Quan hệ đối tác Mỹ - Ấn Độ: Hướng tới sự đồng thuận chiến lược

Mỹ và Ấn Độ đều được coi là các quốc gia có nền dân chủ lâu đời nhất và lớn nhất thế giới. Trong bối cảnh cục diện thế giới đang thay đổi nhanh chóng và đặt ra nhiều thách thức mới đối với cả Mỹ và Ấn Độ, hai nước bất kể những khác biệt và bất đồng còn tồn tại, đang ngày càng tìm thấy nhiều điểm tương đồng để phát huy quan hệ đối tác chiến lược hiện nay và hướng tới sự đồng thuận chiến lược vì lợi ích chung của cả hai bên cũng như lợi ích riêng của mỗi nước.

Tổng thống Đ. Trăm và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Mô-đi _Ảnh: Tư liệu 
Mối quan hệ kiên định

Từ cuối những năm 90 của thế kỷ XX và đầu những năm 20 của thế kỷ XXI, Mỹ bắt đầu chủ động giải quyết những bất đồng từ lâu từng kìm hãm mối quan hệ với Ấn Độ trong suốt giai đoạn Chiến tranh lạnh. Dưới thời Tổng thống G. W. Bu-sơ (2001 - 2008), các quan chức Mỹ không còn kiên quyết yêu cầu Ấn Độ phải từ bỏ vũ khí hạt nhân, cho phép hai nước ký kết một thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt và mở đường cho các khoản hỗ trợ của Mỹ, cả về ngoại giao, kinh tế và quân sự nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của Ấn Độ. Các đời chính quyền Mỹ kế nhiệm đã tạo điều kiện cho  Ấn Độ tự do tiếp cận các công nghệ quân sự và thúc đẩy vai trò của Ấn Độ tại các thể chế quốc tế, nổi bật là chính quyền của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma ủng hộ việc Ấn Độ muốn trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Mặc dù đến thời của chính quyền Tổng thống Đô-nan Trăm, Mỹ điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng giảm nhẹ vai trò của các đồng minh và đối tác, nhưng cách tiếp cận cơ bản này của Mỹ đối với Ấn Độ vẫn được duy trì.

Thực tế, khi Tổng thống Đ. Trăm mới lên nắm quyền, nhiều học giả và chuyên gia từng nhận định quan hệ Mỹ - Ấn Độ sẽ suy yếu. Chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Đ. Trăm, trong đó xét lại quan hệ của Mỹ với các đối tác, đồng minh và chất vấn những gì họ đã làm được cho nước Mỹ, từng làm căng thẳng mối quan hệ với nhiều đồng minh và đối tác truyền thống của Mỹ. Ấn Độ trước đó đã quen với sự “hào phóng” của Mỹ dưới hình thức ủng hộ chính trị - ngoại giao, cũng như được Mỹ tạo điều kiện tự do tiếp cận công nghệ, ban đầu cũng không chấp nhận nguyên tắc “có đi, có lại” này của Mỹ. Tuy nhiên, sau ba năm Tổng thống Đ. Trăm cầm quyền, quan hệ đối tác chiến lược giữa Mỹ và Ấn Độ không những không bị suy giảm mà còn tiếp tục được củng cố và phát triển nhờ vào những nỗ lực của cả hai phía.

Sự gia tăng hội tụ lợi ích giữa Mỹ và Ấn Độ là nguyên nhân chủ yếu khiến hai nước chủ động xích lại gần nhau cho dù một số bất đồng giữa hai bên vẫn còn tồn tại. Những trụ cột trong quan hệ giữa hai bên có thể kể tới như việc chia sẻ Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thúc đẩy thương mại quốc phòng và hợp tác trên một số lĩnh vực then chốt khác. Chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Đ. Trăm vào tháng 2-2020 càng khẳng định những trụ cột này trong quan hệ với Ấn Độ tiếp tục là động lực để Mỹ kiên trì những định hướng chiến lược đang triển khai với Ấn Độ. Trong chuyến thăm, hai bên đã ký kết hai Bản ghi nhớ hợp tác trên lĩnh vực y tế và một Thỏa thuận hợp tác giữa Công ty Dầu khí quốc gia Ấn Độ với một số tập đoàn dầu khí của Mỹ; đồng thời, tỏ rõ quyết tâm hợp tác giữa hai nước nhằm phòng tránh và ứng phó kịp thời với tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, trong đó tiếp tục dự án hợp tác song phương về đưa người lên vũ trụ, khám phá không gian, khai thác thương mại không gian. Ngoài việc ký kết những bản ghi nhớ hợp tác trên, nổi bật nhất là việc hai bên tuyên bố sẽ nâng cấp quan hệ song phương lên thành đối tác chiến lược toàn cầu toàn diện; đồng thời, đạt được thỏa thuận mua vũ khí trị giá 3 tỷ USD, bao gồm việc Ấn Độ từ nay có thể mua những loại trực thăng chiến đấu thế hệ mới nhất của Mỹ, như MH-60R, AH-64E và nhiều thiết bị quân sự khác của Mỹ. Hai bên cũng cam kết tăng cường hợp tác song phương và đa phương trong lĩnh vực chống khủng bố, tội phạm mua bán người, mua bán trái phép ma túy, an ninh hàng hải, an ninh mạng.

Thương mại quốc phòng ngày càng phát triển giữa Mỹ và Ấn Độ đã trở thành nền tảng quan trọng trong quan hệ hợp tác quốc phòng cũng như kinh tế, là một trong những nhân tố hàng đầu củng cố mối quan hệ song phương. Ấn Độ từng phụ thuộc vào Nga về mua sắm quốc phòng, nhưng trong những năm gần đây, nước này đã bắt đầu mua nhiều sản phẩm quốc phòng công nghệ cao từ Mỹ.

Việc Mỹ và Ấn Độ thiết lập Cơ chế Đối thoại “2+2” giữa các bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng hai nước, cũng như việc ký kết Thỏa thuận trao đổi hậu cần (LEMOA) và Thỏa thuận về tính tương thích và bảo mật truyền thông (COMCASA), cộng với việc khởi động cuộc tập trận chung Mỹ - Ấn Độ lần đầu tiên có sự tham gia của cả ba quân chủng không quân, lục quân và hải quân,... đều cho thấy những tiến triển mạnh mẽ trong quan hệ quốc phòng giữa hai nước. Chính quyền của Tổng thống Đ. Trăm gần đây cũng đưa ra cả Chiến lược Nam Á và Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhấn mạnh vai trò then chốt của Ấn Độ trong khu vực, đặt Ấn Độ ngang hàng với các đồng minh trong Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong việc trao đổi các công nghệ nhạy cảm.

Đối thoại “2+2” giữa các bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng hai nước Mỹ và Ấn Độ _Nguồn: in.usembassy.gov 
Trong chuyến thăm Ấn Độ lần này của Tổng thống Đ. Trăm, Mỹ và Ấn Độ cũng khẳng định quan hệ Mỹ - Ấn Độ là nhân tố trung tâm bảo đảm sự tự do, rộng mở, hòa nhập, hòa bình và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; cam kết thúc đẩy hợp tác về các vấn đề khu vực, như tình hình bất ổn ở Áp-ga-ni-xtan; đồng thời, thừa nhận vai trò trung tâm của ASEAN, cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế, tự do hàng hải và hàng không, ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp trên biển thông qua các biện pháp hòa bình và luật pháp quốc tế. Hai bên khẳng định theo dõi sát việc xây dựng hiệu quả Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Tổng thống Đ. Trăm khẳng định, Mỹ ủng hộ Ấn Độ trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cũng như việc Ấn Độ tham gia Nhóm các nước cung cấp hạt nhân (NSG).

Xét bên ngoài những tuyên bố chính trị công khai giữa hai bên, các chuyên gia cho rằng, hiện tại là thời điểm Mỹ và Ấn Độ đang đạt sự hội tụ cao nhất về lợi ích chung từ chính trị, kinh tế - thương mại, cho đến quốc phòng - an ninh... Trong đó, việc Ấn Độ chia sẻ “Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP) của Mỹ được coi là sự ủng hộ chính trị then chốt mà Mỹ đang cần không chỉ ở khu vực này mà còn trên phạm vi toàn cầu để triển khai đại chiến lược nhằm duy trì vị trí siêu cường số một thế giới của mình, cho dù tầm nhìn của Ấn Độ và Mỹ về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vẫn tồn tại một số khác biệt. Trong đó, khác biệt nổi bật nhất là đối với Ấn Độ, Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là bước đi nâng cấp toàn diện của chính sách “láng giềng trước tiên” mà sau đó là chính sách “láng giềng mở rộng” của nước này. Đầy đủ hơn, Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là sự phát triển và tích hợp từ các chủ trương “láng giềng trên hết”, Sáng kiến “An ninh và phát triển cho tất cả các nước trong khu vực Ấn Độ Dương” (SAGAR) và chính sách “Hành động hướng Đông” với một tầm nhìn bao quát cả khu vực rộng lớn từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương... Tuy nhiên, những khác biệt này không làm mờ các lĩnh vực có điểm chung quan trọng khác giữa hai nước. Ấn Độ và Mỹ đều thông qua cam kết duy trì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, giờ đây, tìm cách giữ cho không gian trên biển và đất liền của khu vực không bị chi phối, xâm phạm về chủ quyền, an ninh và các hoạt động kinh tế. Sự hội tụ về tư tưởng này cùng với hai thập niên tích lũy niềm tin, đã góp phần tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - Ấn Độ và tạo điều kiện cho sự hợp tác song phương thậm chí còn gần gũi hơn trong tương lai.

Tầm nhìn chiến lược của Mỹ đối với Ấn Độ

Có thể nói, Mỹ có những lợi ích riêng trong việc thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ.

Thứ nhất, Ấn Độ - một thị trường gần 1,4 tỷ dân - là quốc gia phát triển nhanh trong những năm qua, đặc biệt mới đây đã vượt Anh và Pháp, trở thành nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới(1); do vậy, đầu tư tại Ấn Độ là xu hướng của nhiều nhà đầu tư nước ngoài hiện nay, trong đó có Mỹ.

Thứ hai, Mỹ coi trọng Ấn Độ vì Ấn Độ là khách hàng quan trọng, đồng thời là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ hai trên thế giới(2). Quan trọng hơn, quan hệ trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh chính là thước đo chân thực đối với quan hệ giữa hai quốc gia, là nền tảng xây dựng lòng tin chiến lược song phương.

Thứ ba, Mỹ coi trọng vai trò quốc tế của Ấn Độ. Mặc dù Ấn Độ không phải là một nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhưng là một quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn không chỉ ở Nam Á mà còn cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương thông qua sự đa dạng sắc tộc, tôn giáo và nhiều giá trị văn hóa riêng biệt. Ấn Độ cũng giữ vai trò then chốt trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở rộng của Mỹ.

Theo các chuyên gia, khi tính toán những hình thức hỗ trợ khác nhau dành cho Ấn Độ, các nhà lãnh đạo Mỹ thường không đặt câu hỏi: “Ấn Độ có thể làm gì cho chúng ta?”. Họ hy vọng rằng, quỹ đạo đi lên của Ấn Độ sẽ thay đổi cán cân sức mạnh ở khu vực châu Á theo những cách có lợi cho Mỹ và từ đó, ngăn các nước bá quyền khác gia tăng ảnh hưởng tại khu vực, cũng như thách thức vai trò bảo trợ an ninh của Mỹ tại khu vực và toàn cầu. Một Ấn Độ hùng mạnh, về cơ bản, sẽ có lợi cho Mỹ. Do đó, Mỹ không quá mong đợi những lợi ích trực tiếp mà Ấn Độ mang lại mà cần một Ấn Độ lớn mạnh để hỗ trợ Mỹ tạo nên một cục diện khu vực và toàn cầu mà Mỹ mong muốn. Ngay cả khi Ấn Độ thường làm theo cách của mình trong một số vấn đề chính sách cụ thể, nhiều nhà lãnh đạo của Mỹ đều “làm ngơ” trước lập trường của Ấn Độ trong các cuộc đàm phán đa phương, cho dù nền kinh tế gần như khép kín và hồ sơ biểu quyết của Ấn Độ tại Liên hợp quốc, đều đi ngược lại các ưu tiên của Mỹ.

Thậm chí khi chuyến thăm của Tổng thống Đ. Trăm bị bao trùm bởi bầu không khí chính trị căng thẳng ở Ấn Độ với hàng trăm cuộc biểu tình bạo động diễn ra ở Thủ đô Niu Đê-li cũng như toàn quốc, Tổng thống Đ. Trăm vẫn không đề cập đến các vấn đề nội bộ của Ấn Độ, cũng như quan hệ phức tạp giữa Ấn Độ và Pa-ki-xtan. Chuyến thăm của Tổng thống Đ. Trăm đến Ấn Độ được cho là sự ủng hộ chính trị gián tiếp của Mỹ đối với Thủ tướng N. Mô-đi và chính quyền của ông.

Trong khuôn khổ quan hệ giữa hai nước, vấn đề nổi cộm nhất là tranh chấp thương mại cũng được coi là sự thách thức đối với “chính sách vị tha” của Mỹ đối với Ấn Độ. Năm 2018, kim ngạch thương mại giữa Mỹ và Ấn Độ đạt 142,6 tỷ USD, trong đó Ấn Độ xuất siêu sang Mỹ là 25,2 tỷ USD, chỉ đứng thứ chín trong số các nước có thặng dư thương mại với Mỹ. Sau khi Tổng thống Đ. Trăm lên nắm quyền, xung đột kinh tế - thương mại giữa Mỹ và Ấn Độ được chú ý hơn. Ông Đ. Trăm nhiều lần gọi Ấn Độ là “vua thuế quan” và liên tục phàn nàn về các vấn đề rào cản đầu tư, cũng như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Ấn Độ. Đặc biệt là, việc Ấn Độ yêu cầu nội địa hóa dữ liệu thương mại điện tử trong nước vào năm 2018 đã khiến mâu thuẫn giữa hai bên gia tăng. Mỹ tăng thuế quan đối với mặt hàng thép và nhôm của Ấn Độ, chấm dứt các ưu đãi thương mại theo Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP) dành cho Ấn Độ, sau đó Ấn Độ cũng có những hành động đáp trả ở mức độ vừa phải.

Mặc dù hai nước đã khởi động nhiều vòng đàm phán về các thỏa thuận kinh tế - thương mại, nhưng hiện nay vẫn chưa đạt kết quả. Hai bên cho biết vẫn đang đàm phán, đồng thời còn bày tỏ sẽ khởi động một cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại toàn diện với quy mô lớn hơn. Chướng ngại lớn nhất để Mỹ và Ấn Độ đạt một thỏa thuận thương mại là việc Mỹ thúc ép Ấn Độ tăng cường nhập khẩu hàng hóa của Mỹ sẽ xung đột với chính sách nội địa hóa các ngành sản xuất “Make in India”(3) của Ấn Độ. Mặc dù sau chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Đ. Trăm, hai bên không đạt được thỏa thuận thương mại như kỳ vọng, Mỹ cũng không coi đó là một thất bại mà vẫn đánh giá cao nỗ lực tích cực của Ấn Độ hướng tới một kết quả mà hai bên cùng chấp nhận. 

Ấn Độ đề cao “tự chủ chiến lược”

Tháng 6-2018, Thủ tướng Ấn Độ N. Mô-đi đã khơi lại khái niệm “tự chủ chiến lược” thông qua một bài phát biểu quốc tế quan trọng, trong đó phản ánh chính sách giữ vững sự độc lập trong chính sách của Ấn Độ với các nước lớn. Ấn Độ đã thành công trong việc triển khai chính sách này trong những năm gần đây, nhất là trong quan hệ với Mỹ và Nga. Cuối năm 2018, bất chấp những đe dọa trừng phạt của Mỹ, Ấn Độ đã ký kết hợp đồng mua tên lửa S-400 với trị giá 6 tỷ USD của Nga. Tuy nhiên ngay sau đó, Ấn Độ đã chủ động xoa dịu Mỹ bằng cách đồng ý giảm số lượng nhập khẩu dầu từ I-ran. Giới phân tích nhận định, hành động quyết đoán này của Ấn Độ cho thấy sự quyết tâm của Ấn Độ khi muốn khẳng định vị thế nước lớn của mình và Ấn Độ cũng có những lợi ích chiến lược trong việc thúc đẩy quan hệ với Mỹ.

Một là, Ấn Độ muốn tranh thủ sự hỗ trợ của Mỹ trong nhiều lĩnh vực, như thương mại, năng lượng, khoa học - công nghệ, công nghiệp quốc phòng,  qua đó đẩy mạnh công cuộc phát triển kinh tế theo chiến lược “Make in India”, hiện đại hóa lực lượng quốc phòng.

Hai là, Ấn Độ tiếp tục triển khai chính sách “tự chủ chiến lược” với các nước lớn, trên cơ sở đưa ra lập trường riêng về chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cho rằng chiến lược này bao trùm cả khu vực phía Tây Ấn Độ Dương, các nước Vùng Vịnh Péc-xích, các quốc đảo trên biển A-rập và châu Phi, qua đó cho phép Ấn Độ hợp tác với cả khu vực Đông Á lẫn Vùng Vịnh Péc-xích và châu Phi, đưa Ấn Độ trở thành trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ba là, Ấn Độ muốn tranh thủ vai trò, ảnh hưởng của Mỹ trong cộng đồng quốc tế để nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của mình nhằm xác lập vị thế nước lớn, hướng tới mục tiêu trở thành Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Chính sách “tự chủ nước lớn” cũng là cách biểu thị câu trả lời rõ ràng nhất của Ấn Độ đối với những câu hỏi xoay quanh việc Ấn Độ là đối tác hay đồng minh của Mỹ. Bất chấp thực tế của mối quan hệ bất cân xứng về thực lực với Mỹ, Ấn Độ luôn chứng tỏ vị thế của mình trong bất cứ lĩnh vực hợp tác nào với Mỹ. Một quốc gia có hơn 5.000 năm lịch sử, chiếm một phần năm dân số thế giới và sở hữu kho tàng di sản văn hóa, tôn giáo, bản sắc đồ sộ cùng lòng tự tôn dân tộc sâu sắc, Ấn Độ không thể từ bỏ các lợi ích quốc gia sống còn khi chúng xung đột với các lợi ích ưu tiên của Mỹ.

Trước thực tế nước Mỹ dưới thời Tổng thống Đ. Trăm bị chia rẽ nội bộ sâu sắc đến mức không thể tập trung sức mạnh, sự đoàn kết và quyết tâm cần thiết để triển khai các kế hoạch dài hạn với các đồng minh và đối tác, Ấn Độ có phần hoài nghi về khả năng Mỹ tiếp tục duy trì các cam kết đối với khu vực Nam Á. Đây là lý do Ấn Độ chủ động đa dạng hóa “danh mục vốn đầu tư quốc tế” với việc đồng thời thúc đẩy quan hệ với cả Trung Quốc và Nga. Trước những phản ứng của Mỹ xoay quanh tranh chấp thương mại, Ấn Độ cũng áp thuế quan đối với các mặt hàng nông sản và kim loại của Mỹ. Ấn Độ cũng lo ngại việc Mỹ gia tăng các quy định khiến nhiều người dân Ấn Độ gặp khó khăn khi xin thị thực lao động tại Mỹ.

Trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Đ. Trăm, Mỹ và Ấn Độ khẳng định quan hệ Mỹ - Ấn Độ là nhân tố trung tâm bảo đảm sự tự do, rộng mở, hòa nhập, hòa bình và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương _Nguồn: AP 
Triển vọng quan hệ Mỹ - Ấn Độ

Trong giai đoạn trước mắt, các chuyên gia cho rằng, sự đồng thuận chiến lược vẫn là biểu hiện cơ bản của quan hệ đối tác Mỹ - Ấn Độ trên cơ sở những lợi ích tương đồng mà hai bên chia sẻ. Chuyến thăm Ấn Độ hồi tháng 2-2020 của Tổng thống Đ. Trăm cho thấy, tầm quan trọng của Ấn Độ trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, thể hiện sự coi trọng của Mỹ trong việc thúc đẩy chiến lược này, đồng thời đặt nền tảng cho việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ quốc phòng Mỹ - Ấn Độ trong tương lai. 

Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại sẽ vẫn là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến việc Mỹ và Ấn Độ có thể sớm đạt thỏa thuận hay không để thực sự trở thành đối tác chiến lược toàn cầu toàn diện như hai bên mong muốn. Mỹ và Ấn Độ hiện đang thảo luận về cách thức giải quyết các mâu thuẫn này, nhưng cấu trúc của một thỏa thuận tiềm năng vẫn chưa rõ ràng. Mỹ có thể đồng ý áp dụng cơ chế miễn thuế quan các mặt hàng thép và nhôm lâu dài đối với Ấn Độ nhưng với điều kiện Ấn Độ nhượng bộ về giá cả thiết bị y tế và hàng hóa công nghệ - thông tin xuất khẩu vào Mỹ. Chính quyền của Tổng thống Đ. Trăm có khả năng sẽ không chấm dứt các cuộc chiến thương mại một khi chưa đạt đủ lợi ích cần thiết và Ấn Độ cũng có khả năng không mở cửa đáng kể thị trường của nước này trong tương lai gần. Tự do hóa thương mại vẫn nằm ở cuối danh sách ưu tiên trong chính sách kinh tế của Ấn Độ, chủ yếu do nước này muốn bảo vệ nền kinh tế của họ trước sự cạnh tranh của nước ngoài càng lâu càng tốt. Bất chấp nguy cơ xu thế bảo hộ gia tăng có thể phá hoại sự tiến bộ của đất nước, đe dọa mục tiêu trở thành cường quốc hàng đầu của Ấn Độ, Ấn Độ dường như vẫn không muốn thay đổi tầm nhìn của mình trong vấn đề tự do hóa thương mại.

 Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh mới hiện nay, Mỹ và Ấn Độ cần tiến hành nhiều bước để tạo sự gắn kết như kỳ vọng, tạo dựng một mối quan hệ đối tác tin cậy hướng tới các lợi ích chung. Trong đó, Ấn Độ cần kết hợp các nỗ lực kinh tế và chính trị để cụ thể hóa và thực hiện chiến lược “tự cường” của mình một cách thực chất, qua đó trở thành một đối tác có tiềm lực mạnh mẽ của Mỹ. Nhìn chung, mối quan hệ giữa hai nước lớn này được cho là nhân tố có tác động lớn đối với cục diện khu vực và quốc tế trong tương lai./.

-------------------------------------------

(1) Xem: “Ấn Độ vượt Anh, Pháp trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới”, http://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/an-do-vuot-anh-phap-tro-thanh-nen-kinh-te-lon-thu-5-the-gioi-548676.html, ngày 18-2-2020
(2) Xem: “Ấn Độ tiếp tục là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới”, https://www.vietnamplus.vn/an-do-tiep-tuc-la-nuoc-nhap-khau-vu-khi-lon-thu-hai-the-gioi/627627.vnp, ngày 10-3-2020
(3) Make in India (Hãy đến sản xuất tại Ấn Độ) là một sáng kiến được Chính phủ Ấn Độ khởi xướng vào tháng 9-2014 với mục tiêu khích lệ các nhà sản xuất nội địa và nước ngoài sản xuất sản phẩm ở Ấn Độ và tăng vốn đầu tư vào Ấn Độ, đưa Ấn Độ thành trung tâm sản xuất toàn cầu.

Theo NGUYỄN TRẦN XUÂN SƠN/Tạp chí Cộng sản

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều