Nền kinh tế Cuba và những thách thức trong giai đoạn mới

(Mặt trận) - Trong năm 2017, nền kinh tế Cuba đã tăng trưởng 1,6%, bất chấp nhiều thách thức và khó khăn lớn về tài chính. Người dân Cuba đã được hưởng nhiều tự do hơn, có thể tự thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, nền kinh tế nước này vẫn chưa thực sự khởi sắc trong bối cảnh nhiều chương trình cải cách quan trọng còn bị trì hoãn.

Phần lớn người dân Cuba vẫn còn sống trong cảnh nghèo đói (Ảnh: Nationalreview)

Nền kinh tế Cuba gần như hoàn toàn khép kín và chỉ gần đây, khu vực kinh tế tư nhân mới được khuyến khích phát triển. Kinh tế Cuba tăng trưởng với tốc độ chậm được cho là do lệnh cấm vận dài hơn nửa thế kỷ của Mỹ và chương trình kế hoạch hóa tập trung.

Năm 2010, Chủ tịch Cuba Raul Castro bắt đầu mở cửa nền kinh tế theo hướng tự do hóa thị trường hơn. Tháng 12/2014,

Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố, Mỹ sẽ khôi phục quan hệ ngoại giao với chính quyền Havana, ông cũng kêu gọi Quốc hội Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận Cuba. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump đã tuyên bố hủy bỏ một phần thỏa thuận với Havana của người tiền nhiệm Obama. Ông Trump cam kết các lệnh trừng phạt với Cuba sẽ không được dỡ bỏ đến khi Cuba trả tự do cho các tù nhân chính trị và tổ chức bầu cử tự do. Những vấn đề chính trị đã ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng kinh tế của quốc gia này.

Cuba xuất khẩu chính các mặt hàng đường, nikel, thuốc lá, cá, sản phẩm y tế, chanh, cà phê, lao động có tay nghề. Các đối tác thương mại chính của Cuba là Hà Lan, Canada và Trung Quốc; đối tác nhập khẩu chính là Venezuela, Tây Ban Nha và Hoa Kỳ. Trong hơn một thế kỷ, Cuba nằm trong số những nhà xuất khẩu đường hàng đầu thế giới, với hơn 8 triệu tấn mỗi năm. Nhưng ngành này đã rơi vào suy thoái sau khi Liên bang Xôviết tan rã. Tình trạng đầu tư kém và các thảm họa thiên nhiên khiến sản lượng đường của Cuba giảm nghiêm trọng. Năm 2002, hơn một nửa số nhà máy đường ở Cuba phải đóng cửa. Đến nay Cuba sản xuất 1,8 triệu tấn đường thô trong mùa vụ 2016-2018. Dịch vụ y tế chiếm tới 40% kim ngạch xuất khẩu của Cuba và là điểm sáng của nền kinh tế này. Các khách hàng lớn nhất là Brazil, Algeria và Angola.

 

Xuất khẩu đường từng là thế mạnh của Cuba (Ảnh: Havanalive)

Tổng sản phẩm quốc nội của Cuba vào khoảng 16.600 triệu peso hàng năm và trung bình 1.500 peso/người. Trong đó ngành công nghiệp là hoạt động kinh tế quan trọng nhất chiếm hơn 29% GDP, hoạt động dịch vụ xã hội chiếm 23%, thương mại và du lịch chiếm 22% và nông nghiệp chiếm 8%.

Chỉ số 2018 cho thấy điểm tự do của nền kinh tế Cuba là 31,9; xếp thứ 178 thế giới. Điểm số tổng thể đã giảm 2,0 điểm, điều này phản ánh sự sụt giảm về sức khỏe tài chính và suy giảm tính toàn vẹn của Chính phủ, quyền sở hữu tài sản và chỉ số gánh nặng thuế. Cuba xếp hạng 31/32 quốc gia trong khu vực châu Mỹ, điểm số tổng thể của quốc gia này thấp hơn mức trung bình của khu vực và toàn thế giới.

Thương mại đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Cuba, giá trị xuất nhập khẩu chiếm 32% GDP. Thuế suất trung bình là 7,7%. Các rào cản phi thuế quan cản trở đáng kể tăng trưởng thương mại của Cuba. Chính phủ nước này đã sàng lọc và điều chỉnh đầu tư nước ngoài. Khu vực tài chính được quản lý chặt chẽ, thị trường tài chính bị hạn chế nghiêm trọng ảnh hưởng đến việc tiếp cận tín dụng trong hoạt động kinh doanh. Nhà nước duy trì việc kiểm soát và trao đổi vốn.

Mức thuế suất thu nhập cao nhất là 50%, thuế suất doanh nghiệp hàng đầu là 30%. Các loại thuế khác bao gồm thuế chuyển nhượng, thuế bán hàng. Tổng gánh nặng thuế của Cuba tương đương 41,2% tổng thu nhập trong nước. Trong 3 năm qua, chi tiêu của Chính phủ Cuba đã lên đến 62,4% GDP và thâm hụt ngân sách trung bình là 4,5% GDP, nợ công chiếm 42,5% GDP.

Ngày 22/7 vừa qua, Quốc hội Cuba đã thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp với một số nội dung thay đổi. Hiến pháp mới sẽ “công nhận vai trò của thị trường và các hình thức sở hữu mới, trong đó có sở hữu tư nhân”. Sự công nhận này sẽ cho phép hợp thức hóa các xí nghiệp vừa và nhỏ. Bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cũng nhìn nhận “tầm quan trọng của đầu tư ngoại quốc đối với sự phát triển của đất nước”. Trên thực tế, hiện nay Cuba đã có cơ chế cho đầu tư nước ngoài nhưng là để bổ sung cho đầu tư của Nhà nước, thông qua các liên doanh.

Ngày 19/4 vừa qua, ông Miguel Diaz-Canel Bermudez đã được Quốc hội khóa IX bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba nhiệm kỳ 5 năm tới, kế nhiệm Chủ tịch Raul Castro lãnh đạo đất nước Cuba, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của Cách mạng Cuba và tiến trình cập nhật mô hình kinh tế đã đề ra. 

 

Cuba cần tăng cường đầu tư phát triển du lịch (Ảnh: Expedia)

Một thách thức lớn đối với tân Chủ tịch Cuba trong giai đoạn mới là tăng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và thúc đẩy tiến trình cải cách nói chung. Các quan chức Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh rằng đảo quốc Caribe này cần luồng vốn đầu tư mỗi năm ở mức 2,5 tỷ USD để đảm bảo tốc độ và chất lượng phát triển, nhưng những rào cản từ bộ máy quan liêu nội tại, đi cùng với cuộc bao vây cấm vận của Mỹ, đã khiến con số đạt được chỉ xấp xỉ 1/3 mục tiêu đề ra. 

Các nhà phân tích nhận định, trọng trách của Quốc hội khóa mới và của ban lãnh đạo Cuba sẽ rất lớn. Trước mắt là các nhiệm vụ, mục tiêu cần hoàn thành trong năm 2018, như tích cực thúc đẩy hồi phục sau thiên tai, đẩy mạnh đầu tư cho cơ sở hạ tầng và đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 2%.

Mặc dù người dân Cuba đang được hưởng các dịch vụ giáo dục và y tế miễn phí, cũng như được trợ cấp về nhà ở và lương thực, song hàng hóa tiêu dùng tại nước này khá khan hiếm.

Mức lương nhà nước tại Cuba chỉ khoảng 20 USD/tháng và Cuba hiện chỉ có 173.000 xe ô tô trên tổng số 11 triệu dân. Tăng trưởng kinh tế tại quốc đảo Caribe có xu hướng chậm lại trong những năm gần đây, sau bước đầu khởi sắc trong giai đoạn ông Raul Castro đưa ra một số cải cách về thị trường tự do hồi năm 2011. Theo đó, nhà lãnh đạo mới Diaz-Canel cần phải nỗ lực thêm để cải thiện nền kinh tế trì trệ của Cuba trong bối cảnh không có sự hỗ trợ từ Mỹ.

Ngoài ra, việc tăng cường đầu tư cho một số mũi nhọn kinh tế như du lịch, vận tải, phát triển cảng biển Mariel (ở phía Tây La Habana), đi đôi với các lĩnh vực cơ bản như phát triển y tế, giáo dục, thúc đẩy sản xuất lương thực... cũng là những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Cuba thời gian tới.

Khi không còn chính sách thương mại tự do với Mỹ, Cuba sẽ phải cải tiến hoạt động sản xuất nông nghiệp để có thể tự đảm bảo nguồn lương thực. Cuba hiện vẫn nhập khẩu tới 80% lương thực và ông Diaz-Canel chắc chắn sẽ phải tìm cách giải quyết bài toán này.

 

Hai loại tiền của Cuba hiện nay (Ảnh: Telegraph)

Một vấn đề khác cần giải quyết đó là thống nhất đồng tiền. Cuba sắp xóa bỏ việc lưu hành song song hai đồng tiền: đồng peso Cuba được dùng trong trao đổi nội địa và đồng peso hoán đổi (tương đương với đồng USD, trị giá khoảng 24 đến 25 peso Cuba) chủ yếu dùng trong việc mua bán sản phẩm và dịch vụ nhập khẩu.

Đây là hệ thống có một không hai trên thế giới, và gây mất cân đối cho nền kinh tế Cuba từ năm 1994. Biện pháp cải cách trên vừa mang tính then chốt vừa rất phức tạp và đã nhiều lần bị hoãn lại.

Nhìn chung, nền kinh tế Cuba vẫn chưa thật sự khởi sắc, nhiều cải cách chưa trọn vẹn. Việc chịu nhiều áp lực từ nước ngoài đòi hỏi Quốc hội cùng ban lãnh đạo mới của Cuba cần có các đường hướng chính sách phù hợp với tình hình nhiều biến động trên thế giới hiện nay.

Hồng Nhung

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều