Thay đổi vì COVID-19, nhiều người lao động Mỹ không muốn làm lại việc cũ

Tại Mỹ, đang có một xu thế nổi bật trong bối cảnh chính phủ thúc đẩy cuộc sống trở lại bình thường trước đại dịch: nhiều người lao động không muốn quay lại công việc trước kia họ từng làm.
Bà Ellen Booth, 57 tuổi, từng làm việc cho một nhà hàng song đang theo học để lấy bằng lập trình viên y tế. Ảnh: AP
Theo hãng tin AP, việc bị sa thải và tuân thủ lệnh phong tỏa, cùng với những khoản trợ cấp thất nghiệp và gói hỗ trợ kinh tế được chính phủ tăng cường, đã khiến cho nhiều người dân Mỹ có thêm thời gian và chỗ dựa tài chính để suy nghĩ lại về nghề nghiệp của bản thân. Nhiều doanh nghiệp như Uber và McDonald ra thông báo tuyển dụng lại người cũ với mức lương cao hơn song người lao động vẫn tỏ ra chần chừ.

Dữ liệu của chính phủ cho thấy trong tháng 3, vị trí tuyển dụng ở Mỹ tăng 8% lên mức kỷ lục 8,1 triệu công việc nhưng tổng số người nhận việc chỉ tăng chưa đầy 4%.

Sau khi tranh cãi với quản lý về quy định đeo khẩu trang, tháng 11 năm ngoái, anh Nate Mullins đã bỏ công việc làm pha chế. Mặc dù trợ cấp thất nghiệp mà anh nhận được không bằng thu nhập khi anh làm ở quán bar tại Oak Harbor (bang Washington) song vẫn đủ để cho anh dư dả thời gian tìm kiếm công việc khác với chế độ nghỉ hưu và bảo hiểm y tế tốt hơn.

“Cơ hội này giúp tôi dừng lại và nghĩ về điều mình đang làm. Nó khiến tôi lần đầu suy nghĩ về tương lai dài hạn hơn”, Mullins bày tỏ.

Những người lao động như Mullins là một trong những lý do khiến tỷ lệ tuyển dụng tại Mỹ thấp trong tháng 4 vừa qua. Các ông chủ và tập đoàn doanh nghiệp đều nói rằng gói hỗ trợ thất nghiệp của chính phủ liên bang với 300 USD/tuần đã khiến nhiều người lao động không còn động lực để làm việc. Một số bang đã bắt đầu yêu cầu những người nhận trợ cấp phải thể hiện rõ họ đang tích cực tìm việc làm, trong khi một số bang khác đã thông báo sẽ ngưng trợ cấp.

 Người dân xếp hàng nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Arkansas (Mỹ). Ảnh: Reuters
Theo Heidi Shierholz – một nhà kinh tế cấp cao chuyên nghiên cứu về người lao động thu nhập thấp tại Viện Chính sách Kinh tế, mối quan tâm về sức khỏe và việc phải chăm sóc con cái là hai lý do chính khiến người lao động chưa trở lại thị trường việc làm.

Trong tháng 4, ít nhất 25% trường học tại Mỹ vẫn chưa mở cửa trở lại, buộc nhiều phụ huynh phải ở nhà chăm con. Trong khi đó, một số người lao động lo ngại về tình hình dịch bệnh khi giờ đây Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh (CDC) nới lỏng quy định đeo khẩu trang cho người đã tiêm đủ vaccine.

Việc trả lương cao hơn cho người lao động có thể đẩy lạm phát tăng vọt vào tháng 4 khi nền kinh tế Mỹ phải vật lộn với tình trạng thiếu nguyên liệu thô trên diện rộng trong bối cảnh mở cửa trở lại nhanh hơn dự kiến. Nếu các công ty buộc phải tăng giá sản phẩm để bù chi phí vào mức lương cao hơn cho nhân viên, điều đó có thể làm chậm sự phục hồi và giảm sức mua của người tiêu dùng.

Hiện tại, hầu hết các nhà kinh tế đều coi tình trạng thiếu lao động chỉ là tạm thời. Khi nhiều người Mỹ được tiêm chủng, sẽ ít người lo lắng về việc bị nhiễm bệnh tại nơi làm việc hơn. Các trường học sẽ mở cửa trở lại vào tháng 9, giải phóng nhiều phụ huynh. Trong khi đó, khoản trợ cấp thất nghiệp 300 USD cũng sẽ hết hạn vào đầu tháng 9. Những yếu tố này sẽ đưa nhiều người lao động quay trở lại thị trường việc làm hơn.

Tháng 2/2020, Sarah Weitzel đã xin nghỉ tại cửa hàng Victoria’s Secret ở St. Louis do sinh con và đại dịch. Sau đó, chồng cô cũng mất việc tại một nhà hàng. Trong tình cảnh túng quẫn, họ phải bán nhà, chuyển đến sống cùng bạn bè, sống sót nhờ trợ cấp thất nghiệp và lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.

Đến mùa thu, Victoria’s Secret đã đề nghị Weitzel làm việc bán thời gian với mức lương 12 USD/giờ nhưng cô đã từ chối. “Tôi chỉ nghĩ về việc mình đã vất vả bao nhiều với công việc mà chỉ trả cho tôi 32.000 USD/năm”, Weitzel chia sẻ. Hiện Weitzel vừa làm tại một nhà hàng vừa tham gia một chương trình hướng nghiệp cho phụ nữ trong các ngành nghề có nhu cầu cao như ngân hàng, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ khách hàng và công nghệ.

Mark Smithivas là một tài xế Uber trong 4 năm qua. Mùa xuân năm ngoái, do lo ngại về sức khỏe trong dịch bệnh, anh đã nghỉ việc. Trong một năm đại dịch bùng phát, Mark tham gia khóa học công nghệ tại một chương trình đào tạo nhân viên liên bang. Dù đã 52 tuổi tuổi và tiêm đủ hai mũi vaccine, Mark không muốn quay trở lại nghề lái xe. Ông lo sợ các vụ cướp và các vụ phạm tội nhắm tới người lái xe đầy rẫy tại Chicago.

“Tôi luôn coi công việc này chỉ là tạm thời, và tôi muốn tìm một công việc gì đó phù hợp hơn với năng lực”, Mark chia sẻ.

Theo Bảo Hà/Báo Tin tức

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều