Phụ nữ và vấn đề bình đẳng giới trong thập kỷ mới

(Mặt trận) - Năm 2020 là sự khởi đầu cho một thập kỷ mới. Đây cũng là năm kỷ niệm 100 năm quyền bầu cử của phụ nữ tại Hoa Kỳ và kỷ niệm 20 năm Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về tăng cường sự tham gia của phụ nữ và đưa các quan điểm về giới vào các nỗ lực hòa bình và an ninh. Phụ nữ trên toàn thế giới đã sẵn sàng cho những thách thức của thập kỷ mới, đặc biệt là những vấn đề về bình đẳng giới.

Thập kỷ mới hứa hẹn nhiều cơ hội cũng như thách thức cho phụ nữ (Ảnh: Ethical Corporation)

Phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới vẫn phải đối mặt với những vấn đề về bất bình đẳng giới. Cứ 2 giây, một cuộc tảo hôn diễn ra và trở thành một bức tường lớn cản trở những hy vọng và ước mơ của một cô gái trẻ. Sự nghèo đói, thiếu nước, thiếu cơ sở vật chất cơ bản và những sản phẩm vệ sinh phụ nữ đã hạn chế hàng triệu phụ nữ và trẻ em gái trên thế giới được đến trường và đi làm. Tỷ lệ thất nghiệp ở phụ nữ cao hơn nam giới ở mọi khu vực trên thế giới. Điều này thường do thiếu cơ hội giáo dục và đào tạo kỹ năng cho nữ giới, các chuẩn mực xã hội và giới tính không đồng đều và gánh nặng của công việc gia đình lên phụ nữ.

Trong thập kỷ mới, phụ nữ nói riêng và cộng đồng thế giới nói chung cần vượt qua những thách thức đó để đạt được thành tựu đáng kể hơn trong công cuộc bình đẳng giới.

Vào buổi bình mình của những năm 2020, xây dựng các nền kinh tế công bằng và toàn diện là mục tiêu của các nhà lãnh đạo toàn cầu, các quốc gia và ngành công nghiệp. Để đạt được điều đó cần tiến hành những giải pháp bình đẳng giới trong giáo dục, y tế, chính trị và kinh tế.

Nếu không có đóng góp của phụ nữ, chúng ta không thể thực hiện được thành công cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 trên toàn cầu, đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc.

Bình đẳng giới là một hành trình dài (Ảnh: Forbes)

Hành trình đến bình đẳng giới đã vượt qua các khu vực địa lý khác nhau, các thế hệ khác nhau. Báo cáo về Khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2020 tuyên bố rằng, những phụ nữ nổi bật trong lĩnh vực chính trị và giữ các vai trò lãnh đạo trong nhiều lĩnh vực khác đã tạo thành một hiệu ứng truyền cảm hứng và khích lệ những phụ nữ trẻ. Điều này đóng một vai trò lớn trong nỗ lực bình đẳng giới trong giai đoạn hiện nay. Trên thực tế, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã bày tỏ sự tự tin của mình khi tuyên bố rằng phụ nữ là những nhà lãnh đạo giỏi hơn so với nam giới, đây là điều không thể chối cãi. Ông cũng tin tưởng rằng trong hai năm tới nếu mọi quốc gia trên thế giới được điều hành bởi phụ nữ thì sẽ cải thiện được đáng kể mọi lĩnh vực.

Điển hình cho vai trò phụ nữ lãnh đạo trên thế giới có thể nói tới Sanna Marin - chính trị gia và là Thủ tướng Phần Lan từ ngày 10/12/2019. Là nữ Thủ tướng trẻ nhất thế giới nhưng Sanna Marin không bao giờ nghĩ về tuổi tác hay giới tính của mình. Theo Marin, chúng ta cần luật pháp và những thể chế dẫn đường để đạt được bình đẳng giới bởi điều này không thể tự xảy ra.

Trên thực tế, chúng ta còn cách bình đẳng giới tới 100 năm, làm thế nào để đạt được nó? Khi mà theo một báo cáo do Oxfam công bố, ¾ công việc mà phụ nữ và trẻ em gái làm không được trả lương, tương đương với 10,8 nghìn tỷ USD mỗi năm đã không được trả đến tay các lao động nữ.

Một báo cáo của WEF cho biết phải mất 99,5 năm để thu hẹp khoảng cách về giới trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, y tế và giáo dục theo xu hướng phát triển hiện nay. Cũng như Sanna Marin, các nhà lãnh đạo nữ hay những phụ nữ có sức ảnh hưởng lớn trong nhiều lĩnh vực trên thế giới như Thủ tướng Đức Angela Merkel, nhà hoạt động khí hậu 17 tuổi người Thụy Điển Greta Thunberg và diễn viên Bollywood Deepika Padukone. Thando Hopa, người mẫu đầu tiên mắc bệnh bạch tạng xuất hiện trên trang bìa tạp chí Vogue, kêu gọi các nhà kinh doanh, nhà chính trị tích cực trao cơ hội cho phụ nữ. Trung bình chỉ 55% phụ nữ trưởng thành tham gia vào thị trường lao động so với tỷ lệ 78% ở nam giới. Và phụ nữ chỉ kiếm được 60% thu nhập cho cùng một công việc so với đàn ông. Do đó, lãnh đạo các doanh nghiệp cần tích cực thu hẹp khoảng cách về giới trong chuỗi lao động và giá trị. Điều này rất quan trọng không chỉ ở việc xây dựng nơi làm việc thu hút người lao động nữ trong dài hạn.

Sanna Marin - nữ Thủ tướng trẻ nhất thế giới (Ảnh: VNK)

Theo Gabriela Ramos, Giám đốc của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, tiến trình bình đẳng giới tiến bộ diễn ra rất chậm mặc dù nhận thức về giá trị kinh tế của phụ nữ ngày càng tăng. Theo bà, các chính phủ nên chủ động hơn trong việc xem xét các hệ thống và quy tắc về thuế để giải quyết khoảng cách về giới. Các chính phủ với tư cách là nhà quản lý có vai trò rất mạnh mẽ đối với bình đẳng giới. Chúng ta cần nhiều hơn nữa các giải pháp cụ thể từ chính phủ các nước. Ngày nay, 25% trong số 35.127 ghế quốc hội trên toàn cầu là phụ nữ và 21% trong số 3.343 bộ trưởng trên toàn cầu là nữ giới. Ngoài ra, trong 50 năm qua, 68 trong số 153 quốc gia theo báo cáo mới nhất có nữ nguyên thủ.

Việt Nam đã cam kết thúc đẩy sự tham gia và đại diện của phụ nữ trong lĩnh vực tham chính thông qua việc phê chuẩn các công ước quốc tế quan trọng, như: Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW); Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá; Công ước về quyền chính trị và dân sự năm 1982; Công ước cơ bản của ILO về bình đẳng; Tuyên bố Cương lĩnh hành động Bắc Kinh (1995)… là sự khẳng định nâng cao quyền năng cho phụ nữ, thúc đẩy sự tham gia đầy đủ của phụ nữ trên cơ sở bình đẳng trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, kể cả tham gia vào quá trình ra quyết định và tiếp cận quyền lực. 

Tại Việt Nam, quán triệt quan điểm của Đảng, nguyên tắc bình đẳng nam nữ được thể chế hóa trong Hiến pháp và hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho phụ nữ tham gia chính trị. Hiến pháp năm 2013 đã có quy định về bình đẳng giới và không phân biệt đối xử trong lĩnh vực chính trị. Luật Bình đẳng giới và Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020 đã được ban hành. Các cơ quan, tổ chức hoạt động về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của nữ giới đang từng bước được hoàn thiện. 

Lao động nữ Việt Nam (Ảnh: The Economist)

Khi nhiều phụ nữ đạt đến các vị trí quyền lực hữu hình sẽ tạo ra một chu kỳ mới, giúp bình thường hóa sự liên kết giữa nữ giới và vai trò lãnh đạo cho các thế hệ tương lai. Hiệu ứng mô hình vai trò này đã được nhìn thấy ở các quốc gia có mức độ phụ nữ nắm quyền lực chính trị cao, đồng thời hiệu ứng này cũng đúng với những nơi có tỷ lệ phụ nữ lãnh đạo doanh nghiệp cao.

Việc hoạch định chính sách và khuyến khích bình đẳng giới đóng vai trò ngày càng quan trọng. Chính sách này có thể bao gồm luật bình đẳng về tiền lương cho đến chính sách nghỉ phép cho lao động cả hai giới khi sinh con… Những chính sách ưu đãi rõ ràng là những công cụ quan trọng nhất để giải quyết các khoảng cách về giới trong kinh tế. Ví dụ thành công ở Pháp và Vương quốc Anh nhờ vào việc có một hệ thống chính sách hiệu quả giúp đẩy nhanh tốc độ thay đổi bình đẳng giới.

Dựa trên dữ liệu của ứng dụng nghề nghiệp LinkedIn, phụ nữ tham gia vào 6/8 ngành nghề phát triển nhanh nhất trong tương lai. Phần lớn lao động nữ tham gia vào lĩnh vực nhân sự thì 26% làm trong lĩnh vực liên quan đến dữ liệu và trí tuệ nhân tạo; 15% trong lĩnh vực kỹ thuật; 12% trong lĩnh vực điện toán đám mây. Với nhu cầu ngày càng tăng về lao động trong lĩnh vực công nghệ cao, con đường duy nhất là tập trung vào giáo dục, đào tạo và nâng cao tinh thần làm việc cho phụ nữ, đồng thời giải quyết những thành kiến ngăn cản phụ nữ có kỹ năng phù hợp được tuyển dụng hay thăng chức. Và không ai có thể làm điều này nếu không có sự lãnh đạo từ các doanh nghiệp và chính phủ.

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong bảo đảm quyền của phụ nữ, được quốc tế và khu vực ghi nhận. Nhờ đó, phụ nữ Việt Nam đã có nhiều cơ hội để tiếp cận quyền, cống hiến và hưởng thụ. Tuy nhiên, dưới góc độ quyền con người, Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế trong bảo đảm quyền của phụ nữ như: hạn chế trong cơ chế bảo đảm quyền; hạn chế do rào cản từ chính phụ nữ chưa vượt qua chính mình; hạn chế trong thực tiễn bảo đảm quyền của phụ nữ. Để vượt qua những thách thức trong thập kỷ mới, phụ nữ Việt Nam cần rèn luyện đức tính tự tin để có bản lĩnh vượt qua định kiến giới và hướng đến mục tiêu tự khẳng định mình. Phụ nữ phải thể hiện mình thật sự có vai trò trong cuộc sống gia đình và ngoài xã hội; tự đào tạo, bồi dưỡng để bù đắp những thiếu hụt của bản thân, để đảm bảo điều kiện cần và đủ sẵn sàng nhận giữ trọng trách mới.

Hồng Nhung (biên dịch)

()

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều