Taliban đến gõ cửa từng nhà kêu gọi người dân trở lại làm việc

Các nhân chứng cho biết lực lượng Taliban mang theo vũ khí đã đi gõ cửa từng nhà ở các thành phố trên khắp Afghanistan và kêu gọi người dân trở lại làm việc.
 Lực lượng Taliban tuần tra trên một con phố ở Herat, Afghanistan hôm 14/8. Ảnh: Reuters 
Theo hãng tin Reuters (Anh), một ngày sau khi Taliban tuyên bố muốn phục hồi nền kinh tế đã bị tàn phá của đất nước, các tay súng này đã đến từng nhà ở nhiều thành phố lớn trên khắp Afghanistan, kêu gọi người dân trở lại làm việc. 

Wasima, 38 tuổi, cho biết cô đã rất sốc khi 3 thành viên của lực lượng Taliban mang theo súng đến gõ cửa nhà cô ở thành phố Herat, miền tây Afghanistan vào sáng ngày 18/8. Theo Wasima, họ đã lấy thông tin chi tiết, hỏi về công việc cùng mức lương của cô tại tổ chức viện trợ và yêu cầu Wasima tiếp tục đi làm.

Từ thủ đô Kabul đến Lashkar Gah ở phía nam và Mazar-i-Sharif ở phía bắc Afghanistam, hàng chục người đã xác nhận về những chuyến thăm không báo trước của các thành viên Taliban trong 24 giờ qua. Những người này không dám tiết lộ tên đầy đủ của mình vì sợ bị trả thù.

Song bất chấp việc được khuyến khích trở lại làm việc, một số người cảm thấy hành động này dường như là để đe doạ và gieo rắc nỗi sợ hãi cho người dân. Người phát ngôn của Taliban chưa trả lời yêu cầu bình luận về hành động này.

 Một thành viên của lực lượng Taliban kiểm tra khu vực bên ngoài Sân bay Quốc tế Hamid Karzai ở Kabul, Afghanistan ngày 16/8. Ảnh: Reuters
Tại Kabul, nhiều cơ sở kinh doanh vẫn đóng cửa và nhiều khu vực lớn của thành phố đã bị bỏ hoang kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát thủ đô hôm 15/8, sau khi kết thúc cuộc càn quét trên khắp đất nước. 

Người dân cho biết tuyến giao thông chính duy nhất ở thủ đô dẫn đến sân bay thường xuyên tắc nghẽn. Nhiều người đang cố gắng tìm cách trốn chạy khỏi đất nước trên các chuyến bay sơ tán nhân viên ngoại giao. Ngày 18/8, đã có 17 người đã bị thương trong một vụ giẫm đạp tại sân bay. Taliban cho biết họ đã nổ súng chỉ thiên không để giải tán đám đông.

Các hệ quả từ cuộc chiến kéo 20 năm giữa lực lượng chính phủ do Mỹ hậu thuẫn và Taliban, cũng như mức chi tiêu giảm mạnh sau khi các lực lượng quân đội nước ngoài rời đi, đồng tiền mất giá và tình trạng thiếu USD, đang thúc đẩy cuộc khủng hoảng kinh tế ở nước này.

Hôm 17/8, trong cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi chiếm được thủ đô Kabul, phát ngôn viên của Taliban Zabihullah Mujahid cho biết phong trào Hồi giáo đang tìm kiếm mối quan hệ tốt đẹp với các quốc gia trên thế giới với mong muốn phục hồi kinh tế, hoà bình, thịnh vượng để “thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này”. Taliban cũng cam kết dỡ bỏ các lệnh cấm phụ nữ làm việc kiếm tiền. Tuy nhiên, nhiều người vẫn hoài nghi về lời hứa này.

Trong giai đoạn cầm quyền trước đây từ năm 1996 – 2001, Taliban đã cấm phụ nữ đi làm và không cho phép trẻ em gái đi học, đồng thời đưa ra các hình phạt như ném đá nơi công cộng. Ngoài ra, phụ nữ cũng phải mặc trang phục che kín mặt và phải có nam giới đi cùng khi ra khỏi nhà.

 Các thành viên của lực lượng Taliban ngồi tại một trạm kiểm soát ở Kabul, Afghanistan hôm 17/8. Ảnh: Reuters
Người dẫn chương trình Shabnam Dawran cho biết trong một video được chia sẻ trên Twitter hôm 17/8 rằng cô đã bị Đài Truyền hình Nhà nước Afghanistan đuổi việc. “Họ nói với tôi rằng chế độ đã thay đổi. Tôi không được phép làm việc nữa nên hãy về nhà", Dawran nói. Taliban và đài truyền hình Afghanistan chưa đưa ra bình luận về vụ việc này.

Trong khi đó, Wasima đã theo dõi cuộc họp báo của Taliban cùng hai con gái. Cô sợ rằng cơ hội dành cho phụ nữ sẽ giảm đi dưới thời Taliban nắm quyền, ngay cả khi họ đang kêu gọi cô trở lại làm việc.

"Taliban nói rằng phụ nữ nên làm việc nhưng tôi biết thực tế là các cơ hội dành cho phụ nữ sẽ thu hẹp lại", cô chia sẻ.

Ban lãnh đạo Taliban dự kiến sẽ họp vào cuối tuần này để thảo luận và đề ra thể chế điều hành đất nước, tuy nhiên lực lượng này khẳng định mọi nền tảng dân chủ đều bị loại bỏ.

"Sẽ không có thể chế dân chủ nào cả vì nó không có bất kỳ nền tảng nào ở đất nước chúng tôi. Chúng tôi sẽ không thảo luận về loại thể chế chính trị sẽ được áp dụng ở Afghanistan vì nó đã rõ ràng, đó là luật Hồi giáo sharia", người phát ngôn Taliban Waheedullah Hashimi tuyên bố.

Theo Hải Vân/Báo Tin tức

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều