Phóng viên - một trong những nghề nguy hiểm nhất trên thế giới

(Mặt trận) - Liên hợp quốc từng xếp phóng viên là một trong những nghề nguy hiểm nhất trên thế giới. Theo thống kê đã có hơn 500 vụ phóng viên bị sát hại trong vòng 10 năm qua. Do đó, Liên hợp quốc đã ra kế hoạch hành động vì sự an toàn của phóng viên khi tác nghiệp.

Chúng ta đều biết cảnh sát, lính cứu hỏa, thám tử, đặc vụ hay thậm chí bác sĩ là nghề nguy hiểm, nhưng không nhiều người biết rằng, phóng viên cũng là một nghề nguy hiểm không kém. Theo thống kế, trong năm 2017 có đến 65 nhà báo và nhân viên truyền thông bị giết trên toàn thế giới. 50 trong số đó là các phóng viên chuyên nghiệp, có thời gian hoạt động báo chí ít nhất là 14 năm. Quốc gia nguy hiểm nhất đối với các phóng viên là Syria, đã có 12 phóng viên thiệt mạng tại đây. Xếp thứ hai là Mexico - nơi mà 11 nhà báo đã bị ám sát trong năm qua. Trong đó có Javier Valdez - nhà báo viết về ma túy nổi tiếng ở Mexico bị bắn chết trên đường phố Culiaca vào tháng 5/2017. Vụ việc đã gây nên sự phản đối kịch liệt từ người dân quốc gia này và trên toàn thế giới. Trong cuốn sách cuối cùng có tên gọi “Narco-journalism”, Javier Valdez đã kể lại những mối nguy hiểm luôn rình rập phóng viên viết về đề tài ma túy ở Mexico. Họ luôn bị các nhóm buôn lậu ma túy đe dọa. Mặc dù không có chiến tranh nhưng Mexico là quốc gia đặc biệt nguy hiểm đối với phóng viên viết về đề tài tham nhũng, tội phạm ma túy.

Nhiếp ảnh gia Gleb Garanich bị thương khi chụp ảnh cảnh sát chống bạo động trong một cuộc biểu tình ủng hộ gia nhập EU tại Quảng trường Độc lập (Ảnh: Reuters)

Tại châu Á, Philippines đã trở thành quốc gia nguy hiểm nhất đối với phóng viên, ít nhất 5 người đã bị bắn trong năm ngoái, 4 trong số đó đã tử vong.

Số lượng nhà báo bị bắt giam ở Thổ Nhĩ Kỳ trong 2 năm qua nhiều hơn bất kỳ ở quốc gia nào trên thế giới. Theo Ủy ban Bảo vệ nhà báo, có 262 nhà báo bị bỏ tù bởi những nguyên nhân liên quan đến công việc của họ, trong số đó có 73 nhà báo bị giam giữ tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Vào ngày 23/01/2017, có 4 nhà báo bị bắt tại Thổ Nhĩ Kỳ bởi những bài viết của họ đăng trên phương tiện truyền thông xã hội chỉ trích hành động xâm lược của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria. Các nhà báo bị buộc tội “tuyên truyền cho một tổ chức khủng bố”, đây là lời buộc tội chung đối với các nhà báo phản đối chính sách của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Phóng viên David Lewis nấp sau chiếc xe bọc thép của Liên hợp quốc tránh súng máy và súng cối ở Kinshasa (Ảnh: Reuters)

Nhiều nhà báo bị giam giữ bởi các cáo buộc chống nhà nước từ nhiều chính phủ. Hai nhà báo đang làm việc cho hãng tin Reuters đang bị giam giữ ở Myanmar do bị cáo buộc mua bán bất hợp pháp thông tin với ý định chia sẻ với truyền thông nước ngoài khi họ báo cáo về chiến dịch quân sự của Myanmar chống lại người Hồi giáo ở Rohingya, bang Rakhine.

Nhiếp ảnh gia tự do người Palestine Moamen Qreiqea bị mất cả 2 chân trong cuộc không kích của Israel năm 2008 (Ảnh: Reuters)

Theo Công ước Geneva, các nhà báo được coi là thường dân trong thời kỳ xung đột vũ trang. Làm hại hay giết hại nhà báo bị coi là một tội ác chiến tranh. Nhưng trong chiến tranh hiện đại, ranh giới giữa thường dân và chiến binh quá mong manh. Vào cuối những năm 1980, vấn đề an toàn cho nhà báo đã được quan tâm đặc biệt trong các phong trào của Công đoàn, dẫn đầu là Liên đoàn Các nhà báo Hà Lan (NVJ). Một chương trình hành động trên toàn thế giới đã được Liên đoàn Các nhà báo quốc tế (IFJ) đưa ra nhằm giảm thiểu rủi to mà các nhà báo đang phải đối mặt khi tham gia đưa tin tại các cuộc xung đột vũ trang.

IFJ cũng nhấn mạnh rằng, các công ty truyền thông cần phải nâng cao trách nhiệm đối với sự an toàn của phóng viên. Ngày nay, nhiều đoàn thể thành viên của IFJ đã hợp tác với các công ty truyền thông và các cơ quan quân sự để xây dựng các chương trình huấn luyện, chuẩn bị tác nghiệp tại các vùng chiến sự.

IFJ với sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu đã xuất bản tài liệu “Hướng dẫn sinh tồn” với các chỉ dẫn toàn diện, chuyên sâu cho các phóng viên chiến tường. Hướng dẫn bao gồm các thông tin về thiết bị, đào tạo, biện pháp phòng ngừa, chuẩn bị, sơ cứu… IFJ cũng đã thành lập Viện An toàn Tin tức Quốc tế (INSI) với mục tiêu cung cấp các chương trình hỗ trợ an toàn tại các điểm nóng giao tranh, thiết lập tiêu chuẩn cho các thiết bị an toàn (áo giáp, mặt nạ…), đảm bảo rằng các thiết bị có sẵn cho nhân viên và phóng viên tự do, đồng thời nâng cao nhận thức về việc đảm bảo an toàn khi tác nghiệp.

Các phóng viên của New York Times, nhiếp ảnh gia Getty Images và nhiếp ảnh gia tự do trong một trận không kích của Chính phủ Libya (Ảnh: Reuters)

Ủy ban Bảo vệ các nhà báo (CPJ) được thành lập năm 1981 bởi một nhóm các nhà báo Hoa Kỳ. Họ nhận ra việc không thể bỏ qua tình trạng nguy hiểm đang ngày càng tăng lên đối với các đồng nghiệp của họ. Kể từ đó, CPJ đã phát triển thành một tổ chức gồm hơn 40 chuyên gia và phóng viên trên khắp thế giới. Trong 5 năm qua, CPJ đã giúp giải phóng sớm cho ít nhất 263 nhà báo bị giam giữ trong các nhà tù.

Giờ đây, ngoài việc bị đe dọa bạo lực, bắt giam, các nhà báo còn có thể bị quấy rối trên mạng xã hội, khủng bố, ăn cắp thông tin và một loạt các mối đe dọa liên quan đến công nghệ khác. Trong khi đó, các nền tảng internet tư nhân đã có tác động lên lĩnh vực báo chí thông qua các thuật toán, trí thông minh nhân tạo. Khi báo chí phát triển và chuyển dịch nhờ công nghệ đa phương tiện thì các mối đe dọa đối với sự an toàn của các nhà báo cũng thay đổi và tinh vi hơn.

Một cảnh sát chống bạo động đã đấm phóng viên ảnh người Hy Lạp Tatiana Bolari trong một cuộc biểu tình tại quảng trường Syntagma ở Athen (Ảnh: Reuters)

CPJ đã thành lập một nhóm ứng phó khẩn cấp với nhiệm vụ hỗ trợ các nhà báo giữ an toàn về thể chất và tinh thần, giúp họ giải quyết các rắc rối. Nhóm này đã cung cấp sự hỗ trợ toàn diện cho các nhà báo có nguy cơ gặp nguy hiểm bằng cách cung cấp thông tin về các mối đe dọa hiện có và tiềm ẩn thông qua các cố vấn an toàn.

Mới đây, Liên hợp quốc lại một lần nữa tuyên bố rằng, các nhà báo đang phải đối mặt với một trong những công việc nguy hiểm nhất thế giới. Để bảo vệ mình, các phóng viên cần nâng cao ý thức trách nhiệm, nắm vững pháp luật cũng như quy định đạo đức nhà báo. Bản thân các cơ quan báo chí cần xây dựng quy trình bảo vệ phóng viên khi tác nghiệp. Bên cạnh đó, kỹ năng ứng xử có văn hóa sẽ giúp tạo niềm tin nơi cơ sở, giúp phóng viên có thể đạt được mục đích trong quá trình tác nghiệp.

Hồng Nhung

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều