Thị trấn ở Ấn Độ nơi con người sinh sống hoà thuận với loài báo hoa mai

Bera, thị trấn nhỏ ở bang Rajasthan, Ấn Độ, nổi tiếng là nơi duy nhất trên Trái Đất có cộng đồng người và loài báo hoa mai chung sống hòa thuận.
 Con báo hoa mai nằm trên cành cây. Ảnh: Unsplash
Theo trang Oddity Central (Anh), Ấn Độ là một trong những quốc gia có dân số đông đúc nhất trên thế giới. Khi loài người đi khai hoang, xâm lấn đến những khu vực rừng núi chưa có người ở, xung đột giữa con người với những loài động vật nguy hiểm như báo là điều không thể tránh khỏi. 

Tuy nhiên, có một nơi mà con người và báo hoa mai đã chung sống hòa thuận, không một chút xung đột trong ít nhất một thế kỷ. Nơi này chính là thị trấn Bera, còn được biết đến với cái tên “vương quốc của loài báo”. Đây là nơi có mật độ báo hoa mai cao nhất trên hành tinh. Những ngọn đồi nhấp nhô, cánh đồng rộng lớn và hang động mát mẻ nơi đây đã tạo nên môi trường sống lý tưởng cho loài báo hoa mai. Chúng cũng thích nghi với sự hiện diện của con người, kiểm soát bản năng săn mồi để cùng chung sống với con người.

Theo báo cáo, có khoảng gần 100 con báo đang sống trong và xung quanh thị trấn Bera. Tuy nhiên, giới chức chưa ghi nhận vụ việc nào cho thấy loài báo tấn công con người trong suốt 100 năm qua. Chỉ có duy nhất trường hợp một bé sơ sinh bị báo hoa vồ nhiều năm trước, nhưng ngay sau đó con báo đã bỏ lại đứa trẻ và chạy vào sâu trong rừng. 

Vậy điều gì đã làm nên sự khác biệt của thị trấn Bera? Theo người dân địa phương, hầu hết họ là thành viên của Rabari, bộ tộc chăn cừu di cư từ Iran qua Afghanistan đến Rajasthan từ 1.000 năm trước. Điều này đã hình thành cho họ cách đối xử ôn hoà với các loài động vật hung dữ. Bộ tộc Rabari rất tôn thờ thần Shiva của đạo Hindu và họ coi loài thú dữ như những vị thần hộ mệnh của mình, ngay cả khi những con thú này bắt vật nuôi của người dân trong làng.

 Một con báo hoa mai ở thị trấn Bera. Ảnh: Facebook
Khi số lượng báo hoa mai ngày càng tăng, chính quyền đã tổ chức các gói đi săn, tham quan ở Bera. Vì vậy, ngày càng có nhiều nhà động vật học, nhà thám hiểm hoặc khách du lịch đến đây trong những năm qua để khám phá vùng đất kỳ lạ này, và loài báo này chưa từng tấn công ai.

Ngoài công việc trồng trọt và chăn cừu, người dân của bộ tộc Rabari vô cùng hoan nghênh các hoạt động du lịch vì nó cung cấp thêm nguồn thu nhập cho họ. Đàn ông địa phương được các tổ chức du lịch thuê làm người bảo vệ, thông báo về sự xuất hiện của loài báo. Số khác làm hướng dẫn viên, nhà tự nhiên học vì họ hiểu rõ khu vực.

 Tại Bera, khung cảnh kỳ lạ giữa người và báo diễn ra hàng ngày. Ảnh: Facebook
Ông Dilip Singh Deora, người điều hành một sở thú hoang dã tại địa phương, nói với The National: “Khi báo hoa mai tấn công gia súc của bộ tộc Rabari, cộng đồng này sẽ không chống lại kẻ săn mồi. Họ tin rằng thần Shiva sẽ ban tặng nhiều gia súc hơn nữa và họ coi việc gia súc bị giết là lễ vật dâng lên thần linh”.

Anh Dheeraj Mali, phóng viên ảnh về động vật hoang dã ở Bera, người đã tìm hiểu về loài báo hoa mai ở địa phương này trong nhiều năm, tin rằng những con thú trong khu vực cũng đã thích nghi với sự hiện diện của con người và dần trở nên ít săn mồi hơn.

 Báo hoa mai và con người từ lâu đã sống hoà hợp ở Bera. Ảnh: The National
Đàn ông thuộc bộ tộc Rabari có truyền thống mặc áo dài trắng, đeo khăn đội đầu màu đỏ. Ảnh: The National 
Báo hoa mai là một phần của cuộc sống hàng ngày ở Bera. Những con vật này rất hoà hợp với con người. Du khách có thể nhìn thấy chúng ở bất kỳ đâu, chẳng hạn trên những tảng đá quanh 10 ngôi làng của thị trấn. Những con báo hoa mai thậm chí còn lang thang trên đường phố.

Ông Deora cho biết: “Nhiều khách du lịch đã bị sốc khi nhìn thấy những con báo đi lại quanh ngôi đền trong làng một cách tự do, thậm chí gần những vị linh mục đang làm lễ, nhưng đây là cách cuộc sống diễn ra ở Bera”.

Cuộc sống hoà thuận giữa con người và loài báo này chỉ có ở Bera. Tại những khu vực khác trên khắp Ấn Độ, con người và loài vật này vẫn thường xảy ra xung đột và các cuộc chạm trán thường kết thúc bằng đổ máu.

Theo Vân Khánh/Báo Tin tức

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều