Thế giới đã ghi nhận trên 382 triệu ca mắc COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 2/2 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng trên 382 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 5,7 triệu ca tử vong. Trên 303 triệu bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh, trong khi vẫn còn khoảng 73 triệu bệnh nhân đang điều trị.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 2/2/2022. Ảnh: Kyodo/TTXVN 
Tại châu Âu, Nga ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 ở mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này, do biến thể Omicron đang lây lan trên toàn quốc. Cụ thể, số ca mắc mới COVID-19 tại Nga đã tăng lên 141.883 ca, tăng so với 125.836 ca một ngày trước đó, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 12.128.796 ca. Nga cũng có thêm 678 ca tử vong mới do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 332.690 ca.

Tại Đức, số ca mắc mới cũng tăng lên mức cao nhất, với 208.498 ca, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 10.079.778 ca. Tỷ lệ mắc COVID-19 trong 7 ngày qua cũng ở mức cao nhất từ trước tới nay với 1.227,5 ca/100.000 dân do biến thể Omicron đang lây lan trên cả nước. 

Theo Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach, làn sóng dịch COVID-19 do biến thể Omicron có thể lên đỉnh điểm vào giữa tháng này, với dự báo 400.000 ca mắc mới mỗi ngày trước khi bắt đầu giảm xuống, khiến Chính phủ Đức có thể nới lỏng các biện pháp hạn chế vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3 nếu tình hình dịch bệnh vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Trong khi đó, giới chức Đức đã tuân thủ các khuyến nghị của Liên minh châu Âu (EU) đối với các quốc gia thành viên. Theo đó, từ ngày 1/2, bất kỳ ai đã tiêm đủ 2 mũi vaccine cơ bản trong vòng 270 ngày trước (9 tháng), đều phải chứng minh được tiêm mũi tăng cường (mũi 3) và sử dụng hộ chiếu tiêm chủng kỹ thuật số của EU mới có thể nhập cảnh vào Đức. Trong trường hợp ngược lại, sau thời gian 270 ngày, những người chưa tiêm mũi vaccine tăng cường đều bị coi là chưa được tiêm chủng khi qua biên giới EU. Thay vào đó, họ sẽ bị yêu cầu trình giấy xét nghiệm có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, thậm chí có thể phải cách ly trong thời gian ngắn khi đi qua biên giới giữa các nước trong EU.

Pháp đã bắt đầu dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch COVID-19, trong đó có cả quy định bắt buộc đeo khẩu trang ngoài trời. Đây là một phần trong nỗ lực của nước này nhằm đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường, nhưng cũng đang gây nhiều tranh cãi khi mà mới tháng trước, Pháp còn ghi nhận số ca mắc mới kỷ lục do biến thể Omicron dễ lây lan.

Các buổi hòa nhạc, thi đấu thể thao và các sự kiện khác sẽ không còn giới hạn số lượng khán giả. Làm việc từ xa không còn là bắt buộc nhưng vẫn được khuyến khích thực hiện. Đây là bước đầu trong lộ trình 2 giai đoạn dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch mà Chính phủ Pháp đã công bố vào cuối tháng 1, khi mà nhiều quốc gia châu Âu khác như Anh và Đan Mạch đã  có những động thái tương tự. Giai đoạn 2 sẽ cho phép các hộp đêm mở cửa trở lại từ ngày 16/2, các khu vực ghế đứng cũng được phép ở các buổi hòa nhạc, sự kiện thể thao, quán bar. Dịch vụ ăn uống tại các sân vận động, rạp chiếu phim, giao thông công cộng cũng sẽ được phép kể từ mốc thời gian trên.

Giới chức Pháp cho rằng mối đe dọa từ biến thể Omicron là "có giới hạn", dù lây nhiễm mạnh hơn nhưng không nguy hiểm bằng các biến thể trước đó của virus SARS-CoV-2.

Trong một động thái tương tự, Na Uy sẽ dỡ bỏ phần lớn các hạn chế phòng dịch COVID-19, với lý do xã hội phải sống chung với virus SARS-CoV-2. Biến thể Omicron khiến số ca mới tăng mạnh ở quốc gia Bắc Âu này nhưng số bệnh nhân bị nặng phải nhập viện điều trị không tăng nhờ tỷ lệ bao phủ vaccine cao.

Ngày 2/2, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận 102.601 ca mới, mức ca mới theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát ở nước này, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 11.722.483 ca. Số ca tử vong vì COVID-19 tăng thêm 198 lên 87.614 ca, trong khi có 87.562 người bình phục trong 24 giờ qua. Hiện hơn 57,43 triệu người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã tiêm mũi 1, trong đó 52,42 triệu người đã tiêm chủng đầy đủ.

Tại châu Á, số ca mắc mới COVID-19 trong ngày ở Hàn Quốc đã lên mức  kỷ lục mới trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan mạnh. Cụ thể, Hàn Quốc ngày 2/2 ghi nhận 20.270 ca mới, tăng mạnh so với 18.342 ca một ngày trước đó và lần đầu tiên vượt mốc 20.000 ca. Từ đầu dịch đến nay, Hàn Quốc có tổng cộng 884.310 ca mắc COVID-19 và 6.787 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 15 ca tử vong ngày 2/2. 

Trong khi đó, thủ đô Tokyo của Nhật Bản lần đầu tiên ghi nhận số ca mắc mới trong ngày vượt 20.000 ca. Cụ thể, Tokyo ghi nhận 21.576 ca mắc mới trong 24 giờ qua, vượt kỷ lục 17.631 ca ghi nhận vào ngày 28/1. Tỷ lệ sử dụng giường bệnh viện dành cho bệnh nhân COVID-19 cũng tăng tới 51,4%. Trước đó, giới chức thành phố cho biết sẽ cần áp đặt tình trạng khẩn cấp nếu tỷ lệ này vượt 50%. Tuy nhiên, giới chức thành phố hiện cho biết quyết định áp đặt tình trạng khẩn cấp sẽ phụ thuộc vào số ca bệnh nghiêm trọng và các yếu tố khác. 

Trong bối cảnh dữ liệu gần đây cho thấy sự tăng mạnh số ca tử vong liên quan vì COVID-19 trên toàn cầu, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi các quốc gia tiến hành dỡ bỏ các biện pháp hạn chế được áp đặt để chống dịch COVID-19 theo cách chậm rãi và từng bước.

Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, kể từ khi biến thể Omicron lần đầu tiên được xác định chỉ 10 tuần trước, gần 90 triệu ca mắc COVID-19 đã được báo cáo cho WHO, cao hơn con số được báo cáo trong toàn bộ năm 2020. WHO bắt đầu nhận thấy sự gia tăng rất đáng lo ngại về số ca tử vong ở hầu hết các khu vực của thế giới. Ông nhắc lại mối quan ngại về quan điểm ở một số quốc gia rằng do biến thể Omicron lây lan mạnh và ít gây bệnh nghiêm trọng, việc ngăn ngừa lây lan giờ đây không còn khả thi và cần thiết nữa. Ông kêu gọi tất cả các quốc gia bảo vệ người dân bằng cách sử dụng mọi công cụ, không chỉ riêng vaccine, đồng thời cảnh báo "còn quá sớm để bất kỳ quốc gia nào đầu hàng hay tuyên bố chiến thắng".

Cũng theo WHO, phiên bản mới của biến thể Omicron (BA.2) mà các nhà khoa học gọi là "Omicron tàng hình" đã xuất hiện tại 57 quốc gia trên thế giới. Tại một số nước, BA.2 đã chiếm tới hơn 50% số mẫu Omicron giải trình tự gene. Theo WHO, hiện vẫn còn rất ít thông tin về sự khác biệt giữa các dòng phụ của biến thể Omicron và tổ chức này kêu gọi có thêm các nghiên cứu về điều này, bao gồm độc lực, khả năng lây truyền, khả năng "né tránh" phản ứng miễn dịch. 

Theo Minh Châu (TTXVN)

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều