Quân đội vào cuộc xử lý khủng hoảng chất thải nhựa ở Indonesia

(Mặt trận) - Dòng chảy của các dòng sông, kênh, rạch tại Indonesia đang bị tắc nghẽn bởi một khối lượng lớn chất thải nhựa, khiến quân đội nước này buộc phải vào cuộc để xử lý.

Quan chức quân đội Indonesia cho biết, họ đang tham gia vào một “trận chiến” chống lại những chất thải nhựa làm tắc nghẽn dòng chảy của các dòng sông, kênh, rạch. Chỉ huy của một đơn vị quân đội tại thành phố Bandung đã mô tả chất thải nhựa chính là “kẻ thù lớn nhất của người Indonesia”. Quân đội Indonesia đã phải sử dụng đến các sà lan, nỗ lực vớt lượng rác khổng lồ nổi trên mặt nước để khơi thông dòng chảy.

Rác thải kết bè nổi trên mặt sông, kênh, rạch tại Indonesia. Ảnh: David Shukman

Nguyên nhân đẫn đến sự khủng hoảng chất thải nhựa ở Indonesia được cho là do sự bùng nổ dân số, cùng sự phát triển “nóng” của xã hội và người dân dần từ bỏ thói quen sử dụng những bao bì tự nhiên như các loại lá (lá chuối) để bọc đồ mà thay bằng các túi nilon, hộp nhựa.

“Cảnh tượng gây sốc”

Bandung là thành phố lớn thứ ba của Indonesia, hiện đang đối mặt với cảnh tượng kinh hoàng chất thải nhựa kết thành những bè tảng, hệt như băng trôi trên mặt nước. Trong khi đó, bãi rác của thành phố Bandung mỗi ngày tiếp nhận một phần nhỏ rác thải sinh hoạt của cả thành phố.

Một nhân viên môi trường nỗ lực vớt rác trên dòng kênh nghẹt rác. Ảnh: David Shukman

Tiến sĩ Anang Sudarna, người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ môi trường Tây Java cho biết, cơ quan này không đủ thẩm quyền để xử lý, bởi vậy vấn đề đặt ra khiến các nhà chức trách tại địa phương yêu cầu sự trợ giúp từ quân đội. Tiến sĩ Anang Sudarna nói: “Sự tham gia của quân đội đã có được những cải thiện nhất định, song điều khó khăn nhất chính là thay đổi ý thức và thái độ của người dân địa phương với vấn đề này”.

Trung sĩ Sugito, chỉ huy một đơn vị quân đội đã mô tả rằng, những quân nhân như ông đang chiến đấu rất vất vả với kẻ thù lớn mang tên chất thải nhựa. Tuy nhiên, trung sĩ Sugito cũng thừa nhận rằng các chất thải nhựa này dù bị vứt đi nhưng vẫn còn giá trị tái chế.

Thay đổi nhận thức của người dân địa phương

Thay đổi nhận thức của người dân bản địa, khuyến khích mọi người phân loại rác thải sinh hoạt là một trong những giải pháp cho cuộc khủng khoảng chất thải nhựa tại Indonesia.

Để khuyến khích việc phân loại rác, tái chế các sản phẩm nhựa, nhà chức trách ở Bandung đã có ý tưởng xây dựng những “làng sinh thái”, nơi người dân địa phương có thể mang đổi những đồ nhựa cũ để lấy những khoản tiền nhỏ. Các loại nhựa này sau đó sẽ được phân loại. Ý tưởng này đã có hiệu quả nhất định khi nhiều người phụ nữ của gia đình kiên nhẫn cắt nhỏ những chai nước bằng nhựa và tích chúng lại để đổi khoản tiền hỗ trợ chi tiêu gia đình.

Người dân địa phương hỗ trợ với quân đội dọn rác. Ảnh: David Shukman

Giải pháp thay đổi nhận thức về chất thải nhựa và sự phân loại để tái chế tiếp tục được truyền thông tại các trường học. Trẻ em địa phương rất cần thiết được dạy và học về chất thải và tái chế. Tuy nhiên, nhà hoạt động xã hội như Mohamad Bijaksana Junerosano của Tổ chức Greeneration thì cho rằng, việc giáo dục nhận thức về chất thải nhựa và sự phân loại để tái chế rác thải cho trẻ em cần được tiến hành đồng bộ tại trường học và gia đình.

Giáo sư người Hà Lan, Ad Ragas thuộc Đại học Radboud, nhà nghiên cứu lâu năm về khủng hoảng chất thải nhựa tại Indonesia cho biết, đã thấy tín hiệu thay đổi tích cực của chính quyền địa phương trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng này. Nếu như hai năm về trước, chính quyền địa phương còn thờ ơ với những cảnh báo về chất thải nhựa và ô nhiễm môi trường thì nay họ đã coi đó là vấn đề lớn cần được giải quyết triệt để.

Đình Việt biên dịch

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều