Mô hình nào cho quan hệ Anh - EU thời hậu Brexit?

Ngày 11-9 với 326 phiếu thuận và 290 phiếu trống, Quốc hội Anh đã phê chuẩn Dự luật rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) chấm dứt tư cách thành viên của Anh trong Liên hiệp này. Mới đây, ngày 22-9 phát biểu tại thành phố Florence (Italia), Thủ tướng Anh Theresa May đề xuất thời gian chuyển tiếp để Anh rời EU là 2 năm tuy nhiên, quan hệ Anh - EU thời hậu Brexit sẽ theo mô hình nào vẫn còn là một ẩn số, khiến giới nghiên cứu và dư luận quan tâm.

 Ảnh minh họa. Ảnh: Reuters

Các mô hình liên kết

Viện chính sách châu Âu Bruegel đã đề xuất mô hình cho mối quan hệ mới giữa Anh và EU thời hậu Brexit, có thể gọi là mô hình thứ tư. Được biết, EU hiện đang tồn tại 3 mô hình liên kết, đó là các trường hợp của Na Uy, Thụy Sỹ và Canada.

Một là, mô hình EEE. Đây là mối quan hệ giữa Na Uy với EU dựa trên Không gian Kinh tế châu Âu (EEE), chủ yếu là hợp tác trên thị trường chung và hiện có 3 nước lựa chọn mô hình này đó là Na Uy, Liechtestein, Iceland. Các quốc gia nêu trên là một phần của thị trường chung EU, họ phải áp dụng tất cả các quy tắc cũng như nguyên tắc của EEE, đóng góp cho ngân sách EU, nhưng lại không có bất kỳ tiếng nói nào trong quá trình xây dựng luật pháp và các quy tắc của EU.

Hai là, mô hình song phương và tự do đi lại. Đây là quan hệ giữa Thụy Sỹ với EU. Theo đó, Thụy Sỹ liên kết với EU bằng các thỏa thuận song phương, thông qua đó nước này tham gia một số chính sách chung của EU, trong đó chủ yếu là khuôn khổ khối tự do đi lại Schengen. Thụy Sỹ cũng có đóng góp cho ngân sách EU, nhưng ít hơn các nước tham gia mô hình EEE.

Ba là, mô hình CETA. Đây là quan hệ Canada với EU chủ yếu dựa vào Hiệp định CETA (Kinh tế và Thương mại Toàn diện EU - Canada) trên cơ sở các nguyên tắc của WTO. Tuy nhiên, hiện nay hiệp định này còn phải chờ sự phê chuẩn của các nước thành viên EU. Theo các tác giả của Viện Chính sách Bruegel thì trên thực tế không có mô hình nào trong 3 mô hình nêu trên phù hợp với lợi ích và mong muốn của nước Anh, nên họ đã đề xuất mô hình thứ tư.

 

Bốn là, mô hình “Đối tác lục địa”. Đây là mô hình liên chính phủ, GS. André Sapir thuộc trường Đại học Tự do Brussels (Bỉ) cho rằng, một châu Âu đa tốc độ phát triển là điều không thể tránh khỏi. Bên cạnh việc xây dựng một cơ cấu siêu quốc gia, thì EU vẫn cần tạo ra một nền tảng cơ cấu liên chính phủ, tạm gọi là mô hình “Đối tác lục địa”. Mô hình này sẽ mở ra những lĩnh vực hợp tác về thị trường chung, an ninh, đối ngoại và quốc phòng. Không chỉ có nước Anh tham gia, mà còn có thể cả những nước khác như Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ…

Hai mặt của mô hình thứ tư

Theo giới chuyên gia, “Đối tác lục địa” sẽ là mô hình phù hợp nhất, bởi vì nước Anh sẽ giữ lại được quyền tiếp cận vào thị trường chung. Tuy nhiên, sự tiếp cận này không bị yêu cầu ràng buộc với 3 trong số các quyền tự do cơ bản của EU như: lưu thông hàng hóa, dịch vụ, thị trường vốn.

Nước Anh hoặc những đối tác khác sẽ không cần thừa nhận quyền tự do đi lại của công dân EU vào nước họ. Xét về mặt lý luận, một số chuyên gia cho rằng mô hình này còn tồn tại khá nhiều mâu thuẫn, từ góc nhìn kinh tế, tự do thương mại hàng hóa, dịch vụ và vốn đều có thể xảy ra xung đột lợi ích nếu không gắn với quyền tự do di chuyển lao động.

Về quyền tự do đi lại của công dân, EU và Anh sẽ thống nhất hạn ngạch hằng năm cũng như thời gian giải quyết giấy phép lao động cho công dân từ cả 2 phía. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là Anh sẽ phải đóng góp bao nhiêu cho ngân sách EU vẫn còn khó xác định. Tuy nhiên, bà May đã tuyên bố rằng, trong thời gian chuyển tiếp 2 năm, Anh vẫn tôn trọng những cam kết về ngân sách khi còn là thành viên của EU.

Trên cơ sở tham khảo mô hình EEE, GS. André Sapir cho biết quan điểm của Nhóm nghiên cứu là sẽ đề xuất cùng lúc 2 mô hình cụ thể EEE- và EEE+ để các bên lựa chọn. Nhóm nghiên cứu cho rằng EEE- là mô hình, theo đó các đối tác không tham dự vào không gian Schengen, còn EEE+ có nghĩa là các nước đối tác được quyền tham gia vào quá trình thiết lập các quyết định.

Nước Anh và các nước khác tham gia vào mô hình “Đối tác lục địa” sẽ có lợi ích trong tham gia thảo luận về tất cả các dự án luật điều chỉnh thị trường chung, đề xuất xây dựng và yêu cầu sửa đổi… Theo mô hình này, EU vẫn sẽ là bên có tiếng nói quyết định cuối cùng. Paul Tucker và đồng tác giả nghiên cứu, trưởng Nhóm tư vấn các nguy cơ hệ thống tại một viện nghiên cứu độc lập của Mỹ cho rằng, mô hình “Đối tác lục địa” chắc chắn sẽ gây khó chịu cho các nước Đức và Pháp khi vẫn tồn tại ảnh hưởng của nước Anh trong việc xây dựng chính sách về thương mại toàn cầu mới của EU.

Cần một giai đoạn chuyển tiếp

Trong vòng đàm phán thứ ba về Brexit, cả Anh và EU đã tập trung bàn về quyền lợi của các công dân nhập cư, số tiền đóng góp và một số vấn đề khác như: biên giới giữa Cộng hòa Ireland thuộc EU và vùng Bắc Ireland thuộc Anh. Bộ phụ trách rời EU nêu rõ, cả hai bên phải linh hoạt và sẵn sàng để thỏa hiệp khi vòng đàm phán diễn ra nhằm giải quyết những vấn đề còn bất đồng.

Phía Anh luôn thúc giục EU đàm phán về quan hệ hai bên trong tương lai, nhưng EU lại kiên định với kế hoạch bàn thảo các vấn đề “chia tách” trước rồi mới nói đến quan hệ hậu Brexit. Ngày 12-9, Anh và EU đã nhất trí vòng đàm phán thứ 4 sẽ được tổ chức vào ngày 25-9. Chính phủ Anh công bố mong muốn hợp tác quốc phòng với EU thời hậu Brexit, London cam kết duy trì an ninh châu Âu vô điều kiện, đóng góp ngân sách quân sự và trao đổi thông tin tình báo.

Trong bối cảnh trên, các tổ chức công đoàn, Công đảng đối lập Anh lại đòi tăng mức chi ngân sách cho những người làm việc trong khối dịch vụ công nhằm tạo sức ép chính trị với Chính phủ Anh. Tổ chức Nghiệp đoàn Anh lại kêu gọi Anh nên ở lại EU với lý do cần giữ các bảo trợ xã hội của EU với người lao động.
Công đảng đã bất ngờ tuyên bố ủng hộ việc Anh ở lại thị trường đơn lẻ của EU, ít nhất là trong thời kỳ chuyển đổi hậu Brexit. Ðiều này có nghĩa là Anh sẽ tiếp tục đóng góp cho ngân sách EU, đồng ý tiếp tục tự do đi lại giữa Anh - EU và chịu sự phán quyết của Tòa án EU kéo dài đến năm 2022.

Nhằm tạo thuận lợi cho cuộc đàm phán lần thứ tư, ngày 22-9, Thủ tướng Anh tuyên bố thành công của các cuộc đàm phán giữa nước này và EU về Brexit “hoàn toàn vì lợi ích của hai bên”, đồng thời đề xuất giai đoạn chuyển tiếp để Anh rời EU là 2 năm.

Bà May cho rằng Anh cần được tiếp cận thị trường chung EU trong thời gian này, trong khi các thành viên khác của khối không phải đóng góp thêm hoặc được nhận hỗ trợ ít đi vì Brexit. Trong thời gian chuyển tiếp 2 năm, Thủ tướng May khẳng định: “Anh sẽ tiếp tục tôn trọng những cam kết của London về ngân sách khi còn là thành viên của EU”; 3 triệu công dân EU vẫn sẽ tiếp tục được đi lại, sống và làm việc tại Anh, song sẽ có một hệ thống đăng ký, một sự chuẩn bị cần thiết cho một chế độ mới.

Thủ tướng May cũng nhấn mạnh Anh mong muốn tiếp tục hợp tác thông qua các cách thức thúc đẩy phát triển kinh tế dài hạn trong khu vực, bao gồm việc tham gia vào những chương trình và chính sách cụ thể mang lại lợi ích đáng kể cho cả Anh lẫn EU, cũng như thúc đẩy sự phát triển trong các lĩnh vực khoa học, giáo dục, văn hóa và an ninh chung. Theo Thủ tướng May, các cuộc đàm phán giữa Anh và EU sẽ tiếp tục cho đến khi Anh hoàn toàn rời EU vào tháng 3-2019 như kế hoạch.

Vì thế, giới phân tích cho rằng, tuy Chính phủ của bà May đã giành được thuận lợi do Quốc hội thông qua Dự luật về Brexit, nhưng rào cản vẫn còn lớn không chỉ sức ép từ trong nước, mà từ quan điểm của cả hai bên đàm phán như nội dung, trình tự, mô hình và nhất là lợi ích… Vì thế, mô hình nào cho quan hệ Anh - EU thời hậu Brexit, câu trả lời vẫn còn đang ở phía trước.

Theo Gia Bảo/Tạp chí Cộng sản

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều