Singapore: Triết lý giáo dục cho thế kỷ XXI

Chỉ trong một thời gian ngắn kỷ lục, chừng nửa thập kỷ, Singapore đã thoát nghèo để vươn mình thành quốc gia có mức GDP đầu người cao thứ 3 trên thế giới. Việc áp dụng các chiến lược giáo dục phù hợp cho từng thời kỳ, với triết lý đi từ “Sống sót”, “Hiệu quả”, “Thúc đẩy năng lực” đến lấy “Học sinh là trọng tâm, dựa trên giá trị”, trong đó chú trọng đến những kỹ năng cần thiết của thế kỷ XXI đã giúp đảo quốc sử tư làm nên điều kỳ diệu đó.

Sáng kiến “Dạy ít, học nhiều”

Năm 2005, Bộ Giáo dục Singapore đưa ra sáng kiến “Dạy ít, học nhiều” để cải thiện chất lượng dạy và học trong nước. Nó được Thủ tướng Lý Hiển Long đề cập lần đầu tiên trong phát biểu nhân ngày Quốc khánh của Singapore vào 24.8.2004. Lúc đó, ông kêu gọi các nhà giáo dục phải “dạy ít hơn để học sinh có thể học được nhiều hơn”. Nói cách khác, họ phải để sắp xếp lại các giáo trình, áp dụng những phương pháp giảng dạy hiệu quả, chuẩn bị giúp các em bước vào thế giới thực. Thực ra, ý tưởng này cũng được lấy cảm hứng từ tầm nhìn của Singapore về “Trường học tư duy, quốc gia học tập”, vốn được giới thiệu từ năm 1997 nhằm tạo ra một hệ thống giáo dục nuôi dưỡng sáng tạo, tư duy tích cực và cảm hứng học tập suốt đời.

Với “Dạy ít, học nhiều”, kiểu “học vẹt” truyền thống sẽ bị loại bỏ. Thay vào đó, học sinh sẽ chủ động hơn trong học tập, khám phá tri thức thông qua các thí nghiệm, trải nghiệm thực tế, kỹ năng sống. Ở đây, vai trò của giáo viên sẽ thay đổi, chỉ còn là người hướng dẫn chứ không cung cấp lời giải. Họ tạo một môi trường học tập trong đó học sinh hợp tác với nhau để giải quyết vấn đề và thực hiện những nhiệm vụ thực tế. Các em được khuyến khích học hỏi tích cực, sáng tạo và độc lập vượt ra ngoài chương trình giảng dạy chính thức. Việc đánh giá kết quả học tập sẽ không chỉ dừng ở chất lượng làm bài tập về nhà hay điểm số kiểm tra. Giáo viên sẽ sử dụng thêm thước đo về khả năng tương tác với xã hội của học sinh bên ngoài năng lực tiếp thu kiến thức.

Để hỗ trợ điều đó, các trường có thể thuê thêm nhân viên hỗ trợ, như các cố vấn làm việc toàn thời gian tại trường hay các giám đốc phụ trách chương trình ngoại khóa, để giảm tải công việc cho người dạy. Các thầy cô sẽ có thêm thời gian tập trung cải tiến giáo án, tìm cách truyền đạt kiến thức hiệu quả và mang tính tương tác hơn để đáp ứng nhu cầu học tập khác nhau của học sinh.

Trái ngọt trồng người

Mới đây, Bộ Giáo dục Singapore đã công bố danh sách “các kỹ năng của thế kỷ XXI” với mong muốn học sinh sẽ tích luỹ được, trong đó có những kỹ năng mềm như tự nhận thức và đưa ra những quyết định có trách nhiệm. Bên cạnh đó, để giảm tải bệnh thành tích, đảo quốc sư tử đặt mục tiêu giảm dần sự chú trọng vào các kỳ thi. Vừa qua, Bộ quyết định sẽ thay đổi việc đánh giá học sinh tiểu học và trung học từ năm 2019. Theo đó, học sinh cấp 1 - 2 sẽ được giảm thi cử, không xếp hạng trong lớp và các chỉ số học tập khác trong học bạ. Song song với đó, chiến dịch “Cuộc sống ngoài điểm số” cũng được khởi động để giúp các bậc phụ huynh bớt chú trọng điểm số, nới lỏng áp lực học tập cho con em mình.

Việc áp dụng các chiến lược giáo dục một cách linh hoạt, hiệu quả đã giúp học sinh Singapore đạt được những thành tích rất ấn tượng trong các cuộc thi quốc tế. Đơn cử, năm 2016, học sinh quốc gia Đông Nam Á này đã đứng ở ngôi vị quán quân trong bảng xếp hạng của Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (PISA) về kết quả các bài thi toán học, đọc hiểu và khoa học. Xếp hạng trên được tiến hành 3 năm/lần, dựa trên các bài kiểm tra dành cho lứa tuổi 15 ở hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Tổng kết lại, theo giáo sư Lee Sing Kong- Giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu giáo dục quốc gia Singapore, bí quyết thành công của hệ thống giáo dục Singapore trước hết phải kể đến việc đặt ra mục tiêu cực kỳ rõ ràng. Nó liên tục bám sát môi trường thực tế để thay đổi, đặc biệt là các kỹ năng và yêu cầu việc làm thời đại mới. Đây được coi như la bàn giúp các nhà giáo dục Singapore lập biểu đồ hành trình giáo dục cho học sinh. Thứ hai, cho dù thế giới có xoay vần ra thế nào, các học sinh của tương lai vẫn phải thông tuệ nền tảng khoa học, toán học và khả năng đọc, viết. Singapore không bao giờ cho phép các chương trình giảng dạy của mình trở nên quá cồng kềnh vì điều đó sẽ chiếm quá nhiều thời gian của giáo viên, cản trở các phương pháp luận mang tính đổi mới và sáng tạo. Cuối cùng là Bộ Giáo dục đầu tư mạnh vào việc phát triển đội ngũ giáo viên và lãnh đạo nhà trường có năng lực tốt, yêu nghề. Chính họ đã biến nghề giáo trở thành nghề được coi trọng và đóng góp không nhỏ vào việc dựng xây đất nước.

Theo Ngọc Minh/Báo Đại biểu Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều