Thực hiện lời hứa bằng mọi giá

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia ở biên giới với Mexico, nhằm tìm kiếm nguồn tiền mà Quốc hội từ chối cấp cho việc xây dựng bức tường dọc biên giới phía Nam. Động thái trên không chỉ làm gia tăng căng thẳng trong cuộc đối đầu giữa Nhà Trắng và phe Dân chủ kiểm soát Hạ viện trong “cuộc chiến ngân sách”…

Đằng sau quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp

Các quan chức Nhà Trắng cho hay, với việc ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, Tổng thống Donald Trump có thể huy động 3,6 tỷ USD từ ngân sách dành cho các dự án xây dựng của quân đội để xây bức tường biên giới phía Nam. Ngoài ra, ông Donald Trump còn có thể huy động thêm 2,5 tỷ USD từ các chương trình liên bang và 600 triệu USD từ Quỹ tịch thu tài sản của Bộ Tài chính. Cùng với khoản tiền 1,375 tỷ USD trong gói chi tiêu của Chính phủ mà Quốc hội thông qua mới đây, sẽ có tổng cộng khoảng 8 tỷ USD cho kế hoạch xây tường biên giới. Con số này vượt xa so với khoản tiền 5,7 tỷ USD mà Tổng thống Donald Trump đề nghị với Quốc hội.

Quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia được Tổng thống Donald Trump đưa ra sau khi thất bại trong cuộc chiến ngân sách với Quốc hội kéo dài 2 tháng qua, vốn khiến Chính phủ liên bang Mỹ phải “chịu trận” bằng việc bị đóng cửa một phần trong suốt 35 ngày, quãng thời gian dài nhất trong lịch sử nước này. Trước đó, Thượng viện và Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật ngân sách nhằm ngăn nguy cơ Chính phủ bang đóng cửa trở lại, không bao gồm khoản tiền 5,7 tỷ USD mà Tổng thống Donald Trump đề nghị Quốc hội cấp cho việc xây dựng bức tường biên giới với Mexico.

Phát biểu tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump khẳng định, tình trạng người di cư ở Trung Mỹ đổ dồn về khu vực biên giới Mỹ - Mexico là “một cuộc xâm chiến của ma túy và tội phạm vào nước này”. Ông Donald Trump nêu rõ, “Chúng ta sẽ đối phó với khủng hoảng an ninh quốc gia ở biên giới phía Nam và chúng ta sẽ thực hiện điều đó bằng cách này hay cách khác”. Tuy nhiên, tình hình ở biên giới phía Nam của Mỹ có thực sự là trường hợp khẩn cấp quốc gia hay không vẫn còn là vấn đề bàn cãi, trong bỗi cảnh tỷ lệ người nhập cư trái phép vượt biên vào Mỹ trên thực tế hiện đã giảm so với những thập kỷ trước.

Việc ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm huy động ngân sách để xây tường biên giới cho thấy quyết tâm của Tổng thống Donald Trump trong thực hiện lời hứa khi tranh cử bằng mọi cách. Kế hoạch xây tường dọc biên giới với Mexico nhằm ngăn người di cư bất hợp pháp, tội phạm và ma túy tràn vào Mỹ là lời hứa được ông Donald Trump đưa ra khi còn tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Tuy nhiên, cho đến nay, nhà lãnh đạo này vẫn chưa tìm được nguồn kinh phí nhằm hiện thực hóa cam kết trên.

Giới chuyên gia nói rằng, tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia cho phép Tổng thống tiếp cận các quyền lực đặc biệt, bỏ qua tiến trình chính trị thông thường tại Quốc hội. Luật Khẩn cấp quốc gia năm 1976 cho phép ông Donald Trump có thể tiếp cận ngân sách của Bộ Quốc phòng dành cho các công trình xây dựng của quân đội. Cũng theo Luật này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ phải quyết định liệu kế hoạch xây tường biên giới có cần thiết phải huy động đến ngân sách của Bộ Quốc phòng hay không.

Phát biểu ngày 16.2, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cho biết, chưa quyết định bức tường biên giới với Mexico có phải hạng mục xây dựng cần thiết của quân đội không và cũng chưa quyết định Lầu Năm góc sẽ chi bao nhiều tiền cho công trình này.

Và “cuộc chiến” pháp lý

Việc Tổng thống Donald Trump “vượt mặt” Quốc hội Mỹ khi ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để huy động ngân sách cho kế hoạch xây tường biên giới đã lập tức vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của các nghị sĩ đảng Dân chủ. Trong tuyên bố chung, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và lãnh đạo đảng Dân chủ trong Thượng viện Chuck Schumer đã chỉ trích mạnh mẽ động thái của Tổng thống Trump là hành động tiếm quyền. Bà Pelosi còn cho rằng, động thái này sẽ tạo tiền lệ cho những Tổng thống khác đi ngược lại ý chí của Quốc hội.

Thống đốc California Gavin Newsom tuyên bố, bang California sẽ khởi kiện Tổng thống Donald Trump vì lạm quyền hành pháp khi ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, ngụy tạo khủng hoảng tại biên giới. Tổng chưởng lý New York Letitia James cũng cho biết, văn phòng của bà sẽ theo đuổi vụ kiện Tổng thống.

Trong khi đó, một số chuyên gia pháp lý chỉ ra rằng, bằng việc ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, Tổng thống Donald Trump đã khơi mào cho những tranh cãi liên quan đến Hiến pháp Mỹ về việc ai có quyền kiểm soát ngân sách liên bang cũng như giới hạn thẩm quyền của Tổng thống, trong bối cảnh chính quyền chia rẽ.

Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ cho biết, sẽ lập tức điều tra về việc Tổng thống ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, trong khi các hạ nghị sĩ đảng Dân chủ lên kế hoạch đưa ra dự luật nhằm cản trở động thái của Tổng thống Donald Trump. Theo Luật Khẩn cấp quốc gia, Hạ viện và Thượng viện có thể đưa ra một nghị quyết chung nhằm chấm dứt tình trạng khẩn cấp, nếu họ tin rằng Tổng thống hành động thiếu trách nhiệm hoặc mối đe dọa đã tan biến.

 Luật Khẩn cấp quốc gia cũng quy định, nếu một viện Quốc hội thông qua nghị quyết chấm dứt tình trạng khẩn cấp thì viện còn lại phải đưa ra bỏ phiếu trong vòng 18 ngày. Tuy nhiên, trừ khi được thông qua với đa số tuyệt đối (quá 2/3 số phiếu thuận) ở cả Hạ viện và Thượng viện, nghị quyết chung của Quốc hội về việc chấm dứt tình trạng khẩn cấp quốc gia cần được Tổng thống ký ban hành.

Theo Ngọc Khánh/Báo Đại biểu Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều