Nói không với tham nhũng - Quyền và vai trò của mỗi cá nhân

(Mặt trận) - Tham nhũng là một hiện tượng xã hội, chính trị và kinh tế phức tạp ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia trên thế giới. Tham nhũng ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của xã hội, phòng, chống tham nhũng đã mở ra tiến trình hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững giúp bảo vệ hành tinh của chúng ta, nhằm tạo việc làm, bình đẳng giới và đảm bảo khả năng tiếp cận rộng rãi hơn với các dịch vụ thiết yếu như chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Hợp tác quốc tế luôn là giải pháp hàng đầu, các quốc gia từ chối nơi trú ẩn an toàn cho tội phạm tham nhũng cũng như tài sản do tham nhũng mang lại.

Không chỉ các quốc gia cần đoàn kết và đối mặt với vấn đề toàn cầu này, mà mỗi người dân từ trẻ tới già đều có vai trò trong việc ngăn chặn và chống tham nhũng. Để đạt được điều này, cần có các chính sách, hệ thống và biện pháp để người dân có thể lên tiếng và nói không với tham nhũng. Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng nhấn mạnh trách nhiệm của các Chính phủ trong việc áp dụng biện pháp bảo vệ hiệu quả cho người tố giác để đảm bảo rằng những người lên tiếng không bị trả thù. Các biện pháp này góp phần tạo ra các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm và minh bạch, hướng tới một xã hội liêm chính và công bằng.

Để bảo vệ quyền lợi của bản thân, mỗi người dân cần nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình trong cuộc chiến chống tham nhũng và hãy lên tiếng “Nói không với tham nhũng”.

Tham nhũng phá hoại các thể chế dân chủ, làm chậm sự phát triển kinh tế và góp phần vào sự bất ổn chính trị. Tham nhũng tấn công nền tảng của các thể chế dân chủ bằng cách bóp méo các quy trình bầu cử, phá hoại Nhà nước pháp quyền và tạo ra những vũng lầy quan liêu do hối lộ. Phát triển kinh tế bị đình trệ vì đầu tư trực tiếp từ nước ngoài không được khuyến khích, các doanh nghiệp nhỏ trong nước cũng thường không thể vượt qua “chi phí khởi động” cần thiết do tham nhũng.

Vào ngày 31/10/2003, Đại hội đồng đã thông qua Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng và Tổng thư ký Liên hợp quốc đã chỉ định Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm (UNODC) làm Ban thư ký cho Hội nghị các quốc gia thành viên của Công ước. Hội đồng cũng đã chỉ định ngày 9/12 hàng năm là Ngày Quốc tế phòng, chống tham nhũng nhằm nâng cao nhận thức về tham nhũng và vai trò của Công ước trong việc đấu tranh và ngăn chặn tham nhũng. Công ước này có hiệu lực từ tháng 12/2005.

Các Chính phủ, khu vực tư nhân, các tổ chức phi chính phủ, phương tiện truyền thông và công dân trên toàn cầu đang hợp lực để chống lại tội phạm tham nhũng. Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và UNODC đi đầu trong những nỗ lực này.

"Tham nhũng vặt" làm tha hóa biến chất cán bộ công chức. (Ảnh minh họa: thoibaokinhdoanh.vn)

Vào hai ngày cuối tháng 10/2021, tại Rome (Italy), Hội nghị thượng đỉnh G20 thường kỳ đã diễn ra, trong đó xác định các lĩnh vực ưu tiên của công tác chống tham nhũng giai đoạn 2022-2024 và thông qua một số các nguyên tắc chỉ đạo liên quan đến đấu tranh chống tham nhũng trong các lĩnh vực cụ thể.

Hội nghị kết thúc bằng việc thông qua tuyên bố của các nhà lãnh đạo, trong đó các nước G20 đã nhắc lại cam kết không khoan nhượng đối với tham nhũng trong khu vực công và tư, cam kết tăng cường sự tham gia của G20 với các bên liên quan như xã hội dân sự, truyền thông, từ chối làm nơi trú ẩn an toàn cho tội phạm tham nhũng cũng như tài sản của chúng, đồng thời chống lại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và thúc đẩy việc minh bạch quyền sở hữu bất động sản để ngăn chặn che giấu và rửa tiền tham nhũng. Một số tài liệu do Nhóm công tác chống tham nhũng G20 (ACWG) chuẩn bị trước cũng đã được thông qua tại Hội nghị, trong đó bao gồm Kế hoạch hành động chống tham nhũng giai đoạn 2022-2024.

Trong 3 năm tới, đường lối chính của hoạt động chống tham nhũng được định hướng như sau: Tăng cường thực hiện các cam kết hiện có của G20 về chống tham nhũng, bao gồm cả việc thống kê các cam kết này, sửa đổi cách tiếp cận theo chủ đề hướng tới việc chuẩn bị báo cáo trách nhiệm giải trình hàng năm, cải tiến các phương pháp làm việc của ACWG, chẳng hạn như khả năng tổ chức cuộc họp cấp Bộ trưởng G20 lần thứ hai về chống tham nhũng; Hỗ trợ các sáng kiến chống tham nhũng quốc tế khác, đặc biệt trong khuôn khổ Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC), Mạng lưới hoạt động toàn cầu của Cơ quan thực thi Luật chống tham nhũng thuộc Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm, Nhóm công tác của OECD về Hối lộ trong Giao dịch Kinh doanh Quốc tế và INTERPOL; Cải thiện hơn nữa các cơ chế chống tham nhũng trong ba lĩnh vực chính. Cụ thể là: Cải thiện tính minh bạch, liêm chính và trách nhiệm giải trình của khu vực công, bao gồm mua sắm công và quản lý tài chính công. Trao đổi các thông lệ tốt để nâng cao các khả năng áp dụng các công nghệ mới nhằm thúc đẩy chất lượng và khả năng tiếp cận dữ liệu mở của Chính phủ. Thúc đẩy sự cởi mở hơn và cạnh tranh bình đẳng trong mua sắm công, bao gồm thúc đẩy các phương pháp tiếp cận dựa trên rủi ro để xác định người mua. Thêm vào đó cần khuyến khích các nỗ lực quốc tế về tính minh bạch trong đấu thầu và quyền sợ hữu có lợi; thúc đẩy vai trò của các tổ chức kiểm toán và sự hợp tác của họ với các cơ quan chống tham nhũng; thúc đẩy sự phát triển của các nguyên tắc liêm chính trong các cơ quan công quyền, có cân nhắc đến các đặc điểm thể chế, rủi ro và trách nhiệm của họ; cải tiến những cách thức để nâng cao nhận thức về tham nhũng, đặc biệt trong giới trẻ.

Ở khu vực tư nhân, tính minh bạch, liêm chính và trách nhiệm giải trình; chống rửa tiền và minh bạch trong quyền sở hữu, lĩnh vực bất động sản cũng rất được chú trọng. Cần tuân thủ việc duy trì sổ sách, hồ sơ, giải quyết việc sử dụng các công ty vỏ bọc để tham nhũng, tiến hành kiểm tra các tiêu chuẩn quản lý và giám sát hiện có đối với các ngành công nghiệp hàng đầu và các nhà cung cấp dịch vụ.

Hợp tác quốc tế luôn là giải pháp hàng đầu, các quốc gia từ chối nơi trú ẩn an toàn cho tội phạm tham nhũng cũng như tài sản do tham nhũng mang lại; đồng thời cần có sự trao đổi kinh nghiệm giữa các nước để cùng tham gia tốt hơn vào hợp tác quốc tế chính thức và phi chính thức, đồng thời nghiên cứu các cách thức để tăng số hóa và khả năng tương tác trong các quá trình này. Cần thúc đẩy nỗ lực tăng cường giám sát các chương trình cấp quốc tịch cho các nhà đầu tư nhằm ngăn chặn việc những kẻ tham nhũng tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn cho bản thân và tải sản của họ. Vai trò của xã hội dân sự, khu vực tư nhân và giới truyền thông cần được tăng cường trong việc hợp tác chống tham nhũng quốc tế, bao gồm việc thu hồi tài sản, chia sẻ kinh nghiệm tốt trong việc truy tìm, thu giữ, tịch thu, trả lại và xử lý hiệu quả số tài sản thu được do phạm tội mà có, bao gồm cả các biện pháp thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quá trình hoàn trả, phát hiện các phương thức thường được tội phạm tham nhũng sử dụng để tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn; chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy một loạt các biện pháp chẳng hạn như giải quyết công bằng không xét xử theo thủ tục đối với các vụ án tham nhũng và thu hồi tài sản dân sự dựa trên cơ sở kết án.

Tại Việt Nam, trong năm 2021, về việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, các Cơ quan điều tra trong công an đã thụ lý điều tra 582 vụ án, 1.262 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó khởi tố mới 310 vụ, 665 bị can (tăng 20 vụ, 49 bị can so với kỳ báo cáo năm trước). Đã kết luận điều tra và đề nghị truy tố 305 vụ, 804 bị can; tạm đình chỉ điều tra 37 vụ, 58 bị can; đình chỉ điều tra 4 vụ, 3 bị can; xử lý khác (thay đổi tội danh, nhập vụ án...) 10 vụ, 13 bị can; hiện đang điều tra 226 vụ, 384 bị can. Thiệt hại trong các vụ án thụ lý: trên 800 tỷ đồng, 398.643,83m2 đất, 21 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố: Viện Kiểm sát nhân dân các cấp thụ lý giải quyết 402 vụ/1.222 bị can, trong đó án mới 369 vụ/1100 bị can (tăng 29 vụ/363 bị can tương đương 8,2% so với cùng kỳ năm 2020); đã giải quyết 330 vụ/989 bị can (đạt 82%, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2020). Trong đó: Truy tố 329 vụ/983 bị can (chiếm 99,6% tổng số án đã giải quyết); đình chỉ 1 vụ/6 bị can. Hiện đang giải quyết 72 vụ/233 bị can.

Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý 415 vụ với 1.163 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 254 vụ với 631 bị cáo về các tội tham nhũng (so với cùng kỳ năm trước thụ lý giảm 21 vụ và 12 bị cáo, xét xử giảm 15 vụ và 14 bị cáo). Trong số 631 bị cáo phạm tội tham nhũng đã xét xử, các Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt tù chung thân 6 bị cáo; xử phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm đối với 22 bị cáo.

Kết quả công tác thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế: Số việc phải thi hành 4.799 việc; số việc có điều kiện đang được tổ chức thi hành là 3.691 việc; đã thi hành xong 2.697 việc. Tổng số tiền phải thi hành trên 72 nghìn tỷ đồng; đang tổ chức thi hành trên 34 nghìn tỷ đồng; đã thu được trên 4 nghìn tỷ đồng.

Trong những năm tới, Việt Nam tiếp tục đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới, với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức mới đan xen; cùng với sự phát triển của đất nước và quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, hành vi tham nhũng sẽ ngày càng tinh vi hơn, phức tạp, khó lường hơn; đồng thời phát sinh một số loại tội phạm, vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Thu Anh biên dịch

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều