Tổng thống Mỹ sa thải Bộ trưởng Tư pháp: Đối phó với thách thức

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7/11 đã sa thải Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions, người chịu trách nhiệm giám sát cuộc điều tra về nghi vấn Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Không những thế, ông Trump còn dọa điều tra lại đảng Dân chủ, nếu đảng này định tận dụng thế đa số tại Hạ viện để mở các cuộc điều tra nhằm vào người đứng đầu Nhà Trắng.

Động thái đầu tiên

Trong thư từ chức gửi Tổng thống Trump, ông Sessions cho biết, quyết định này được thực hiện theo yêu cầu của người đứng đầu Nhà Trắng. Trong khi đó, thông báo trên mạng xã hội Twitter ngày 7.11, Tổng thống Trump cho biết, đã chỉ định Chánh văn phòng của Bộ trưởng Tư pháp Matthew Whitaker tạm thời thay thế vị trí của ông Sessions.

Bộ Tư pháp Mỹ cũng xác nhận, ông Whitaker sẽ tiếp quản vai trò giám sát quá trình điều tra về nghi vấn Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cách đây 2 năm từ Thứ trưởng Rod Rosenstein. Cuộc điều tra hiện do ông Muller dẫn đầu còn nhằm tìm kiếm manh mối về khả năng “bắt tay” giữa Moscow và đội ngũ chiến dịch tranh cử của ông Trump trong dàn xếp kết quả bầu cử. Cả Moscow và Washington đều một mực bác bỏ mọi cáo buộc liên quan đến bầu cử. Tổng thống Trump còn ví cuộc điều tra do ông Muller dẫn đầu với cuộc “săn phù thủy” lớn nhất lịch sử Mỹ nhằm vào một chính trị gia.

 

Quyết định sa thải Bộ trưởng Tư pháp được Tổng thống Trump đưa ra ngay sau khi đảng Dân chủ giành lại kiểm soát Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Đây được nhìn nhận là những động thái đầu tiên của Tổng thống Trump đối phó với thách thức từ các nghị sĩ phe đối lập. Với việc nắm quyền kiểm soát các ủy ban tại Hạ viện sau chiến thắng trong cuộc đua vào cơ quan lập pháp này, đảng Dân chủ giờ đây có thể tìm cách mở các cuộc điều tra nhằm vào Tổng thống Trump, liên quan đến hồ sơ thuế cá nhân của ông, khả năng xung đột lợi ích hay nghi vấn liên hệ giữa chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016 của ông Trump và Nga, vấn đề đang được ông Muller điều tra.

Trong cuộc họp báo tại Washington ngày 7.11, Tổng thống Trump cảnh báo viễn cảnh đối đầu căng thẳng ở Washington, nếu phe Dân chủ trong Quốc hội tìm cách mở các cuộc điều tra nhằm vào ông. Người đứng đầu Nhà Trắng cho biết, có thể sa thải bất cứ ai, kể cả Công tố viên đặc biệt Mueller, nếu muốn. Tuy nhiên, ông tuyên bố, không muốn dừng cuộc điều tra này lại.

Điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ sẽ ra sao?

Việc Tổng thống Trump sa thải ông Sessions và bổ nhiệm ông Whitakes làm Bộ trưởng Tư pháp tạm quyền đã làm dấy lên nghi ngại, người đứng đầu Nhà Trắng đang tìm cách cản trở quá trình điều tra thách thức vị trí Tổng thống của ông. Quy định về Công tố viên đặc biệt của Mỹ cho phép Bộ trưởng Tư pháp hoặc Bộ trưởng Tư pháp tạm quyền có quyền sa thải vị trí này với “lý do tốt” như có hành vi sai trái, lơ là nhiệm vụ, không đủ năng lực hoặc xung đột lợi ích. Tuy nhiên, theo Jens Ohlin, giáo sư luật hình sự tại Trường Luật Cornell, khái niệm “lý do tốt” khá chung chung và khó chứng minh, nhất là khi mọi hành động của ông Muller được phê chuẩn bởi Thứ trưởng Tư pháp. 

Giới phân tích cũng cho rằng, trong trường hợp không sa thải người đứng đầu cuộc điều tra về nghi vấn Nga can thiệp bầu cử, ông Whitaker hoàn toàn có thể cản trở bất kỳ công đoạn nào về thủ tục và điều tra mà ông Muller đề xuất. Thậm chí, Bộ trưởng Tư pháp còn có quyền cắt giảm ngân sách dành cho Văn phòng Công tố viên đặc biệt xuống mức thấp nhất, khiến cuộc điều tra khó có thể tiếp tục.

Vì vậy, động thái của Tổng thống Trump lập tức vấp phải chỉ trích mạnh mẽ từ các nghị sĩ đảng Dân chủ. Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện, người nhiều khả năng sẽ trở thành Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tuyên bố, đây là nỗ lực trắng trợn nhằm cản trở cuộc điều tra liên quan đến Nga. Steny Hoyer, nhân vật số 2 của đảng Dân chủ trong Hạ viện cho rằng, Quốc hội nên thực hiện một hành động lưỡng đảng nhằm bảo vệ tính toàn vẹn của cuộc điều tra do Công tố viên đặc biệt Mueller dẫn đầu. Theo ông Hoyer, nếu việc sa thải ông Sessions là động thái mở màn nhằm can thiệp vào cuộc điều tra của ông Muller, thì Tổng thống phải chịu trách nhiệm.

Nghị sĩ Jerrold Nadler, người dự kiến sẽ làm Chủ tịch Ủy ban Tư pháp của Hạ viện Mỹ nói trong một tuyên bố: “Donald Trump có thể nghĩ rằng ông có quyền thuê và sa thải bất cứ ai ông muốn, nhưng ông không thể hành động như vậy nếu nó được xác định là nhằm lật đổ các quy định của pháp luật và cản trở công lý”.

Trong khi đó, lãnh đạo nghị sĩ đảng Dân chủ trong Thượng viện Chuck Schumer hối thúc, Bộ trưởng Tư pháp tạm quyền Whitakes tự tách mình khỏi sự liên đới tới cuộc điều tra này. Trước đó, ông Whitakes từng công khai chỉ trích cuộc điều tra do Công tố viên đặc biệt Robert Muller dẫn đầu. Theo luật pháp Mỹ, quan chức liên bang có quyền tách mình khỏi nhiệm vụ được giao, nếu nhận thấy sự công minh của bản thân dễ bị nghi vấn.

Tuy nhiên, nhà phân tích chính trị Mỹ Jessica Levinson nhận định, việc cách chức Bộ trưởng Tư pháp không phải quyết định quá bất ngờ. Trên thực tế, Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần công khai chỉ trích ông Sessions do chọn đứng ngoài cuộc trong quá trình điều tra về nghi vấn Nga can thiệp bầu cử. Thay vào đó, nhiệm vụ giám sát cuộc điều tra này được giao cho Thứ trưởng Rod Rosenstein. Theo bà Levinson, quyết định của ông Trump cho thấy Tổng thống muốn tìm người thay thế phù hợp với quan điểm của ông hơn trong vấn đề liên quan đến cuộc điều tra do ông Mueller dẫn đầu và ông Whitaker là người phù hợp.

Theo Ngọc Khánh/Báo Đại biểu Nhân dân

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều