Nghị viện Macedonia xem xét đề xuất đổi tên nước: Cuộc bỏ phiếu quyết định

Ngày 15/10, Nghị viện Macedonia tiến hành tranh luận và bỏ phiếu biểu quyết đề xuất sửa đổi Hiến pháp, liên quan đến việc đổi tên nước theo thỏa thuận giữa quốc gia vùng Balkan này với Hy Lạp.

Cuộc bỏ phiếu có ý nghĩa quan trọng với đất nước 2 triệu dân vùng Balkan. Bởi lẽ, nếu Nghị viện thông qua đề xuất sửa đổi Hiến pháp, Cộng hòa Macedonia (còn được biết đến dưới tên gọi Cộng hòa Nam Tư cũ) sẽ được đổi tên thành Cộng hòa Bắc Macedonia. Không chỉ thay đổi tên nước, sự phê chuẩn của Nghị viện Macedonia còn làm thay đổi bản đồ châu Âu khi mở đường cho nước này gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Theo thỏa thuận giữa Hy Lạp và Macedonia đạt được hồi tháng 6, Athens đồng ý dỡ bỏ phản đối Skopje gia nhập EU và NATO, nếu Macedonia đổi tên. Cộng hòa Macedonia là vùng đất lịch sử nằm trên lãnh thổ nhiều quốc gia khác nhau. Hy Lạp phản đối nước láng giềng lấy tên là “Macedonia” sau khi tách khỏi Liên bang Nam Tư cũ, vì cho rằng điều này đồng nghĩa với tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đối với một tỉnh trùng tên ở phía Bắc nước này. Vì vậy, thỏa thuận đạt được giữa Macedonia và Hy Lạp giúp chấm dứt tranh cãi kéo dài gần 3 thập kỷ qua. Skopje cần sửa đổi ít nhất 150 điểm trong Hiến pháp Macedonia và thỏa thuận còn cần được Nghị viện cả hai nước phê chuẩn trước khi có hiệu lực.

Chính phủ của Thủ tướng Zaev cần nhận được ít nhất 80 phiếu thuận từ 120 nghị sĩ, để đề xuất sửa đổi Hiến pháp được thông qua tại Nghị viện. Đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng với ông Zaev, khi liên minh cầm quyền hiện chỉ nhận được sự ủng hộ của 72 nghị sĩ. Trong khi đó, thỏa thuận với Hy Lạp vấp phải sự phản đối của các nghị sĩ đối lập theo chủ nghĩa dân tộc cứng rắn, với lý do vi phạm chủ quyền của Macedonia.

Đảng đối lập chính VMRO-DPMNE thề không ủng hộ đề xuất sửa đổi Hiến pháp của chính quyền Zaev. Trước đó, đảng này đã kêu gọi tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý về việc đổi tên nước, diễn ra vào đầu tháng 10 vừa qua, và kêu gọi bầu cử sớm cũng như thành lập Chính phủ tạm quyền cho tới khi cuộc bầu cử hoàn tất. Trong cuộc trưng cầu dân ý về sửa Hiến pháp liên quan đến việc đổi tên, hơn 90% cử tri đi bỏ phiếu ủng hộ đề xuất này. Tuy nhiên, phe đối lập cho rằng kết quả cuộc trưng cầu dân ý không có hiệu lực do tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu chỉ đạt 34%.

Cả EU và NATO đều hoan nghênh thỏa thuận giữa Macedonia và Hy Lạp. Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini cho rằng, thỏa thuận giữa Macedonia và Hy Lạp là cơ hội duy nhất cho quá trình hòa giải tại Đông Nam châu Âu và có thể sẽ không có cơ hội lần thứ hai. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, NATO luôn mở cửa chào đón thành viên thứ 30 với điều kiện thỏa thuận Prespa phải được thực thi. Trong thư gửi Thủ tướng Macedonia, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đánh giá cao cam kết của Macedonia đối với an ninh và ổn định trong khu vực. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng hối thúc các nhà lãnh đạo Macedonia gạt bỏ sự chia rẽ giữa các đảng phái để nắm lấy thời cơ “có một không hai” của đất nước.

Kể từ khi tuyên bố độc lập năm 1991, Macedonia luôn nằm ở khu vực cạnh tranh ảnh hưởng giữa Nga và phương Tây. Việc đổi tên nước được xem như cơ hội để nước này tiến gần hơn hội nhập EU và NATO. Trong bối cảnh đó, kết quả bỏ phiếu của Nghị viện Macedonia đối với đề xuất sửa đổi Hiến pháp được đánh giá sẽ ảnh hưởng tới cả an ninh khu vực Balkan.

Theo Nhật An/Báo Đại biểu Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều