Quy định nghiêm khắc mà thú vị

Trong không khí tưng bừng của những ngày đầu năm 2019, nếu có nhiều cơ hội chu du thế giới, bạn hãy chú ý đến những quy định có thể khiến người ta phải thốt lên “Cái gì ???” để vui xuân mà không phạm luật nhé.

Đức: Đừng để hết xăng trên đường cao tốc

Rất nhiều khách quốc tế có thể thích được lái xe trên hệ thống Autobahn của Đức hàng ngày nhưng họ sẽ phải đặc biệt cẩn trọng vì nếu chẳng may đang đi hết xăng, phải tấp vào vỉa hè là bị coi phạm luật và chịu phạt từ 30 - 70 euro tùy trường hợp. Bởi việc dừng xe không cần thiết trên cao tốc là bất hợp pháp. Thông thường, lỗi dừng xe trên cao tốc do gặp sự cố không bị phạt, nhưng các nhà chức trách lập luận rằng để hết xăng là lỗi của con người, hoàn toàn có thể tránh được nên đáng phải bị “trừng trị”.

Theo Wikipedia, Autobahn là hệ thống đường cao tốc liên bang trên nước Đức. Autobahn không có giới hạn về tốc độ trừ những đoạn đô thị, đường dưới tiêu chuẩn, dễ xảy ra tai nạn hoặc đang sửa chữa. Mạng lưới Autobahn của Đức có tổng chiều dài khoảng 12.845km, là một trong những mạng lưới dài và dày đặc nhất thế giới.

Nga: Xe bẩn có thể bị phạt

Nếu bạn lái xe ở xứ sở Bạch dương, nhất là tại Moscow, mà xe quá bẩn, đặc biệt là không thể nhìn rõ biển số, thì rất có thể sẽ bị tuýt còi và phạt tiền ngay tại chỗ. Luật trên có hiệu lực sau khi quan chức các thành phố khởi động “tháng xe sạch” năm 2016. Mục đích của nó là khuyến khích công dân đi rửa xe sau mùa đông dài ở Nga. Thường sau nhiều tháng tuyết rơi, mùa xuân đến tuyết tan khiến nhiều ô tô bị vấy bùn rất bẩn, làm mất mỹ quan thành phố.

Té nước vào người đi đường sẽ bị phạt

 

Có câu chuyện vui là, một anh chàng sau khi bị sếp hỏi tại sao dám tự tiện nghỉ làm, đã trả lời rằng, anh không thể lái xe đến công ty khi trời thì mưa mà ngoài đường lại có quá nhiều người đi bộ. Quả là một lý do vô cùng hợp lý bởi ở một số nước như Nhật, Anh hay Canada… đi xe té nước vào người đi bộ sẽ bị phạt nặng. Chẳng hạn, ở đất nước mặt trời mọc, Luật Giao thông đường bộ quy định, ai vi phạm sẽ phải nộp phạt số tiền tương đương hơn 60 USD. Ở Canada, hành vi cố ý có thể khiến người lái ô tô phải trả 175 USD và bị tích 3 điểm lỗi trong bằng lái.  Trong khi đó, hình phạt trên ở Anh còn nghiêm khắc hơn nhiều khi người mắc lỗi phải đối mặt với mức phạt lên tới 5.000 bảng Anh và bị trừ tới 9 điểm trên bằng lái.

Venice, Italy: Không được cho chim ăn

Những chú chim câu ở Venice, Italy quả là đáng yêu và thật thú vị nếu được cho chúng ăn. Tuy nhiên, thú vui này chắc chắn sẽ khiến bạn trả giá vì nó bị cấm. Ai cố tình vi phạm sẽ phải nộp phạt. Quy định được đưa ra là để giảm số lượng chim tại khu vực trên bởi chính quyền thành phố từ lâu đã lưu tâm đến những mối nguy mà chim bồ câu có thể gây ra cho sức khỏe con người, chưa kể thiệt hại mà phân chim gây ra đối với những công trình lịch sử trên quảng trường.

Hy Lạp: Đi giày cao gót bị cấm

Không chỉ đồ ăn, thức uống mà cả giày cao gót cũng bị cấm tại các di tích thành cổ ở Hy Lạp, bởi các nhà chức trách lo ngại nó có thể gây thêm tổn hại cho những công trình vốn đang hao mòn này, điển hình là Nhà hát Odeon ở Athens. Đây là nhà hát hình bán nguyệt bằng đá có niên đại từ năm 160 trước Công nguyên và là một trong những biểu tượng của Thủ đô. Ngày nay, Odeon là nơi thường xuyên tổ chức những buổi hòa nhạc ngoài trời hoành tráng.

Đan Mạch: Không phải muốn đặt tên nào cũng được

 

Ở Đan Mạch, luật về tên riêng đã đi vào cuộc sống từ năm 2016 với mục đích bảo vệ trẻ em khỏi việc bị trêu chọc hay xa lánh, cô lập, vì mang những cái tên quá lạ, trở thành trò cười trong tương lai. Theo đó, người dân chọn tên cho con từ danh sách 7.000 tên mà chính phủ đã phê duyệt. Trường hợp bố mẹ nào muốn đặt tên khác trong danh sách thì sẽ phải nộp đơn và chờ sự cho phép của Chính phủ.

Theo Linh Anh/Báo Đại biểu Nhân dân

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều