Sai lầm hay thực dụng?

Trong chuyến thăm các binh sĩ Mỹ tại Iraq vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có một tuyên bố gây sốc khi khẳng định “Hoa Kỳ không thể tiếp tục là cảnh sát toàn cầu”. Được đưa ra ngay sau khi quyết định rút quân khỏi Syria và Afghanistan, tuyên bố này cho thấy việc ông Trump muốn Mỹ cởi bỏ chiếc áo sen đầm không phải chỉ là ý định nhất thời.

Nước Mỹ không muốn bị lợi dụng

“Mỹ không thể tiếp tục làm cảnh sát toàn cầu”, nhà lãnh đạo Mỹ nói. “Thật buồn khi bạn chi 7 nghìn tỷ USD cho Trung Đông mà vẫn phải tới đây trong những chiếc máy bay ngụy trang kín mít cùng tất tật những thiết bị tối tân trên thế giới chỉ để được an toàn”, ông Trump bày tỏ bất bình trước tình hình an ninh hiện tại trong khu vực. “Chúng tôi không muốn bị lợi dụng thêm bởi những quốc gia đang dựa vào Mỹ và quân đội Mỹ để bảo vệ họ”, ông tuyên bố trên chuyên cơ Không lực Một khi tới Iraq thăm binh sĩ Mỹ vào dịp lễ Giáng sinh vừa qua.

“Chúng ta không còn là những kẻ khờ nữa, các bạn”, ông Trump khẳng định các nước từ nay đừng mong chờ Mỹ chiến đấu thay cho mình, trừ phi họ sẵn sàng chi tiền cho việc đó. Những lời giải thích của Tổng thống Mỹ về quyết định rút quân khỏi Syria mới đây cũng cho thấy điều duy nhất khiến ông quan tâm là những chi phí mà Mỹ phải bỏ ra. Vì lý do này, nước Mỹ sẵn sàng “nhường” lại Trung Đông, khu vực địa chính trị quan trọng, cho Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran, để lui lại phía sau tránh những tốn kém không hiệu quả.

 

Đây không phải là lần đầu ông Trump đưa ra tuyên bố kiểu như vậy. Vào tháng 4 vừa qua, trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Nigeria Mohammad Bukhari, ông đã chỉ ra rằng, Hoa Kỳ đã chi số tiền khổng lồ để duy trì trật tự trên thế giới trong nhiều thập kỷ qua. Theo ông, việc Mỹ phải tự bỏ nhân lực, tiền của để bảo vệ an ninh cho các đồng minh của mình ung dung làm giàu, là sự phi lý không thể chấp nhận được và hiện nay, điều này không còn là vấn đề ưu tiên hàng đầu trong chính sách của Nhà Trắng.

Cho đến nay, Mỹ luôn đóng góp tới gần 70% chi tiêu cho liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong khi đó 28 nước còn lại chỉ chiếm 30%, thậm chí có nhiều nước không chịu chi tới 2% GDP cho NATO.

Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh, Hoa Kỳ sẽ không bảo vệ bất cứ nước đồng minh nào trong Liên minh nếu họ không chịu “trả tiền”. Thậm chí đã có lần ông Trump nhắc lại cuộc nói chuyện đầy thẳng thắn với Thủ tướng Đức Angela Merkel, khi ông cố gắng thuyết phục Đức tăng phần đóng góp cho NATO. “Chúng ta bảo vệ họ, có 40 nghìn binh sĩ ở Đức, nhưng không ai biết về điều đó! Tôi đã nói với bà Merkel: “Hãy đưa cho chúng tôi một ít thôi” - Bà ta trả lời: “Donald, người dân Đức sẽ không thích đâu”. Tôi nói: “Bà biết đấy! Nhân dân Mỹ cũng không thích điều này”.

Cái giá đắt của vị thế

Nước Mỹ đang phải chi khổng lồ cho ngân sách quốc phòng. Trong năm tài chính 2019, Washington dự chi 717 tỷ USD để duy trì các lực lượng quân đội, hạm đội, phi đội của Mỹ trên khắp thế giới. Đóng vai trò “cảnh sát toàn cầu” không bao giờ là rẻ.

Trong khi đó, Washington đang rơi vào khó khăn tài chính với những gánh nợ khổng lồ. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ còn chỉ ra rằng đề xuất ngân sách 2019 của Tổng thống Trump sẽ đẩy thâm hụt ngân sách lên tới gần 1 nghìn tỷ USD - dù không dính gì đến khủng hoảng tài chính. Và con số này sẽ còn tiếp tục tăng, dự báo lên tới 1.527 tỷ USD vào năm 2028, tức là gần gấp hai lần mức thâm hụt của năm 2017.

Nước Mỹ cũng được dự báo sẽ gánh thêm nợ 12.400 tỷ USD trong vòng một thập niên tới. Số nợ này sẽ tăng tỷ lệ thuận với lãi suất tăng. Dự kiến phần lãi mà nước Mỹ phải trả sẽ tăng từ 315 tỷ USD trong năm ngoái lên 819 tỷ USD vào năm 2028.

Trong bối cảnh đó, điều gì sẽ xảy đến với Lầu Năm góc, cơ quan chi tiêu tốn kém tiền bạc, thời gian, cũng như mạng sống của người Mỹ cho các hoạt động ở nước khác? Cắt giảm là điều không tránh khỏi, và điểm bắt đầu cho chiến lược này là các chiến dịch quân sự ở nước ngoài.

… và bài toán lợi nhuận

Tổng thống Trump, một chính trị gia với tư duy thực dụng của một doanh nhân cho rằng: Một trong những giải pháp đưa nước Mỹ đi tới thịnh vượng phải là chính sách đối ngoại mới theo khái niệm “các hợp đồng có lợi trên vị thế của kẻ mạnh”; trong đó, mọi thứ đều phải sòng phẳng, nhưng đặc biệt là đều phải có lợi nhất cho Mỹ, mà lại ít tốn kém nhất.

Ví dụ điển hình cho “hợp đồng từ vị thế của kẻ mạnh”, là việc Ảrập Xêút phải trả lợi tức cho Mỹ vì đã bảo đảm sự an toàn cho nước này. Điều này thể hiện rõ ràng ở những siêu hợp đồng vũ khí lên tới gần 500 tỷ USD và hợp đồng kinh tế 350 tỷ USD mà chính quyền Riyadh vừa ký với Mỹ trong chuyến thăm Ảrập Xêút của ông Donald Trump hồi tháng 6 vừa qua. Và chắc chắn là điều này sẽ còn lặp lại trong vài chục năm tới với các đồng minh khác.

Theo Đạt Quốc/Báo Đại biểu Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều