Phong trào Áo vàng ở Pháp: Chưa dập được lửa

Tổng thống Pháp Emmuanuel Macron mới đây đã đưa ra các đề xuất về tăng lương tối thiểu cùng một số chính sách an sinh xã hội, nhằm chấm dứt các cuộc biểu tình của phong trào Áo vàng trên khắp nước Pháp suốt 4 tuần qua. Tuy nhiên, đề xuất của ông Macron chưa đủ để xoa dịu sự phẫn nộ của những người thuộc tầng lớp trung lưu và lao động nghèo. Trong khi đó, làn sóng biểu tình ở Pháp đang có nguy cơ tạo ra cơn địa chấn lan rộng sang châu Âu.

Đề xuất mờ nhạt

Trong bài phát biểu dài 13 phút tại Điện Élysée ngày 10.12, Tổng thống Macron đã thừa nhận việc nhiều người dân Pháp có chung sự bất bình, phẫn nộ và hứa lắng nghe tiếng nói của cả nước, các thị trưởng và người dân lao động ở những thành phố nhỏ. Ông Macron đã công bố những biện pháp mạnh mẽ và ngay lập tức nhằm xoa dịu sự phẫn nộ của người biểu tình Áo vàng như: Tăng thêm 100 euro (khoảng 115 USD) cho mức lương tối thiểu hàng tháng bắt đầu từ tháng 1 tới, mà không khiến người sử dụng lao động tốn thêm đồng nào; miễn thuế cho các khoản thu nhập từ làm thêm giờ; miễn đóng góp bảo hiểm xã hội cho người về hưu có thu nhập dưới 2.000 euro/tháng (khoảng 2.270 USD) cũng như khuyến khích doanh nghiệp thưởng cuối năm cho người lao động.

Đây là bài phát biểu thứ hai của Tổng thống Macron kể từ khi bùng phát các cuộc biểu tình của phong trào Áo vàng ở Pháp và nỗ lực mới nhất của nhà lãnh đạo này nhằm trấn an người biểu tình. Trước đó, Chính phủ Pháp đã quyết định hủy bỏ tăng thuế môi trường đánh vào nhiên liệu, nguyên nhân ban đầu khiến người biểu tình Áo vàng xuống đường. Tuy nhiên, nỗ lực này chưa đủ, mà theo giới chức Pháp, phải giải quyết gốc rễ của vấn đề là bức xúc của người dân về thu nhập và điều kiện sống hiện nay.

Thủ tướng Édouard Philippe cho rằng, các đề xuất mà ông Macron vừa công bố cho thấy Tổng thống sẵn sàng hành động nhanh chóng và mạnh mẽ, nhằm phản ứng trước sự giận dữ của người lao động thu nhập thấp. Joséphine Kollmannsberger, người đứng đầu thị trấn Plaisir, ngoại ô Paris, cho biết, người lao động thu nhập thấp ở Pháp, đặc biệt ở những ngôi làng và thị trấn nhỏ, đang thực sự gặp khó khăn do mức sống quá đắt đỏ hiện nay. Theo bà Kollmannsberger, đề xuất mới là bước đi đầu tiên, giống như miếng băng urgo tức thời, nhằm chặn đứng làn sóng biểu tình đang trở nên mất kiểm soát.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết, các đề xuất mới của Tổng thống Macron sẽ khiến Chính phủ tiêu tốn khoảng 10 tỷ euro (khoảng 11,3 tỷ USD). Tuy nhiên, những người được hưởng lợi từ các đề xuất trên cho rằng, đây là phản ứng mờ nhạt, đồng thời hoài nghi về việc thay đổi này sẽ không tác động đáng kể đến cuộc sống của họ. Nhiều người đặt câu hỏi, thu nhập của người lao động có tăng lên hay không khi mà thu nhập hàng tháng của nhiều người không dựa vào mỗi lương cơ bản? Hiện, trên toàn nước Pháp, chỉ khoảng chưa đầy 2 triệu người hưởng lương cơ bản trong tổng số khoảng 30 triệu người lao động. Phản ứng trước các đề xuất của ông Macron, một bộ phận người biểu tình thuộc phong trào Áo vàng khẳng định, sẽ tiếp tục biểu tình để chờ đợi những động thái rõ rệt hơn từ Chính phủ.

Nhiều người dân Pháp cho rằng, sự bùng phát của các cuộc biểu tình Áo vàng là thông điệp rõ ràng nhằm thể hiện sự phẫn nộ với Chính phủ. Rosa Larocca, một nữ hiệu trưởng trung niên ở Pháp nói với phóng viên tờ Christian Science Monitor, người dân Pháp mong muốn một nền cộng hòa khác và họ muốn Tổng thống Macron phải ra đi. Còn đối với Shanoon Redovanc, một cán bộ về hưu, các cuộc biểu tình Áo vàng hiện nay không hoàn toàn nhằm vào ông Macron. Christophe Guilluy, nhà địa lý xã hội Pháp cũng đồng tình với quan điểm này khi nhận định, sự phẫn nộ đã ăn sâu vào xã hội Pháp và tích tụ qua nhiều đời chính quyền. Ông Guilluy cho rằng, Tổng thống Macron đang phải trả giá cho những chính sách bất hợp lý và sự thiếu hành động của Chính phủ trong 30 năm qua. Sự nhượng bộ của ông Macron trong việc đáp ứng yêu cầu của người biểu tình Áo vàng được cho là muộn màng và không đủ để lấn át sự mất niềm tin của người dân đối với giới chính trị gia.

Kết quả thăm dò mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu IEP cho thấy, các chính đảng là những tổ chức ít được tin tưởng nhất ở Pháp. Trong khi đó, 72% dư luận Pháp ủng hộ người biểu tình Áo vàng, theo thăm dò của kênh BFM TV hồi tuần trước. Chỉ 16% dư luận Pháp cho rằng, các nhà lãnh đạo chính trị tiếp thu ý kiến của người dân; còn 83% ý kiến cho rằng, các chính trị gia hoàn toàn phớt lờ ý kiến người dân.

Đám cháy lan rộng

Trong khi các cuộc biểu tình Áo vàng gây nên tình trạng bạo động xã hội và thiệt hại lớn cho kinh tế Pháp, với những vụ người biểu tình gây rối, đốt phá, hôi của tại các cửa hàng, cửa hiệu trên đường phố; nhiều người không khỏi liên tưởng tới hình ảnh các cuộc biểu tình trong làn sóng Mùa xuân Ảrập, từng càn quét nhiều nước Bắc Phi và Trung Đông vài năm trước.

Làn sóng Mùa Xuân Ảrập bùng phát cuối năm 2010, khởi điểm là cuộc Cách mạng Hoa nhài ở Tunisia, được châm ngòi bởi sự phẫn nộ của người dân trước hành động của một viên cảnh sát tịch thu hàng hóa của người bán hàng đường phố Mohamed Bouazizi, khiến người này phẫn uất đến mức tự thiêu. Hình ảnh tự thiêu của người bán hàng Mohamed được lan truyền trên mạng xã hội đã kích động làn sóng biểu tình phản đối Chính phủ về tình trạng thất nghiệp, giá cả thực phẩm tăng, nạn tham nhũng, mức sống của người dân thấp... Các cuộc biểu tình phản đối Chính phủ ở Tunisia dần trở thành bạo động chính trị và dẫn đến việc lật đổ chính quyền của Tổng thống Ben Ali.

Tương tự, cuộc biểu tình Áo vàng ở Pháp ban đầu chỉ được coi như “đám lửa nhỏ” khởi phát từ hành động phản đối Chính phủ áp thuế lên nhiên liệu, nhưng sau đó dần trở thành “đám cháy lớn, quy mô trên khắp cả nước. Những khẩu hiệu của người biểu tình Áo vàng nhanh chóng vượt ra khỏi khuôn khổ của việc phản đối chính sách áp thuế nhiên liệu, mở rộng ra những yêu sách về kinh tế - xã hội như đòi tăng lương hưu, tăng lương tối thiểu và sang các mục tiêu chính trị như buộc Tổng thống Macron phải từ chức, giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử trước thời hạn.

Đáng quan ngại hơn, các cuộc biểu tình Áo vàng đã lan sang những nước khác ở châu Âu. Tại Bỉ, phong trào biểu tình Áo vàng xuất hiện ở vùng nói tiếng Pháp Wallonie và lan tới Thủ đô Brussels, nhằm phản đối tình trạng giá cả sinh hoạt và nhiên liệu tăng cao. Tại Hà Lan, người Áo vàng xuống đường đòi giải quyết tình trạng chi phí sinh hoạt đắt đỏ, tăng tuổi nghỉ hưu, người nhập cư và yêu cầu Thủ tướng Mark Rutte từ chức. Khoảng 70.000 người cũng đã tập trung tại Turin, miền Bắc Italy, phản đối chính phủ thực thi dự án xây dựng tuyến đường hầm xe lửa xuyên dãy Alps, được cho là gây lãng phí ngân sách công. Mẫu số chung của các cuộc biểu tình này là tâm lý giận giữ của một bộ phận người dân châu Âu trước tình hình kinh tế ảm đạm, tỷ lệ thất nghiệp cao triền miên, bất công xã hội tăng và bất bình đẳng ngày một nới rộng. Khoảng 25% dân số Liên minh châu Âu (EU), tương đương 119 triệu người, đang phải sống trong cảnh nghèo khổ. Hơn 1/3 số người dân không có đủ tài chính để dự phòng những trường hợp bất khả kháng xảy ra. Trong khi đó, nhóm 20% số người giàu nhất có thu nhập cao gấp 5 lần so với 20% người nghèo nhất.

Trong bối cảnh làn sóng cực hữu đang trỗi dậy mạnh mẽ trên khắp châu Âu, các cuộc biểu tình Áo vàng từ Pháp có thể trở thành bàn đạp cho các đảng dân túy cực đoan, khi chỉ còn 5 tháng nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu. Khi đó, các cuộc biểu tình Áo vàng sẽ không còn là bất ổn của riêng Pháp, mà có thể dẫn tới thay đổi chính trị lớn hơn ở cả châu Âu.

Theo Ngọc Khánh/Báo Đại biểu Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều