Mối quan hệ Nga - Ukraine: Căng thẳng leo thang sau các toan tính của Mỹ và phương Tây?

Liên tiếp từ tháng 12-2021 đến nay, một trong những chủ đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận Mỹ, châu Âu và thế giới là căng thẳng trong quan hệ Nga - Ukraine và giữa Nga với Mỹ và phương Tây xoay quanh vấn đề Ukraine. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra liên quan đến cuộc khủng hoảng này, đòi hỏi cần có lời giải.
 Cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) tại Paris, Pháp _Ảnh: TASS
Diễn biến tình hình

Quan hệ giữa Nga và Ukraine bắt đầu trở nên căng thẳng kể từ tháng 10-2021 khi Nga phát hiện Ukraine sử dụng máy bay không người lái hiện đại Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất để tiến hành do thám khu vực Donbas, phía Đông Ukraine, do lực lượng thân Nga kiểm soát. Sự xuất hiện của Bayraktar TB2 - loại máy bay không người lái thế hệ mới với thành tích ấn tượng trước đó là giúp quân đội Azerbaijan gây tổn thất nặng nề cho quân đội Armenia trong cuộc chiến tranh giữa Azerbaijan và Armenia ở khu vực tranh chấp Nagonui-Karabak, cộng với việc Ukraine triển khai một lực lượng lớn quân đội dọc khu vực giáp Donbas khiến Nga tin rằng Ukraine sắp mở cuộc tấn công quân sự chống lại lực lượng thân Nga tại khu vực này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nga ngay lập tức triển khai trên 100.000 quân đội Nga dọc biên giới trên bộ giáp với Ukraine, khu vực bán đảo Crimea, đồng thời tập trung quân đội ở nước láng giềng Ukraine là Belarus với danh nghĩa tập trận chung, cũng như phái 6 tàu chiến hiện đại tiến vào Biển Đen. Trong trường hợp nổ ra xung đột, Nga hy vọng lực lượng quân đội của Nga với ưu thế vượt trội cả về vũ khí và khả năng tác chiến sẽ đồng loạt tấn công trên các mặt, nhanh chóng đánh bại sức kháng cự của Ukraine. 

Trước tình hình đó, Mỹ và các nước phương Tây triển khai hàng loạt bước đi để ngăn chặn cái mà họ gọi là Nga chuẩn bị “xâm lược” Ukraine. Một mặt, Mỹ và phương Tây tăng cường trợ giúp Ukraine về huấn luyện và cung cấp các trang thiết bị vũ khí hiện đại. Mặt khác, đe dọa thắt chặt các biện pháp cấm vận kinh tế ngặt nghèo đối với Nga trong trường hợp Nga tấn công Ukraine. Bên cạnh đó, Mỹ và các nước phương Tây cũng tích cực tháo gỡ ngòi nổ bằng việc thúc đẩy các giải pháp “ngoại giao điện đàm” hoặc gặp gỡ trực tiếp giữa Tổng thống Nga V. Putin với Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo của Anh, Pháp, Đức. Kết quả của các nỗ lực ngoại giao này là việc Ukraine ngày 26-1-2022 tuyên bố tôn trọng Thỏa thuận Minsk, nghĩa là tôn trọng lệnh ngừng bắn và không tấn công các lực lượng thân Nga ở khu vực Donbas. Còn trong cuộc gặp kéo dài 5 giờ đồng hồ giữa Tổng thống Nga V. Putin với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào ngày 8-2-2022, Pháp cho biết, Tổng thống Nga V. Putin sẽ không thúc đẩy các biện pháp gia tăng các hoạt động quân sự gần biên giới với Ukraine, một chỉ dấu cho thấy dường như Nga đang có những động thái mở đường cho các hoạt động ngoại giao.

 Tổng thống Nga Vladimir Putin với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron họp báo tại Moscow, Nga, ngày 8-2-2022 _Ảnh: Reuters
Ngược dòng thời gian

Để hiểu rõ tình hình căng thẳng hiện nay giữa Nga và Ukraine cần ngược dòng thời gian và đặt mối quan hệ song phương Nga - Ukraine trong tổng thể mối quan hệ của Nga với Mỹ và phương Tây. 

Chiến tranh lạnh kết thúc và Liên Xô tan rã năm 1991 đã không dẫn đến sự chuyển hóa của nước Nga theo mô hình “dân chủ” mà Mỹ và phương Tây mong muốn. Trong giai đoạn khoảng 10 năm kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh, thế giới chứng kiến thời kỳ chuyển đổi khó khăn của nước Nga sang nền kinh tế thị trường, trong khi xã hội còn nhiều khó khăn và bất ổn. Giai đoạn này cũng chứng kiến thời kỳ “trăng mật” trong quan hệ giữa Nga với Mỹ và phương Tây. Đỉnh cao của thời kỳ này là năm 1997, Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã ký kết Hiệp định Đối tác vì hòa bình. Mỹ và các nước phương Tây cũng tranh thủ mối quan hệ “nồng ấm” cũng như sự suy yếu của Nga để xúc tiến một loạt hoạt động “Đông tiến” nhằm tiến sát biên giới nước Nga. Tuy nhiên, “tuần trăng mật” giữa Nga với Mỹ và phương Tây kéo dài không lâu. Từ cuối những năm 90 của thế kỷ XX, Mỹ và phương Tây nhận thấy quá trình “diễn biến” và “phương Tây hóa” nước Nga hầu như không có tiến triển do chủ nghĩa dân tộc và tính độc lập của người Nga rất cao. 

Sau giai đoạn “hồ hởi” ban đầu, giới lãnh đạo và người dân Nga cũng dần mất lòng tin chiến lược vào Mỹ và các nước phương Tây khi nhận thấy, Mỹ và các nước phương Tây đang nỗ lực làm suy yếu sức mạnh, giảm ảnh hưởng kinh tế, chính trị, quân sự và ngoại giao của Nga ở khu vực châu Âu và trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, nước Nga bắt đầu có sự phục hồi và trỗi dậy mạnh mẽ trong giai đoạn “hậu Yeltsin”. 

Thập niên đầu của thế kỷ XXI, nước Nga dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Nga V. Putin đã từng bước khôi phục vị thế, quyết tâm vượt qua khó khăn, giành lại vị trí quan trọng trên vũ đài quốc tế, chuyển từ cường quốc khu vực hướng đến cường quốc toàn cầu. Về kinh tế, trong giai đoạn từ năm 2000 - 2008, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của Nga đạt 7,5% và là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Ở trong nước, sự ổn định xã hội đã dần quay trở lại, sức mạnh quân sự của Nga ngày càng được tăng cường. Bên cạnh đó, Nga cũng ngày càng cảnh giác và quyết đoán hơn trước bất kỳ động thái nào của Mỹ và phương Tây tìm cách mở rộng ảnh hưởng, kết nạp thêm các thành viên NATO mới từ các quốc gia thuộc không gian hậu Xô-viết. 

Nguyên nhân căng thẳng hiện nay

Căng thẳng chính hiện nay trong quan hệ giữa Nga và Ukraine, cũng như giữa Nga với Mỹ và phương Tây chủ yếu liên quan đến việc Ukraine muốn gia nhập NATO, còn NATO vẫn để ngỏ khả năng tổ chức này có thể kết nạp Ukraine vào thời điểm thích hợp. 

Theo Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng như nhiều nhà lãnh đạo của Mỹ và phương Tây, Ukraina là một quốc gia độc lập và có quyền quyết định xin tham gia bất kỳ tổ chức kinh tế, chính trị, quân sự hay ngoại giao nào phù hợp với lợi ích quốc gia của Ukraine. Tổng Thư ký NATO J. Stoltenberg cũng cho biết, Ukraine đã xin gia nhập NATO từ năm 2008 và NATO đang xem xét, chưa kết nạp Ukraine chứ chưa bao giờ bác bỏ đề nghị của nước này.

 Nga và Belarus tập trận chung giáp biên giới của Ukraine _Ảnh: theguardian
Tuy nhiên, đối với Nga hiện nay, việc Ukraine trở thành thành viên NATO được xem là “giọt nước tràn ly”. Vào giữa tháng 12-2021, Nga đã gửi tới Mỹ và NATO bản đề nghị an ninh của Nga với ba vấn đề chính: 1-Không tiếp tục mở rộng NATO về phía Đông; 2- NATO quay trở lại hiện trạng trước năm 1997, nghĩa là trước khi mở rộng cho các nước Đông Âu và ba nước Baltic tham gia; 2- Không thiết lập căn cứ quân sự và triển khai các loại vũ khí tấn công ở các quốc gia trong không gian hậu Xô-viết. Trong ba đề nghị đó, đề nghị không tiếp tục mở rộng NATO được xem là “lằn ranh đỏ” đối với Nga và việc vi phạm có thể dẫn đến chiến tranh. Thậm chí, Tổng thống Nga V. Putin còn đưa ra lời cảnh báo có thể nổ ra chiến tranh hạt nhân nếu phương Tây tiếp tục phớt lờ các lợi ích an ninh của Nga và kết nạp Ukraine trở thành thành viên mới của tổ chức này. 

Vấn đề đặt ra là, vì sao Nga kiên quyết phản đối Ukraine gia nhập NATO bằng mọi giá?

Có thể thấy, Ukraine là quốc gia lớn nhất, có ảnh hưởng thứ hai sau Nga trong số các quốc gia trong không gian hậu Xô-viết. Sau khi Liên bang Xô-viết tan rã, các nước trong không gian Xô-viết cũ chia làm hai khuynh hướng: 1- Nhóm chủ trương “đoạn tuyệt” với Nga và dựa hẳn vào Mỹ và phương Tây, bao gồm ba nước Cộng hòa Baltic, Gruzia và gần đây là Ukraine; 2-Nhóm chủ trương giữ quan hệ cân bằng và có xu hướng thân Nga, bao gồm Belarus, năm nước Cộng hòa Trung Á, hai nước khu vực Bắc Kavkaz là Armenia và Azerbaijan. 

Trước đây, Mỹ và phương Tây đã tìm cách đưa Gruzia, tiếp đó là Ukraine gia nhập NATO nhưng chưa thực hiện được do Nga phản ứng quyết liệt. Với Ukraine, gần đây nhất là việc Nga đã sáp nhập Crimea vào Nga (năm 2014) - nơi có quân cảng chiến lược Sevastopol, ủng hộ các lực lượng thân Nga thành lập hai nước cộng hòa ly khai ở khu vực đông dân nói tiếng Nga thuộc phía Đông Ukraine là Lugansk và Donetsk. Hiện nay, Ukraine, Mỹ và phương Tây cho rằng, sức mạnh tổng hợp quốc gia của Nga đã suy giảm tương đối và đây là điều kiện thuận lợi để mở đường cho Ukraine gia nhập NATO. Không những vậy, việc “phương Tây hóa Ukraine” còn được cho là có tác dụng giúp thúc đẩy “cách mạng màu” xảy ra bên trong chính nước Nga.

Chính vì vậy, nếu Ukraine gia nhập NATO và Liên minh châu Âu (EU) thành công sẽ dẫn đến một làn sóng “ly khai” mới, tách khỏi ảnh hưởng của Nga từ các quốc gia còn lại trong không gian hậu Xô-viết. Và nếu điều này xảy ra, có thể sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến các lợi ích an ninh, kinh tế và vị thế của Nga, thậm chí khiến Nga tan rã hoặc sụp đổ từ bên trong.

Về khả năng đối đầu quân sự trực tiếp giữa Nga với Mỹ và NATO

Trước sự phản ứng quyết liệt của Nga, cả Ukraine và các nước phương Tây đều tỏ rõ sự quan ngại. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng như các nhà lãnh đạo châu Âu đã thổi phồng quá mức sự đe dọa của Nga và điều này đang tạo ra tâm lý hoang mang đối với người dân Ukraine. Ông V. Zelensky thậm chí còn cho rằng, trong 10 năm nay, người dân Ukraine đã sống trong tình trạng như vậy và đây không phải là vấn đề mới. Cho đến nay, sự ủng hộ của Mỹ và phương Tây dành cho Ukraine mới dừng lại ở mức độ tăng cường hợp tác huấn luyện, viện trợ quốc phòng để nâng cao khả năng phòng thủ của Ukraine. Chính quyền Tổng thống Mỹ J. Biden đã tuyên bố sẽ không đưa quân đội đến Ukraine, mà chỉ có kế hoạch điều khoảng 8.000 quân triển khai tại các nước Đông Âu cũ để giúp bảo đảm an ninh. Các nước châu Âu, như Anh, Pháp, Đức cũng bày tỏ không muốn xảy ra chiến tranh, bởi như vậy sẽ tạo ra sự bất ổn lan khắp toàn châu Âu, gây ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh khu vực. Chính vì vậy, tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tuyên bố không đồng ý để Ukraine gia nhập NATO tại thời điểm hiện nay. Trong khi đó, lãnh đạo các nước Anh, Pháp đã tiến hành các cuộc điện đàm hoặc làm việc với người đồng cấp Nga V. Putin để xoa dịu tình hình. 

Mặc dù đã triển khai một lực lượng quân đội hùng mạnh để chuẩn bị cho một cuộc chiến tổng lực, song Tổng thống Nga V. Putin cũng không muốn “ra đòn” mà chỉ phát động chiến tranh trong trường hợp bị đẩy vào “đường cùng”, do: 1- Chiến tranh sẽ tạo thêm một gánh nặng mới đối với nền kinh tế Nga vốn bị ảnh hưởng nhiều do Nga là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất của đại dịch COVID-19; 2- Cuộc chiến tranh với Ukraine sẽ không dễ dàng và có thể khiến Nga bị sa lầy và kiệt quệ do Ukraine là một nước lớn với sức mạnh quân sự tương đối và ý chí dân tộc cao; 3- Nếu bị sa lầy vào chiến tranh, thế và lực của Nga sẽ bị suy giảm, đồng thời Nga sẽ ở vào thế bất lợi trong so sánh tương quan lực lượng giữa Nga với Mỹ và Trung Quốc.

Tuy nhiên, hiện Mỹ, phương Tây và cả Ukraine đã chuẩn bị đến phương án xấu nhất là khả năng Nga phát động chiến tranh. Ngay cả trong trường hợp đó, Mỹ và phương Tây cũng không can thiệp quân sự trực tiếp xuất phát từ ba lý do: Thứ nhất, sự can thiệp của Mỹ và phương Tây sẽ lần đầu tiên đặt quân đội của hai cường quốc hạt nhân Nga, Mỹ ở vào thế đối đầu khó có thể thỏa hiệp và đây là điều mà Mỹ và phương Tây không mong muốn. Thứ hai, Ukraine không phải là thành viên của NATO, do đó Mỹ và phương Tây không có nghĩa vụ phải bảo vệ an ninh của Ukraine bằng mọi giá. Thứ ba, sau sai lầm và thất bại của Mỹ tại Iraq và Afghanistan, đồng thời bản thân nước Mỹ cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19, dư luận và chính giới Mỹ lúc này không muốn can dự sâu vào một cuộc chiến tranh hao người tốn của ở bên ngoài.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng, tháng 9-2021 _Ảnh: Times of Israel 
Như vậy, có thể thấy, chiến tranh là điều không bên nào mong muốn. Còn khả năng xung đột tại Ukraine, nếu xảy ra, được cho là sẽ diễn ra dưới ba hình thức: Một là, một cuộc chiến toàn diện của Nga chống lại Ukraine từ bốn hướng, cả từ trên bộ và trên biển. Hai là, Nga sẽ gây sức ép quân sự, nhưng khuyến khích các nhóm thân Nga tìm cách đảo chính để thành lập chính phủ thân Nga ở Ukraine. Ba là, Nga tiến hành chiến tranh quân sự chớp nhoáng, hạn chế hoặc/và hỗ trợ cho quân đội của các nước Cộng hòa Lugansk và Donetsk thân Nga ở phía Đông Ukraine gây bất ổn, thậm chí chia tách làm suy yếu Ukraine từ bên trong.

Trong ba khả năng trên, khả năng thứ ba được nhận định dễ xảy ra hơn cả bởi vì nếu một cuộc chiến tranh toàn diện nổ ra, khả năng cao là Nga sẽ bị sa lầy, suy yếu và sụp đổ như trường hợp Liên Xô (trước đây) sa lầy tại cuộc chiến tranh ở Afghanistan. Khả năng thứ hai ít xảy ra do Ukraine không phải là Kazakhstan và tinh thần chống lại Nga tại Ukraine đang rất mạnh. Khả năng thứ nhất xảy ra cũng rất thấp bởi trong bối cảnh hiện nay, cả Mỹ, phương Tây, Ukraine và Nga đều không mong muốn xảy ra một cuộc xung đột quân sự hay đối đầu trực tiếp. Do đó, đã có dấu hiệu cho thấy các bên đang bắt đầu tìm cách xuống thang, cứu vãn hòa bình. Tuy nhiên, qua quan sát quá trình xảy ra căng thẳng, cũng như những bước đi của các bên nhằm tìm cách tháo “ngòi nổ” nguy hiểm này, có thể thấy một số điểm đáng chú ý:

Thứ nhất, cuộc khủng hoảng này chưa phải là lần “so găng” cuối cùng giữa Nga với Mỹ, phương Tây và Ukraine. Tuy nhiên, qua cuộc khủng hoảng này, cả Mỹ, phương Tây và Ukraine đã thấy rõ được quyết tâm của Nga trong việc kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia được xác định bởi “lằn ranh đỏ”, đó là không chấp nhận thêm bất kỳ một sự mở rộng ảnh hưởng nào của NATO vào không gian hậu Xô-viết. 

Thứ hai, bên cạnh cặp cạnh tranh giữa hai nước lớn Nga - Mỹ, cạnh tranh trong quan hệ nước lớn trong khuôn khổ tam giác quan hệ Mỹ - Nga, Mỹ - Trung Quốc và phần nào là Nga - Trung Quốc sẽ không thể giảm đi mà được dự báo ngày càng hết sức quyết liệt. Sự cạnh tranh này, tuy chưa rõ nét, nhưng đã bắt đầu đưa đến sự xuất hiện của các lằn ranh phân chia ảnh hưởng và tập hợp lực lượng như trong thời kỳ Chiến tranh lạnh.

Thứ ba, trước sự phản đối quyết liệt của Nga, việc mở rộng NATO sang phương Đông nhiều khả năng sẽ bị “đóng băng” trong thời gian tới. Mỹ, phương Tây cũng nhận thấy việc mở rộng NATO đã đến mức giới hạn. Nếu mở rộng thêm có thể đưa đến tình trạng đối đầu và xung đột trực tiếp với Nga, một điều mà tất cả các bên đều không mong muốn. Tuy nhiên, tình trạng “đóng băng” sẽ kéo dài bao lâu phụ thuộc chủ yếu vào tương quan so sánh lực lượng sắp tới giữa Mỹ với phương Tây và Nga, cũng như quyết tâm của chính quyền “hậu Putin” trong việc bảo vệ các lợi ích an ninh của Nga.

Thứ tư, việc các bên vẫn tiếp tục duy trì các quan hệ đối thoại (đàm phán trực tiếp và thường xuyên giữa Tổng thống Nga V. Putin với các nhà lãnh đạo của Mỹ, Anh, Pháp, Đức) trong khi tình hình vẫn đang căng thẳng giúp làm nổi bật đặc trưng của quan hệ giữa các nước lớn hiện nay, đó là: 1- Hợp tác và cạnh tranh chiến lược cùng song hành với nhau, trong đó cạnh tranh đóng vai trò nổi trội; 2- Mặc dù cạnh tranh hết sức quyết liệt nhưng các bên vẫn duy trì đối thoại, cố gắng kiềm chế tối đa không để xảy ra xung đột.

Thứ năm, liên minh an ninh Nga - Trung Quốc như kiểu quan hệ đồng minh giữa Mỹ và các đối tác chủ chốt là khó có thể được thiết lập. Mặc dù Tổng thống Nga V. Putin tìm cách tranh thủ sự ủng hộ của Trung Quốc để tạo lợi thế Nga, song do lợi ích và tính toán riêng, Trung Quốc cũng chỉ dừng ở mức ủng hộ Nga về mặt chính trị, phản đối việc mở rộng thêm NATO, cùng Nga chống lại việc đối đầu ý thức hệ như thời kỳ Chiến tranh lạnh, cùng phối hợp hành động Trung Quốc - Nga tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các diễn đàn quốc tế mà hai nước là thành viên... Trung Quốc cũng không đi xa hơn, chẳng hạn thiết lập liên minh với Nga, như “thời kỳ trăng mật” năm 1949 - 1959, trong khi Trung Quốc cũng có không ít mối quan hệ trên nhiều lĩnh vực, gắn bó chặt chẽ với cả Mỹ và phương Tây./.

Theo TS. HOÀNG ANH TUẤN/Tạp chí Cộng sản

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều