Nhìn lại Thế giới năm 2022: Vòng xoáy đối đầu chưa có hồi kết

Năm 2022, toàn thế giới nói chung và châu Âu nói riêng đã chịu tác động của cuộc xung đột tại Ukraine, với việc Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ ngày 24/2.

Những toà nhà bị phá huỷ trong xung đột tại tại phía bắc thủ đô Kiev, Ukraine ngày 21/3/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Cuộc xung đột kéo dài 10 tháng qua và chưa có dấu hiệu kết thúc, đã làm thay đổi cục diện chính trị thế giới, gây ra nhiều vấn đề về an ninh, kinh tế, nhân đạo…, đồng thời đẩy căng thẳng Nga-phương Tây vào vòng xoáy đối đầu mới.

Chỉ trong thời gian ngắn, trật tự địa chính trị tại châu Âu bị lung lay mạnh, mối quan hệ giữa một loạt quốc gia thay đổi hoàn toàn. Nhiều nước phải xem xét, điều chỉnh lại chính sách đối ngoại, chính sách quốc phòng. Nhiều quốc gia, trong đó có Gruzia, Ukraine và Moldova đồng loạt gửi đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU), khối này cũng nhanh chóng trao tư cách ứng cử viên cho Ukraine và Moldova. Trong khi đó, Phần Lan và Thụy Điển, hai quốc gia giữ vị thế trung lập và theo đuổi chính sách không liên kết quân sự trong nhiều thập niên qua, cũng thay đổi lập trường, bắt đầu tiến trình trở thành thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ukraine cũng đẩy nhanh quá trình gia nhập NATO. Những động thái này khiến châu Âu bị phân cực rõ rệt.

Cuộc xung đột ở Ukraine, ở một khía cạnh nào đó, có thể xem là bước thụt lùi của châu Âu trong việc duy trì an ninh trên "lục địa Già", khiến EU rơi vào tình thế bế tắc, khi không thể tự giải quyết các vấn đề nội bộ. Không chỉ kéo theo nhiều hệ lụy, cuộc xung đột ở Ukraine đã tạo ra vùng chiến sự nguy hiểm ngay trong lòng châu Âu với nguy cơ xung đột lan rộng. Rủi ro nghiêm trọng nhất hiện nay là nguy cơ bùng nổ chiến tranh giữa Nga và NATO, khi phương Tây không ngừng viện trợ vũ khí cho Ukraine. Theo Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken, các nước đồng minh NATO và đối tác đã cung cấp vũ khí trị giá 40 tỷ USD cho Ukraine và sẽ còn cung cấp thêm nữa. Trong khi đó, Nga tuyên bố tất cả vũ khí do phương Tây cung cấp cho Ukraine đều là mục tiêu hợp pháp của Moskva. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cảnh báo “việc phương Tây tăng cường trang bị vũ khí cho Ukraine sẽ chỉ khiến cuộc xung đột  càng kéo dài". 

Sóng gió chính trị dữ dội tràn qua để lại hậu quả là nhiều chính phủ ở châu Âu, trong đó có Anh, Italy, Bulgaria sụp đổ, nhiều nền kinh tế rơi vào suy thoái và đẩy châu lục này vào cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng chưa tìm ra được lối thoát.

Nhà máy khí đốt tự nhiên Snoehvit trên đảo Melkoeya, cực Bắc Na Uy. Ảnh: AFP/TTXVN

Đối với các hộ gia đình châu Âu, khủng hoảng năng lượng thể hiện rõ nét qua hóa đơn điện, khí đốt tăng từ vài chục cho đến cả vài trăm phần trăm, giá cả hàng hóa tiêu dùng cũng tăng do lạm phát, đồng thời phải thực hiện một loạt biện pháp khẩn cấp để tiết kiệm năng lượng như hạn chế sưởi ấm, hạn chế tiêu dùng điện… Nhiều lãnh đạo châu Âu coi cuộc xung đột là cơ hội để EU tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng từ Nga. Tuy nhiên, ngoài việc không tìm được nguồn cung thay thế lập tức, hành động "gom hàng" của EU còn kéo theo cuộc chạy đua giá khí đốt trên toàn cầu, đe dọa đà phục hồi kinh tế của châu Âu và thế giới. Với mức giá năng lượng nhập khẩu từ các nguồn khác tăng cao, rất nhiều công ty châu Âu đã phải cắt giảm sản xuất, thậm chí là đóng cửa nhà máy vì càng hoạt động sẽ càng thua lỗ. Mức giá năng lượng quá cao cũng khiến các công ty châu Âu suy giảm khả năng cạnh tranh với các đối thủ khác. Hậu quả trước mắt là sản xuất sụt giảm, đình trệ, thất nghiệp gia tăng còn về lâu dài thì sẽ là việc đánh mất khả năng cạnh tranh, thậm chí là phá sản. 

Cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine cũng đẩy giá nông sản tăng vọt và đe dọa chuỗi cung ứng nông nghiệp toàn cầu do cả Ukraine và Nga đều là nhà sản xuất lớn. Xung đột đã cắt đứt hoạt động xuất khẩu các mặt hàng lương thực của cả Ukraine lẫn Nga. Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Biển Đen mà các bên đạt được tháng 7, dù đã được gia hạn, song vẫn chưa giải quyết được triệt để vấn đề này. 

Khi xung đột bùng nổ, các nước phương Tây đồng loạt đưa ra những lệnh trừng phạt khắt khe nhằm vào nước Nga. Các biện pháp này được áp đặt trên hầu hết lĩnh vực gồm đóng băng tài sản, cấm thị thực đối với các nhà tài phiệt và quan chức Nga, kiểm soát xuất khẩu, đóng băng tài sản của ngân hàng trung ương Nga, ngắt kết nối các ngân hàng Nga khỏi hệ thống tin nhắn toàn cầu SWIFT, cấm nhập khẩu than đá, dầu mỏ, vàng của Nga, thậm chí mới đây là áp giá trần đối với dầu mỏ và khí đốt của Nga, với mục tiêu làm tê liệt nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, những "vũ khí trừng phạt" đó cũng có tác dụng ngược, đẩy chính EU vào khó khăn. Thủ tướng Hungary Viktor Orban gần đây thừa nhận EU đã "tự làm hại mình" và "đang phá hủy nền kinh tế châu Âu". Sau 8 vòng trừng phạt mạnh mẽ chưa từng có, các nước EU dường như đã cạn phương án gia tăng sức ép với Nga, trong đó một số quốc gia đang rất thận trọng với các đề xuất trừng phạt mới.

Thu hoạch lúa mì trên cánh đồng ở Khmelnytskyi, Ukraine. Ảnh: AFP/TTXVN

Trên khắp châu Âu, tổn thất kinh tế tăng lên theo cấp số nhân khi xung đột tại Ukraine kéo dài. Tác động kinh tế nặng nề đang gây ra những vấn đề chính trị cho các nước châu Âu tham gia cùng với Mỹ vào chiến dịch trừng phạt Nga. Sau giai đoạn ngắn ngủi "đồng lòng" và "đoàn kết", gần đây đã xuất hiện những mâu thuẫn giữa Washington và các đồng minh phương Tây khi giới chức Mỹ cho rằng EU chần chừ hỗ trợ tài chính cho Ukraine, trong khi nhiều nước châu Âu tỏ ra bất mãn khi cho rằng Mỹ đang hưởng lợi từ xung đột Nga- Ukraine khi bán khí đốt cho các đồng minh với giá cao.

Triển vọng đàm phán để chấm dứt xung đột cũng khá mờ mịt. Sự thiếu lòng tin chiến lược giữa các bên khiến đàm phán không thể tổ chức trong nhiều tháng qua. Các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa lãnh đạo các bên cũng không diễn ra. Nga, Ukraine cũng như các bên liên quan đều đang tính toán lợi ích trong ván bài ngoại giao, chưa chấp nhận nhượng bộ.

Giới phân tích nhận định nguyên nhân sâu xa của khủng hoảng là do phương Tây và Nga đã không thể dung hòa được lợi ích của nhau, không lắng nghe các quan ngại của nhau. Cuối năm ngoái, Nga đã công bố dự thảo thỏa thuận an ninh, theo đó Moskva yêu cầu NATO cam kết không mở rộng về phía Đông, hành động mà Moskva coi là mối đe dọa an ninh lớn đối với Nga, bao gồm không kết nạp Ukraine và thêm các nước khác. Cụ thể, Nga yêu cầu NATO không được triển khai binh lính hoặc vũ khí tới bất cứ quốc gia nào gia nhập khối sau năm 1997, tức toàn bộ các nước ở phía Đông của liên minh quân sự này (Ba Lan, CH Séc, Hungary, 8 nước Balkan và 3 nước vùng Baltic), mà không có sự đồng ý của Moskva. NATO cần tham vấn trước khi tổ chức các cuộc tập trận ở khu vực sát biên giới Nga. Ngoài ra, Nga và NATO phải hạn chế triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở những khu vực có thể gây tổn hại tới bên kia... Cuối cùng, Nga yêu cầu hủy bỏ quyết định năm 2008 của NATO về kết nạp Ukraine và Gruzia, điều mà Moskva coi là "lằn ranh đỏ" không được vượt qua. Nga cho rằng các thỏa thuận này sẽ vạch ra những nguyên tắc về an ninh bình đẳng giữa hai bên và tránh đe dọa lẫn nhau, qua đó thiết lập một sự khởi đầu mới cho quan hệ luôn nghi kỵ lẫn nhau giữa Nga và NATO.
Trước sự kiện ngày 24/2, cả 3 cuộc đàm phán giữa Nga và phương Tây hồi giữa tháng 1/2022, liên quan tới những đề xuất của Moskva về vấn đề bảo đảm an ninh chung, đã đổ vỡ. Tại các cuộc tham vấn an ninh này, hai bên tiếp tục cảnh báo về những "lằn ranh đỏ", phản ánh rõ những bất đồng sâu sắc và tình trạng thiếu lòng tin chiến lược giữa Nga và phương Tây.   

Nhà khoa học chính trị, Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học “Arkhon” của Nga Anton Viktorovich Bredikhin từng đánh giá quan hệ Nga-phương Tây sẽ phức tạp, khó khăn trong năm 2022 với những “lằn ranh đỏ mới” giữa hai bên. Điều này đã được chứng minh qua cuộc khủng hoảng Ukraine đang kéo dài. Một thực tế rằng các biện pháp trừng phạt-đáp trả và đối đầu suốt 10 tháng qua không thể dập tắt được lò lửa xung đột đang bùng cháy mạnh ở châu Âu. Tuy nhiên, những toan tính lợi ích chiến lược đang khiến vòng xoáy đối đầu Nga-phương Tây ngày càng gay gắt, điều đó có nguy cơ khiến lò lửa xung đột ở Ukraine còn tiếp tục tăng nhiệt.

Theo Trần Thanh Bình (TTXVN/Báo Tin tức)

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều