Tăng trưởng kinh tế xanh ở các quốc gia đang phát triển

(Mặt trận) - Những nền kinh tế xanh sẽ tạo ra những công việc xanh, đảm bảo tăng trưởng kinh tế thực sự bền vững và ngăn ngừa những vấn đề như ô nhiễm môi trường, sự nóng lên toàn cầu hay suy thoái tài nguyên thiên nhiên. Nhiều quốc gia đang phát triển trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil đã đạt được những thành công trong xây dựng nền kinh tế xanh.
Kinh tế xanh là một mô hình phát triển kinh tế dựa trên nền tảng giải quyết sự phụ thuộc lẫn nhau giữa tăng trưởng kinh tế và hệ sinh thái tự nhiên, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực có thể có đối với môi trường.

Nền kinh tế xanh là động lực tăng trưởng phúc lợi cho người dân và công bằng xã hội. Nó có thể được xem như một phương tiện để đạt được chất lượng cuộc sống tốt hơn cho tất cả mọi người trong giới hạn sinh thái của hành tinh. Kinh tế xanh cũng được xem như một phương tiện liên kết các mối quan tâm về mặt kinh tế, môi trường và xã hội, cùng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Một nền kinh tế xanh có thể được nhìn nhận trên các đặc điểm môi trường, xã hội, các vấn đề thuộc về kinh tế. Liên hợp quốc xem nền kinh tế xanh là phương tiện để đạt được sự phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo. Trong bối cảnh đó, nền kinh tế xanh được coi là tâm điểm của những nỗ lực mới để đóng góp vào chương trình nghị sự rộng hơn về phát triển bền vững và góp phần đạt được những mục tiêu phát triển đã được quốc tế thống nhất, bao gồm các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.

Các chiến lược tăng trưởng xanh cần phải được điều chỉnh để phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng quốc gia. Chính phủ mỗi nước cần cân nhắc kỹ lưỡng cách quản lý các tiềm năng thương mại và tận dụng tối đa sự hiệp lực giữa tăng trưởng xanh và xóa đói giảm nghèo. Ví dụ như phát triển cơ sở hạ tầng hiệu quả hơn trong lĩnh vực năng lượng, giao thông, khắc phục những vấn đề y tế do nguyên nhân môi trường suy thoái và giới thiệu cho đông đảo người dân các công nghệ mới hiệu quả có thể giảm chi phí và tăng năng suất lao động, đồng thời giảm áp lực lên môi trường.

Những công việc xanh nằm trong các lĩnh vực như nông nghiệp, chế tạo, nghiên cứu và phát triển, hành chính và cung cấp dịch vụ. Những công việc này đóng góp đáng kể vào việc bảo tồn hoặc khôi phục chất lượng môi trường. Cụ thể là những công việc giúp bảo vệ hệ sinh thái và đa dạng sinh học, giảm tiêu thụ năng lượng, vật liệu và nước thông qua các chiến lược hiệu quả cao, giảm thiểu hoặc loại bỏ hoàn toàn các dạng chất thải và chất ô nhiễm.

Tổ chức Môi trường của Liên hơp quốc đã ghi nhận 8 câu chuyện thành công của các quốc gia ở khắp nơi trên thế giới trong việc phát triển nền kinh tế xanh. Những thành công của các quốc gia như Trung Quốc trong việc phát triển năng lượng tái tạo; Kenya trong việc xây dựng biểu giá điện hỗ trợ nhằm khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo; Uganda trong việc phát triển nông nghiệp hữu cơ; Quy hoạch đô thị bền vững của Brazil; Cơ sở hạ tầng sinh thái nông thôn ở Ấn Độ; Quản lý rừng ở Nepal; Dịch vụ hệ sinh thái của Ecuador và Phát triển năng lượng mặt trời của Tunisia.

 Phát triển năng lượng mặt trời ở Trung Quốc (Ảnh: National Geographic)

Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 11 (2006-2010), Chính phủ Trung Quốc đã phân bổ một phần đáng kể các khoản đầu tư vào lĩnh vực xanh với trọng tâm là phát triển năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu suất năng lượng. Chính phủ Trung Quốc đã cam kết sản xuất 16% năng lượng sơ cấp từ các nguồn tái tạo cho tới năm 2020.

Kenya xây dựng biểu giá điện hỗ trợ (Ảnh: Tetra Tech)

Tại Kenya, Bộ Năng lượng đã thông qua biểu giá điện hỗ trợ dựa trên nhận thức rằng các nguồn năng lượng tái tạo bao gồm năng lượng mặt trời, gió, thủy điện nhỏ, khí sinh học và năng lượng từ rác thải đô thị đều là các nguồn rất tiềm năng. Đây là tương lai hứa hẹn cho việc gia tăng thu nhập, tạo thêm việc làm cho người dân. Hơn thế nữa, phát triển năng lượng tái tạo còn góp phần cung cấp và làm đa dạng hóa các nguồn phát điện năng.

Phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Uganda (Ảnh: FAO)

Uganda đã có những bước đi quan trọng trong việc chuyển đổi nông nghiệp truyền thống thành một hệ thống canh tác hữu cơ với những lợi ích đáng kể cho kinh tế, xã hội và môi trường. Việc sử dụng lượng phân bón nhân tạo ít nhất thế giới được đánh giá là một cơ hội thực sự giúp Uganda theo đuổi mục tiêu sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

 Thành phố Curitiba, Brazil (Ảnh: Unesco)

Thành phố Curitiba, thủ phủ của bang Parana, Brazil đã thành công trong việc giải quyết các thách thức đối với đô thị từ việc tăng dân số. Chính quyền thành phố này đã triển khai các hệ thống mang tính sáng tạo trong nhiều thập kỷ qua, tạo cảm hứng cho nhiều thành phố khác ở Brazil. Điển hình trong số đó là hệ thống chuyển tuyến xe buýt nhanh. Câu chuyện thành công của thành phố Curitiba đã cung cấp một ví dụ thuyết phục về quy hoạch đô thị và công nghiệp tổng hợp, cho phép xác định vị trí của các ngành công nghiệp mới.

 Ấn Độ đảm bảo việc làm cho người nông dân (Ảnh: Wikipedia)

Năm 2005, Ấn Độ đã ra một đạo luật bảo đảm việc làm cho người dân cùng nông thôn. Đây là chương trình về việc làm nhằm tăng cường an ninh sinh kế cho các hộ gia đình nghèo ở nông thôn. Bộ Phát triển Nông thôn Ấn Độ đã có những chiến lược tiếp cận cuộc sống của những người nghèo, thúc đẩy tăng trưởng toàn diện và cũng góp phần khôi phục và duy trì cơ sở hạ tầng sinh thái của quốc gia này.

 Quản lý rừng ở Nepal (Ảnh: The Third Pole)

Lâm nghiệp cộng đồng chiếm vị trí trung tâm trong quản lý rừng ở Nepal. Với cách tiếp cận này người dân địa phương được tổ chức lại thành những nhóm Lâm nghiệp Cộng đồng, luôn đi đầu trong việc quản lý các nguồn lực. Trong khi đó, Chính phủ sẽ đóng vai trò là người hỗ trợ. Quản lý rừng là nỗ lực của cộng đồng này và sự đóng góp về mặt tài chính hoặc những sự hỗ trợ khác của Chính phủ.

Ecuador giáo dục trẻ em về hệ sinh thái (Ảnh: Environment Magazine)

Quỹ Bảo vệ nguồn nước (FONAG) được thành lập năm 2000 bởi chính quyền thành phố Quito, Ecuador. Quỹ được hình thành với sự đóng góp của những người sử dụng nước ở Quito và đóng vai trò như một quỹ ủy thác. FONAG đã sử dụng số tiền thu được để tài trợ cho các dịch vụ hệ sinh thái quan trọng bao gồm thu hồi đất cho các chức năng về nước quan trọng.

 Năng lượng tái tạo Tunisia (Ảnh: Renewable Energy Africa)

Tunisia đã tạo ra một cơ chế tài trợ cho Quỹ Quản lý Năng lượng Quốc gia để hỗ trợ việc tăng năng lực trong công nghệ năng lượng tái tạo và cải thiện hiệu suất năng lượng. Việc bổ sung Quỹ này dựa trên một khoản thuế đánh vào đăng ký xe ô tô tư nhân chạy bằng xăng và dầu diesel và thuế nhập khẩu, xuất khẩu các thiết bị điều hòa không khí.

Trong bài phát biểu kêu gọi hành động chống biến đổi khí hậu tổ chức vào ngày 30/5/2017 tại Đại học New York, Tổng thư ký Liên hợp quốc, António Guterres đã khẳng định tương lai của tăng trưởng kinh tế thế giới phải gắn liền với nền kinh tế xanh. Điều này cho thấy vai trò của việc hoạch định chính sách xanh trong việc định hình nền kinh tế của các quốc gia và toàn cầu trong tương lai là vô cùng cấp thiết.

Tăng trưởng kinh tế theo ông Guterres là kết quả của rất nhiều hành động chống biến đổi khí hậu, mang lại nhiều cơ hội về việc làm, phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn và hợp tác quốc tế. Ông kêu gọi các quốc gia tập trung vào việc đưa sự bền vững môi trường vào trung tâm của việc hoạch định chính sách kinh tế.

Các quốc gia lớn trên thế giới đang ngày càng nhận thức rõ hơn về con đường phát triển nền kinh tế xanh chính là chìa khóa để giải quyết các vấn đề như đói nghèo và biến đổi khí hậu, hướng tới Mục tiêu Phát triển Bền vững. Tổng thư ký Liên hợp quốc gợi ý rằng, những quốc gia chuyển hướng đầu tiên trong việc phát triển nền kinh tế bền vững, sử dụng tài nguyên hiệu quả sẽ gặt hái được nhiều lợi ích từ việc tăng lợi nhuận, đời sống người dân được nâng cao và khả năng phục hồi môi trường cũng tích cực hơn.

Hồng Nhung

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều