Những cơ hội và thách thức đối với giáo dục toàn cầu trong giai đoạn hiện nay

Trải qua 3 năm sống trong đại dịch Covid-19, năm 2022 là một năm quan trọng đối với giáo dục toàn cầu. Trên khắp thế giới, các hệ thống giáo dục đã phải đối mặt với tình trạng xáo trộn bởi việc phong tỏa, giãn cách nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, sự thiếu bình đẳng về khả năng tiếp cận giáo dục, công nghệ giáo dục và các công cụ đào tạo từ xa khác, bên cạnh những thách thức trong việc duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần cho cả giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, không phải tất cả những thay đổi đột ngột do đại dịch gây ra đều là xấu, một số đổi mới đầy hứa hẹn, mang lại những cơ hội mới cho nền giáo dục toàn cầu trong thời gian tới.
Việc học tập gặp nhiều khó khăn trong đại dịch. ẢNH: CGIAR
Khi xem xét các tác động của đại dịch Covid-19 đối với nền giáo dục toàn cầu có thể thấy thời gian đóng cửa trường học rất khác nhau. Các trường học ở nơi có thu nhập trung bình nằm trong khu vực Mỹ Latinh và Nam Á đã đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần trong thời gian dài nhất từ 75 tuần trở lên. Những trường học ở châu Âu và Trung Á trong khu vực có thu nhập cao đã đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần trong khoảng thời gian ít hơn (trung bình là 30 tuần), con số này ở khu vực châu Phi cận Sahara nơi có thu nhập thấp là 34 tuần.

Ngoài ra, khả năng tiếp cận với giáo dục trực tuyến cũng như chất lượng giáo dục từ xa có sự khác nhau giữa các quốc gia, khu vực. Khi trường học đóng cửa, ở Tanzania chỉ có 6% trẻ em nghe các bài học qua đài phát thanh, 5% tiếp cận các bài giảng trên Tivi và chưa đến 1% tham gia các lớp học trực tuyến.

Hơn nữa, sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục cũng gây ra sự tụt hậu trong học tập. Ngân hàng Thế giới ước tính rằng trong khi sinh viên ở các nước có thu nhập cao đạt được trung bình 50 điểm kết quả học tập cân đối (HLO) tại thời điểm một năm trước đại dịch, thì sinh viên ở các nước thu nhập thấp chỉ đạt 20 điểm HLO. Điều này khiến các sinh viên ở các quốc gia kém phát triển bị tụt hậu vài năm.

Trung bình, chương trình học tập của học sinh, sinh viên trên toàn cầu đã bị chậm 8 tháng do tác động của đại dịch, nhưng tác động này lại không đồng đều ở các quốc gia, có thể rơi vào 3 trường hợp: Các hệ thống hiệu suất cao, với mức hiệu suất giáo dục tương đối cao trước đại dịch Covid-19, nơi chương trình học có thể bị chậm hơn khoảng 1-3 tháng do đại dịch. Điển hình như tại Bắc Mỹ và châu Âu, chương trình học bị trễ trung bình là 4 tháng. Còn tại các quốc gia có thu nhập thấp, hiệu suất giáo dục trước đại dịch cũng rất thấp, nơi đây chương trình học có thể chậm khoảng 3-8 tháng do đại dịch, điển hình như ở châu Phi cận Sahara. Các hệ thống giáo dục ở nơi có thu nhập trung bình vốn có hiệu suất giáo dục trung bình lại có thể bị chậm từ 9-15 tháng do đại dịch như ở Mỹ Latinh và Nam Á.

Đại dịch cũng làm gia tăng sự bất bình đẳng trong các hệ thống giáo dục, nó nới rộng khoảng cách giữa các trường học dành cho người da đen và người da trắng ở Hoa Kỳ và làm gia tăng sự chia cách giữa khu vực thành thị với nông thôn đã có từ trước đây ở Ethiopia.

Ngoài hệ thống giáo dục và chương trình học, đại dịch còn tác động rộng lớn về mặt xã hội và tinh thần đối với học sinh, sinh viên trên toàn cầu với những lo ngại về sức khỏe tâm thần ngày càng gia tăng. Các báo cáo về bạo lực đối với trẻ em, tình trạng béo phì, mang thai ở tuổi vị thành niên và nghỉ học vĩnh viễn ngày càng tăng.

Trình độ học vấn thấp hơn dẫn đến thu nhập tiềm năng trong tương lai cũng thấp hơn đối với các cá nhân và năng suất lao động thấp hơn cho các quốc gia. Đến năm 2040, tác động kinh tế của việc trì hoãn học tập liên quan đến đại dịch có thể dẫn tới thiệt hại hàng năm là 1,6 nghìn tỷ USD trên thế giới, tương đương 0,9% tổng GDP toàn cầu.

Mặc dù, những tác động do đại dịch đưa đến những thách thức lâu dài cho nền giáo dục toàn cầu, ở một số nơi trên thế giới, học sinh, phụ huynh và cả giáo viên lại đang trải qua cảm giác của sự lạc quan. Sau hai năm gián đoạn, kể từ khi đại dịch diễn ra, việc chuyển đổi sang học trực tuyến và kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến, cũng như sự nỗ lực của hệ thống giáo dục, các chính phủ ở nhiều quốc gia đã đem lại những cơ hội mới.

Sự bùng nổ của công nghệ trong hơn hai thập kỷ qua không khiến ngành giáo dục bị tụt hậu. Máy tính và mạng Internet đã giúp người học không chỉ tiếp cận thông tin trên mạng, mà còn có thể truy cập vào các lớp học. Vào mùa thu năm 2017, đã có hơn 6,5 triệu sinh viên đăng ký tham gia một số cơ hội đào tạo từ xa tại một số cơ sở đào tạo có cấp bằng sau trung học.

Sự phát triển của công nghệ đồng nghĩa với việc hiện nay có rất nhiều phương tiện truyền thông và công cụ hỗ trợ học tập để giúp học viên nhận được nền giáo dục chất lượng cao thông qua Internet.

Xu hướng này đã mang lại một số lợi ích cũng như hạn chế đối với các giáo viên và tổ chức muốn tiếp tục cung cấp cho học sinh của họ nền giáo dục được kiểm soát nghiêm ngặt mà họ cần để phát triển. Ví dụ, công nghệ có thể không khuyến khích sinh việc phát triển các kỹ năng mềm. Họ có thể không có cơ hội để tương tác với các sinh viên khác giống như cách họ vẫn làm trong các lớp học kiểu truyền thống.

Nền tảng trực tuyến cũng buộc giáo viên thay đổi cách thức giảng dạy. Họ có thể gặp khó khăn khi phải thay đổi cách tiếp cận kế hoạch bài giảng để đảm bảo rằng sinh viên vẫn tham gia ngay cả khi họ không thể gặp trực tiếp giáo viên.

May mắn là sự ra đời của các lớp học trực tuyến và các công cụ hỗ trợ đã mang lại nhiều cơ hội cho người dạy và các tổ chức giáo dục. Nhiều giáo viên ngay lập tức nhận thấy tính linh hoạt cao hơn mà họ có thể ứng dụng trong lịch trình giảng dạy của mình. Các nền tảng dạy và học trực tuyến tạo cơ hội cho người học xem các bài giảng trực tiếp hoặc các bài giảng đã được ghi lại.

Kỹ năng mềm rất cần thiết đối với học sinh, sinh viên. ẢNH: GETTING SMART 
Các khóa học trực tuyến cũng có thể giúp nâng cao khả năng cho giáo viên trong việc cung cấp bài giảng khác nhau cho học sinh ở nhiều trình độ. Học sinh ở trình độ khá, giỏi có thể nhận được các tài nguyên học tập bổ sung, nâng cao và các thử thách khuyến khích họ đi sâu hơn vào việc nghiên cứu tài liệu mà không làm gián đoạn quá trình học tập của các học sinh khác trong lớp.

Hệ thống quản lý học tập cũng có thể giúp giáo viên dễ dàng hơn trong việc theo dõi sự tiến bộ của học sinh trong suốt khóa học. Họ có thể thấy học viên của mình đã tham gia như thế nào vào các bài giảng trực tuyến cũng như các bài giảng đã được ghi lại, do đó, họ sẽ có một hệ thống theo dõi hiệu quả hơn, cho phép họ có những sự hỗ trợ hay kiểm tra riêng đối với từng học sinh.

Việc đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên cũng là một trong những xu hướng chính trong giáo dục bậc đại học. Theo báo cáo Việc làm trong tương lai, một số kỹ năng quan trọng nhất ở nơi làm việc bao gồm tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, quản lý con người và sáng tạo. Các nhà tuyển dụng muốn tìm những ứng viên có khả năng đưa ra quyết định và thể hiện khả năng lãnh đạo.

Trong nỗ lực chuẩn bị cho sinh viên về nghề nghiệp tương lai của họ, các trường học phải có chương trình đào tạo để giúp sinh viên hình thành và phát triển các kỹ năng mềm này. Trong xu hướng học trực tuyến hiện nay, các nhà giáo dục cần nỗ lực hơn để tìm cách cân bằng thời gian sử dụng thiết bị trong lớp học với tầm quan trọng của việc khuyến khích học sinh, sinh viên làm việc trực tiếp cùng nhau để phát triển các kỹ năng mềm.

Cuộc cách mạng công nghiệp đã làm thay đổi bản chất của việc làm theo những cách đáng kinh ngạc. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện tại có tác động đến 50% số việc làm bởi tiến bộ công nghệ vượt bậc dẫn đến những thay đổi cách con người thực hiện công việc của họ. Người lao động muốn duy trì khả năng cạnh tranh trong môi trường của họ sẽ cần phải liên tục nâng cao kỹ năng của bản thân. Họ không thể cho rằng một nền giáo dục mà họ đã nhận được trước khi tốt nghiệp sẽ là tất cả những gì họ cần cho phần còn lại của sự nghiệp. Thay vào đó, một quá trình học tập liên tục mới là thứ người lao động hiện nay cần để đảm bảo công việc của mình. Điều này đòi hỏi các cơ sở giáo dục phải tạo ra một tư duy phát triển bản thân cho sinh viên cũng như đội ngũ giảng viên và nhân viên của họ. Sinh viên cần được tạo cơ hội phát triển kỹ năng tự học để họ có thể tiếp tục học tập và trau dồi kiến thức cũng như kỹ năng mới sau khi ra trường và trong suốt quá trình làm việc.

Khi công nghệ thay đổi xã hội, nó cũng có tác động đáng kể đến cách mọi người làm việc và chuẩn bị cho sự nghiệp của họ. Các hệ thống giáo dục cần đi đầu trong các xu hướng này, xem xét tác động của các thách thức và cơ hội có tác động như thế nào đến giáo dục để mang lại nền tảng giáo dục cũng như sự hỗ trợ hiệu quả cho sự phát triển và thành công của người học.

Hồng Nhung biên dịch

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều