Ngày Quốc tế Hòa bình giúp gắn kết con người lại với nhau

(Mặt trận) - Ngày Quốc tế Hòa bình hay còn gọi là ngày Hòa bình Thế giới, được tổ chức vào ngày 21/9 hàng năm, nhằm kêu gọi mọi người ngưng chiến tranh, chung tay xây dựng một thế giới hoà bình, yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau.

Hòa bình là nền tảng cho một tương lai bền vững. (Ảnh: UN)

Ngày Quốc tế Hòa bình được Liên hợp quốc khởi xướng vào năm 1981, theo Nghị quyết 36/67 và lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 9/1982. Tới năm 2002, Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức tuyên bố lấy ngày 21/9 hàng năm để kỷ niệm ngày Quốc tế Hòa bình. Đây là một ngày dành cho việc củng cố lý tưởng hòa bình, trong và giữa tất cả các quốc gia và các dân tộc.

Liên hợp quốc kêu gọi tất cả các quốc gia và mọi người cùng tôn trọng việc chấm dứt các cuộc chiến trong ngày này và kỷ niệm ngày này bằng cách thông qua giáo dục, nâng cao nhận thức của công chúng về các vấn đề liên quan đến hoà bình. Do đó, ngày Quốc tế Hòa bình đem lại cơ hội cho thế giới cùng dừng lại và xem xét cách thức tốt nhất để thoát khỏi vòng luẩn quẩn của xung đột và bạo lực.

Từ khi thành lập, ngày Quốc tế Hòa bình đã đánh dấu sự tiến bộ của các cá nhân và cả hành tinh của chúng ta đối với hòa bình. Nó đã lan tỏa đến hàng triệu người ở tất cả các nơi trên thế giới, và mỗi năm nhiều sự kiện được tổ chức để kỷ niệm và chào mừng ngày này. Các sự kiện có thể được tổ chức từ các cuộc tụ họp riêng tư, hay các buổi hòa nhạc giữa công chúng hoặc trên các diễn đàn, nơi hàng trăm ngàn người tham gia.

Chủ đề cho ngày Quốc tế Hòa bình năm nay là “Cùng nhau vì hòa bình: Tôn trọng, an toàn và phẩm giá cho tất cả mọi người”. Chủ đề lần này tôn vinh tinh thần của TOGETHER*, một sáng kiến toàn cầu nhằm thúc đẩy sự tôn trọng, an toàn và nhân phẩm cho những người buộc phải bỏ nhà ra đi để tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn.

TOGETHER liên kết các tổ chức của hệ thống Liên hợp quốc, gồm 193 nước thành viên Liên hợp quốc, khu vực tư nhân, các viện nghiên cứu và các cá nhân… trong một quan hệ đối tác toàn cầu nhằm hỗ trợ đa dạng, không phân biệt đối xử và chấp nhận những người tị nạn và di cư. Nó được khởi xướng tại Hội nghị thượng đỉnh về người tị nạn và di dân của Liên hợp quốc vào ngày 19/9/2016.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông António Guterres cho rằng: “Vào một thời điểm không vững vàng, các cộng đồng sẽ có những cái nhìn khác nhau để đạt được những lợi ích về vật chất. Chúng ta phải chống lại những sự hoài nghi dẫn đến việc phân chia cộng đồng và miêu tả các nước láng giềng như những người khác biệt. Sự kì thị đã làm thu hẹp tất cả. Nó ngăn cản người dân và xã hội chỉ để đạt được sự hùng mạnh của mình”. Ông nói thêm: “Cùng nhau, chúng ta hãy đứng lên chống lại sự cố chấp và bảo vệ nhân quyền. Cùng nhau, chúng ta hãy xây dựng các cây cầu. Cùng nhau, chúng ta hãy biến nỗi sợ hãi thành niềm hy vọng”.

Các sinh viên mang cờ của các nước thành viên Liên hợp quốc trong dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Hòa bình. (Ảnh: UN)

Năm nay, ngày Quốc tế Hòa bình sẽ tập trung vào việc tham gia và huy động mọi người trên khắp thế giới thể hiện sự ủng hộ cho những người tị nạn và di cư. Thông điệp của nó sẽ được chia sẻ với các cộng đồng đang tiếp nhận những người tị nạn cũng như những người cho rằng người tị nạn và người di cư có thể mang lại sự mất an ninh về thể chất và kinh tế cho cuộc sống của họ. 

Ngày Quốc tế Hòa bình sẽ làm nổi bật tình đoàn kết của những người tị nạn và giới thiệu những lợi ích chung của di dân đến các nền kinh tế và các quốc gia, đồng thời cũng thừa nhận mối quan tâm hợp pháp của cộng đồng địa phương. Hơn tất cả, là sự gắn kết con người lại với nhau và nhắc nhở họ về điểm chung của nhân loại.

Những người trẻ cũng sẽ đóng góp một vai trò quan trọng. Chẳng hạn như họ có thể là những tình nguyện viên để chào đón và giúp đỡ người tị nạn và di cư trong cộng đồng của mình. Họ cũng có thể mở rộng mối quan hệ hữu nghị với những người tị nạn và di dân mà có thể gặp trong lớp học và khu phố của họ.

Trong thông điệp của Tổng thư kí Liên hợp quốc cũng nêu rõ, xã hội chúng ta có hàng triệu người dễ bị tổn thương, nhiều người đã mất đi tất cả và đang rất cần sự quan tâm, hỗ trợ. Hãy cùng hợp tác và làm tất cả những gì chúng ta có thể làm để giúp đỡ họ. Hãy để bản thân nhận ra nhiều cách để họ có thể đóng góp cho đất nước và cộng đồng sở tại. Bên cạnh đó, hãy cùng chung tay nỗ lực để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột, thúc đẩy công việc chung cho các mục tiêu phát triển bền vững và ngăn chặn bạo lực.

Bằng cách mở lòng, hãy chung tay gắn kết với những người tị nạn và người di cư để chúng ta có thể tiến gần hơn đến việc đạt được sự bình an, thịnh vượng và sự bảo vệ cho tất cả mọi người.

TOGETHER là một chiến dịch của Liên hợp quốc nhằm thúc đẩy sự an toàn và phẩm giá cho người tị nạn và người di cư. Ra mắt vào tháng 9/ 2016, mục đích của nó là để chống lại sự nổi lên của vấn đề bài trừ và kỳ thị. TOGETHER là một liên minh ngày càng khăng khít giữa các quốc gia thành viên, khu vực tư nhân và cá nhân… cam kết thay đổi các câu chuyện tiêu cực về di dân và tăng cường sự gắn kết xã hội giữa các cộng đồng sở tại với người tị nạn và người di cư.

Hồng Nhung (Theo United Nations)

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều