Tăng cường bảo vệ quyền lợi cho người lao động trên toàn thế giới

(Mặt trận) - Quyền của người lao động là một nhóm các quyền hợp pháp và các tuyên bố về nhân quyền liên quan đến mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động. Những cuộc tranh luận về quyền của người lao động thường liên quan đến vấn đề tiền lương, lợi ích và các điều kiện làm việc an toàn cho công nhân. Vấn đề quyền của người lao động ngày càng được các quốc gia trên thế giới quan tâm và có nhiều biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ những quyền lợi chính đáng này.

Quyền của người lao động trên thế giới cần được bảo vệ (Ảnh: American United)

Trong một báo cáo của chuyên gia thuộc Liên hợp quốc, sự tập trung quyền lực của doanh nghiệp ngày càng tăng đã làm suy yếu quyền của người lao động. Mặc dù, các quốc gia được yêu cầu phải tuân theo luật quốc tế để tôn trọng và thúc đẩy quyền của người lao động, tuy nhiên sức mạnh to lớn của các tập đoàn đa quốc gia thường khiến những nỗ lực này không thực sự đạt được thành công như mong đợi.

Người lao động cần được bảo vệ hơn bao giờ hết. Toàn cầu hóa có nghĩa là sự tăng trưởng chưa từng thấy của các chuỗi cung ứng phức tạp trên toàn thế giới, sự di cư hàng loạt của người lao động… Nhưng có một thực tế là số lượng không nhỏ người lao động trên thế giới lại không nằm trong các khuôn khổ pháp lý, không có bảo hiểm tập thể hoặc không được Công đoàn bảo vệ.

Tác giả báo cáo Maina Kiai cho biết: “Thế giới của chúng ta và nền kinh tế toàn cầu đang thay đổi với tốc độ cực nhanh, một điều quan trọng đó là các công cụ chúng ta đang sử dụng để bảo vệ quyền lợi của người lao động cũng cần thích nghi nhanh chóng”.

“Bước đầu tiên để hướng tới mục tiêu này là xóa bỏ sự phân biệt vốn tồn tại giữa nhân quyền và quyền của người lao động nói chung. Quyền của người lao động chính là nhân quyền. Khả năng thực thi các quyền này tại nơi làm việc là điều kiện tiên quyết để người lao động hưởng nhiều quyền lợi khác dù là kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị hay bất kì quyền lợi khác”, Kiai cho biết thêm.

Tình trạng vi phạm quyền của người lao động thường xảy ra đối với người di cư như ở khu vực vùng Vịnh, Hoa Kỳ, Anh và đối với phụ nữ làm việc trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Phụ nữ thường bị chuyển sang các công việc có mức lương thấp, môi trường lao động không đảm bảo ở những khu vực ít được bảo vệ trong nền kinh tế. Khoảng cách tiền lương giữa nam và nữ là 77%. Phụ nữ còn phải đối mặt với tình trạng lạm dụng, quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Người lao động Mỹ biểu tình do quyền lợi chưa được đảm bảo (Ảnh: American Progress Action)

Nhiều quốc gia trên thế giới không bảo vệ quyền tự do hội họp Công đoàn của người lao động. Một số quốc gia như Ả Rập Xê Út, Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập, tổ chức Công đoàn chưa có nhiều tiếng nói. Báo cáo của Liên hợp quốc cũng chỉ trích Ủy ban Olympic và FIFA khi không bảo vệ quyền của người lao động trong Thế vận hội Rio 2016 và World Cup sắp tới tại Qatar.

Các quốc gia trên thế giới cần phê chuẩn tất cả công ước về nhân quyền quốc tế có liên quan như Công ước ILO 87 và 98. Các quốc gia cần đảm bảo rằng quyền của người lao động được áp dụng với tất cả mọi người, bất kể loại hình công việc, khu vực và tình trạng nhập cư.

Các doanh nghiệp cần công nhận quyền của người lao động để thành lập tổ chức Công đoàn, đồng ý cho tổ chức này tham gia vào vấn đề thương lượng, hành động tập thể, kể cả quyền đình công.

Các tổ chức nhân quyền phải công nhận quyền của người lao động như một phần trong nhiệm vụ cốt lõi của mình. Các Công đoàn cần hành động nhiều hơn để bảo vệ các công nhân bị tước quyền, kể cả lao động di cư hay không chính thức.

Liên hợp quốc cần lồng ghép các quyền của người lao động vào tất cả các chương trình của mình và đảm bảo quyền lợi này được bảo vệ trong mọi hình thức đấu thầu, cho thuê…

Chính phủ Nhật Bản cố gắng giảm sự bất bình đẳng cho người lao động (Ảnh: Jia)

Tại Nhật Bản, Luật Lao động áp dụng cho tất cả người lao động. Chính phủ Nhật đang cố gắng giảm sự bất bình đẳng giữa quyền lợi của người lao động (ví dụ giữa nhân viên cố định và nhân viên thời vụ).

Kể từ năm 2015, nhân viên cố định và nhân viên bán thời gian phải được đối xử như nhau về các điều khoản và môi trường làm việc, ví dụ như mô tả công việc, mức độ trách nhiệm…). Để giảm bớt sự bất bình giữa các loại hình lao động như nhân viên cố định, nhân viên hợp đồng, nhân viên thời vụ và nhân viên bán thời gian Chính phủ Nhật Bản đang xem xét việc đưa ra luật liên quan đế quy tắc làm việc bình đẳng vì mục đích cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.

Tại CHLB Đức, Bộ Lao động nước này cấm các nhà quản lý gọi điện hoặc gửi email cho nhân viên ngoài giờ làm việc, ngoại trừ trường hợp khẩn cấp. Động thái này thể hiện sự ủng hộ đối với các biện pháp cấm gửi email ngoài giờ được thực hiện tại các công ty của Đức bao gồm Volkswagen, BMW và Puma.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Lao động Đức kêu gọi các công ty đưa ra những quy định rõ ràng về thời gian ngoài giờ của người lao động. Theo Bộ trưởng Bộ Lao động Đức: “Công nghệ không được phép kiểm soát con người và thống trị cuộc sống của chúng ta. Chúng ta nên kiểm soát công nghệ”. Biện pháp này của Đức được đưa ra khi mà thói quen thường xuyên kiểm tra email trong thời gian rảnh rỗi đã trở thành một vấn đề đáng lo ngại ở nhiều quốc gia phát triển.

Luật pháp của EU bảo vệ quyền của người lao động (Ảnh: Disability Europe)

Đối với các quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU), người lao động được hưởng một số quyền lợi quan trọng được phản ánh trong luật EU và Công ước của EU về nhân quyền. Ngày nghỉ có lương, giới hạn thời gian làm việc hàng tuần và cung cấp thời gian nghỉ giải lao trong ngày làm việc là tất cả các quyền mà EU khẳng định rằng các quốc gia thành viên phải công nhận.

Luật pháp của EU bảo vệ quyền của người lao động bán thời gian không bị đối xử phân biệt so với những người làm việc toàn thời gian. Công nhân hợp đồng thời gian cố định và nhân viên làm việc tại các chi nhánh cũng được bảo vệ quyền lợi chống lại sự phân biệt đối xử không hợp lý. Quyền của người lao động trẻ tuổi được bảo vệ. Lao động trẻ em bị cấm và công nhân dưới 18 tuổi được tăng cường bảo vệ về sự an toàn và sức khỏe.

Khi một công ty không hoạt động kinh doanh, luật pháp của EU sẽ bảo vệ quyền lợi của người lao động thuộc công ty đó. Người lao động có quyền lợi chẳng hạn như nhận lương chưa được thanh toán. Luật pháp của EU yêu cầu các nước thành viên thiết lập một tổ chức để đảm bảo một số khoản thanh toán nhất định cho người lao động.

EU cũng đưa ra các luật để bảo vệ quyền của nhân viên khi chuyển giao chủ sở hữu lao động. Nếu nhân viên bị sa thải do việc chuyển giao chủ sở hữu, họ có thể yêu cầu được bồi thường. Người lao động có quyền được thông báo và tham gia ý kiến chung về quy trình chuyển nhượng trong công ty.

EU cũng đảm bảo các quốc gia bảo vệ hợp pháp cho sức khỏe và an toàn tại nơi làm việc của người lao động, thúc đẩy người lao động đưa ra các đề xuất liên quan đến tình trạng sức khỏe, sự an toàn và ngừng lao động nếu có nguy hiểm nghiêm trọng.

Vương quốc Anh cung cấp chế độ nghỉ thai sản nhiều hơn so với luật pháp của EU nói chung. Theo đó, phụ nữ khi sinh con được nghỉ phép có thời hạn lên đến 39 tuần và họ có quyền lợi bao gồm quyền trở lại làm việc và được bảo vệ trong thời gian nghỉ thai sản.

Bên cạnh đó, người lao động còn có quyền tự do ngôn luận, bao gồm quyền kháng nghị. Các quyền này được bảo vệ theo Công ước châu Âu về Nhân quyền. Người lao động có thể thành lập và gia nhập Công đoàn. Người sử dụng lao động không được phép ép buộc hoặc loại trừ người lao động khỏi tổ chức Công đoàn. Người sử dụng lao động không được sử dụng các biện pháp có liên quan đến tài chính để khiến người lao động từ bỏ quyền tham gia Công đoàn.

Hồng Nhung - Ngọc Linh

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều