Quyền phủ quyết của Tổng thống Mỹ: 10 phủ quyết lịch sử

Một học giả nghiên cứu về khoa học Hiến pháp đã từng viết: “Phủ quyết là một trong số những đóng góp nổi tiếng nhất mà chế độ Cộng hòa cổ La Mã trước đây 25 thế kỷ đã để lại cho thế giới”. Nước Mỹ đã luật hóa quyền lực này và được các đời tổng thống sử dụng vô cùng hiệu quả. Sau đây là 10 trong số các lần sử dụng quyền phủ quyết được đánh giá là tiêu biểu trong lịch sử do học giả Lawrence W. Reed - Chủ tịch Quỹ Giáo dục Kinh tế bình chọn.

10. George Washington và dự Luật Phân bổ số Đại biểu đầu tiên năm 1792

Trong 8 năm tại chức Tổng thống Washington chỉ phủ quyết có hai lần. Vào năm 1792, Quốc hội thông qua dự luật quy định ở mỗi một tiểu bang, 1 dân biểu sẽ đại diện cho 30.000 người nhưng 8 tiểu bang có số dân còn lại lớn nhất sau khi chia dân số cho 30.000 sẽ được thêm 1 dân biểu. Quy định này dĩ nhiên là có lợi cho các tiểu bang lớn.

Bộ trưởng Ngoại giao khi đó và Tổng thống tương lai Thomas Jefferson đề nghị Tổng thống bác bỏ dự luật và yêu cầu Quốc hội phải phân chia tỷ lệ một cách công bằng. Kết quả là một dự luật thay thế đã được thông qua, theo đó, trong mỗi tiểu bang, cứ 33.000 người thì được bầu một dân biểu (thay vì 30.000). Đây là một tỷ số chính xác hơn và tránh được sự thiên vị mang tính phe phái.

9. Franklin Roosevelt và dự Luật Trợ cấp (Bonus Bill) năm 1935

Trong số các Tổng thống, Franklin Roosevelt giữ kỷ lục về phủ quyết trong 3 nhiệm kỳ, trong đó có một lần nhận được sự đồng tình rất lớn là khi ông bác bỏ môt dự luật đề nghị tiền hưu bổng quá “lố” cho cựu quân nhân, gọi là Bonus Bill năm 1935. Dự luật này sẽ làm gia tăng một cách vô lý tiền trợ cấp của chính phủ liên bang cho các cựu quân nhân và thân nhân Thế chiến I.

8. Andrew Johnson và Tenure of Office Act năm 1867 

Quyết định của Tổng thống Andrew Johnson phủ quyết dự Luật Tenure of Office Act năm 1867 (về thể thức bãi nhiệm viên chức) đã được lịch sử ghi nhận là hành động đúng đắn mặc dù trong lịch sử, ông là vị Tổng thống phần lớn bị chỉ trích nhiều hơn là khen ngợi. Vào thời điểm đó, phe cứng rắn đưa ra một lập trường khó chấp nhận chống lại miền Nam sau thời kỳ nội chiến bằng cách thông qua đạo luật Tenure of Office Act, quy định Tổng thống không được bãi nhiệm một viên chức (như bộ trưởng) đã được bổ nhiệm với sự chấp thuận của Thượng viện trừ phi Thượng viện chấp thuận sự bãi nhiệm. Mặc dù sau đó, quyền phủ quyết của Tổng thống đã bị bác bỏ.

7. Calvin Coolidge và dự luật về trợ cấp nông nghiệp

Việc Tổng thống thứ 30 của Mỹ bác bỏ dự luật McNary-Haugen Farm Relief Act về trợ cấp nông nghiệp là một trong những lần phủ quyết đích đáng nhất trong số 50 lần phủ quyết của ông. Luật này được một học giả đánh giá là “dù có lợi cho nông dân, nhưng lại có hại cho những người khác bởi ấn định giá một số nông sản bằng một hệ thống thư lại rắc rối và người dân tiêu thụ Mỹ phải chi trả. Điều đó sẽ tạo ra một hệ thống thư lại lớn đến nỗi không những phương hại tới kinh tế mà còn tới tinh thần, xã hội và chính trị trong tương lai”.

Biếm họa về Tổng thống Grover Cleveland và Texas Seed Bill

6. Ulysses S. Grant và Dự luật Lạm phát

Vào nửa sau thế kỷ thứ XIX, có một số người cho rằng, gia tăng khối lượng tiền tệ là tốt cho nền kinh tế vì giúp cho người có nợ (vì họ được trả nợ bằng đồng đô la đã xuống giá) và gia tăng mức cầu mà không cần tính tới tình trạng đó sẽ ảnh hưởng thế nào tới giá trị của tiết kiệm hay giá của mọi thứ. Khi cuộc khủng hoảng năm 1873 xảy ra, Quốc hội chịu thua phe chủ trương gia tăng tiền tệ và thông qua dự luật lạm phát. Tổng thống Grant nhận thấy dự luật là mối đe dọa thực sự cho nền tài chính quốc gia và đã phủ quyết dự luật này.

5. James Madison và việc tách rời nhà thờ và Nhà nước

Tổng thống thứ 4 của Mỹ đồng thời là “cha đẻ của Hiến pháp”, phủ quyết 7 lần trong 8 năm làm Tổng thống. Ông tin rằng điểm cốt yếu cho tự do tín ngưỡng là chính quyền không được can thiệp vào tôn giáo.

Vào năm 1811, Madison bác một dự luật của QH nhằm tặng đất công cho nhà thờ Baptist trong vùng Mississippi. Sau đó, Quốc hội lại thông qua một đạo luật cho phép “tự do phân phối các bản kẽm để in và khuyến khích in và phân phối miễn phí kinh thánh của các hội phổ biến Kinh thánh tại Mỹ”, nhưng cũng bị Tổng thống phủ quyết.

4. James Buchanan và dự luật về quyền trưng dụng đất năm 1860

Năm 1860, Quốc hội thông qua dự luật “trưng dụng đất để đào sâu kênh cho tàu thuyền đi trong vùng St. Clair trong tiểu bang Michigan”. Tổng thống Buchanan bác bỏ với lý do rằng, việc quy định như vậy nếu áp dụng có thể đưa đến nạn “vẽ” việc ra làm và tham nhũng. Thông điệp phủ quyết đó của ông rất xúc tích và có tính cách tiên liệu.

3. Franklin Pierce và dự luật trợ cấp cho bệnh nhân tâm thần

Vị Tổng thống duy nhất từ tiểu bang New Hampshire, Franklin Pierce, bỏ phiếu phủ quyết 9 lần trong thời gian tại chức từ 1853 - 1857. Năm lần bị bác bỏ nhưng lần phủ quyết vào năm 1854 đã thành công, ông bác bỏ một dự luật của Quốc hội về việc trợ cấp cho các bệnh nhân tâm thần có hoàn cảnh khó khăn. Ông cho rằng đây là việc cần làm của tiểu bang chứ không phải ở cấp liên bang. Ông giải thích: “Nếu Quốc hội phải giúp đỡ người điên thì Quốc hội sẽ trả lời ra sao khi, và chắc chắn, sẽ được yêu cầu ban hành những luật tương tự cho các đối tượng khác?
 
2. Andrew Jackson và Cục Dự trữ liên bang

Ngày 10.7.1832, ông đã phủ quyết dự luật của Quốc hội muốn sửa lại quy chế của Cục Dự trữ liên bang. Jackson lập luận rằng, “sức mạnh thực sự” của một nước và của nền kinh tế tự do “là để cho cá nhân và nhà nước làm việc với nhau, đừng có đặt nhà nước vào vị trí trung tâm. Ông cảnh báo về những “tệ nạn khổng lồ” cho đất nước bắt nguồn từ việc tập trung quyền lực vào trong tay một “giới có đặc quyền, vừa có quyền lực chính trị vừa có ưu thế về tiền bạc nhờ có quan hệ với chính quyền”.

1. Grover Cleveland và Texas Seed Bill

Chính Tổng thống giữ kỷ lục về số phủ quyết nhiều nhất trong hai nhiệm kỳ cũng là người được giải thưởng có phủ quyết hay nhất Grover Cleveland. Khi Texas bị hạn hán vào giữa thập niên 1880, đa số Quốc hội cho rằng đó là phận sự của liên bang. Thế là dự luật Texas Seed Bill được chuyển tới bàn làm việc của Tổng thống Cleveland yêu cầu các tiểu bang khác góp 10.000 USD giúp nông dân trong tiểu bang. Nhưng Tổng thống đã phủ quyết và nói: “Rất tiếc, điều này không ghi trong Hiến pháp”.

Một số người khi đó đã chỉ trích Tổng thống không quan tâm tới dân nghèo, mà quên mất ông không chỉ nghĩ đến hậu quả về thuế khóa cho thế hệ tương lai mà còn nghĩ tới những nguồn tài trợ đáng tin cậy khác của tư nhân. Ông nói thêm: “Viện trợ của chính quyền liên bang trong những trường hợp như vậy sẽ chỉ khuyến khích người ta trông đợi vào sự săn sóc có tính cách gia trưởng của Chính phủ và làm yếu tinh thần vững mạnh là đặc tính của dân tộc, đồng thời ngăn cản khuynh hướng ta dựa vào nhân ái của đồng loại”.

Theo Quốc Đạt/Báo Đại biểu Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều