Quan hệ Pháp - Mỹ: Không dễ rạn nứt

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa liên tiếp “tấn công” Tổng thống Pháp Emmuel Macron bằng một loạt dòng trạng thái trên Twitter khiến nhiều người choáng váng tự hỏi, mối quan hệ khăng khít xuyên bờ Đại Tây dương nay còn đâu, nhất là khi ông chủ Nhà Trắng mới rời Paris về nước được vài ngày.

Điều gì đã xảy ra?

Trong 5 dòng trạng thái được gửi đúng dịp các quan chức Pháp đang tham gia lễ tưởng niệm vụ tấn công khủng bố khiến 130 người tử vong ở Paris năm 2015, ông Donald Trump đã phê phán không nương tay đồng minh quan trọng của Mỹ ở châu Âu.

Có thể nói, mối quan hệ “bằng mặt không bằng lòng” này đã được thể hiện rất rõ trong lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế chiến I ở Paris cuối tuần qua. Một trong những nguồn cơn là nhận xét đầy cứng rắn của Tổng thống Pháp trước đông đảo nhà lãnh đạo thế giới tham dự sự kiện. Ông Macron đã phát biểu: “Chủ nghĩa dân tộc là sự phản bội lòng yêu nước. Khi nói lợi ích của chúng ta là trên hết, những người khác không quan trọng, nghĩa là chúng ta đã xóa bỏ chính điều quý giá nhất của một quốc gia. Bởi điều đã làm nên sự sống và sự vĩ đại của một đất nước chính là giá trị đạo đức của mình”.

Cho tới nay, ông Trump luôn tự miêu tả bản thân là một người theo chủ nghĩa dân tộc và thúc đẩy chính sách “Nước Mỹ trước hết”. Chính vì thế, ngay sau khi về Washington, ông Trump đã lập tức phản bác. Ông chủ Nhà Trắng không ngần ngại đá xoáy vào uy tín thấp của Tổng thống Pháp cũng như cáo buộc nước này có những hành vi thương mại không công bằng trong lĩnh vực rượu vang. Thậm chí, Tổng thống Mỹ còn lớn tiếng chỉ trích truyền thông Pháp đưa tin không tốt về chuyến đi của ông, đồng thời coi nhẹ vai trò của Pháp trong chiến thắng tại hai cuộc Thế chiến.

Cụ thể, ông nhận xét thẳng thừng: “Nhân tiện đây, chẳng quốc gia nào chủ nghĩa dân tộc như Pháp”. Ông thậm chí còn viết kết thúc tweet bằng câu: “Hãy làm cho nước Pháp vĩ đại lần nữa”. Ngoài ra, nhà lãnh đạo này đã công kích thẳng vào những bình luận gần đây của ông Macron về sự cần thiết châu Âu phải bảo vệ chính mình qua việc thành lập quân đội chung: “Chính Pháp và châu Âu phải đối phó với Đức trong Thế chiến I và II. Nếu không có nước Mỹ đến kịp thời, người Pháp chắc hẳn đang phải học tiếng Đức. Thanh toán cho NATO hay là không nào”. Cho tới nay, Mỹ vẫn khăng khăng quan điểm châu Âu nên đóng góp bình đẳng cho NATO.

Thực ra, cơn giận của ông Trump bùng phát mạnh là bởi trước khi đến Pháp ông đã rất cáu những bình luận mà ông Macron trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh Europe 1 cách đó không lâu. Lúc đó, Tổng thống Pháp cảnh báo an ninh của châu Âu đang bị đe dọa vì Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF). Vì vậy, theo nhà lãnh đạo này, châu Âu cần phải xây dựng quân đội thực thụ để “bảo vệ bản thân chúng ta trước Trung Quốc, Nga và thậm chí là Mỹ”. Sau đó, trước cơn giận của Tổng thống Mỹ, Điện Elysée ra thông cáo tuyên bố đây là hiểu lầm do báo chí diễn dịch nhầm.

Đâu dễ kết thúc

Trong hơn một năm rưỡi nay, Mỹ và Pháp đã chia sẻ tình bạn gắn bó mật thiết. Dịp Tổng thống Macron có chuyến thăm cấp nhà nước chính thức tới Washington năm ngoái, ông Trump đã chào đón vị khách quý bằng rất nhiều ngôn ngữ, cử chỉ ấm áp, từ vuốt áo cho người đồng cấp đến những cú chạm má, nắm tay, ôm hôn thắm thiết kiểu Pháp. Nhưng mọi chuyện cũng có vẻ đi xuống từ đó. Bất chấp Tổng thống Pháp nhắc lại việc bảo vệ Thỏa thuận hạt nhân Iran, vốn được coi là thành tựu ngoại giao nổi bật từ thời Tổng thống Obama, ông Trump vẫn rút khỏi thỏa thuận trước sự thất vọng của châu Âu.

Dẫu vậy, theo nhiều chuyên gia, cơn bão chỉ trích của ông chủ Tòa Bạch ốc trên Twitter là cực kỳ bất thường, nhất là khi tháng 7.2017 ông vẫn còn thể hiện tình yêu nước Pháp tại lễ Bastille ở Paris. Lúc đó Tổng thống Trump đã hùng hồn nhấn mạnh: “Pháp là đồng minh đầu tiên và lâu đời nhất của Mỹ. Cho tới nay, chúng ta vẫn bên nhau và sẽ còn sát cánh hơn bao giờ hết”.

GS. Fredrik Logevall, Trường Kennedy thuộc Đại học Havard, người từng đoạt giải Pulitzer về lịch sử đối ngoại Mỹ và lịch sử quốc tế thế kỷ XX, nhận xét: “Trước Tổng thống đương nhiệm, những bình luận như trên thực sự không chỉ bất thường mà còn không thể tưởng tượng nổi. Pháp là đồng minh cực kỳ quan trọng của Mỹ ngay từ thời đầu lập nước, đóng vai trò hỗ trợ cực kỳ quý báu trong và sau Cách mạng Mỹ. Thực tế, mối quan hệ song phương tốt đẹp đã mang lại rất nhiều lợi ích cho cả hai bên”. Giáo sư lịch sử Kathryn Statler, Trường Đại học San Diego còn phát biểu thẳng: “Nếu không có Pháp, nước Mỹ không tồn tại”.

Tất nhiên, quan hệ song phương từng trải qua nhiều thăng trầm, mà lần gần nhất là khi Pháp từ chối sát cánh với Mỹ trong cuộc chiến Iraq năm 2003, nhưng theo bà Statler cuối cùng thì sợi dây gắn bó Pháp - Mỹ không thể đứt vì Gà trống Gaulois đã luôn là đồng minh mạnh mẽ và đáng tin cậy của xứ sở cờ hoa hơn 200 năm nay. Điều này càng rõ hơn khi Giám đốc Truyền thông Chiến lược của Nhà Trắng Mercedes Schlapp chia sẻ với Fox News rằng, bất chấp bão Twitter, cả hai nhà lãnh đạo đã có cuộc gặp đầy hiệu quả về thương mại và NATO ở Paris vừa qua. Và khi được phỏng vấn trên truyền hình rằng Mỹ có còn là đồng minh của Pháp hay không, Ngoại trưởng Pháp vẫn khẳng định CÓ. 

Theo Thái Anh/Báo Đại biểu Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều