Những thách thức mới của cuộc chiến chống tham nhũng ở khu vực Mỹ Latinh

(Mặt trận) - Mỹ Latinh đã và đang nằm trong tâm bão tham nhũng, những cơn “địa chấn” tham nhũng, hối lộ trên quy mô lớn đã làm rung chuyển khu vực này. Trong năm 2018, những cuộc bầu cử tại nhiều quốc gia lớn được dự báo sẽ tạo ra những biến động và xu hướng mới của cuộc chiến chống tham nhũng tại Mỹ Latinh.

Năm 2018 là một năm đặc biệt sôi nổi đối với các quốc gia Mỹ Latinh. Việc đàm phán lại Hiệp định Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) giữa Mỹ, Canada và Mexico cùng các cuộc đàm phán thương mại giữa khối Nam Mỹ (Mercosur) và Liên minh châu Âu đã đạt được một số kết quả quan trọng. Trong đó, việc đưa một chương về chống tham nhũng vào NAFTA là một bước đi đúng hướng. Vào cuối năm nay, 6 quốc gia bao gồm các nước lớn trong khu vực như Brazil, Colombia, Mexico và Venezuela sẽ tổ chức bầu cử Tổng thống. Tổng cộng 350 triệu cử chi Mỹ Latinh - chiếm 80% dân số trong khu vực - sẽ tham gia bầu cử.

Câu hỏi đặt ra là liệu họ sẽ chọn việc duy trì hiện trạng hay bầu ra các ứng viên có tiềm năng sẽ thay đổi cuộc khủng hoảng chính trị và phá vỡ trật tự hiện tại? Những cuộc bầu cử Tổng thống này diễn ra vào thời điểm mà theo Dự án ý kiến cộng đồng Mỹ Latinh (LAPOP), sự ủng hộ cho nền dân chủ ở khu vực này đang giảm mạnh. Xung đột xã hội gắn với chính trị cùng sự bất an của người dân sau các vụ bê bối tham nhũng nghiêm trọng ở Mexico và Brazil tiếp tục trở thành những vấn đề chi phối trong khu vực. Đối với nền kinh tế, mặc dù dự kiến trong năm 2018 sẽ tăng trưởng hơn năm 2017, nhưng mức tăng này vẫn rất yếu kém.

Đàm phán NAFTA 2018 (Ảnh: CTV)

Tổng thống Peru Pedro Pablo Kuczynski đã đệ đơn từ chức lên Quốc hội vào ngày 21/3 trong bối cảnh ông này liên tiếp bị cáo buộc liên quan đến tham nhũng. Khi chiến dịch bầu cử tại Mexico nóng lên, các cuộc thăm dò ý kiến cùng ý kiến của các chuyên gia đã cho thấy vấn đề chi phối cử tri chính là tham nhũng. Một ứng viên cáo buộc những người khác có dính líu đến tham nhũng khiến tình hình trở nên phức tạp. Ở Argentina, vô số vụ bê bối liên quan đến chính quyền cựu Tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner đã được đưa ra ánh sáng. Ở El Salvador, Guatemala và Honduras, những cuộc điều tra và nghi ngờ tham nhũng đã lan rộng.

Argentina đảm nhận vai trò nước Chủ tịch luân phiên G20, khoảng 20.000 đại diện chính phủ sẽ tập trung tại 10 tỉnh khác nhau để tham gia hơn 60 cuộc họp định hình chương trình nghị sự kinh tế toàn cầu. Các bộ trưởng tài chính đến từ khắp châu lục đã thảo luận các giải pháp cho cuộc khủng hoảng tồi tệ ở Venezuela. Những thay đổi lớn về mặt chính trị đã tạo ra những thách thức cũng như cơ hội mới trong cuộc chiến chống tham nhũng của các quốc gia Mỹ Latinh.

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, Venezuela và Haiti là 2 quốc gia có chỉ số nhận thức tham nhũng cao nhất trong khu vực, trong khi đó Uruguay và Barbados đứng ở đầu kia của bảng xếp hạng. Cũng theo nghiên cứu này, nhận thức về tham nhũng đã xấu đi ở 14 trong số 30 quốc gia Mỹ Latinh và vùng Caribê, chỉ số này chỉ được cải thiện ở 11 quốc gia và duy trì ổn định ở 5 quốc gia.

Người dân biểu tình sau bê bối Odebrecht của Brazil (Ảnh: Reuters)

Nghiên cứu chỉ ra rằng, một số tiến bộ đã được ghi nhận trong lĩnh vực pháp luật và thể chế nhằm thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Một số tiến bộ nổi bật có thể thấy như cuộc điều tra tham nhũng liên quan đến vụ bê bối xuyên quốc gia của Công ty Xây dựng Odebrecht của Brazil và các cuộc điều tra liên quan đến giới kinh doanh và các chính trị gia có dính líu đến tham nhũng và hối lộ được thực hiện bởi Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng cho thấy, nhìn chung nhận thức về tham nhũng trong khu vực không có sự thay đổi đáng kể, đồng thời nhấn mạnh rằng các chính sách toàn cầu để giải quyết các nguyên nhân mang tính lịch sử và cấu trúc của tham nhũng trong khu vực vẫn chưa được hình thành.

Chỉ số minh bạch quốc tế cho thấy rằng các quốc gia khu vực Mỹ Latinh tiếp tục gặp khó khăn nghiêm trọng trong việc chống tham nhũng. Không có gì đang ngạc nhiên khi Venezuela tiếp tục là quốc gia có mức độ tham nhũng cao nhất Mỹ Latinh, khi mà các cuộc khủng hoảng chính trị, xã hội và kinh tế của đất nước này ngày càng diễn ra mạnh mẽ, tham nhũng vẫn tiếp tục tồn tại.

Khủng hoảng kinh tế trầm trọng tại Venezuela (Ảnh: Business Insider)

Tại Mexico, đã có những lời kêu gọi sự hỗ trợ quốc tế về tham nhũng và vấn đề vi phạm nhân quyền. Đây là một triệu chứng của xã hội dân sự phản ánh sự mất niềm tin do những vụ bê bối không có dấu hiệu chấm dứt, đe dọa đến hệ thống tư pháp của đất nước này.

Đối với các quốc gia Mỹ Latinh, không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc cố gắng giải quyết một cách hợp pháp, dân chủ và hiệu quả nạn tham nhũng trong điều kiện luật pháp không chặt chẽ, thiếu những hình phạt cho tội phạm tham nhũng. Một số biện pháp được đưa ra như xây dựng thể chế, chủ quyền quốc gia, ổn định chính trị, bảo đảm hiệu quả kinh tế trong ngắn hạn. Sự phát triển trong vài năm gần đây ở các quốc gia trong khu vực có thể coi là những tín hiệu tích cực. Bên cạnh đó, các quốc gia này cần tăng cường dân chủ trong xã hội, dân chủ đại diện, luật pháp và các tiến bộ kinh tế.

Tương tự như vậy, đối với tham nhũng ở cấp độ siêu quốc gia cần phải được giải quyết thông qua hợp tác quốc tế. Đây là một sự thay đổi đang được mong đợi. Các chính phủ cần trao đổi thông tin về tài khoản ngân hàng, tài sản, việc xuất nhập cảnh một cách kịp thời và đầy đủ đối với những đối tượng tình nghi tham nhũng. Để có được sự tăng trưởng kinh tế, các quốc gia Mỹ Latinh, trong cuộc chiến chống tham nhũng cần có cơ chế để phân tích hoạt động giao dịch của các công ty. Khi mà các “đầu dò” tham nhũng có thể thâm nhập sâu hơn, các giao dịch minh bạch hơn và đặc biệt các hình phạt nghiêm khắc hơn sẽ giúp giảm đáng kể các hành vi hối lộ và tham nhũng.

Bên cạnh đó, các quốc gia trong khu vực Mỹ Latinh cần xây dựng và triển khai mạnh mẽ các chiến dịch phòng và chống tham nhũng. Mới đây, chiến dịch mang tên Car Wash đã phanh phui một loạt bê bối tham nhũng của các quan chức Brazil. Vào ngày 4/7, Eike Batista - từng là người giàu nhất Brazil - đã bị kết án 30 năm tù vì phạm tội đưa hối lộ và rửa tiền. Chiến dịch Car Wash của Brazil được bắt đầu vào năm 2014 đã phanh phui hàng loạt chính trị gia và các nhà lãnh đạo kinh doanh có dính líu đến hối lộ và tham nhũng, bao gồm cả cựu Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva. Cuộc điều tra đã nâng cao nhận thức về tham nhũng và biến nó thành chiến dịch lớn trước cuộc bầu cử vào tháng 10. Trong 4 năm qua, chiến dịch này đã giúp phanh phui và kết án 188 người, thu hồi khoảng 11,7 tỷ USD, nhiều công ty bị đẩy vào tình trạng phá sản. Những trường hợp phạm pháp bị phanh phui đã làm sâu sắc hơn cuộc suy thoái lịch sử của Brazil, ngành xây dựng bị đình trệ.

Người dân Mexico biểu tình phản đối tham nhũng (Ảnh: CFR)

Tại Mexico, Tổng thống đắc cử Andres Manuel Lopez Obrador được một số chuyên gia nhận định rằng nhiều khả năng sẽ không thể thực hiện được các cam kết đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử là chống tham nhũng. Tổng thống Obrador chưa được ra được những chính sách cụ thể để giải quyết tệ nạn này. Một rào cản mà ông Obrador phải đối mặt trong kế hoạch chống tham nhũng của mình là trên thực tế, tham nhũng tồn tại trong những cơ quan công quyền và lan tràn trong dân chúng. Trong khi đó tại Mexico vẫn còn tồn tại nhiều quy trình rất phức tạp trong hoạt động của các cơ quan này.

Có thể nói, những diễn biến phức tạp trong mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh tiếp tục đặt ra thách thức không nhỏ cho khu vực Mỹ Latinh - từng một thời là “ngôi sao đang lên” của thế giới.

Hồng Nhung

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều