Người cao tuổi 'bơ vơ' khi các ngân hàng Hàn Quốc đua nhau cắt giảm chi nhánh

Ông Lee Hong-jun sống ở thành phố Yangju (Hàn Quốc) luôn thấy bất lực mỗi lần phải sử dụng ngân hàng điện tử trên chiếc điện thoại thông minh bởi các quy trình người đàn ông 80 tuổi này đánh giá là quá phức tạp và dài dòng.
 Người dân đi qua chi nhánh của ngân hàng KB Kookmin Bank sắp đóng cửa ngày 15/1. Ảnh: Yonhap

Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) cho biết ông Lee Hong-jun đã nghỉ hưu từ cách đây 20 năm và đến giờ luôn cảm thấy đứng ngoài lề của ngàng công nghiệp ngân hàng đang cải tiến không ngừng. Ngày nay, người sử dụng chỉ cần vài lần chạm trên chiếc điện thoại thông minh là có thể giao dịch tài chính mà không cần phải đến các chi nhánh ngân hàng.

Ông Lee Hong-jun đang sống cùng người vợ ở độ tuổi gần bát tuần và cả hai người không có nhiều lựa chọn, hoặc là đến các chi nhánh ngân hàng hoặc là chờ nhiều ngày thậm chí nhiều tuần khi con gái từ Seoul về thăm để nhờ cô giao dịch qua chiếc điện thoại.

Ông Lee Hong-jun bộc bạch: “Đến chi nhánh ngân hàng thật rắc rối, tôi không thể đi bộ tới đó được ở tuổi này. Dịch COVID-19 gây lo ngại và kèm theo tránh tiếp xúc trực tiếp tại các ngân hàng nên tôi không có lựa chọn nào ngoài việc nhờ con gái hỗ trợ”.

Ông nằm trong nhóm người cao tuổi đang gặp khó khăn trong việc bắt kịp với sự chuyển đổi bởi các ngân hàng ở Hàn Quốc có xu hướng giảm chi nhánh đồng thời mở rộng dịch vụ ngân hàng điện tử.

Theo báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Hàn Quốc, dựa trên dữ liệu của Cục giám sát tài chính Hàn Quốc (FSS), số các chi nhánh ngân hàng đã giảm mạnh trong vài năm qua, đặc biệt là kể từ sau khi dịch COVID-19 bùng phát.

Do cạnh tranh khốc liệt và lợi nhuận giảm, những năm gần đây các ngân hàng Hàn Quốc đang giảm số chi nhánh và nhân viên. Ngân hàng Hàn Quốc tính đến cuối năm 2015 vận hành tổng cộng 7.281 chi nhánh nhưng vào cuối năm nay con số dự kiến giảm 15,1%, tương đương 1.098 chi nhánh. Các chi nhánh ngân hàng đặc biệt “bốc hơi” nhanh trong dịch COVID-19.

Cùng với đó là tần suất dử dụng ngân hàng điện tử cùng điện thoại thông minh trong thế hệ trẻ. Tại Hàn Quốc đã hình thành nhiều ngân hàng internet như Kakao Bank và K-Bank không hề có bất cứ chi nhánh nào nhưng vẫn luôn đều đặn phục vụ khách hàng.

Số khách hàng của Kakao Bank tính đến cuối tháng 9 là khoảng 17,4 triệu người, tăng so với mức 15,44 triệu từ cuối năm 2020. Khách hàng của K-Bank tính đến cuối tháng 9 cũng là 6,6 triệu người, tăng so với mức 2,19 triệu người từ cuối năm ngoái.

Ngoài việc giảm các chi nhánh, nhiều ngân hàng còn giảm cả số lượng máy rút tiền tự động (ATM). Theo dữ liệu của FSS, từ cuối năm 2019 đến tháng 8 năm nay, có gần 4.000 ATM đã bị xóa sổ tại Hàn Quốc.

 Người dân đeo khẩu trang khi đi qua trụ sở Ngân hàng Hàn Quốc tại Seoul. Ảnh: AP

Nhưng việc chuyển đổi này của ngân hàng cũng dẫn đến các nạn nhân vô tình là người cao tuổi. Họ có thói quen đến các chi nhánh ngân hàng, tham gia dịch vụ tiếp xúc trực tiếp.

Một thống kê năm 2019 của Ngân hàng Hàn Quốc cho thấy những người trên 70 tuổi sử dụng tiền mặt trong 68,8% giao dịch tài chính, cao gấp 2,6 lần so với các nhóm tuổi khác. Cũng theo nghiên cứu này, 54% người cao tuổi đến các chi nhánh ngân hàng để rút tiền.

Viện nghiên cứu bảo hiểm Hàn Quốc đánh giá: “Số chi nhánh ngân hàng giảm sẽ tác động lớn đến các khách hàng cao tuổi vì họ ưa thích giao dịch trực tiếp hơn trên điện thoại”.

Nhiều người cao tuổi đang bày tỏ lo ngại và đề nghị các ngân hàng duy trì mở cửa chi nhánh. Tờ JoongAng Ilbo (Hàn Quốc) dẫn lời một người dân 76 tuổi cho biết: “Thực tế là người cao tuổi dựa vào các giao dịch viên ngân hàng để thực hiện hành vi đơn giản như rút tiền hoặc gửi tiền tiết kiệm. Nếu các chi nhánh ngân hàng đột nhiên biến mất, mọi thứ sẽ gây thất vọng”.

Ý tưởng về chi nhánh chung cho nhiều ngân hàng đã được đưa ra nhưng không có nhiều tiến triển do lo lắng về thiết sót chiến lược kinh doanh và đơn vị nào chịu trách nhiệm nếu xảy ra vấn đề. Các cửa hàng tạp hóa cũng được đề xuất như một giải pháp để khách hàng xử lý các vấn đề liên quan đến ngân hàng nhưng các nỗ lực liên quan mới chỉ ở giai đoạn ban đầu.

Các chuyên gia đang khuyến khích nỗ lực phổ biến kiến thức cho người cao tuổi về ngân hàng điện tử và công nghệ tài chính để họ không tụt lại phía sau trong thời kỳ điện tử hóa. Ngoài ra, điều này còn giúp bảo vệ họ khỏi nguy hiểm từ các hình thức lừa đảo trên mạng.

Theo Hà Linh/Báo Tin tức

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều