Người dân quốc gia nào làm việc nhiều nhất?

(Mặt trận) - Mới đây, Hàn Quốc đã thông qua đạo luật mới cắt giảm thời gian làm việc theo quy định xuống còn 52 giờ/tuần, so với 68 giờ như trước đây để tăng năng suất lao động và tỷ lệ sinh đẻ. Vậy còn tình hình ở các quốc gia khác trên thế giới thì như thế nào?

Quốc gia nào đang làm việc thâu đêm?

Vào tháng ba vừa qua, Quốc hội Hàn Quốc thông qua một đạo luật sẽ giảm thời gian làm việc theo quy định cho người làm việc tại nước này. Đây cũng là quốc gia phát triển có thời gian làm việc dài nhất, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhận định.

Chính phủ Hàn Quốc cũng tin rằng, luật mới này thậm chí có thể làm tăng tỷ lệ sinh đẻ của đất nước, đặc biệt là khi tỷ lệ sinh đẻ của Hàn Quốc đã giảm đáng kể trong vài thập kỷ qua và ở mức thấp nhất trên thế giới.

Luật mới sẽ có hiệu lực vào tháng 7/2018, mặc dù ban đầu nó sẽ chỉ áp dụng cho các công ty lớn trước khi được áp dụng vào các doanh nghiệp nhỏ hơn. Bất chấp sự phản đối từ cộng đồng doanh nghiệp, chính phủ Hàn Quốc tin rằng, luật pháp là cần thiết để cải thiện mức sống, tạo thêm việc làm và tăng năng suất lao động.

Ngoại lệ đối với quy tắc

Theo số liệu năm 2016 do OECD công bố, Hàn Quốc hiện có thời gian làm việc trung bình 2,069 giờ/năm cho mỗi công nhân, tại Mexico là 2.225 giờ/năm và Costa Rica 2.212 giờ/năm.

Trong tiếng Nhật có hẳn một để mô tả những ca tử vong do áp lực công việc: "karoshi". Ảnh Getty Images

Các nghiên cứu do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thực hiện cho thấy, các nước có thu nhập trung bình và thấp hơn có khuynh hướng làm việc lâu hơn so với các quốc gia giàu có. Nhưng Hàn Quốc không phải là quốc gia giàu có duy nhất rơi vào tình trạng “làm thâu đêm”.

Nhật Bản nổi lên là quốc gia có những “cái chết do làm việc quá sức”. Trong tiếng Nhật có hẳn một từ để mô tả thực trạng này là “karoshi”. “Karoshi” có nghĩa là chết vì những căn bệnh liên quan đến stress (đau tim, đột quỵ) hoặc những người mất niềm tin vào cuộc sống của chính họ do chịu áp lực công việc.

Người Nhật làm việc trung bình 1.713 giờ/năm, tuy nhiên, Nhật Bản lại là nước không có quy định nào về giới hạn tối đa giờ làm việc hàng tuần và không giới hạn giờ làm thêm.

Trong hai năm 2015, 2016, Chính phủ Nhật Bản đã ghi nhận 1.456 trường hợp tử vong do stress công việc. Trong khi đó, một nhóm nhân quyền bảo vệ người lao động tại Nhật Bản thì cho rằng, con số thực tế có thể cao gấp nhiều lần do thiếu báo cáo.

Theo số liệu gần đây nhất của ILO, châu Á là nơi có nhiều người làm việc lâu nhất: hầu hết các quốc gia (32%) không có giới hạn cho số giờ làm việc tối đa hàng tuần và 29% khác ở ngưỡng cao (60 giờ mỗi tuần trở lên). Chỉ có 4% các quốc gia tuân thủ các khuyến nghị của ILO và thiết lập các tiêu chuẩn lao động quốc tế tối đa là 48 giờ hoặc ít hơn cho một tuần làm việc.

Ở châu Mỹ và Caribe, 34% các quốc gia không có giới hạn giờ hàng tuần chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các khu vực. Một trong những quốc gia không có giới hạn giờ làm việc là Hoa Kỳ.

Còn tại Trung Đông, 8 trong số 10 quốc gia cho phép giờ làm việc hàng tuần vượt quá 60 giờ mỗi tuần.

Ở châu Âu, tất cả các quốc gia đều có giờ tối đa hàng tuần, chỉ riêng Bỉ và Thổ Nhĩ Kỳ có giờ làm việc hợp pháp trong hơn 48 giờ.

Riêng ở châu Phi, hơn 1/3 lực lượng lao động làm việc trên 48 giờ mỗi tuần. Ví dụ, tỷ lệ ở Tanzania là 60%.

Năm 2016, Ngân hàng Thụy Sỹ UBS đã công bố một phân tích tại 71 thành phố cho thấy, Hồng Kông có giờ làm việc hàng tuần trung bình là 50,1 giờ, Mumbai (43,7 giờ), Mexico (43,5 giờ), New Delhi (42,6 giờ) và Bangkok (42,1 giờ).

Ngoài ra, người Mexico còn phải chịu chế độ nghỉ lễ trung bình thấp nhất trên thế giới: thời gian nghỉ phép hàng năm tối thiểu hợp pháp của họ ít hơn 10 ngày, còn ở Nigeria, Nhật Bản và Trung Quốc, tối thiểu là từ 20 đến 23 ngày.

Trường Giang ​

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều