Lý do các công ty lớn từ Facebook, Google đến Starbucks đổi tên

Có nhiều động lực đằng sau các quyết định đổi tên của những "người khổng lồ công nghệ" như Google, Starbucks, Snapchat hay Total và mới nhất là Facebook.
 CEO của Facebook, Mark Zuckerbert ngày 28/10 đã công bố quyết định đổi tên công ty thành Meta. 

Bất cứ ai khởi nghiệp với một công ty đều hiểu rằng, lựa chọn một cái tên không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Có rất nhiều điều họ phải cân nhắc, chẳng hạn như: tên miền và tên mạng xã hội có còn đăng ký được không; Có đối thủ nào đang sử dụng tên tương tự?; Mọi người có dễ phát âm, đánh vần và nhớ tên đó không?; Hay liệu cái tên có gây hiểu lầm hoặc ảnh hưởng gì vềvăn hóa, truyền thống… 

Danh sách những cân nhắc đó còn kéo dài, thậm chí còn nhiều hơn nữa một khi công ty đã được thành lập và càng khó khăn khi đó là một doanh nghiệp phục vụ hàng tỉ người dùng trên khắp thế giới.

Ngày 28/10, công ty Facebook (chứ không phải mạng xã hội Facebook) đã công bố quyết định đổi tên thành Meta, và chắc chắn có nhiều lý do đằng sau quyết định này. Nhưng trước hết, chúng ta có thể xem xét lịch sử thay đổi tên công ty trong những năm gần đây để hiểu về những động lực khác nhau đằng sau việc một công ty, một tập đoàn lớn đổi tên. Dưới đây là một số những lý do nổi bật nhất.

Áp lực xã hội

Nhận thức xã hội có thể thay đổi nhanh chóng, và các công ty tìm mọi cách để dự đoán được trước những thay đổi đó. Nếu không thay đổi được kịp thời, họ có thể đối mặt áp lực.

 

Khi một thương hiệu nhận được những đánh giá tiêu cực từ cộng đồng, đôi khi họ có thể quyết định đổi tên trong nỗ lực xây dựng một hình ảnh tích cực hơn. Việc đổi tên khi đó giống như một lời đáp rằng: “Chúng tôi đang lắng nghe các bạn”.

Các công ty chịu nhiều đánh giá tiêu cực từ bên ngoài ngày càng đối mặt nhiều áp lực, đặc biệt là trong thời đại đầu tư EGS (đầu tư dựa trên đánh giá các yếu tố: môi trường - xã hội - quản trị công ty). Áp lực xã hội chính là yếu tố lớn nhất đằng sau những cuộc đổi tên của Total và Philip Morris. Trong trường hợp của Total, việc đổi tên sang TotalEnergies còn báo hiệu sự chuyển dịch của công ty vượt ra ngoài lĩnh vực truyền thống là dầu khí sang năng lượng tái tạo.

Trong một số trường hợp, lý do các công ty thay đổi tên của mình còn tinh vi hơn. Chẳng hạn, GMAC (General Motors Acceptance Corporation) không muốn liên quan đến hoạt động cho vay dưới chuẩn cũng như lệ thuộc vào gói cứu trợ hàng tỉ USD của chính phủ Mỹ, và việc đổi tên là một cách để công ty bắt đầu với một “phương tiện sạch”. Công ty dịch vụ tài chính này đã đổi tên thành Ally vào năm 2010. 

Kích hoạt núi “Cài đặt lại”

 

Thương hiệu có thể trở nên mất uy tín theo thời gian do các vụ bê bối, chất lượng giảm sút, hoặc vô số lý do khác. Khi điều này xảy ra, thay đổi tên có thể là một cách để khiến khách hàng quên hoặc dễ bỏ qua những ý nghĩ tiêu cực cũ về công ty.

Các nhà cung cấp Internet và truyền hình thường xếp cuối cùng trong xếp hạng mức độ hài lòng của khách hàng, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi nhiều nhà cung cấp đã đổi tên trong những năm gần đây.

“Chúng tôi làm được nhiều hơn thế”

 

Đây là một kịch bản rất phổ biến, đặc biệt là khi các công ty mở rộng nhanh chóng, hoặc tìm thấy thành công với các dịch vụ, sản phẩm mới. Sau một thời gian tăng trưởng và liên tục đổi mới, một công ty có thể thấy rằng các tên hiện tại có hạn chế và không còn phản ánh chính xác những gì mà công ty đã trở thành. 

Cả Apple và Starbucks đều đã đơn giản hóa tên công ty của họ trong những năm qua. Apple đã bỏ chữ “Computers” khỏi tên của mình vào năm 2007, và Starbucks bỏ bớt chữ “Coffee” khỏi tên vào năm 2011. Trong cả hai trường hợp này, việc thay đổi tên đồng nghĩa là tách công ty khỏi lĩnh vực ban đầu đưa họ đến thành công sau khi đã mở rộng lĩnh vực hoạt động, và cả hai đều đã có một quyết định đúng đắn.

Một trong những cuộc thay đổi tên lớn nhất trong những năm gần đây là việc tập đoàn Google đổi tên thành Alphabet vào năm 2015. Với quyết định đó, Google được cơ cấu lại hoàn toàn dưới một công ty mẹ mang tên Alphabet, khẳng định rằng nó không chỉ là một công cụ tìm kiếm, quảng cáo trên Internet mà là một tập đoàn khổng lồ với các mục tiêu như sản xuất ôtô tự hành, công nghệ y tế....

Thay đổi tên khởi nghiệp

 

Một kịch bản đổi tên khác cũng rất phổ biến là thay đổi tên ở giai đoạn khởi nghiệp.

Nhiều dịch vụ kỹ thuật số phổ biến mà chúng ta sử dụng ngày nay đã ra đời với những cái tên khá lạ. Google mà chúng ta biết ngày nay từng được gọi là là "Backrub". Instagram bắt đầu với tên “Bourbn”, và Twitter từng ra mắt với tên “Twittr” trước khi bổ sung thêm một chữ “e”.

Các vấn đề về bản quyền

Nhiều công ty đã bắt đầu chỉ như những thử nghiệm mang tính thăm dò hoặc những dự án xuất phát từ niềm đam mê. Khi đó, việc lựa một cái tên khả thi, đã được kiểm tra kỹ lưỡng không nằm trong danh sách ưu tiên. Kết quả là, các công ty mới có thể gặp vấn đề về bản quyền với tên gọi của mình. 

 

Đó là trường hợp của Picaboo, tiền thân của Snapchat, khiến công ty buộc phải đổi tên vào năm 2011. Công ty Picaboo hiện tại – một công ty sách ảnh – đã không hài lòng khi chia sẻ tên với một ứng dụng chủ yếu liên quan đến giới tính, tình dục vào thời điểm đó. 

Cuộc chiến vì cái tên WWF còn độc đáo hơn. Năm 1994, Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (World Wildlife Fund) và Liên đoàn Đấu vật Thế giới (World Wrestling Federation) - đều viết tắt là WWF – đã có một thỏa thuận chung rằng phía Liên đoàn sẽ ngừng sử dụng tên viết tắt trên toàn thế giới, ngoại trừ các mục đích sử dụng cụ thể như “nhà vô địch WWF”. Tuy nhiên, cuối cùng thỏa thuận về cơ bản đã bị bỏ qua và rắc rối trở thành điểm mấu chốt khi Liên đoàn Đấu vật Thế giới đăng ký tên miền wwf.com. Cuối cùng, họ đổi tên thành WWE (World Wrestling Entertainment) sau khi thua kiện.

Sửa chữa lại sai lầm

 

Sai lầm là do con người và các bài học đổi tên thương hiệu không phải lúc nào cũng đạt hiệu quả. Khi một cuộc đổi tên không đạt được mục đích của nó, thì việc của công ty là phải sửa sai.

Năm 2016, công ty xuất bản Tribune Publishing đã buộc phải lấy lại tên cũ sau khi đổi tên thành Tronc vào năm 2016. Cái tên Tronc, được viết cách điệu toàn bằng chữ thường, được coi là một nỗ lực vụng về để Tribune chuyển thành nhà xuất bản kỹ thuật số đầu tiên.

Tại sao Facebook đổi tên?

Facebook thực hiện đổi tên vì một số lý do, nhưng một yếu tố trong đó được cho là thương hiệu đã gắn liền với những bê bối, ảnh hưởng tiêu cực. Ngay cả trước khi xảy ra bê bối “bị thổi còi” và ngừng hoạt động gần đây, Facebook đã là một công ty công nghệ ít được tin tưởng do các vấn đề về dữ liệu người dùng, thông tin cá nhân. Nhà sáng lập kiêm CEO Facebook, Mark Zuckerberg từng là CEO đáng ngưỡng mộ nhất ở Thung lũng Silicon, nhưng sau đó uy tín của ông đã sa sút.

Ngoài ra có một số yếu tố khác đằng sau quyết định đổi tên. Đầu tiên, Facebook nhận ra rằng các vấn đề về quyền riêng tư đã gây rủi ro tới nguồn doanh thu chính của công ty là từ quảng cáo. Mô hình hướng tới quảng cáo của công ty dựa trên dữ liệu của khách hàng đang trở thành mục tiêu bị giám sát nhiều hơn qua mỗi năm. 

 

Một yếu tố quan trọng là tên gọi mới phản ánh rõ tham vọng phát triển từ mạng xã hội đơn thuần sang một công ty vũ trụ ảo của CEO Mark Zuckerberg. Hiện tại, các thay đổi với nền tảng Facebook chính vẫn chưa rõ ràng, nhưng thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường sẽ là tầm nhìn và trọng tâm phát triển của Meta.

Facebook đã lần đầu tiên báo hiệu tham vọng của họ vào năm 2014 khi mua lại nhà sản xuất tai nghe thực tế ảo Oculus. Một phần lớn lực lượng lao động của công ty đang tích cực biến khái niệm metaverse thành hiện thực. Công ty cũng có kế hoạch tuyển dụng thêm 10.000 nhân viên ở châu Âu trong 5 năm tới.

Vẫn còn phải xem liệu “canh bạc” khổng lồ trị giá nhiều tỉ USD này có thành công hay không, nhưng trong tương lai gần, Zuckerberg và các nhà đầu tư của Facebook chắc chắn sẽ theo dõi chặt chẽ cách truyền thông và công chúng phản ứng với tên Meta mới và quá trình chuyển đổi diễn ra như thế nào.

Theo Thu Hằng/Báo Tin tức

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều