Quy định về phòng, chống tham nhũng của Bộ Ngoại giao Đan Mạch

Đan Mạch là một trong những quốc gia “trong sạch” nhất thế giới, luôn đứng ở thứ hạng cao trong bảng xếp hạng hàng năm về tình trạng tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI). Với nền pháp luật nghiêm minh, hỗ trợ mạnh mẽ cho các hoạt động an sinh xã hội cùng hệ thống minh bạch tài chính chặt chẽ, Đan Mạch là một ví dụ điển hình về thành công trong cuộc chiến trong cuộc chiến chống tham nhũng đáng để các quốc gia khác học tập.

Ở Đan Mạch, theo quy định của pháp luật, chỉ có hành vi hối lộ mới được coi là tham nhũng, còn một số hành vi khác mà một số quốc gia coi là tham nhũng thì Đan Mạch xếp vào tội phạm kinh tế. Tại đất nước này, không tham nhũng đã trở thành truyền thống lịch sử văn hóa của đất nước. Do đó, quan điểm của Chính phủ Đan Mạch là chú trọng công tác phòng ngừa tham nhũng, trên cơ sở kết hợp chặt chẽ với kiên quyết trừng trị những cán bộ, công chức tham nhũng. Khung hình phạt xử tội tham nhũng cao nhất được quy định trong Bộ luật Hình sự ngang với mức xử tội giết người.

Đan Mạch chủ trương không thành lập các cơ quan, tổ chức, đơn vị chuyên trách về phòng, chống tham nhũng mà giao nhiệm vụ này cho các cơ quan, tổ chức như: Tổ chức Trách nhiệm xã hội toàn cầu, Ủy ban Truy tố tội phạm kinh tế quốc gia, Hiệp hội Nhà báo Đan Mạch, Văn phòng Thanh tra Quốc hội; Kiểm toán Nhà nước…

Duy trì một chính sách không khoan nhượng với tham nhũng dưới mọi hình thức, Bộ Ngoại giao Đan Mạch luôn quyết tâm giữ tiêu chuẩn cao nhất về đạo đức nghề nghiệp trong mọi hoạt động. Ngày 09/02/2011, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đan Mạch đã phê chuẩn một Bộ luật chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng áp dụng cho tất cả những người thi hành công vụ trong Bộ Ngoại giao Đan Mạch ở Copenhagen và ở các Đại sứ quán Đan Mạch, Tổng các toà lãnh sự (Consulates-General), các cơ quan đại diện và các Hội đồng Thương mại (Trade Commissions). Bộ luật chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng sẽ thay thế Bộ luật chỉ đạo chống tham nhũng năm 2008 dựa trên nhiều khía cạnh rộng lớn hơn. Bộ luật cũng đưa ra những hướng dẫn và những yêu cầu cần thực hiện cho người thi hành công vụ khi đối chất với tham nhũng, âm mưu tham nhũng hoặc những gợi ý tham nhũng khi đang thực thi nhiệm vụ chống tham nhũng.

Những quy định của Bộ luật chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng (Anti-Corruption Code of Conduct):

Bộ Ngoại giao Đan Mạch là tổ chức hoạt động trên toàn cầu. Đây là cơ quan đại diện cho quyền lợi và giá trị các mối quan hệ của Đan Mạch trên toàn thế giới. Thành viên của Bộ kết nối với rất nhiều các tổ chức công chúng, Tổ chức phi chính phủ (NGOs), người dân, các công ty thương mại và doanh nghiệp khắp thế giới. Vì vậy, Bộ Ngoại giao Đan Mạch nói riêng và Đan Mạch nói chung luôn linh hoạt trong việc ủng hộ phòng, chống tham nhũng toàn cầu và đưa ra hướng dẫn cách chống tham nhũng với các nước đồng minh.

Tham nhũng được định nghĩa là việc sử dụng sai quyền hành được giao phó vào mục đích trục lợi cá nhân. Nó đe dọa sự ổn định trong cộng đồng, cũng như ngầm phá hoại nền dân chủ và nhiều giá trị khác. Định nghĩa này tương tự với khái niệm tham nhũng trong Bộ luật Hình sự Đan Mạch, bao gồm các trường hợp đưa - nhận hối lộ kể cả chủ động hoặc bị động. Tham nhũng được biết đến nhiều nhất dưới hình thức hối lộ, lừa đảo, tham ô và tống tiền. Tuy nhiên, tham nhũng không chỉ là việc trao đổi tiền trực tiếp mà nó cũng bao gồm việc cung cấp các dịch vụ để trục lợi, như đối đãi thiên vị, bảo vệ đặc biệt hoặc xử lí việc nhanh hơn so với người khác.

Tất cả thành viên của Bộ Ngoại giao Đan Mạch ở Copenhagen và Tòa đại sứ Đan Mạch phải tuân thủ và thực hiện những quy định dưới đây của Bộ luật chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng:

Mâu thuẫn về quyền lợi

Tránh mọi mâu thuẫn về quyền lợi - đang hoặc sẽ diễn ra - giữa quyền lợi của một cá nhân và quyền lợi của Bộ Ngoại giao Đan Mạch.

Mâu thuẫn về quyền lợi xảy ra từ tình trạng: Một cá nhân có khả năng gây ảnh hưởng hoặc sẽ gây ảnh hưởng đến sự công bằng và khách quan trong thi hành công vụ của người đó vì quyền lợi cá nhân. Quyền lợi cá nhân ở đây bao gồm lợi ích cho một cá nhân hoặc một gia đình, những người họ hàng gần, bạn bè và những cá nhân hoặc các tổ chức với điều kiện có mối quan hệ với chính trị hoặc kinh doanh. Khi đối mặt với mâu thuẫn về quyền lợi, các thành viên được yêu cầu phải lập tức thông báo cho cấp trên.

Hối lộ

Không được đưa hoặc nhận hối lộ dưới bất kỳ hình thức nào.

Hối lộ là hành động yêu cầu, đưa (hối lộ trực tiếp), nhận, gạ gẫm hoặc chấp nhận (hối lộ gián tiếp) tài sản có giá trị với mục đích gây ảnh hưởng đến hoạt động chính thức của người thi hành công vụ hợp pháp. Hối lộ là hành vi phạm pháp ở Đan Mạch.

Tống tiền

Không vì mục đích của cá nhân mà sử dụng vị trí của mình để gây ảnh hưởng hoặc dùng biện pháp cưỡng chế hay đe dọa tới một người hoặc một bộ phận đang thi hành công vụ.

Tống tiền xảy ra khi công chức công khai có nhu cầu phi pháp hoặc nhận tiền hay tài sản qua sự đe dọa. Tống tiền có thể gồm hăm dọa hoặc làm hại đến một cá nhân hay tài sản của người đó, đe dọa vu khống cho cá nhân đó với một hành động bất hợp pháp, hoặc đe dọa sẽ làm lộ thông tin không lành mạnh. Có một số cách đe dọa là lựa chọn thời điểm để tách rời việc xử lý theo quy định của luật pháp dưới hình thức “gửi thư đen” (blackmail). Tống tiền là hành vi phạm pháp ở Đan Mạch. 

Lừa đảo

Không dùng các mánh khóe lừa bịp, thủ đoạn dối trá hay bí mật nghề nghiệp để giành lấy quyền lợi một cách bất công hoặc không thành thật.

Lừa đảo là dùng các mánh khóe lừa bịp với mục đích giành lấy quyền lợi (về tài chính hoặc khía cạnh khác) để tránh việc phải tuân thủ luật pháp hoặc làm cho người khác bị mất mát. Điều này bao gồm cố ý lừa dối, gây hiểu nhầm, gắn liền với hành vi lừa đảo, âm mưu bịp bợm hoặc hành động giả vờ nhưng không thành. Lừa đảo là hành vi phạm pháp ở Đan Mạch.

Tham ô

Không biển thủ hoặc sử dụng sai mục đích tài sản hay các loại quỹ được giao cho sử dụng hoặc trông giữ.

Tham ô là sự biển thủ hoặc sử dụng sai mục đích tài sản hay các loại quỹ được giao cho người thi hành công vụ. Tham ô là hành vi phạm pháp ở Đan Mạch.

Quà tặng

Không đưa, gạ gẫm, trực tiếp nhận hay gián tiếp tặng quà hoặc bất cứ sự giúp đỡ nào được coi là ảnh hưởng đến sự thi hành chức trách, công vụ hoặc xét xử. Điều này không bao gồm việc tặng quà theo tục lệ hoặc tặng những món quà nhỏ.

Món quà là một khoản tài chính hoặc quyền lợi khác, được yêu cầu, được nhận, được gạ gẫm hoặc được đưa với mong muốn nhận lại quyền lợi tương đương. Quà tặng và lòng hiếu khách có thể lại là sự biểu thị của hành động tham nhũng. Chúng có thể được dùng để tham nhũng diễn ra thuận tiện, hoặc tạo điều kiện cho tham nhũng. Món quà có thể bao gồm tiền mặt, vật quý giá như các quà tặng nhỏ bên trong và những đồ quyên góp từ thiện hay quyên góp cho chính trị. Thậm chí, “quà tặng” ở đây có thể gồm những bữa ăn, khách sạn, chuyến bay, các sự kiện thể thao hoặc giải trí. Tuy nhiên, để giữ gìn và tôn trọng thông tục hiếu khách, các món quà nhỏ được chấp nhận.

Bao che cho người quen và thiên vị

Không thiên vị bạn bè, gia đình hoặc mối quan hệ cá nhân thân thiết nào trong quá trình tuyển dụng, mua sắm, vận chuyển cứu thương, dịch vụ lãnh sự hoặc các trường hợp khác. Trong công việc, mọi hoạt động không được dựa trên mối quan hệ cá nhân thân thiết mà cần dựa vào chuyên môn và sự đánh giá khách quan về trình độ và bằng cấp.

Báo cáo các trường hợp tham nhũng

Báo cáo bất kỳ chứng cứ hoặc nghi vấn nào liên quan đến quy định của Bộ luật chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng cho cấp trên. Tất cả các thành viên trong Bộ Ngoại giao phải tuân thủ và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Bộ luật.

Tính công khai và minh bạch là nguyên tắc trong phòng, chống tham nhũng

Công khai và minh bạch tối đa là điều cần thiết trong phòng, chống tham nhũng và thông tin liên quan tới các lĩnh vực công khai cần tiếp cận quần chúng nói chung trong sự đồng thuận của Luật Hành chính công của Đan Mạch và Đạo luật Đan Mạch về truy cập đến tập tin hành chính công.

Bộ Ngoại giao Đan Mạch đảm bảo tính công khai và minh bạch với người dân và các quốc gia đồng minh thông qua một số website của Bộ và các đường liên kết:

  • The Ministry’s “Economy & Results”
  • Anti-corruption counselling services of Denmark’s Trade Council
  • Danida’s “Fraud and Corruption” site (chỉ truy cập được ở Đan Mạch)  
  • The Danida Aid Management Guidelines  
  • Access to websites of Danish Missions  
  • The Business Anti-Corruption Portal.

Trong nội bộ, Bộ Ngoại giao Đan Mạch cũng đảm bảo rằng tất cả các thành viên đều hiểu chính sách chống tham nhũng thông qua:

  • Trang web nội bộ về chống tham nhũng
  • Hướng dẫn nội bộ - ví dụ về chính sách tặng quà của Bộ
  • Huấn luyện và chỉ dẫn phù hợp.

Báo cáo ở đâu và như thế nào

Không khoan nhượng với tham nhũng đòi hỏi tất cả thành viên cần đặt nghi vấn và hiểu biết của mình vào các trường hợp cụ thể về tham nhũng bao gồm sự có mặt của các thành viên khác, các đồng minh thương mại, các đồng minh trong những chương trình và dự án và những tổ chức có thành viên hợp tác; phải tuân thủ để thông báo với cấp trên hoặc người điều hành một cách trực tiếp.

Dựa trên nghi vấn và hiểu biết của mình vào các trường hợp cụ thể về tham nhũng (như hối lộ), quyết định thông báo tới các nhà chức trách tại Đan Mạch hay các quốc gia khác, bao gồm báo cáo cho cảnh sát nếu có thể, được thực hiện bởi Bộ Ngoại giao Đan Mạch tại Copenhagen dựa trên các thông tin có sẵn. Điều này được áp dụng cho các trường hợp ở cả Đan Mạch cũng như các quốc gia khác./.

Theo Thu Giang/Tạp chí Thanh tra

Theo:http://uganda.um.dk/en/danida-en/danidas-anti-corruption-policy;

http://dfcentre.com/wp-content/uploads/2013/12/AntiCorruption-Policy-2011-UK.pdf

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều