Mỹ - Trung ngừng chiến?

Chưa đầy 10 ngày nữa sẽ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại Argentina. Sự kiện được kỳ vọng là dịp để Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giải quyết căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, việc Mỹ và Trung Quốc vừa khẩu chiến quyết liệt tại Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã khiến hy vọng này trở nên mong manh.

Khẩu chiến nảy lửa

Tại Hội nghị Cấp cao APEC diễn ra ở Thủ đô Port Moresby, Papua New Guinea cuối tuần qua, căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc đã trở thành tâm điểm chú ý, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, người thay Tổng thống Donald Trump tham dự Hội nghị, đã chỉ trích lẫn nhau về tầm nhìn và chính sách thương mại của mỗi nước. Trong bài phát biểu kéo dài gần 40 phút ngày 17.11, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng, các quốc gia đang đối mặt với lựa chọn giữa hợp tác và đối đầu, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ và đơn phương lan rộng. Ông Tập nhấn mạnh, chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ sẽ không giải quyết các vấn đề, mà còn làm tăng bất ổn cho nền kinh tế toàn cầu. Nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố: “Lịch sử đã cho thấy các cuộc đối đầu, dù dưới hình thức chiến tranh lạnh, chiến tranh nóng hay chiến tranh thương mại, sẽ không tạo ra người chiến thắng”. Đây được coi là lời cảnh báo đầy ẩn ý nhắm đến chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

 

Đáp lại, trong phát biểu sau Chủ tịch Trung Quốc, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nêu rõ, Mỹ sẽ không chấm dứt các biện pháp thuế quan cho đến khi Trung Quốc thay đổi hành động. Ông Pence cảnh báo, Nhà Trắng vẫn còn nhiều chỗ cho việc áp các loại thuế mới lên hàng hóa Trung Quốc. Mỹ cũng không ngần ngại công kích chiến lược Một vành đai, một con đường của Trung Quốc. Phó Tổng thống Pecnec cho rằng, Bắc Kinh đang “giăng bẫy nợ” với các quốc gia trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và trên khắp thế giới bằng các khoản cho vay thiếu minh bạch và bền vững, để hỗ trợ các nước phát triển cơ sở hạ tầng.

Cuộc khẩu chiến nảy lửa giữa Mỹ - Trung Quốc không chỉ làm không khí hội nghị của diễn đàn hợp tác kinh tế khu vực trở nên căng thẳng, mà còn khiến các nhà lãnh đạo APEC lần đầu tiên không ra được tuyên bố chung. Bộ trưởng Ngoại giao Papua New Guinea Rimbink Pato cho biết, xung đột về tầm nhìn khiến các thành viên không thể thống nhất dự thảo tuyên bố chung, nhất là khi Bắc Kinh và Washington hé lộ tham vọng cạnh tranh tầm ảnh hưởng trong khu vực, đồng thời không có dấu hiệu giải quyết chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Tuy nhiên, phát biểu cứng rắn của ông Pence tại Hội nghị Cấp cao APEC lại trái ngược với tuyên bố trước đó của Tổng thống Donald Trump. Nói với phóng viên tại Washington ngày 16.11, ông Trump cho biết, Mỹ có thể sẽ không áp thêm thuế lên hàng hóa Trung Quốc; đồng thời tin tưởng, Trung Quốc muốn đạt được một thỏa thuận thương mại với Mỹ.

Mỹ cũng “thấm” đòn

Tuyên bố trên được Tổng thống Trump đưa ra sau khi Washington nhận được danh sách đề xuất của Bắc Kinh, đáp ứng các yêu cầu của Mỹ về cải tổ thương mại nhằm giải quyết căng thẳng hiện nay giữa hai bên. Các đề xuất của Trung Quốc được chia làm 3 lĩnh vực, gồm những vấn đề Bắc Kinh sẵn sàng đàm phán để hành động tích cực hơn; những vấn đề đang thực hiện và những vấn đề cân nhắc không đàm phán. Tuy nhiên, ông Trump cũng cho biết, chưa hài lòng lắm với một số điều khoản trong danh sách này.

Trên thực tế, Mỹ bắt đầu có dấu hiệu xuống nước với Trung Quốc trong cuộc đối đầu thương mại giữa hai bên. Theo Cố vấn kinh tế hàng đầu của Nhà Trắng Larry Kudlow, Chính phủ Mỹ và Chính phủ Trung Quốc đang nối lại các cuộc thương lượng ở mọi cấp. Ông Kudlow còn cho biết, đến thời điểm này, khả năng Tổng thống Trump gặp Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Argentina cuối tháng này khá rõ ràng.

Giới quan sát cho rằng, chính quyền Trump nhận thấy cuộc chiến thuế quan vừa qua giữa Mỹ - Trung Quốc không có lợi cả về mặt chính trị và kinh tế. Trong cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ vừa qua, đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump đã để mất quyền kiểm soát tại Hạ viện vào tay đảng Dân chủ. Theo báo Wall Street Journal, đảng Cộng hòa chỉ giành chiến thắng tại 10/19 bang sản xuất đậu nành lớn của Mỹ trong cuộc đua vào Hạ viện. Kết quả khảo sát ngoài phòng bỏ phiếu cho thấy, 29% cử tri ở những bang này cho rằng, cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung gây tổn hại tới kinh tế địa phương. Bên cạnh đó, số liệu chính thức do Chính phủ Mỹ công bố gần đây cho thấy, bất kể nỗ lực áp thuế lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã tăng 4,3% trong tháng 9 lên 37,4 tỷ USD, mức cao kỷ lục. Một phần lý do là bởi doanh nghiệp Mỹ có tâm lý tăng cường nhập hàng hóa Trung Quốc trước lo ngại có thể xảy ra gián đoạn thương mại giữa hai nước.

Tuy nhiên, Michael Zezas, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chính sách công tại ngân hàng đầu tư Morgan Stanley của Mỹ cảnh báo, tiếp tục leo thang căng thăng thương mại Mỹ - Trung là kịch bản dễ xảy ra tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 sắp tới. Ông Zezas cho hay, vài tuần qua, chính quyền Trump đã có nhiều động thái nhằm vào Bắc Kinh, không chỉ thông qua cuộc chiến áp thuế. Đơn cử, Bộ Tư pháp Mỹ đã cáo buộc hàng loạt công ty Trung Quốc về hành vi gián điệp kinh tế và lập lực lượng chuyên trách chống những hành vi này.

Mặc dù vậy, giới quan sát vẫn dự đoán, Bắc Kinh có thể sẽ nhượng bộ Washington nhằm đạt được thỏa thuận “đình chiến” thuế quan tạm thời, để tiếp tục các cuộc thương lượng thời gian tới về việc giải quyết bất đồng giữa hai bên. Xét cho cùng, nền kinh tế Trung Quốc dễ bị tổn thương hơn Mỹ từ cuộc chiến tranh thương mại song phương. 

Theo Nhật An/Báo Đại biểu Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều