Thế giới tuần qua: Mỹ-Trung đóng lãnh sự quán của nhau; ca mắc Covid-19 tăng mạnh

Trong tuần qua, Mỹ-Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán của nhau và dịch Covid-19 lây lan mạnh ở nhiều quốc gia là các vấn đề được quan tâm.

Mỹ-Trung lần lượt đóng cơ sở ngoại giao của nhau

 

Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston (Mỹ). Ảnh: AFP

Ngày 23/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu về quyết định đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston, nghi ngờ cơ sở này liên quan đến hành vi gián điệp và trộm cắp tài sản trí tuệ. Ngày 24/7, Trung Quốc đáp trả bằng việc yêu cầu đóng cửa Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Thành Đô.

Chuyên gia Natasha Kassam tại Viện Lowy (Australia) đánh giá việc Mỹ không còn lãnh sự quán ở Thành Đô sẽ “hạn chế con đường liên lạc của Mỹ với Trung Quốc cũng như khả năng giám sát và báo cáo về các diễn biến bên trong Trung Quốc”.

Bà Kassam so sánh điều này với động thái xử lý truyền thông nhà nước Trung Quốc tại Mỹ dẫn đến đòn đáp trả của Bắc Kinh với các nhà báo Mỹ làm việc ở nước này. Sự kiện gây ảnh hưởng đến việc đưa tin về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giữa dịch bệnh Covid-19 lây lan toàn cầu.

Lãnh sự quán Mỹ tại Vũ Hán vốn đã tạm thời đóng cửa trong nhiều tháng do dịch Covid-19. Do vậy quyết định khiến cơ sở này ngừng hoạt động không có ảnh hưởng thực tế nào mà thậm chí có thể khiến căng thẳng tạm thời hạ nhiệt. Mỹ có 7 cơ sở ngoại giao ở Trung Quốc tại Bắc Kinh, Quảng Châu, Thượng Hải, Vũ Hán, Thẩm Dương và Hong Kong.

Giáo sư Dali Yang tại Đại học Chicago phân tích: “Việc tránh các cơ sở ở Hong Kong, Thượng Hải và Quảng Châu góp phần giảm leo thang căng thẳng”.

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo gần đây cũng đề cập đến tính cần thiết hình thành liên minh quốc tế đối đầu với Trung Quốc, để gây áp lực lên Bắc Kinh về các vấn đề như Hong Kong, nhân quyền tại Tân Cương, chính sách thương mại không công bằng.

Kênh CNN đánh giá trong cùng thời điểm, Trung Quốc lại âm thầm hình thành liên minh đối đầu với Mỹ. Trong tháng 7 này, Ngoại trưởng Vương Nghị đã trao đổi với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, chỉ trích “tâm lý Chiến tranh Lạnh” của Mỹ. Ngoại trưởng Vương Nghị đồng thời kêu gọi Bắc Kinh và Moskva thúc đẩy quan hệ song phương lên mức cao hơn và cùng đứng về các quốc gia khác với lập trường công bằng, khách quan để từ chối mọi động thái gây ảnh hưởng đến trật tự quốc tế.

Hàng chục nước ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới tăng kỷ lục trong ngày

 

Một bệnh viện dã chiến tại Kenya. Ảnh: Reuters

Tuần qua, có 37 quốc gia đã ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng trong một ngày đạt mức kỷ lục. Tình trạng tăng số ca mắc Covid-19 không chỉ xảy ra ở những nước như Mỹ, Brazil, Ấn Độ vốn đang đứng đầu toàn cầu về số trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 mà còn ở những nước khác như Australia, Nhật Bản, Bolivia, Sudan, Ethiopia, Bulgaria, Uzbekistan, Israel và Bỉ.

Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết nhiều quốc gia đã nới lỏng lệnh phong tỏa nay phải trải qua làn sóng dịch thứ hai.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus trong tuần này cho biết: “Chúng ta sẽ không bao giờ có thể quay lại bình thường cũ. Chúng tôi đã đề nghị người dân cân nhắc về nơi họ đến, điều họ làm và người họ gặp trong những quyết định mang tính sống còn”.

Số ca mắc mới tăng thường kéo theo tình trạng tử vong tăng lên một vài tuần sau đó. Mỹ vẫn đứng đầu danh sách khi trong tuần qua ghi nhận trên 1.000 trường hợp tử vong vì Covid-19 mỗi ngày trong 4 ngày liên tiếp.

Trong tuần này, cả Australia và Nhật Bản đều xác nhận tỷ lệ nhiễm SARS-CoV-2 tính theo ngày gia tăng. Hai nước này đều cảnh báo mức lây nhiễm lên cao trong giới trẻ.

Các quan chức Mexico thì cảnh báo rằng tình trạng giảm số ca mắc từ giữa tháng 6, thời điểm nới lỏng giãn cách xã hội, có thể bị đảo ngược.

Châu Âu đang là thời gian nghỉ hè do vậy số ca mắc Covid-19 mới theo ngày gia tăng tại Tây Ban Nha có thể khiến du khách ngại ngần khi đến đây.

Về phía châu Phi, Kenya ghi nhận mức tăng ca mắc trong ngày kỷ lục, chỉ chưa đầy 2 tuần sau khi mở lại một số hoạt động, trong đó có các chuyến bay nội địa. Tổng thống Kenya President Uhuru Kenyatt ngày 20/7 đã họp khẩn để bàn luận về tình trạng số ca mắc tăng.

Tại Trung Đông, Oman ban hành lệnh hạn chế mới từ 25/7, trong khi phong tỏa 2 tuần vẫn được thực thi sau khi ghi nhận số ca nhiễm mới kỷ lục.

Theo Hà Linh/Báo Tin tức

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều