Thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng

(Mặt trận) - Cuộc xung đột ở Ukraine là ngòi nổ cho cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, các quốc gia trên thế giới đang phải ứng phó bằng nhiều biện pháp khác nhau như giảm sử dụng dầu và khí đốt, tăng cường nghiên cứu, khai thác các nguồn năng lượng mới. Tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng đã khiến nhiều nhà cung cấp năng lượng quy mô lớn, nhỏ phải chịu thiệt hại.

Khả năng kiểm soát chi phí năng lượng và đảm bảo sự độc lập về năng lượng hiện có tầm quan trọng cực kỳ lớn. Thị trường năng lượng vốn rất phức tạp và mỗi quốc gia có sự phụ thuộc riêng vào khí đốt và điện năng dựa trên nhiều yếu tố khác nhau. Hiện tại, ngành cung ứng bán lẻ đang căng thẳng trước các sự kiện chính trị quốc tế. Chính những diễn biến bất ổn trên thế giới đã gây ra biến động trên thị trường năng lượng.

Đại dịch Covid-19 và các đợt phong tỏa, giãn cách xã hội đã làm giảm nhu cầu năng lượng tổng thể, nhưng chi phí vận tải hàng hóa cơ sở hiện tăng 283% so với tháng 3/2021, do các quyết định cắt giảm trữ lượng khí đốt, các quốc gia như Anh đã cạn kiệt nguồn dự trữ hiện có trong giai đoạn 2020-2021.

Việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khi các sự kiện toàn cầu có xu hướng tác động xấu đến thị trường năng lượng và thị trường tài chính. Nga đe dọa cắt nguồn cung cấp khí đốt, gây ra nhiều biến động thị trường, giá cả tăng cao.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) được thành lập sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 với nhiệm vụ đảm bảo rằng thị trường năng lượng ổn định trên toàn thế giới. Theo IEA, hậu quả của việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine có thể sẽ gia tăng trong vài tháng tới khi mùa hè sang. Giám đốc điều hành IEA, Fatih Birol cho biết giảm nhu cầu là một cách giải quyết tình trạng thiếu hụt năng lượng hiện nay. Tuy nhiên, thông điệp này lại không được các nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới tại Hoa Kỳ đưa ra. Bởi các công ty này sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sản xuất năng lượng và kiếm được lợi nhuận khổng lồ, họ phản ứng với việc giá xăng dầu tăng bằng cách kêu gọi sản xuất nhiều hơn.

Tiến sĩ Birol nhận định cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay có thể sẽ trầm trọng hơn đợt thiếu hụt dầu năm 1973, bởi nó không chỉ liên quan đến dầu mà còn là khí đốt tự nhiên - ảnh hưởng đến giao thông vận tải và năng lượng điện. Năm 1973, các nhà sản xuất dầu ở Trung Đông cắt nguồn cung cho Hoa Kỳ và các nước phương Tây để trả đũa việc hỗ trợ Israel trong cuộc chiến tranh Ả Rập - Israel năm đó. Ngay lập tức dầu bị thiếu hụt, người Mỹ xếp hàng dài tại các trạm xăng để mua xăng đắt đỏ. Bên cạnh đó, một nguyên nhân khiến cuộc khủng hoảng hiện tại có thể nghiêm trọng hơn bởi ngày nay các quốc gia có sự liên kết chặt chẽ hơn trong chuỗi cung ứng, kết quả là sự xáo trộn một trong những nguồn cung có thể gây tác động lớn hơn đến thị trường toàn cầu.

Moscow là một trong những nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới. Các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ và các đồng minh đối với hệ thống tài chính của Nga đã gây ra phản ứng dữ dội đối với thị trường dầu thô của Nga từ các ngân hàng, người mua và các nhà vận chuyển.

Tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng đã khiến nhiều nhà cung cấp năng lượng quy mô lớn, nhỏ phải chịu thiệt hại, điều này là do không thể sản xuất đủ để trang trải chi phí bán buôn tăng lên. Chi phí sưởi ấm nhà và bảo trì các tòa nhà đã tăng lên, nhưng tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng này sẽ không chỉ giới hạn ở việc tăng hóa đơn năng lượng, căng thẳng tài chính và sự không chắc chắn trong hoạt động đang gia tăng đối với ngành công nghiệp nặng và nông nghiệp.

Chi phí chung hiện cao hơn bao giờ hết và những công ty hoạt động trong lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng như các công ty công nghiệp nặng đang phải đối mặt với khó khăn trong quá trình vận hành và không có khả năng định giá hiệu quả. Giá một chiếc ô tô là bao nhiêu nếu chi phí để tạo ra nó tăng đột ngột? Bất kỳ sự gia tăng nào trong chi phí sản xuất đều đánh một đòn chí mạng vào tỷ suất lợi nhuận.

Ngân hàng JPMorgan ước tính rằng 66% lượng dầu của Nga đang gặp khó khăn trong việc tìm người mua và giá dầu thô có thể đạt 185USD vào cuối năm nay, nếu việc xuất khẩu dầu của Nga vẫn bị gián đoạn.

Xét về mặt bằng chung, giá xăng, dầu tại Việt Nam vẫn ở mức khá “dễ thở” so với các nước trên thế giới và khu vực. Việt Nam xếp ở vị trí 74/170 trong bảng xếp hạng giá xăng, dầu và GDP bình quân đầu người ở các quốc gia và khu vực trên thế giới. Hiện mỗi lít xăng RON 95 có mức giá là 29.824 đồng/lít, tương đương khoảng 1,30 USD, chỉ nhỉnh hơn một chút so với giá xăng trung bình trên thế giới.

IEA đã đưa ra khuyến nghị mà các quốc gia cần ngay lập tức thực hiện để bảo tồn dầu mỏ, chẳng hạn như giảm tốc độ giới hạn; tăng số ngày làm việc tại nhà cho người lao động; kêu gọi du khách đi tàu hỏa thay vì máy bay. Các biện pháp được khuyến nghị cũng bao gồm việc không chạy ô tô vào ngày chủ nhật trong nội thành; đi chung xe và giảm giá vé các phương tiện giao thông công cộng.

Cơ quan này cũng đưa ra dự tính nếu các nền kinh tế tiên tiến thực hiện các khuyến nghị mà họ đưa ra thì có thể cắt giảm nhu cầu tiêu thụ dầu khoảng 2,7 triệu thùng/ngày. Con số này ngang bằng với lượng dầu ước tính là 2,5 triệu thùng/ngày mà Nga sẽ không tiêu thụ được trên thị trường toàn cầu do những lệnh trừng phạt của nhiều quốc gia trên thế giới. IEA cũng kêu gọi các quốc gia thay đổi về cấu trúc, bao gồm cả sử dụng máy bơm nhiệt chạy bằng điện và ưu tiên sử dụng xe điện.

Liên minh châu Âu, trong những năm gần đây, đã nhận được khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên và hơn ¼ lượng dầu thô từ Nga. Các nhà lãnh đạo EU đã khuyến khích người dân tiết kiệm năng lượng. Chủ tịch bộ phận điều hành của EU, Ursula von der Leyen cho biết việc giảm mức tiêu thụ năng lượng nói chung cần có sự đóng góp của cá nhân 450 triệu người dân châu Âu.

Tại Hoa Kỳ, một trong số ít lời kêu gọi người dân tiết kiệm năng lượng đến từ Thị trưởng hạt Hawaii - nơi đặc biệt dễ bị tổn thương bởi giá năng lượng tăng vọt sau khi Tổng thống Biden công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt và than đá của Nga. Hạt Hawaii phụ thuộc rất nhiều vào nhiên liệu của Nga và chi phí sinh hoạt cao khiến nhiều gia đình đang phải vật lộn để trả các hóa đơn. Vì vậy, Thị trưởng hạt Hawaii, Mitch Roth đã yêu cầu cộng đồng địa phương sử dụng ít dầu và khí đốt hơn.

Tổng thống Biden đã thúc giục các công ty dầu mỏ trong nước đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Về lâu dài, các quan chức chính quyền cho rằng Hoa Kỳ phải chuyển đổi từ sử dụng năng lượng hóa thạch sang các dạng năng lượng thay thế, phát triển thêm các nguồn năng lượng bền vững như năng lượng gió, năng lượng mặt trời…

Theo nhiều chuyên gia, năng lượng sạch là giải pháp tối ưu để giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu và giảm sự phụ thuộc năng lượng vào các quốc gia khác. Nhưng nó không thể áp dụng tức thời để đáp ứng nhu cầu ngay lập tức. Vấn đề còn tồi tệ hơn khi các quốc gia còn cách xa mức cắt giảm khí thải cần thiết để đáp ứng Thỏa thuận Paris - một cam kết toàn cầu nhằm tránh những tác động tồi tệ nhất do biến đổi khí hậu.

Chuỗi cung ứng đang gây áp lực lên chi phí sản xuất năng lượng tái tạo. Trong năm 2021, giá nguyên liệu chính dùng cho công nghệ quang điện mặt trời và năng lượng gió đã tăng tới 3 lần do sự gián đoạn chuỗi cung ứng liên quan đến đại dịch. Với giá nguyên liệu thô dự kiến sẽ duy trì ở mức cao hơn 20-30% so với mức năm 2019, cho tới năm 2023. Các nhà sản xuất thiết bị gốc năng lượng mặt trời và gió đang tìm cách cắt giảm chuỗi cung ứng của họ để tối đa hóa tăng trưởng đồng thời giảm thiểu chi phí.

Tại Ấn Độ, chi phí bảo hiểm bổ sung là 40% đối với mô-đun năng lượng mặt trời nhập khẩu - dự kiến sẽ được thực hiện trong tháng 4 năm nay - sẽ làm tăng thêm chi phí dự án năng lượng mặt trời, trong khi ở châu Âu, rủi ro chuỗi cung ứng dự kiến sẽ tiếp diễn trong dài hạn, đặc biệt là đối với năng lượng gió ngoài khơi. Về lâu dài, sự nhạy cảm của người tiêu dùng đối với tính bền vững sẽ tác động đến các lựa chọn cung ứng và kích thích các chuỗi cung ứng thay thế, ngày càng tập trung vào tính lưu thông và vật liệu có thể tái chế.

Bất chấp sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng và giá nguyên liệu thô tăng, việc xây dựng năng lượng tái tạo trên thế giới dự kiến sẽ tiếp tục mạnh mẽ vào năm nay. Thật vậy, năng lượng tái tạo thường rẻ hơn so với các giải pháp thay thế nhiệt, các chính sách về khí hậu và tái tạo cũng đang được áp dụng nhiều hơn, thị trường điện ở một số khu vực đang có những cải cách, mở ra những cách cửa mới.

Trong khi các quốc gia phương Tây đang đối phó với cuộc khủng hoảng di cư và các vấn đề năng lượng do xung đột ở Ukraine gây ra thì chúng ta không nên quên rằng còn có một cuộc khủng hoảng thứ ba đó là khủng hoảng khí hậu. Theo IEA, việc thực hiện các khuyến nghị mà tổ chức này đưa ra sẽ giúp các quốc gia không chỉ giải quyết được tình trạng thắt chặt thị trường dầu thô, mà còn mở đường để đạt được các mục tiêu về khí hậu.

Thu Anh biên dịch

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều