Thực hiện chính sách dân tộc về phát triển kinh tế và văn hóa - thông tin ở CHDCND Lào hiện nay

(Mặt trận) - Qua hơn 35 năm đổi mới, việc tổ chức thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đã đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách dân tộc ở Lào thời gian qua chưa khai thác được mọi tiềm năng, thế mạnh của các vùng, các dân tộc, do đó điều kiện sống của nhân dân các dân tộc còn khó khăn.  
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu dự chiêu đãi kỷ niệm 45 năm Quốc khánh Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. (TTXVN)
Nội dung chính sách dân tộc về phát triển kinh tế và văn hóa - thông tin ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào          

Chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước Lào mang tính toàn diện, tổng hợp tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội của các dân tộc và quan hệ dân tộc trong cộng đồng dân tộc quốc gia; trong đó, phát triển kinh tế là nền tảng để phát triển các lĩnh vực khác của đời sống đồng bào các dân tộc. Chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước Lào là sự vận dụng đúng đắn chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Kaysone Phomvihane vào hoàn cảnh lịch sử, hoàn cảnh cụ thể của đất nước và các dân tộc ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, thể hiện rõ trên quan điểm: "vấn đề dân tộc có vị trí chiến lược lớn lâu dài. Thực hiện bình đẳng, đoàn kết hài hòa, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc trong sự nghiệp đổi mới"1.

Để đảm bảo cho việc thực hiện chính sách dân tộc có hiệu quả, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã có Nghị định số 03 năm 2004 của Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào về việc xây dựng chính trị cơ sở và nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng. Theo đó, những nội dung chính sách dân tộc về phát triển kinh tế và văn hóa - thông tin của Đảng và Nhà nước Lào được tập trung thông qua các điểm quan trọng. 1) Nội dung chính sách dân tộc trên lĩnh vực kinh tế. Phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, miền núi và vùng đồng bào các dân tộc là một bộ phận quan trọng hữu cơ của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc dân. Trong đó, đầu tư cho phát triển kinh tế hộ gia đình, xóa đói giảm nghèo, xây dựng bản và cụm bản phát triển; xây dựng cơ sở hạ tầng; ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, chăn nuôi gắn với phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn ở các tỉnh miền Bắc nước Lào; 2) Nội dung chính sách dân tộc về văn hóa - thông tin. Đối với quốc gia dân tộc nói chung và từng dân tộc nói riêng, văn hóa là yếu tố hết sức quan trọng Chính sách về văn hóa là chính sách đặc trưng cho sự phát triển bền vững, tổng hợp trong đó các phương diện văn hóa của kinh tế, xã hội cùng với đặc thù của văn hóa tinh thần. Nội dung chính sách văn hóa ở Lào chủ yếu trên một số phương diện: bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của các dân tộc, phát triển mạng lưới phát thanh, truyền hình bằng các tiếng dân tộc; xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục và đào tạo...

Thực tiễn triển khai thực hiện chính sách dân tộc về phát triển kinh tế và văn hóa - thông tin ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào

Nhà nước ưu tiên đầu tư vốn theo hướng tăng tỉ trọng đầu tư trực tiếp cho phát triển cơ sở hạ tầng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết những bức xúc về mặt xã hội. Ngân sách Nhà nước đầu tư chủ yếu tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng như: hệ thống đường giao thông, hệ thống điện lưới, thủy lợi, nước sạch, trạm y tế, bệnh viện, trường học.

Trong những năm qua, đặc điểm và phương thức đầu tư ở Lào đã có sự điều chỉnh mới, các vùng dân tộc, vùng sâu vùng xa được đầu tư mạnh hơn trong các chương trình, dự án phát triển theo mục tiêu quốc gia, kết quả này thấy rõ trong việc Đảng và Nhà nước quan tâm trong việc đầu tư vốn ngân sách Nhà nước vào xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn về đường giao thông, thủy lợi, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục.

Cơ cấu sản xuất ở Lào trong những năm gần đây có sự chuyển biến theo hướng: giảm tỷ trọng giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp, tăng giá trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Nền kinh tế Lào hiện nay đã bắt đầu chuyển dịch sang khu vực chế biến và dịch vụ chất lượng cao hơn, gắn với giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập của người dân theo hướng bền vững hơn. Điều này thể hiện rõ qua các số liệu tăng trưởng kinh tế của Lào trong từng giai đoạn. Trong giai đoạn 5 năm (2016 - 2020) kinh tế Lào tiếp tục phát triển liên tục, trung bình tăng 5,8% một năm (năm 2016: 7,02%, năm 2017: 6,9%, năm 2018: 6,13%, năm 2019: 5,5%, và trong năm 2020 tăng 3,3%) điều này cho thấy tỷ lệ phát triển liên tục nhưng vẫn thấp hơn so với kế hoạch đề ra (kế hoạch đề ra là 7,2%)2 do ảnh hưởng từ tình hình dịch bệnh Covid -19. Trong đó ngành nông nghiệp tăng: 2,1% (theo kế hoạch là 3,4%,), ngành công nghiệp tăng 9,1% (theo kế hoạch là 9,3%), ngành dịch vụ tăng 4,4% (theo kế hoạch là 8,1%), và thuế hải quan tăng 5,2% (theo kế hoạch là 5%).3 Yếu tố thúc đẩy phát triển kinh tế Lào thời điểm gần đây phần lớn là từ ngành công nghiệp, đặc biệt là ngành năng lượng điện và xây dựng. Đối với lĩnh vực bán buôn - bán lẻ, lĩnh vực tài chính, bảo hiểm tăng trưởng khá, nhưng đóng góp vào nền kinh tế thấp.

Tổng sản phẩm quốc nội ở Lào (GDP) trên đầu người đã tăng từ 2.025 USD năm 2016 lên 2.654 USD năm 2019 tăng đến 2.664 trong năm 2020 (theo kế hoạch 2.978 USD). Tổng thu nhập quốc dân (GNI) vẫn tăng dần theo các năm, đạt được 2.106 USD trong năm 2020 (theo kế hoạch: 2354 USD)4

Đến năm 2021, đời sống người dân ở Lào đã được cải thiện. Tình trạng nghèo đói ở các dân tộc thiểu số đã giảm; người dân các dân tộc, các lứa tuổi, giới tính được tiếp cận với các dịch vụ giáo dục và y tế có chất lượng; nền văn hóa đặc sắc của các dân tộc được bảo vệ và củng cố; tình hình chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội, công bằng, minh bạch được giữ vững.

Công nghệ thông tin là một trong những ngành có chuyển biến tích cực nhất ở Lào trong thời gian gần đây khi đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống, xã hội và doanh nghiệp. Đến năm 2021, Lào đã hoàn thành việc phóng vệ tinh LAOSAT-1; có hệ thống Kiểm soát Vệ tinh mặt đất và Hệ thống Viễn thông và Phát thanh Truyền hình Vệ tinh. Hoàn thành việc xây dựng ba Trạm quan trắc từ xa tại Thủ đô Viêng Chăn; đã mở rộng mạng lưới truyền dẫn cáp quang cả trên không và dưới mặt đất. Hiện nay, Lào đã hoàn thành tích hợp hệ thống liên lạc một cửa; hoàn thành việc chuyển quyền sở hữu miền quốc gia Lào (.LA) từ nước ngoài về quản lý tại địa phương trong nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, mở rộng và nâng cấp Trung tâm Internet quốc gia Lào. Hoàn thành việc mở rộng mạng lưới điện thoại quốc tế và các trung tâm internet để đáp ứng mọi lượng kết nối trong nước và quốc tế.

Thành tựu và hạn chế trong việc thực hiện chính sách dân tộc về phát triển kinh tế và văn hóa - thông tin ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào

Việc thực hiện chính sách dân tộc góp phần tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm trên tất cả các lĩnh vực và ở tất cả các địa phương, từ vùng sâu vùng xa cho tới khu vực thành thị. Trong đó bao gồm các kết quả cơ bản như: Tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trong cả nước; Chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng; Chuyển đổi cơ cấu sản xuất ở nông thôn; Phát triển cân bằng giữa các vùng và địa phương; Đảm bảo đời sống cho nhân dân các dân tộc.

Việc triển khai thực hiện mục tiêu phấn đấu trong các Nghị quyết của Đảng và chiến lược, kế hoạch của Nhà nước, mức hỗ trợ, đầu tư qua ngân sách của Nhà nước cho phát triển cơ sở hạ tầng ở Lào từ sau đổi mới đến nay đã được điều chỉnh và tăng cao. Nhà nước ưu tiên đầu tư vốn theo hướng tăng tỉ trọng đầu tư trực tiếp cho phát triển cơ sở hạ tầng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết những bức xúc về mặt xã hội. Ngân sách Nhà nước đầu tư chủ yếu tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng như: hệ thống đường giao thông, hệ thống điện lưới, thủy lợi, nước sạch, trạm y tế, bệnh viện, trường học. Trong những năm qua, đặc điểm và phương thức đầu tư ở Lào đã có sự điều chỉnh mới, các vùng dân tộc, vùng sâu vùng xa được đầu tư mạnh hơn trong các chương trình, dự án phát triển theo mục tiêu quốc gia, kết quả này thấy rõ trong việc Đảng và Nhà nước quan tâm trong việc đầu tư vốn ngân sách Nhà nước vào xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn về đường giao thông, thủy lợi, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục...

Việc thực hiện các chính sách dân tộc góp phần bảo vệ, giữ gìn truyền thống các dân tộc và phát triển văn hóa - thông tin. Lào đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội và đạt được những thành tựu nhất định. Với tỷ lệ sử dụng internet và điện thoại di động rất cao như hiện nay, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Lào đã đến với người dân ở tất cả các vùng miền của đất nước, đồng thời thỏa mãn nhu cầu văn hóa của nhân dân các dân tộc, nhiều chương trình phát triển văn hóa đã được quan tâm và cụ thể hóa trên thực tế như: phủ sóng internet cả nước, xây dựng hệ thống trang web điện tử, cổng thông tin điện tử theo hệ thống từ Trung ương xuống địa phương, ở khắp các vùng miền, miền núi. Các website điện tử đã được đảm bảo về chất lượng và nhu cầu thông tin của Nhân dân. Đặc biệt là các trang web chính thống, cổng thông tin điện tử tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc nhằm phục vụ nhu cầu tìm hiểu, mở mang kiến thức, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân các dân tộc, góp phần thúc đẩy Nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Lào; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc.

Lĩnh vực kinh tế, ở miền núi và các vùng dân tộc thiểu số vẫn còn chậm phát triển, nhiều nơi còn lúng túng trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tập quán canh tác còn lạc hậu. Chất lượng sản phẩm thấp, tiêu thụ khó khăn. Tình trạng du canh, du cư, di cư tự do còn diễn ra phổ biến, phức tạp. Một số hộ gia đình còn thiếu đất sản xuất, kết cấu hạ tầng ở nhiều nơi còn thấp kém. Kinh tế nông - lâm nghiệp chuyển biến chậm, thể hiện ở tỷ lệ của nông nghiệp trong GDP trong từng giai đoạn còn cao, hiện nay vẫn chiếm 16% năm 2021, giảm không đáng kể so với 16,51 % năm 20205. Quá trình phát triển kinh tế thị trường cũng còn nhiều hạn chế, những yếu tố thị trường chưa được chú trọng, còn mang tính tự phát, không ổn định, sản phẩm tạo ra không có người mua. Việc thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo trong những năm qua đã có bước tiến đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo ở các tỉnh giảm nhanh. Nhưng các hộ gia đình thoát nghèo theo tiêu chuẩn chưa thật vững chắc, tỷ lệ hộ tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới khá cao.

Lĩnh vực văn hóa - thông tin, các hoạt động văn hóa chưa thường xuyên, sinh hoạt văn hóa còn nghèo nàn, đơn điệu. Nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần vẫn còn thấp. Các loại hình văn hóa thông tin tuy có phục vụ nhưng chưa được thường xuyên, chủ yếu phục vụ các ngày lễ, tết quan trọng. Hiệu quả sử dụng các công trình văn hóa, hệ thống phát thanh, truyền hình thời gian qua chưa cao. “Mỗi ngày tiếp sóng thời sự từ Đài phát thanh Trung ương của các tỉnh chỉ 2 lượt mỗi lượt 1 tiếng; phát sóng thời sự Đài phát thanh của tỉnh với thời gian 90 phút bằng 3 thứ tiếng dân tộc; Đài truyền hình phát sóng thời sự với thời gian 30 phút và chỉ khu vực thị trấn tỉnh, thị xã của huyện có thể tiếp sóng được, các vùng khác ngoài thị xã, thị trấn phải sử dụng đầu thu hình mới có thể tiếp sóng được, nhưng ít có người xem các chương trình phát sóng của Đài truyền hình Lào mà đa số xem các chương trình phát sóng truyền hình của Thái Lan”6.

Việc khai thác, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống còn hạn chế. Các địa điểm văn hóa truyền thống chưa được khai thác thành điểm tựa du lịch, mới chỉ có một số nơi khai thác được, tập trung ở tỉnh Oudomxay, Luang Prabang. Còn các điểm du lịch tự nhiên ở Phongsaly, Hua Phan, Xayabury, Xiengkhuang; khu di tịch lịch sử và các hàng động căn cứ cách mạng cũ ở Hua Phan, điểm khảo cổ Cánh đồng chum ở tỉnh Xiengkhuang chưa được khai thác, phát triển nhiều.

Qua hơn 35 năm đổi mới, việc tổ chức thực hiện chính sách dân tộc về phát triển kinh tế và văn hóa - thông tin của Đảng và Nhà nước Lào trên phạm vi cả nước đã đạt được những thành tựu đáng kể. Đây là tiền đề quan trọng cho việc mở mang kinh tế, đẩy mạnh giao lưu, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, các dân tộc; nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc ở Lào đã bước đầu được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào còn bộc lộ những mặt hạn chế, đòi hỏi phải đổi mới việc thực hiện chính sách dân tộc nhằm đáp ứng yêu cầu mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chú thích:

1.   Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Quốc gia Lào, Viêng Chăn, tr.14.

2,3,4. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia 5 năm lần thứ IX (2021-2025) ( Thông qua trong kì họp Quốc hội khóa IX từ ngày 22-26/3/2021 theo Nghị quyết số 20/QH, ký ngày 26/3/2021), tr.12.

5.  Tổng cục Thống kê quốc gia - Bộ Kế hoạch và đầu tư, Niên giám thống kê 2021, Thủ đô Viêng Chăn, 3/2022, tr. 8.

6.  Eryso PHANTIVONG (2018), Luận án tiến sĩ Chủ nghĩa xã hội khoa học  “Thực hiện chính sách dân tộc ở các tỉnh miền Bắc nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào hiện nay”, tr. 96.

Nguyễn Thị Lý 

 Thạc sĩ, Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều