Pháp luật của Phần Lan về phòng, chống tham nhũng: Không có luật riêng về chống tham nhũng

Pháp luật Phần Lan không có định nghĩa về tham nhũng, cũng không có luật riêng về chống tham nhũng. Thay vào đó, Phần Lan có một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hành vi tham nhũng gồm: Hiến pháp, Bộ luật Hình sự và một số luật khác.

Những điều khoản cơ bản về tham nhũng trong Bộ luật Hình sự là những điều khoản về hối lộ trong lĩnh vực công và lĩnh vực tư. Cụ thể, Bộ luật Hình sự quy định một số hành vi tham nhũng bị coi là tội phạm gồm: Đưa hối lộ, quy định tại Chương 16, Điều 13, 14; nhận hối lộ, quy định tại Chương 40, Điều 1 đến Điều 4; đưa hối lộ trong kinh doanh, quy định tại Chương 30, Điều 7; nhận hối lộ trong kinh doanh, quy định tại Chương 30, Điều 8.

Ngoài ra, một số hành vi tham nhũng khác cũng được Bộ luật Hình sự Phần Lan coi là tội phạm như: Tội rửa tiền và tội phạm về kế toán. Bộ luật Hình sự cũng đã được sửa đổi một số điều khoản để phù hợp với các thỏa thuận của Liên minh châu Âu về phòng, chống tham nhũng. Chẳng hạn phạm vi của công chức nước ngoài được quy định trong Bộ luật Hình sự Phần Lan đã được mở rộng và tội phạm hối lộ trong lĩnh vực tư được sửa đổi theo hướng thủ tục tố tụng sẽ được tiến hành mà không đòi hỏi phải có yêu cầu của người bị hại.

Bộ luật Hình sự cũng có các điều khoản riêng đối với tội hối lộ chủ động và hối lộ bị động của các nghị sĩ. Tiêu chí để xác định hối lộ là việc đưa ra hoặc nhận của hối lộ có gây ảnh hưởng đến việc xem xét một vấn đề đang được bàn thảo trong Nghị viện hay không. Tiêu chí này hiện đang được xem xét để hoàn thiện thêm.

Luật Công chức cấm công chức nhận hối lộ khi thi hành công vụ. Theo luật này, công chức không được đòi hỏi, chấp thuận hoặc nhận các lợi ích tài chính hoặc các lợi ích khác nếu việc nhận đó làm giảm niềm tin vào công chức. Luật quy định, nếu việc nhận (hoặc hứa) hối lộ ảnh hưởng đến việc thi hành công vụ của công chức, làm giảm độ tin cậy, tính công bằng trong thi hành công vụ thì được xác định là hối lộ.

Công chức phải bảo đảm tính công bằng của mình trong việc thi hành công vụ và do đó không nên chấp nhận bất kỳ lợi ích nào. Khái niệm lợi ích tài chính bao gồm tiền bạc, quà tặng, nhưng cũng bao gồm những đề nghị hào phóng ở nhiều hình thức dịch vụ khác nhau (du lịch, khách sạn, ăn uống, giải trí…), hoặc các ưu đãi quá mức về những khoản trên. Tùy từng trường hợp, việc nhận một lợi ích nhỏ cũng có thể dẫn đến trách nhiệm hình sự. Giá trị lợi ích được xem xét ở khía cạnh nó là ngoại lệ và có ảnh hưởng đến hành động của người nhận. Các lợi ích trong phạm vi xã giao bình thường không được xem là hối lộ.

Trong các vụ án nghiêm trọng, hình phạt cho tội hối lộ có thể bị kết án tù đến 4 năm. Trong trường hợp đó, công chức có thể bị đuổi việc. Những biện pháp kỷ luật cũng có thể được áp dụng. Trên thực tế, hình phạt thông thường cho hành vi phạm tội hối lộ là phạt tiền hoặc tạm giữ có điều kiện. Các điều khoản tại Chương 40 về hối lộ bị động áp dụng không chỉ đối với công chức, mà còn cho những người được cơ quan công quyền tuyển dụng, người thi hành công vụ và nhân viên của các công ty nhà nước. Luật cũng mở rộng các điều khoản áp dụng chung cho công chức nước ngoài (Chương 40, Khoản 12).

Bộ luật Hình còn hình sự hóa hành vi hối lộ được thực hiện bởi những người làm việc trong khu vực tư. Ở Phần Lan, doanh nghiệp phạm tội hối lộ sẽ phải nộp phạt đến 850.000 euro (Chương 9 của Bộ luật Hình sự). Trong những trường hợp cụ thể, lệnh cấm hoạt động kinh doanh có thể áp dụng đối với một người bị kết tội hối lộ trong kinh doanh (Luật Về cấm các hoạt động kinh doanh 1059/1985). Ngoài ra, theo Luật Đấu thầu (348/2007), một ứng cử viên hoặc nhà thầu sẽ bị loại khỏi đấu thầu cạnh tranh nếu các ứng cử viên hoặc nhà thầu, giám đốc điều hành hoặc người có chức vụ tương đương vi phạm nghiêm trọng như hối lộ trong khu vực tư nhân hoặc khu vực công. Các lý do như sai phạm nghiêm trọng trong công việc cũng có thể bị loại trừ khỏi đấu thầu cạnh tranh. Luật pháp về phạt tài chính do vi phạm hối lộ của doanh nghiệp chưa phát triển vì các vụ vi phạm này không phổ biến.

Bộ luật hình sự Phần Lan không chỉ truy cứu trách nhiệm cá nhân, mà còn truy cứu trách nhiệm của các tổ chức tội phạm có tổ chức trong việc thực hiện hành vi tham nhũng.

Ngoài ra, hình phạt đối với hành vi tham nhũng còn được quy định trong các luật: Luật Thủ tục hành chính (1982); Luật Công chức (1994); Luật Về công khai các hoạt động của chính phủ (1999); Luật Phát hiện và chống rửa tiền (1998); Luật Kế toán (1997); Luật Kiểm toán (1994); Luật Ngân sách nhà nước (1988); Luật  Kiểm toán viên tài chính công (1999); Luật Về hoạt động của cơ quan kiểm soát kinh tế quốc gia (2000); Luật Về mua sắm công (1992); Luật Về chuyển nhượng và trợ cấp chính phủ (2001).

Những văn bản pháp lý này quy định cụ thể về hành vi tham nhũng cũng như các biện pháp xử lý tham nhũng trên tất cả các lĩnh vực và ở tất cả các khu vực, từ khu vực công đến khu vực tư. Những văn bản pháp lý này là những công cụ hữu hiệu để Phần Lan đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Theo Quỳnh Vũ/Báo Đại biểu nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều