Thông điệp Năm mới 2018 của các nhà lãnh đạo trên thế giới

Đến thời điểm này, cả thế giới đã bước vào năm mới, năm 2018. Trong thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế đều phát đi những thông điệp, bày tỏ mong muốn, nguyện vọng cũng như định hình những kế hoạch hành động cho tương lai.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc hối thúc cộng đồng quốc tế đoàn kết

Màn trình diễn ánh sáng và âm thanh đón Năm mới ở tòa tháp Burj Khalifa, Dubai, UAE.

Trong thông điệp nhân dịp Năm mới, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết xử lý những thách thức nghiêm trọng và bảo vệ những giá trị được tất cả mọi người cùng chia sẻ.

Trong thông điệp qua video, ông Guterres đã đưa ra báo động đỏ về những thách thức mà toàn thế giới đang phải đương đầu. Trong bối cảnh đó, chỉ thông qua sự đoàn kết, cộng đồng quốc tế mới có thể giải quyết các cuộc xung đột, vượt qua được sự thù hận và bảo vệ những giá trị chung.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho biết năm 2017 thế giới trải qua nhiều mối đe dọa, trong đó các cuộc xung đột ngày càng nghiêm trọng cũng như những quan ngại của cộng đồng quốc tế về vũ khí hạt nhân đã lên tới mức nghiêm trọng nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Trong khi đó, những tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu đang diễn biến xấu đi ở tốc độ đáng báo động, tình trạng bất bình đẳng gia tăng và xảy ra một loạt vụ vi phạm quyền con người tồi tệ. Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng cho rằng chủ nghĩa dân tộc và bài ngoại đang có xu hướng gia tăng.

Tuy nhiên, ông Guterres bày tỏ niềm tin rằng thế giới có thể được thay đổi theo hướng an toàn hơn, những cuộc xung đột có thể được giải quyết, sự thù hận sẽ được xóa bỏ và những giá trị chung được bảo vệ. Đặc biệt ông nhấn mạnh rằng đoàn kết là chìa khóa để đạt được những mục tiêu này.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc nêu rõ: "Đoàn kết chính là con đường. Tương lai của chúng ta phụ thuộc vào điều này." Ông hối thúc các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới bước sang Năm mới cùng hành động để "thu hẹp khoảng cách, hàn gắn sự chia rẽ, tái gây dựng lòng tin bằng cách đoàn kết người dân xung quanh những mục tiêu chung".

Trong khi đó, trong thông điệp phát đi ngày 31-12, Giáo hoàng Francis (Phran-xít) cho rằng năm 2017 thế giới bị tàn phá bởi "chiến tranh, những lời nói dối và sự bất công", đồng thời kêu gọi mọi người chịu trách nhiệm cho các hành động của mình.

Lãnh đạo các cường quốc Âu - Mỹ

Trước thềm Năm mới, Tổng thống Mỹ Donald Trump dự báo năm 2018 sẽ là một năm "tuyệt vời" đối với nước Mỹ. Phát biểu với báo giới ngày 31-12 trước thềm bữa tiệc chào đón Năm mới 2018 tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago thuộc bang Florida, Tổng thống Trump cho rằng thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục khởi sắc, và các công ty sẽ tiếp tục đầu tư vào Mỹ. Nhìn lại năm 2017, ông cho biết Mỹ đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể như cải cách hệ thống thuế và chương trình chăm sóc sức khỏe. Trong đoạn video phát kèm thông điệp năm mới, ông Trump đã gửi lời chúc mừng năm mới và kêu gọi người dân cùng nhau đưa nước Mỹ "vĩ đại trở lại".

Trong khi đó, trong thông điệp Năm mới 2018, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết tiếp tục theo đuổi chương trình cải cách của mình và khởi động việc "phục hưng nước Pháp" trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều tiến triển.

Trong bài phát biểu từ Điện Elysee được phát sóng trên truyền hình, Tổng thống Macron cho biết những thay đổi sâu rộng, được chính phủ thực hiện trong năm 2017, trong đó có lĩnh vực giáo dục và việc làm, sẽ được tiếp tục với "cùng cường độ mạnh mẽ" trong năm 2018. Ông cho biết một "dự án xã hội lớn" sẽ được thực thi, trong đó có việc đảm bảo chăm sóc y tế và nhà ở đối với người vô gia cư. Nhà lãnh đạo Pháp nhấn mạnh năm 2018 sẽ là một năm gắn kết của quốc gia, ông kêu gọi người dân nước này xóa bỏ "những bất đồng không thể hòa giải" mà ông cho rằng sẽ làm suy yếu đất nước.

Đối với châu Âu, ông Macron tái khẳng định các cam kết đối với khu vực, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng "châu Âu tốt cho Pháp". Ông cũng kêu gọi người Pháp tham gia những cuộc lấy ý kiến người dân nhằm khiến cho châu Âu đoàn kết hơn và dân chủ hơn. Ngoài ra, ông Macron cũng cam kết kiên quyết chống lại khủng bố tại Trung Đông, châu Phi và trên lãnh thổ Pháp trong năm 2018.

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trong thông điệp Năm mới ngày 31-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ hy vọng Năm mới sẽ đem lại những điều tốt đẹp hơn cho cuộc sống của mỗi người dân và mọi gia đình Nga.

Trong bài phát biểu được phát trên truyền hình, Tổng thống Putin cũng gửi lời chúc đặc biệt đến những người dân đang phải làm việc, phục vụ trong quân ngũ và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Ông chúc cho nước Nga được sống trong hòa bình và thịnh vượng.

Về phần mình, Thủ tướng Đức Angela Merkel cam kết thành lập một chính phủ ổn định và phối hợp với Pháp để tăng cường tiến trình hội nhập châu Âu trong năm 2018.

Trong bối cảnh tiến trình đàm phán chính trị về thành lập chính phủ liên minh tại Đức đang diễn ra hết sức khó khăn, Thủ tướng Merkel tuyên bố sẽ theo đuổi sứ mệnh nhanh chóng thành lập một chính phủ ổn định cho nước Đức trong năm mới. Bà cũng lên tiếng về cam kết của Berlin với sự hội nhập châu Âu, cho rằng tương lai của nước Đức gắn bó chặt chẽ với tương lai của châu Âu. Bà kêu gọi các nước thành viên EU cần trở thành một cộng đồng gắn kết hơn nữa, giải thích rằng điều này sẽ rất quan trọng trong những năm sắp tới. Đề cập tới vai trò của Pháp, Thủ tướng Đức nhấn mạnh: "Đức và Pháp muốn phối hợp để đạt được kết quả này và giúp châu Âu sẵn sàng cho tương lai".

Trong thông điệp Năm Mới ngày 31-12, Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố việc Anh đạt được thỏa thuận rời khỏi EU (Brexit) trong năm 2018 có ý nghĩa quyết định, nhưng sẽ không cản trở những tham vọng của nước này.

Nhà lãnh đạo Anh cho biết các cuộc thương lượng trong Năm Mới sẽ tập trung vào những vấn đề sống còn về thương mại và an ninh khi Anh tiếp tục đàm phán về việc rời khỏi EU.

 

Thủ tướng Anh Theresa May.

Bà nhấn mạnh: "Tôi quả quyết, chúng ta sẽ tiếp tục đạt được tiến triển tốt trong năm 2018 hướng tới một thỏa thuận Brexit thành công, một nền kinh tế phù hợp với tương lai, cùng một xã hội mạnh mẽ và công bằng hơn với mọi người."

Bên cạnh vấn đề Brexit, bà May còn thể hiện mong muốn nước Anh tiếp tục tạo sự khác biệt trong những vấn đề tác động tới cuộc sống thường nhật của người dân, như xây dựng nền kinh tế cho tương lai, chi tiêu chính phủ, nhà ở...

Và lãnh đạo các nước châu Á

Trong bài phát biểu nhân dịp Năm mới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết rằng nước này sẽ tiến hành cải cách triệt để trong năm 2018.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định đến năm 2020 sẽ xóa bỏ trình trạng nghèo đói cùng cực của người dân nông thôn. Về vấn đề quốc tế, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc sẽ duy trì quyền hạn và quy chế của Liên hợp quốc, tích cực tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế, thực thi cam kết nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, đóng góp vào hòa bình phát triển toàn cầu và trật tự quốc tế.

Thông điệp Năm Mới của Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon cùng ngày cho biết Chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực đưa mức thu nhập bình quân đầu người vượt ngưỡng 30.000 USD ngay trong năm tới. Trong thông điệp Năm Mới, Thủ tướng Lee Nak-yon còn nêu rõ mục tiêu trên là hoàn toàn có thể đạt được nhưng đồng thời cũng đặt ra cho chính phủ nhiều nhiệm vụ mới.

Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng nhấn mạnh rằng Chính phủ Hàn Quốc cần phải nỗ lực để duy trì sự tăng trưởng của nền kinh tế. Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ Hàn Quốc sẽ nỗ lực ở mức độ cao nhất nhằm cải thiện các điều kiện xã hội, đặc biệt là bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của người dân.

Bên cạnh đó, ông Lee Nak-yon cũng kêu gọi người dân hỗ trợ để đảm bảo thành công của kỳ Thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018 và cuộc tranh tài của các vận động viên khuyết tật sẽ diễn ra tại Hàn Quốc vào đầu năm tới, qua đó làm cho thế giới và đất nước Hàn Quốc được sống trong hòa bình và thịnh vượng.

Còn nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 01-01 tuyên bố nước ông sẵn sàng cử đoàn tới tham dự Olympic mùa Đông PyeongChang 2018 sẽ được tổ chức tại Hàn Quốc vào đầu năm nay. Nhà lãnh đạo Kim cũng cho rằng hai miền Triều Tiên cần cải thiện quan hệ và khẳng định Triều Tiên luôn để mở cánh cửa đối thoại.

Bản tin của Yonhap trích dẫn thông điệp năm mới của ông Kim, trong đó có đoạn nhấn mạnh: “Thế vận hội mùa Đông sẽ được tổ chức tại Hàn Quốc sẽ là một dịp tốt đối với nước này. Chúng tôi chân thành hy vọng Thế vận hội mùa Đông này sẽ là một thành công. Chúng tôi sẵn sàng thực hiện nhiều bước đi, kể cả việc cử đoàn tới đó.” Ngoài ra, nhà lãnh đạo này cũng nói rằng Triều Tiên để ngỏ khả năng đàm phán với Hàn Quốc về việc tham gia các kỳ Thế vận hội mùa Đông trong tương lai.

Đây là lần đầu tiên Triều Tiên công bố chính thức về việc họ sẵn sàng tham gia Thế vận hội PyeongChang, sẽ diễn ra từ ngày 09 đến ngày 25-02.

Cũng trong thông điệp trên, ông Kim Jong-un đã gửi lời cảnh báo đanh thép tới Mỹ, nêu rõ: "Toàn bộ lãnh thổ Mỹ nằm trong tầm bắn của các vũ khí hạt nhân nước ta, và một nút hạt nhân luôn nằm trên bàn của tôi. Đây là sự thật, không phải lời đe dọa. Năm nay chúng ta cần tập trung sản xuất hàng loạt đầu đạn hạt nhân và tên lửa đạn đạo để triển khai hoạt động. Những vũ khí này sẽ chỉ được sử dụng nếu an ninh nước chúng ta bị đe dọa."

Theo nhà lãnh đạo Triều Tiên, Mỹ sẽ không bao giờ có thể phát động chiến tranh với Bình Nhưỡng.

Từ Myanmar, Tổng thống U Htin Kyaw kêu gọi người dân nước này phối hợp với chính phủ trong việc xây dựng một quốc gia hòa bình, thịnh vượng và phát triển. Ông cho biết kể từ khi lên nắm quyền điều hành đất nước, Chính phủ Myanmar đã nỗ lực hết sức để đạt được hòa bình, hòa giải dân tộc, xây dựng một đất nước dân chủ, và cải thiện đời sống kinh tế xã hội của người dân. Cùng ngày, hai phó tổng thống U Myint Swe và U Henry Van Thio cũng bày tỏ hy vọng đất nước và người dân Myanmar sẽ có thể sớm đạt được hòa bình và phát triển.

 

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha.

Ngày 31-12-2017, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha khẳng định dù hiện không có dấu hiện của bất ổn và đất nước được xem là hòa bình, chính phủ nước này không loại trừ khả năng không tổ chức tổng tuyển cử trừ phi tình hình trở nên bình thường trong năm 2018.

Ngoài ra, ông Prayut cũng bác bỏ các đồn đoán rằng ông đã thành lập một đảng chính trị để chuẩn bị cho việc tiếp tục nắm giữ quyền lực sau cuộc bầu cử dự kiến vào cuối năm nay.

Trong buổi trả lời báo chí vào cuối năm, Thủ tướng Thái Lan nói: “Nếu các bạn muốn có bầu cử, các bạn phải giữ trật tự. Tôi không thể ra lệnh tổ chức bầu cử nếu xung đột vẫn tiếp diễn và tôi không thể chịu trách nhiệm về những tranh chấp. Tôi muốn cảnh báo rằng không ai được gây bất ổn cho đất nước. Người dân cũng không nên ủng hộ những kẻ tạo ra các khó khăn cho đất nước.”

Trước đó, các chính đảng đã lên tiếng chỉ trích ông Prayut vì dùng quyền ra sắc lệnh theo Điều 44 hiến pháp sau đảo chính để sửa đổi Luật Chính đảng. Theo các đảng này, hành động của ông Prayut sẽ gây khó khăn cho các đảng trong khi tạo lợi thế cho việc lập ra một đảng mới ủng hộ ông Prayut tiếp tục cầm quyền.

Đảng Pheu Thai đã nộp đơn khiếu nại lên Tòa án Hiến pháp và đảng Dân chủ cũng đang có ý định làm điều tương tự.

Theo Tạp chí Cộng sản

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều