Nga đối phó việc Mỹ rút khỏi INF

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 26.11 cho biết, Nga đang chuẩn bị các kịch bản đối phó với khả năng Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) giữa Washington - Moscow từ thời Chiến tranh Lạnh; đồng thời cảnh báo, châu Âu có thể đối mặt với bất ổn nghiêm trọng.

Theo ông Ryabkov, việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước sẽ cho phép Washington triển khai tên lửa hạt nhân tầm trung mới ở châu Âu. Điều này sẽ đe dọa trực tiếp tới an ninh của Nga và làm mất thế cân bằng chiến lược hiện nay giữa hai nước. Do đó, Nga sẽ có hành động đáp trả hiệu quả. Trước đó, Tổng thống Vladimir Putin từng cảnh báo, Nga sẽ nhắm tới những quốc gia ở châu Âu cho phép Mỹ triển khai tên lửa tầm trung. Các nhà lập pháp Nga cũng cho hay, Moscow có thể phản ứng bằng cách triển khai tên lửa tầm trung trên lãnh thổ của các nước đồng minh ở châu Âu.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov

Tháng 10 vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố kế hoạch rút Mỹ khỏi INF, với cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước khi thử nghiệm và triển khai tên lửa đạn đạo đối đất mới với tầm bắn vượt quá 500km. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Ryabkov đã bác bỏ cáo buộc trên và cho hay, Moscow - Washington đã thảo luận vấn đề này suốt 5 năm qua. Mỹ từ lâu đã có dấu hiệu muốn rút khỏi hiệp ước chung khi không cung cấp bằng chứng chi tiết cho cáo buộc nhằm vào Nga. Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Ryabkov, chính sách của Mỹ đối với các hiệp ước chiến lược sẽ làm sụp đổ toàn bộ hệ thống kiểm soát vũ khí đã được xây dựng trong nhiều thập kỷ. Quan chức này cho rằng, trong bối cảnh công nghệ vũ khí ngày càng hiện đại, việc Mỹ triển khai tên lửa tầm trung sẽ khiến tình hình bất ổn hơn so với thời khủng hoảng hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô đầu những năm 1980.

Dự định của Mỹ rút khỏi INF sẽ đồng nghĩa với việc hủy hoại một trong ba thỏa thuận về giải trừ và kiểm soát vũ trang hạt nhân trên thế giới. INF được ký kết giữa cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev năm 1987, cấm Mỹ và Nga sở hữu cũng như sản xuất tên lửa phóng từ mặt đất có khả năng mang đầu đạn hạt nhân với tầm bắn từ 500 - 5.500km. Cho tới nay, Mỹ và Nga đã tiêu hủy khoảng 2.500 tên lửa hạt nhân tầm trung theo INF.

Giới phân tích cho rằng, mặc dù INF không quyết định tất cả chuyện giải trừ và kiểm soát vũ trang hạt nhân, nhưng hiệp ước này là thành tố không thể thiếu của việc giải trừ và kiểm soát vũ trang hạt nhân. Phá bỏ INF không chỉ cho phép Mỹ và Nga tùy ý nghiên cứu, phát triển, chế tạo và sở hữu tên lửa hạt nhân tầm trung; mà còn mở đường cho cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới trên thế giới.

Theo Ngọc Khánh/Báo Đại biểu Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều