Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc: Giấc mộng khó thành

5 năm kể từ khi được công bố, sáng kiến “Một vành đai, một con đường” do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng ngày càng bộc lộ những rủi ro và thách thức.

Nghi ngại gia tăng

Được Chủ tịch Tập Cận Bình lần lượt công bố vào tháng 9 và 10.2013 tại Kazakhstan và Indonesia, đến nay, sáng kiến Vành đai, con đường đã vươn tới hơn 65 quốc gia, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 23.000 tỷ USD và dân số 4,4 tỷ người. Tập trung vào thúc đẩy kết nối hạ tầng cơ sở như đường sắt, cảng biển, cầu, đường… sáng kiến này không chỉ dành cho các nước đang phát triển mà cả những nước công nghiệp hóa ở châu Âu và Bắc Mỹ đang cần thay thế cơ sở, hệ thống đã xuống cấp.

Trong số những dự án lớn của Vành đai, con đường có Khu công nghiệp Trung Quốc - Belarus trị giá 5 tỷ USD; cầu và đường sắt ở Bangladesh trị giá 3,1 tỷ USD và đường sắt Trung Quốc - Lào trị giá 5,8 tỷ USD. Một số dự án khác được Trung Quốc đầu tư trong khuôn khổ sáng kiến này có nhà máy lọc dầu ở Ảrập Xêút trị giá 10 tỷ USD; cảng biển lớn và đông đúc nhất Sri Lanka, với số vốn 13 tỷ USD trong 25 năm tới hay tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa giữa miền Đông Trung Quốc và London, Anh.

 

Mặc dù được Bắc Kinh quảng bá như nỗ lực nhằm “thúc đẩy liên kết vùng và chào đón tương lai tươi sáng hơn”, nhưng sáng kiến Vành đai, con đường vẫn vấp phải sự hoài nghi trong nước về khả năng cải thiện hệ thống phúc lợi của Trung Quốc. Trong khi đó, dư luận quốc tế nghi ngại, sáng kiến này đẩy các nước nhỏ hơn rơi vào “bẫy nợ” và tăng cường sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã chủ động đóng băng các dự án khổng lồ do Trung Quốc cấp vốn trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai, con đường ở nước này, trong đó có tuyến đường sắt trị giá 20 tỷ USD và hai đường ống dẫn dầu trị giá 2,3 tỷ USD. Thủ tướng Mahathir tuyên bố, Malaysia không đủ khả năng chi trả cho những dự án này và chỉ trích các hợp đồng thiên vị cho phía Trung Quốc. Trước đó, Pakistan cũng cho biết, sẽ đánh giá và thương lượng lại chi phí của các dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc hỗ trợ trong Hành làng kinh tế Trung Quốc - Pakistan trị giá 62 tỷ USD. Myanmar cũng mạnh tay giảm 80% quy mô dự án cảng nước sâu Kyaukpyu ở vùng duyên hải phía Tây nước này do Trung Quốc hỗ trợ vốn, nhằm tránh nguy cơ bẫy nợ. Nhà phân tích Sarah Grimmer trên báo Financial Times cho rằng, xu hướng này sẽ còn tiếp tục.

Theo các nhà phân tích, bên cạnh nỗi lo về bẫy nợ, những nước được coi là “hưởng lợi” từ sáng kiến Vành đai, con đường còn quan ngại về khoảng cách giữa lời hứa và hành động của chính quyền Trung Quốc. Trong khi hứa hẹn cung cấp các khoản đầu tư quy mô lớn, nhưng thực tế Bắc Kinh lại chỉ mang đến những khoản đầu tư không đạt tiêu chuẩn tối thiểu.

Các dự án do Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất - nhập khẩu Trung Quốc cấp vốn thường né tránh đấu thầu công khai, thay vào đó ủng hộ các nhà thầu Trung Quốc do Nhà nước sở hữu. Một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington phát hiện ra rằng, 89% nhà thầu trong các dự án giao thông do Trung Quốc tài trợ là nhà thầu Trung Quốc. Sự thiếu minh mạch trong các dự án cũng là một trong những lý do khiến nhiều người tỏ ra nghi ngại các dự án hạ tầng do Trung Quốc cấp vốn. Theo Financial Times, các dự án của Trung Quốc gây nhiều chú ý của dư luận bởi không công bố nghiên cứu đánh giá tác động.

Cục diện thay đổi

Không đơn thuần nhằm tăng cường kết nối các khu vực, sáng kiến Vành đai, con đường của Trung Quốc đã sớm được xem là công cụ nhằm thúc đẩy các lợi ích của Trung Quốc trong bối cảnh theo đuổi Giấc mộng Trung Hoa. Tuy nhiên, trong nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng toàn cầu thông qua sáng kiến Vành đai, con đường, Trung Quốc cũng đối mặt với sự cạnh tranh từ các đối thủ chiến lược.

Đầu tháng 10, Thượng viện Mỹ đã thông qua Đạo luật Đầu tư phát triển 2018 (BUILD), trong đó thành lập Cơ quan Đầu tư tư nhân hải ngoại (IDFC). Cơ quan này sẽ được tăng gấp đôi trần vốn họ có thể đầu tư cho các dự án hạ tầng lên đến 60 tỷ USD. Chủ tịch Tiểu ban khu vực châu Á - Thái Bình dương thuộc Ủy ban Đối ngoại, Hạ viện Mỹ cho biết, đạo luật BUILT là cách để Mỹ cạnh tranh ảnh hưởng toàn cầu và ứng phó với chiến lược Vành đai, con đường của Trung Quốc.

Tháng trước, Liên minh châu Âu (EU) cũng xúc tiến chương trình kết nối với châu Á. Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini cho biết, kế hoạch này sẽ đại diện cho cách tiếp cận của châu Âu trong việc kết nối hai lục địa Á - Âu, tạo việc làm, thúc đẩy tăng trưởng và mang lại lợi ích cho các cộng đồng sở tại. Dự án của EU nhấn mạnh vào tính bền vững và minh bạch, điều mà các dự án thuộc sáng kiến Vành đai, con đường thường bị chỉ trích thiếu vắng.

Các nhà quan sát cho rằng, môi trường chiến lược đã có nhiều thay đổi so với thời điểm Chủ tịch Tập công bố sáng kiến Vành đai, con đường vào năm 2013. Trước sự nghi ngại ngày càng tăng từ các nước nằm dọc Vành đai, con đường, cùng các đối thủ cạnh tranh, kế hoạch kết nối cơ sở hạ tầng đầy tham vọng của Trung Quốc như một công cụ để hiện thực hóa Giấc mộng Trung Hoa sẽ không dễ dàng.

Theo Ngọc Khánh/Báo Đại biểu Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều