần có hiệu quả, tiến tới thu hẹp và dần loại trừ tệ nạn này.

Hồng Nhung dịch

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều