Lý giải nguyên nhân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis bất ngờ từ chức

Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, quyết định từ chức của ông Mattis không phải là bị ép buộc, mà liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó có Syria.

Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis ngày 20/12 đột ngột tuyên bố từ chức và cho rằng Tổng thống Donald Trump có thể chọn một người kế nhiệm ông tại Bộ Quốc phòng có quan điểm hợp với Tổng thống hơn ông. Thông báo từ chức của ông Mattis đưa ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Trump tuyên bố sẽ rút quân Mỹ ở Syria – một quyết định lật ngược chính sách của Mỹ trong khu vực.

 Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis bất ngờ từ chức. Ảnh: Reuters.

Lý do từ chức

Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, quyết định từ chức của ông Mattis không phải là quyết định bị ép buộc, mà liên quan đến nhiều vấn đề trong đó có Syria. Ông đã rất buồn sau khi đọc một số báo cáo về việc Thổ Nhĩ Kỳ đang nhắm mục tiêu tấn công vào lực lượng người Kurd – đồng minh của Mỹ tại Syria trong trường hợp quân đội Mỹ rút quân khỏi quốc gia Trung Đông này. Cũng theo nguồn tin trên, điều khiến ông Mattis thất vọng là báo cáo về việc Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa tiêu diệt người Kurd. Mattis rất giận về điều này và ông cho rằng Mỹ đang “phản bội” đồng minh. Đến thời điểm hiện tại, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vẫn chưa ký lệnh hành pháp về việc rút quân khỏi Syria.

Bộ trưởng James Mattis nói: “Niềm tin cốt lõi mà tôi luôn nắm giữ là sức mạnh quốc gia chúng ta gắn bó chặt chẽ với sức mạnh của hệ thống đối tác cũng như đồng minh đặc biệt và toàn diện của Mỹ... Tôi từng nói ngay từ đầu rằng lực lượng quân đội Mỹ không nên trở thành cảnh sát của thế giới, chúng ta không thể bảo vệ lợi ích của mình hoặc đóng vai trò đó một cách hiệu quả mà không duy trì quan hệ đồng minh mạnh mẽ và thể hiện sự tôn trọng với họ".

Hãng tin CNN trước đó cho biết, ông Mattis đã quyết định tới Nhà Trắng vào sáng sớm ngày 20/12 để thảo luận những mối lo ngại về Syria và cố gắng thay đổi quan điểm của Tổng thống. Sau khi không thuyết phục được ông Trump, ông Mattis đã từ chức.

Trong lá thư, ông Mattis cũng khẳng định cần phải có quan điểm rõ ràng với Nga và Trung Quốc. “Tôi tin rằng chúng ta cần phải kiên quyết và gạt bỏ sự mơ hồ trong cách tiếp cận với những quốc gia mà có các lợi ích chiến lược xung khắc gia tăng  đối với lợi ích của Mỹ. Rõ ràng, Nga và Trung Quốc muốn định hình một thế giới phù hợp với hình mẫu độc đoán của họ... để tăng cường lợi ích kinh tế đối với các quốc gia láng giềng, Mỹ và đồng minh của chúng ta. Đây là lý do tại sao chúng ta phải sử dụng tất cả sức mạnh của mình cho việc phòng thủ chung”. Ông Mattis được biết đến là người có lập trường tương đối cứng rắn đối với Nga và Trung Quốc.

Khi được hỏi về quyết định ra đi của ông Mattis, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders nói rằng, Mattis có một mối quan hệ tốt với Tổng thống Trump, song đôi khi họ cũng bất đồng về một số vấn đề. “Tổng thống thường xuyên lắng nghe các thành viên trong đội ngũ cố vấn an ninh quốc gia của ông. Nhưng cuối cùng ông và là người ra quyết định chính”.

Cố vấn của Tổng thống Trump, ông Stephen Miller  khẳng định, ông Mattis và Tổng thống Trump có một mối quan hệ tuyệt vời. “Như bạn thấy đấy Tổng thống Trump tin rằng nhiều quốc gia giàu có đang tận dụng lợi thế của Mỹ trong khi chúng tôi lại bảo vệ cho họ. Tổng thống đã nhấn mạnh về sự cần thiết phải có một thỏa thuận công bằng cho người đóng thuế tại Mỹ và đảm bảo chúng tôi chỉ tham gia những hoạt động đảm bảo lợi ích quốc gia của chúng tôi”, ông Stephen Miller  nói.

Trên thực tế, ông Mattis đã nhiều lần bày tỏ sự không hài lòng đối với các quyết sách của Tổng thống Trump. Trong bức thư từ chức, ông đã thể hiện sự phản đối chính sách đối ngoại theo định hướng “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump – chính sách đã gây gia tăng căng thẳng với các đồng minh của Mỹ, từ Đức, Anh tới Australia.

Phản ứng về quyết định từ chức của ông Mattis

Trong thông báo trên trang Twitter, Thượng nghị sỹ Cộng hòa Lindsey Graham cho biết ông rất buồn khi nhận được tin Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis sẽ từ chức. “Mattis là một trong số các nhà lãnh đạo quân sự vĩ đại trong lịch sử nước Mỹ. Ông đã tham gia cuộc chiến chống lực lượng Hồi giáo cực đoan trong nhiều thập kỷ và đưa ra những lời khuyên bổ ích về quân sự cho Tổng thống Trump”.

Bà Nancy Pelosi, lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện – người nhiều khả năng sẽ trở thành tân chủ tịch Hạ viện nói bà đã bị sốc về sự ra đi của ông Mattis, đồng thời cho rằng mọi người nên đọc thư từ chức của ông. Phát biểu trong cuộc họp báo chung với  lãnh đạo thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer, bà Pelosi nói: “Đó là một bức thư hay, thể hiện được các giá trị của nước Mỹ”.

Còn ông Chuck Schumer cho rằng, Mattis là một trong số ít các biểu tượng về “sức mạnh và sự ổn định” trong chính quyền Tổng thống Trump. Bởi hiện nay, chính quyền của ông đang có nhiều biến động”. CNBC dẫn lời Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan nhấn mạnh: "Hạ viện Mỹ tri ân Bộ trưởng Mattis vì sự phục vụ của ông".

Theo Hồng Anh/VOV.VN (CNN)

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều