Ngày Sách và Bản quyền thế giới để tôn vinh văn hóa đọc

(Mặt trận) - Ngày Sách và Bản quyền thế giới (The World Book and Copyright Day) hay còn gọi là Ngày Sách thế giới, Ngày Sách quốc tế. Đây là một sự kiện văn hóa, do UNESCO tổ chức vào ngày 23/4 hàng năm, nhằm thúc đẩy việc đọc, xuất bản sách và bảo vệ quyền tác giả.

Ngày Sách và Bản quyền thế giới khuyến khích mọi người, đặc biệt là trẻ em, khám phá niềm vui khi đọc sách. Ảnh: TIMEANDDATE.COM

Ngày Sách thế giới là gì?

Nhờ việc nhận thức được sức mạnh của sách và tầm ảnh hưởng của nó trong việc xây dựng xã hội bền vững và khoan dung, Ngày Sách và Bản quyền thế giới đã lần đầu tiên được UNESCO tổ chức vào ngày 23/4/1995. Sự kiện này là một cơ hội quý giá để quảng bá sách, chương trình đọc, viết và các sự kiện văn hóa như những động lực thiết yếu cho tương lai tốt đẹp hơn.

Ngày Sách và Bản quyền thế giới cũng là dịp để cả thế giới tôn vinh sách và những người sáng tạo ra chúng - những người đã có những đóng góp không gì thay thế được đối với sự phát triển văn hóa nhân loại và cũng là dịp để khuyến khích tất cả mọi người, nhất là giới trẻ, khám phá niềm yêu thích đọc sách, tôn vinh văn hoá đọc.

Lịch sử Ngày Sách và Bản quyền thế giới

Tại kì họp lần thứ 28 của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại Paris (25/10-16/11/1995), Tổ chức Văn hóa, Giáo dục, Khoa học Liên hợp quốc (UNESCO) đã quyết định chọn ngày 23/4 hàng năm làm Ngày Sách và Bản quyền thế giới. Mục đích của ngày này nhằm tôn vinh giá trị của sách và đóng góp của tác giả cho sự ra đời của những tác phẩm có giá trị đối với nhân loại.

Ý tưởng về “Ngày Sách và Bản quyền thế giới” bắt nguồn từ một phong tục truyền thống ở Catalonia (Tây Ban Nha). Ngày 23/4 hàng năm là ngày Thánh George (Saint George’s Day) hay còn gọi là Ngày Lễ hoa hồng ở xứ Catalonia. Vào ngày này, có rất nhiều hội chợ sách và các lễ hội đường phố được tổ chức, mỗi khách hàng sẽ được tặng một bông hồng kèm theo khi mua một cuốn sách trong ngày hôm đó. Từ đó, hàng năm, truyền thống tốt đẹp này được người Tây Ban Nha phát triển thành “Ngày hội đọc sách” trên các đường phố. Sau đó hoạt động văn hóa có ý nghĩa này lan rộng ra nhiều nước ở châu Âu, châu Mỹ, châu Á, châu Phi dưới nhiều hình thức, như: tuần lễ đọc sách, ngày sách, tuần lễ thư viện...

Ngày 23/4 còn là ngày mà cả ba đại văn hào của thế giới là Miguel de Cervantes, William Shakespeare và Inca Garcilaso de la Vega qua đời, sau khi để lại cho nhân loại những kiệt tác bất hủ. Ngày này cũng là ngày sinh hoặc ngày mất của các tác giả nổi tiếng khác như: Maurice Druon, Vladimir Nabokov, Manuel Mejía Vallejo, Halldór Laxness và Josep Pla...

Ngày Sách và Bản quyền thế giới được tổ chức như thế nào?

Sau khi được UNESCO công bố, Ngày Sách và Bản quyền thế giới đã trở thành ngày hội của các tác giả, nhà xuất bản và những người yêu thích đọc sách trên toàn thế giới.

Nhân dịp này, nhiều hoạt động sẽ được tổ chức tại nhiều quốc gia nhằm tạo cơ hội cho mọi người khám phá và tìm đọc các tác phẩm mới, đồng thời cũng là dịp để tôn vinh những tác giả đã có nhiều đóng góp cho sự tiến bộ văn hóa, văn minh xã hội của nhân loại. Bên cạnh đó, ngày này cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa trẻ em gần gũi hơn với thói quen đọc sách, cũng như tạo ra hứng thú cho chúng để hiểu biết về tác giả và nhiều điều bổ ích khác.

Mỗi năm, UNESCO và 3 tổ chức quốc tế chuyên về sách là Hiệp hội Xuất bản Quốc tế (IPA), Liên đoàn Sách Quốc tế (IBF) và Liên đoàn Quốc tế các Thư viện và Hiệp hội Thư viện (IFLA) cùng chỉ định Thủ đô sách của thế giới trong khoảng thời gian một năm, kể từ ngày 23/4.

Nhiều chương trình có ý nghĩa được tổ chức khắp nơi bởi Ủy ban Quốc gia UNESCO, các câu lạc bộ, trung tâm, hiệp hội, thư viện, trường học và các cơ sở giáo dục khác của UNESCO như việc tặng sách cho các khu dân cư nghèo, các thư viện eo hẹp về tài chính, bệnh viện, nhà tù và cả các trại tị nạn. Ngoài ra, nhiều hoạt động như nghệ thuật cũng được tổ chức như ca nhạc, kịch nghệ và các chương trình hội thảo.

Hưởng ứng chủ trương của UNESCO, trên thế giới đã có trên 150 quốc gia tổ chức kỷ niệm “Ngày Sách và Bản quyền thế giới” với nhiều hoạt động thiết thực, dưới nhiều hình thức và chủ đề phong phú, thu hút được nhiều người tham gia, nhất là xây dựng được mối liên hệ mật thiết giữa các thư viện, nhà xuất bản, cơ quan phát hành và bạn đọc.

Tại châu Phi, nhiều bạn trẻ tham gia ngày hội sách, tình nguyện đem sách tới nơi người bệnh, người cao tuổi, những người mù loà và cả những người không biết chữ, đọc thành tiếng cho họ nghe.

Tại châu Âu và Bắc Mỹ, trong ngày này, bạn có thể thấy logo của ngày hội đọc sách được dán trên các phương tiện vận chuyển hành khách công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm, máy bay… và thậm chí có thể gửi đi những lá thư có dán những con tem mang biểu tượng của ngày đọc sách.

Tại Trung Quốc, gần đây nước này đã quyết định thực hiện chương trình thúc đẩy văn hóa đọc, trong đó hoạt động tiêu biểu là “Ngày đọc sách cùng con trẻ” dành cho các bậc phụ huynh khắp cả nước vào ngày 23/4. Đồng thời, Trung Quốc cũng tiến hành một chiến dịch với hàng loạt hoạt động thúc đẩy văn hóa đọc, đặc biệt trong giới trẻ, phụ nữ và nông dân. Chương trình này bao gồm việc giảm giá bán sách, tổ chức các cuộc thi viết về sách, khai trương các thư viện mới ở thành phố và nông thôn, quyên tặng sách cho các vùng sâu, vùng xa hoặc khu vực bị thiên tai.

Tại Việt Nam, Ngày hội đọc sách thế giới được tổ chức hàng năm, do Hội đồng Anh (British Council) khởi xướng từ năm 1996. Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội - L'espace cũng có nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực để tuyên truyền cho văn hóa đọc. Đến nay, sự kiện này đã lan tỏa trên khắp cả nước, với các hoạt động ủng hộ tham gia và liên kết của các tổ chức như thư viện, xuất bản, phát hành sách, truyền thông đại chúng... với các nội dung: Quyên góp sách cho trẻ em, các thư viện vùng sâu, vùng xa; các hoạt động giao lưu vói các nhà văn, nhà thơ; hay các cuộc thi cảm nhận, trao đổi kinh nghiệm đọc sách, tuyên truyền văn hóa đọc, ý thức đọc sách bản quyền.

Tầm quan trọng của Ngày Sách và Bản quyền thế giới

Trong thông điệp đưa ra nhân Ngày Sách và Bản quyền Thế giới (2016), Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova đã nêu rõ: “Mỗi cuốn sách là một sự liên kết giữa quá khứ và tương lai. Đó là một cầu nối giữa các thế hệ và giữa các nền văn hóa. Nó là một sức mạnh để tạo ra ý tưởng và chia sẻ những kiến thức”.

Theo bà Irina Bokova, sách là kho lưu trữ di sản, văn hóa, cửa sổ kiến thức, công cụ đối thoại và nguồn tài sản quý giá của nhân loại. Sách giúp con người hiểu và tôn trọng lẫn nhau bất kể mọi ranh giới và sự khác biệt, thúc đẩy mọi xã hội tiến lên phía trước và gắn kết nhân loại với nhau như một gia đình.

Đánh giá cao vai trò của sách và đóng góp của các tác giả, UNESCO khuyến khích tạo ra những hoạt động bổ ích, để bảo đảm rằng nhiều người dân được hưởng lợi từ việc phổ cập giáo dục và những hỗ trợ cho việc đọc, bởi vì sách chính là những công cụ mạnh mẽ nhất để xóa đói giảm nghèo và xây dựng hòa bình.

Những lễ hội sách hay ngày hội đọc sách tại khắp nơi trên thế giới đã và đang mang lại những giá trị đích thực và hiệu quả hết sức to lớn. Các hoạt động này đã thu hút sự chú ý, quan tâm của hàng triệu người dân ở khắp các châu lục và các nền văn hóa khác nhau; bất kể già, trẻ, gái, trai; bất kể mọi thành phần giàu, nghèo trong xã hội.

Đến nay, lễ kỉ niệm Ngày Sách và Bản quyền thế giới đã trở thành một hoạt động văn hóa không thể thiếu ở nhiều quốc gia. Nó nâng cao nhận thức của con người về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đọc sách trong việc phát triển kỹ năng, tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách. Đồng thời, tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách.

Vào ngày này, một số tác giả thanh thiếu niên sẽ được trao giải vì những tác phẩm hay, bổ ích, có giá trị cổ vũ cho hòa bình, khoan dung, sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau giữa các nền văn hoá và truyền thống khác nhau. Các tấm áp phích khác nhau được thiết kế mỗi năm dựa trên các chủ đề cụ thể của năm đó và sẽ được phát đi trên toàn thế giới để khuyến khích con người đọc sách nhiều hơn.

Nguồn:

Wikipedia

https://en.wikipedia.org/wiki/World_Book_Day http://www.indiacelebrating.com/events/world-book-day/

United Nation

http://www.un.org/en/events/bookday/2016/dgmessage.shtml

http://www.un.org/en/events/bookday/background.shtml

Thư viện Quốc gia

http://nlv.gov.vn/van-hoa-doc/van-hoa-doc-va-ngay-hoisach-the-gioi-23/4.html

Hồng Nhung (Biên dịch)

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều