Luật Kê khai tài sản, thu nhập của Tunisia: Cuộc chiến chống tham nhũng

Từ ngày 18/10 vừa qua, hơn 350.000 quan chức của Tunisia bắt đầu tiến hành các thủ tục kê khai tài sản, thu nhập. Thủ tục này được thực hiện theo quy định của Đạo luật 2018-46 liên quan đến việc kê khai tài sản, ngăn chặn mọi hành vi làm giàu bất chính và nguy cơ xung đột lợi ích trong khu vực công, vừa chính thức có hiệu lực ngày 1.10 vừa qua. Đạo luật là một trong những nỗ lực mới nhất của Thủ tướng Youssef Chahed trong cuộc chiến chống tham nhũng mà ông cam kết ngay từ khi lên nắm quyền.

Đạo luật đầu tiên về kê khai tài sản

Chủ tịch Cơ quan Quốc gia Chống tham nhũng Tunisia (INLUCC) Chawki Tabib cho biết, đạo luật bắt đầu được thực hiện sau khi Chính phủ ban hành chỉ thị hướng dẫn thi hành vào ngày 13.10 vừa qua. Ông cho biết, từ giữa tháng 10, cơ quan này bắt đầu nhận các bản kê khai tài sản, thu nhập của các cá nhân liên quan.

 

Theo ông Chawki Tabib, để tạo điều kiện cho việc áp dụng đạo luật này INLUCC đã yêu cầu Chính phủ cung cấp thêm khoản ngân sách 4 triệu dinar cho năm tài khóa 2019 để cơ quan này có thêm nguồn tài chính trang trải cho việc tuyển thêm nhân sự, chịu trách nhiệm thu thập, xử lý các bản kê khai tài sản của quan chức. Khoản ngân sách này cũng sẽ được sử dụng cho chiến dịch tuyên truyền, vận động các quan chức nhà nước hưởng ứng, thực hiện một cách tích cực. Các chiến dịch tăng cường nhận thức sẽ tập trung giúp các quan chức về tầm quan trọng của đạo luật kê khai tài sản cũng như giúp cho các đối tượng liên quan tránh nguy cơ bị vi phạm, điều có thể dẫn đến các án hình sự. “Trong trường hợp đối tượng nằm trong diện phải kê khai tài sản không tiến hành thủ tục đúng hạn, sẽ có một thông báo gửi đến và đối tượng đó có thêm 15 ngày để hoàn thành, giao nộp bản kê khai của mình. Quá thời hạn trên, đối tượng đó sẽ phải chịu hình phạt tùy vào mức độ nặng nhẹ”, ông Tabib cho biết.

Ông Tabib cũng cho biết, INLUCC cần phải tăng cường bảo mật cho hệ thống máy tính và mạng nội bộ để bảo vệ dữ liệu cá nhân khi đây sẽ là nơi lưu trữ toàn bộ thông tin của của 350.000 quan chức nước này. Bên cạnh đó, tất cả các nhân viên của cơ quan này cũng sẽ được yêu cầu ký vào bản cam kết danh dự, nhằm yêu cầu giữ bí mật về những thông tin mà họ sẽ tiếp cận.

Chủ tịch Tổ chức công đoàn các nhà báo Tunisia Néji Bghouri đánh giá cao việc Quốc hội thông qua đạo luật này hồi tháng 7 cũng như tiến trình triển khai đưa vào áp dụng khẩn trương nhanh chóng. Ông cho biết, đây là đạo luật đầu tiên ở Tunisia về kê khai tài sản, thu nhập, đồng thời nhấn mạnh cuộc chiến chống tham nhũng là nhân tố quyết định sự ổn định cho bất kỳ nền chính trị nào.

Không chỉ là một trận chiến

Trong vài năm gần đây, tham nhũng đã làm “ô nhiễm” phần lớn các khu vực công trong hiện tượng gọi là “dân chủ hóa tham nhũng”, khi các trùm tội phạm trả tiền để gây ảnh hưởng trên các phương tiện truyền thông, trong các đảng phái chính trị và với cảnh sát, tư pháp và các quan chức cấp cao.

Thủ tướng Chahed đã tuyên bố một cuộc chiến tranh chống tham nhũng khi ông tiếp quản chính phủ vào tháng 8.2016, với sự tiến bộ không mấy rõ rệt. Nhưng giờ đây ông đang giải quyết vấn đề này như là một đe dọa an ninh quốc gia. Năm ngoái ông bắt tay vào một cuộc đàn áp triệt để chống lại tội phạm có tổ chức, bắt giữ gần một chục trùm mafia và buôn lậu. Hồi tháng 2 năm ngoái, Chính phủ của ông thúc đẩy Quốc hội thông qua Luật Chống tham nhũng với 36 điều khoản. Theo Luật này, bất kỳ hành vi nào được coi là trả thù người tố cáo đều bị trừng phạt, bao gồm các hình thức kỷ luật đối với công chức. “Các chế tài mạnh mẽ như thế này giúp chúng ta chống tham nhũng”, Bộ trưởng Dân chính Abid Briki, ca ngợi trong khi Người phát ngôn của Quốc hội Tunisia Abelfattah Mourouj cho rằng, đạo luật là một bước tiến từ cuộc cách mạng.

Nỗ lực của chính phủ đã khiến người dân mừng rỡ trong bất ngờ, trước sức mạnh và hiệu quả của nó. Ông Chahed, 41 tuổi, một kỹ sư nông nghiệp, người đã từng làm việc trong nhiều năm về các chương trình phát triển tại Đại sứ quán Mỹ ở Tunis, nhận định: “Đây là một cuộc chiến chứ không đơn thuần chỉ là một trận chiến. Chúng tôi sẽ tiếp tục cho đến kết thúc. Điều này rất quan trọng đối với nền kinh tế Tunisia, vì sự an ninh của lãnh thổ”.

Theo Vũ Quỳnh/Báo Đại biểu nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều